Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với dải đất ven biển khá dài với những mỏ cát lớn có chất lượng tốt như Vân Hải, Cam Ranh, Hà Tĩnh, Nam Ô.... Ngoài ra những khoáng sản đolomit và trường thạch là tiềm năng cho việc phát triển ngành kính với những loại sản phẩm kính có chất lượng tốt.
Tại Việt Nam trước năm 1990 kính được coi là vật liệu cao cấp rất ít thấy trong các nhà dân. Sản phẩm kính nhập ngoại chủ yếu từ các nước Hungari, Tiệp Khắc, Liên Xô.... Năm 1991, sau khi được Liên Xô giúp xây dựng Nhà máy kính Đáp Cầu, đánh dấu sự phát triển của ngành kính Việt Nam cho tới nay đã có rất nhiều công ty kính và sản phẩm sau kính ra đời với công suất vừa và lớn.
Tuy nhiên để có thể hội nhập với thế giới khi hoà vào sân chơi chung WTO thì các doanh nghiệp kính Việt Nam phải chấp nhận nhiều thách thức mới về chất lượng và giá thành sản phẩm. Ngoài việc nâng cao chất lượng kính bằng cải tiến công nghệ thiết bị, cải tiến cách quản lý nhằm hạ giá thành sản phẩm để hướng tới xuất khẩu thì việc kiểm tra chất lượng kính thường xuyên để có thể đưa ra những giải pháp công nghệ tối ưu cho sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là rất cần thiết. Mặt khác, việc đặt ra tiêu chuẩn chất lượng kính để có thể làm hàng rào chất lượng đối với những sản phẩm ngoại nhập nhằm bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng trong nước là rất cần thiết.
Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều công ty sản xuất các loại kính xây dựng cũng như các sản phẩm sau kính nên việc đánh giá chất lượng các sản phẩm kính một cách khách quan nhằm mục đích khuyến cáo cho các công ty nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng cũng như giúp cho các nhà sản xuất xuất khẩu sản phẩm là rất cần thiết. Trong điều kiện hiện nay khi Việt Nam đã ra nhập WTO (cũng có nghĩa là tự do buôn bán) việc kiểm định các tính chất của các sản phẩm kính nhập ngoại vào Việt Nam để đảm bảo tính bền vững cho các công trình cũng như quyền lợi của người tiêu dùng là hết sức cần thiết.
Những vấn đề nêu trên đây cho thấy tính cần thiết của việc thiết lập những phòng thí nghiệm chuyên trách kiểm định các tính chất của vật liệu kính xây dựng mà trước hết là xây dựng một Bộ tiêu chuẩn kính (cả yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử) bao gồm đầy đủ các chủng loại sản phẩm kính hiện có sản xuất và sử dụng trên thế giới và tại Việt Nam.
2. Đặc điểm bộ tiêu chuẩn và kính xây dựng của các nước trên thế giới
- Trên thế giới các nước công nghiệp phát triển đều có Bộ tiêu chuẩn quốc gia của mình về kính như: Đức (Din), Nhật ( JIS), Mỹ ( ASTM), Anh ( BS), Nga ( GOST), Trung Quốc (GB)... và tổ chức tiêu chuẩn quốc tế có ISO, EN...
- Phần lớn trong các bộ tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển đều có các nhóm các tiêu chuẩn về thuật ngữ, định nghĩa và tiêu chuẩn về phân loại, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.
- Tiêu chuẩn ISO rất chú trọng phần phương pháp thử, thông thường phương pháp thử nằm trong một tiêu chuẩn riêng biệt. Còn trong tiêu chuẩn của một số nước khác như ASTM, JIS, EN thì yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử thường được đặt chung trong một tiêu chuẩn.
- Tiêu chuẩn của Trung Quốc bao gồm tiêu chuẩn quốc gia (GB), tiêu chuẩn ngành (YB) được thiết lập rất chi tiết và quy định tiêu chuẩn cụ thể gồm cả phân loại, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử cho từng chủng loại sản phẩm, bao gồm cả các loại phổ biến và các loại đặc chủng.
- Tiêu chuẩn của Nhật ( JIS) có nhiều điểm chung và cơ cấu tương đối gọn và rõ ràng. Bố cục bộ tiêu chuẩn tuy gọn nhưng đều bao trùm được hết các quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với hầu hết các loại sản phẩm kính xây dựng.
3. Tình hình xây dựng tiêu chuẩn về kính xây dựng trong nước
Tại nước ta, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Viện VLXD và cho phép Viện xây dựng mới và dần hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về kính xây dựng, những tiêu chuẩn này phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất trong nước và có thể hội nhập với thế giới. Dự kiến từ năm 2000 đến năm 2010 cơ cấu của Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về kính xây dựng sẽ hoàn thiện bao gồm những tiêu chuẩn về:
- Tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa.
- Tiêu chuẩn về phân loại.
- Tiêu chuẩn về nguyên liệu sản xuất kính xây dựng.
- Tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
- Tiêu chuẩn về phương pháp thử.
Tính đến thời điểm hiện tại, số tiêu chuẩn mới đã xây dựng và ban hành là 17 tiêu chuẩn với các phần sau:
- Tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa sử dụng trong lĩnh vực kính xây dựng.
- Tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm kính thông dụng như: kính kéo, kính cán vân hoa, kính màu hấp thụ nhiệt, kính cốt lưới thép...
- Tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm sau kính như: kính gương, kính phủ phản quang, kính tôi nhiệt an toàn, kính hộp cách nhiệt gắn kín ...
- Tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của một số sản phẩm thuỷ tinh ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng như vải thuỷ tinh, bông thuỷ tinh cách nhiệt...
- Các phương pháp thử của các sản phẩm tương ứng.
Hầu hết những tiêu chuẩn trên đều là những tiêu chuẩn rất cần thiết cho quá trình đánh giá chất lượng sản phẩm và lập tức được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất cũng như xuất nhập khẩu.
Một số tiêu chuẩn hiện nay chưa được xây dựng và ban hành nhưng trong thực tế đã có sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và có nhu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm đó là: kính sun - enegy, kính low - E, kính có lớp phủ nano... Ngoài ra, một số nguyên liệu sử dụng cho ngành kính cũng cần có tiêu chuẩn để giúp cho việc khai thác, sử dụng nguyên liệu có hiệu quả hơn và xuất nhập khẩu nguyên liệu dễ kiểm soát hơn.
Cần soát xét lại những tiêu chuẩn chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, ví dụ như tiêu chuẩn kính dán an toàn.
Nhìn chung, Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về kính xây dựng cơ bản đã đầy đủ, bao trùm các chủng loại sản phẩm cũng như phương pháp thử thông dụng đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng sản phẩm trong nước. Những tiêu chuẩn trên hầu hết được xây dựng dựa trên tài liệu của các nước có ngành công nghiệp kính xây dựng phát triển như Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc..., vì vậy phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, Bộ tiêu chuẩn về kính xây dựng còn cần phải bổ sung thêm trong những năm tới để phù hợp với quá trình phát triển của ngành kính mà hiện nay đang có rất nhiều chủng loại sản phẩm mới nhằm đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như xuất nhập khẩu kính.
Hiện tại, các cơ sở sản xuất kính và sản phẩm sau kính trong nước chủ yếu nhập khẩu các dây chuyền công nghệ của nước ngoài nên chất lượng sản phẩm tương đối tốt, phần lớn đạt tiêu chuẩn TCVN khi kiểm định chất lượng. Tuy vậy các cơ sở sản xuất phải luôn kiểm tra nghiêm ngặt quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu để ổn định chất lượng sản phẩm. Trong quá trình sản xuất và xuất nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng sản phẩm thường xuyên để điều chỉnh kịp thời.
4. Kết luận
Bộ tiêu chuẩn về kính xây dựng đã được Bộ Xây dựng chỉ đạo biên soạn kịp thời nhằm góp phần:
- Kiểm soát được chất lượng của kính xây dựng trong quá trình sản xuất và lắp đặt các công trình xây dựng. Giảm thiểu được việc phá huỷ kính khi kiểm tra chất lượng về độ bền.
- Đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm kính về độ bền trước khi lắp đặt vào công trình.
- Đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng khi sử dụng và đảm bảo an toàn cho con người khi sử dụng kính.
- Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Nguồn: Báo cáo của K.S Lê Thị Báu trong Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ VLXD 2005 - 2009.