Với dây chuyền công nghệ này, 90% lượng bột giấy trong nước thải của quá trình xeo giấy, sản xuất giấy sẽ được thu hồi để tái sử dụng. Công nghệ và dây chuyền thiết bị cũng được chuyển giao một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến giấy của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Ông Nguyễn Hữu Luân, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, dây chuyền công nghệ thiết bị bao gồm các hệ thống xử lý, dẫn nước hồi lưu, hệ thống xử lý định lượng chất xúc tác, hệ thống gạt tuyển nổi thu hồi bột giấy với hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động. Toàn bộ quá trình hoạt động được điều khiển và giám sát tại trung tâm, có chế độ vận hành tại chỗ cho mỗi cụm công nghệ. Các hệ thống bể, bồn và hệ thống cơ khí được thiết kế theo mô hình công nghệ hiện đại của Thụy Điển.
Biện pháp xử lý nước thải bằng công nghệ tuyển nổi được nhiều đơn vị thực hiện. Tuy nhiên việc kết hợp giữa phương pháp sử dụng keo tụ với sục khí để làm tăng thể tích và giảm trọng lượng của bột giấy được coi là điểm mới, khác biệt lớn mà các nhà khoa học của Trung tâm phải thử nghiệm nhiều lần mới tìm ra. Chính điều này giúp cho quá trình tuyển bột nâng cao được tỷ lệ và đảm bảo chất lượng bột giấy thu hồi. Sử dụng phương pháp tuyển nổi này, khoảng 90% lượng bột giấy trong nước thải của quá trình xeo giấy sẽ được thu hồi để tái sản xuất với chất lượng đảm bảo.
Toàn bộ thiết bị trong dây chuyền đều được chế tạo trong nước. Vì thế giá thành chỉ bằng khoảng 60% so với các dây chuyền công nghệ thiết bị nhập từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Luân cho biết, công nghệ này được Trung tâm chuyển giao cho Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên), Công ty TNHH Việt Thắng (Hà Tây) và đang chuyển giao cho một số nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy khác ở Bắc Ninh và Hà Nội.
Ngoài ra, Trung tâm còn dự kiến nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình, làng nghề sản xuất, tái chế giấy ở dạng các modul, bởi các cơ sở sản xuất này sản xuất với công suất nhỏ nên việc lắp đặt dây chuyền xử lý tập trung sẽ rất khó khăn và không mang lại hiệu quả.
Dự tính cuối năm 2009, Trung tâm sẽ triển khai lắp đặt dây chuyền công nghệ này cho khoảng 10 cơ sở sản xuất, chế biến giấy.
Theo Báo Đất việt