2. Đặc điểm công trình giao lộ, góc phố đô thị ngày hôm qua
Do đặc điểm sinh hoạt và tính khép kín trong mỗi phường hội nghề của mình từ nguyên xưa, có cổng phường tối đóng lại, canh gác phòng trừ trộm cướp nên các công trình góc phố trong khu phố cổ Hà Nội: có các bề mặt song song hoặc vuông góc với tuyến phố.
Đối với khu phố Pháp với cách thức quy hoạch phương Tây với tính chất mở nên không gian đường phố đã rộng và dễ quan sát. Các công trình trong khu phố xây dựng thời kỳ Pháp thuộc nếu không sử lý góc vát tại các tuyến phố thương mại, trung tâm, nhà hàng phố thì cũng có khoảng lùi không xây dựng công trình để tạo khoảng thoáng, không gian mở phiá trước công trình, hướng vào giao lộ. Mỗi công trình kiến trúc nơi đây đều góp phần tạo nên tính chất, đặc điểm của nút giao thông (đóng mở) hoặc góp phần nhấn mạnh không gian chủ đạo như tuyến phố Tràng Tiền hướng tới công trình chủ thể Nhà hát Lớn của quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Chỉ lướt qua các tuyến phố quanh hồ Gươm - khu vực trung tâm lịch sử Hà Nội đã thấy rõ các đặc điểm này: Dọc phố Tràng Tiền với Công ty Kim khí Điện máy (góc phố Phan Chu Trinh), Bộ Tài chính (góc phố Ngô Quyền), Trung tâm triển lãm (góc phố Đinh Tiên Hoàng); Dọc phố Đinh Tiên Hoàng với các công trình: Công ty Vàng bạc đá quý, Trung tâm Bưu điện quốc tế (góc phố Đinh Lễ), phố Lê Thái Tổ với các công trình: Trụ sở Công an Quận Hoàn Kiếm (góc phố Tràng Thi), Cục Văn hóa cơ sở (Nhà Khai trí Tiến Đức cũ - ngã ba Lê Thái Tổ và Hàng Trống)… Những công trình xây dựng về sau này cũng đã tiếp tục gìn giữ đặc điểm này như công trình Trangtien Plaza (Bách hoá Tổng hợp cũ - góc phố Hàng Bài); Trung tâm dịch vụ số 1 Bà Triệu (góc phố Hàng Khay, Bà Triệu)....
Đây thực sự là những góc phố đã tạo nên ký hiệu và đặc điểm riêng - những hình ảnh đẹp trong kí ức để nhớ về một đô thị quy củ, văn minh
Đô thị trên thế giới, tùy theo yêu cầu, tính chất của nút mà quyết định hình ảnh các công trình xung quanh. Nhưng dù là đảo giao thông lớn có công trình biểu tượng như Khải hoàn môn nằm giữa 12 tuyến đường hay là tuyến phố hướng tới Opera thì các công trình góc phố đều chung một phong cách, ngôn ngữ kiến trúc, quy mô, chiều cao công trình nhằm nhấn mạnh công trình chủ thể của không gian giao thông này.
3. Tình trạng hiện nay của các nút giao lộ, góc phố
Lợi thế của công trình nút giao lộ, góc phố là nơi mà điều kiện để cảm thụ cảnh quan, thẫm mỹ lớn nhất do khoảng không gian lớn, điểm dừng lâu do đèn tín hiệu giao thông… Sự dễ nhận biết này đã được cácnhà đầu tư nhanh chóng khai thác triệt để lợi thế này để thiết lập quảng cáo hay chiếm dụng bằng được các không gian lợi thế về vị trí này để xây dựng vị thế cho thương hiệu mình.
Những BBQ, KFC, Mac Dornal; những biển quảng cáo rợp trời, án ngữ và thỏa sức vẫy vùng che lấp không gian và văn hóa đô thị mà nút ngã ba Hàng Xanh cũ nay là Ngã tư từ cầu Sái Gòn vào là một ví dụ cần quản lý kiểm soát. Tuy ở đây, bùng binh ở giữa giao lộ đã được tổ chức xanh mướt cây cảnh đẹp nhưng xung quanh lại muôn màu, hình nhộn nhạo, nhốn nháo và làm mất thiện cảm về một nút giao thông trọng yếu của đô thị hòn ngọc Viễn Đông này.
Trong đồ án Quy hoạch chung Hà Nội, những nút giao thông lớn như Ô Chợ Dừa, Ngã tư Vọng, Ngã tư Sở... đều chỉ là kí hiệu khoanh tròn bỏ trắng và được ghi chú là thực hiện theo Dự án riêng. Đến khi chuẩn bị thi công đều có những nghiên cứu bằng vốn ngân sách nhằm thực hiện phương châm ”Nút ra nút” đồng bộ giải quyết cả giao thông và bộ mặt kiến trúc. Các đồ án quy hoạch tuyến dường cũng xác định chức năng công trình tại nút giao thông là công trình công cộng (kí hiệu màu đỏ) nhưng qua triển khai thực tế này đã không xảy ra, những công trình nhà dân nhỏ lẻ, thậm chí ”siêu mỏng siêu méo” (cách gọi của công trình xây dựng không đủ điều kiện xây dựng vì hình dạng và kích thước ô đất) vẫn được xây dựng lên. Thế là lãng phí cả về cơ hội và kinh phí.
Đặc biệt, tại Hà Nội, các công trình quy mô nhỏ (biệt thự xây dựng nơi góc đường trong khu phố cũ (thời kỳ Pháp thuộc) hiện nay đang dần được các nhà quản lý cho ”thay thế” bằng các công trình cao tầng, vừa phá vỡ cấu trúc, tỷ xích không gian cũ, vừa chất tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội vốn đã ọp ẹp, xuống cấp, quá tải… gây nên các hiện tượng ách tắc giao thông giờ cao điểm và những hình thù kiến trúc không phù hợp cảnh quan.
Một số công trình góc đường đã không làm đủ các chức năng vị trí của mình, chỉ quay về một mặt phố chính (như Ngân hàng Quân đội góc phố Bà Triệu – Lý Thường Kiệt) hoặc lấn át công trình chủ thể.(Khách sạn Dân chủ đang xây dựng lại) hoặc không cùng ngôn ngữ trong tổng thể khu vực như chóp mái cầu thang đỏ và nhọn của công an quận Hoàn Kiếm phố Tràng Thi lại nằm giữa hai tháp mái mansard đá ghi xám của góc phố Lê Thái Tổ - Tràng Thi… Cách đây hơn 10 năm, giới chuyên ngành đã sốc khi có nghiên cứu cải tạo 24 nút giao thông trong khu phố cũ bằng những công trình cao tầng thì nay nếu ai đó nhớ lại, sẽ giật mình và sốc hơn khi quy hoạch đó giờ đang được triển khai lần lần nhưng với cấp độ và quy mô vượt bậc. Đó là điều cần nghiêm túc nhìn lại vì khu phố cũ thực sự là một di sản đô thị quý giá, là một cấu trúc quan trọng và hoàn thiện nhất (đến thời điểm này), tạo dựng nên đô thị Thủ đô hôm nay.
Tại các nút giao thông trong các khu vực phát triển nhanh, ”nóng” của Hà Nội, với việc chia lô dự án khu đô thị mới, các công trình góc phố của các dự án chủ đầu tư khác nhau đã tạo nên một góc phố đa chủng loại kiến trúc như khu vực đường Phạm Hùng - Vành đai 3 (của Hà Nội trước mở rộng) với các dự án cấp độ khác nhau: Khu nhà ở tái định cư Mỹ Đình 2, Khu đô thị cao cấp The Manor và Khu nhà cao nhất Việt Nam –Keangnam? Phải chăng đó là sự đánh đổi đầu tư, sức ép và sự cám dỗ hàng ngày đã biến nơi đây thành triển lãm tiêu biểu của kiến trúc thời hội nhập mà chấp nhận mất sự duyên dáng, nhẹ nhàng của các góc phố đô thị Hà Nội nhân văn này?
Đó là chưa kể đến những vật thể kiến trúc khác, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian kiến trúc cảnh quan giao lộ như kiến trúc cầu dẫn, cầu vượt, nền đường hè, tượng tròn, kiểu dáng đèn chiếu sáng, cây xanh… cũng chưa được đầu tư nghiên cứu thấu đáo để tạo nên bức tranh hài hòa, văn minh và đóng góp cho đô thị. Minh chứng cổng của Khu đô thị mới Ciputra đầu cầu Thăng Long dẫn khách quốc tế từ sân bay Nội Bài vào các quận nội thành Hà Nội mà không mang chút dáng dấp nào của châu Á, huống hồ đặc điểm kiến trúc truyền thống Việt Nam hay Hà Nội!
4. Đôi điều mong muốn
- Phân cấp các tuyến đường, góc phố để lập dự án thiết kế đô thị, đề xuất Điều lệ quản lý các nút trọng điểm, cụ thể cả quy mô, phong cách đến ngôn ngữ, màu sắc công trình, bảng hiệu quảng cáo, cốt cao độ nền nhà, chiều cao tầng…
- Phân cấp nút giao thông để đầu tư cải tạo chỉnh trang theo cấp độ: Trung ương, Thành phố, Quận Huyện, Phường Xã để góp sức xây dựng hoàn chỉnh các nút giao thông. Tập trung đầu tư các nút trọng yếu như nút Cửa Nam hướng từ Trung tâm Ba Đình vào Khu trung tâm cũ lịch sử Hồ Gươm - quảng trường Cách mạng tháng Tám; các nút cửa ngõ vào Hà Nội….
- Xác định rõ phần quản lý bộ mặt chung của đô thị và của riêng từng chủ thể để có được sự đầu tư hay hỗ trợ của chính quyền (miễn giảm thuế kinh doanh…) đối với những chủ tư nhân công trình trong khu vực, tạo ra sự hưởng ứng, tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý đô thị tầm Thủ đô.
- Tạm ngừng việc phá bỏ các công trình góc đường trong khu phố cũ như chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội cho đến khi nghiên cứu của Vùng Ill de France kết thúc, xác định các công trình giá trị về kiến trúc và vị thế trong cấu trúc quy hoạch đô thị.
Đối với đô thị Hà Nội, nơi văn hóa tinh hoa hội tụ, mỗi góc phố lưu lại trong kí ức mọi người, cần có sự quản lý kiến trúc rõ ràng và mạch lạc để tạo nên bộ mặt nút giao thông đẹp, văn hóa, văn minh xứng tầm Thủ đô. Việc đầu tư cải tạo chỉnh trang các nút giao thông là việc dễ làm hơn nhiều lần so việc chỉnh trang tuyến phố nhưng lại tạo được sự chuyển biến, dễ nhận biết cho đô thị ấn tượng mạnh trong đợt cả Hà Nội dồn tâm sức chỉnh trang chào mừng Lễ hội của đô thị - Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang nhích dần từng ngày.
Theo Nguyễn Phú Đức- kienviet.net