Phát triển đô thị và nông thôn Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Thứ sáu, 23/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển đô thị nông thôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thành tựu phát  triển đô thị- nông thôn đạt được trong hơn 20 năm đổi mới là rất đáng kể, nhưng còn nhiều bất cập, cần được đánh giá để tư duy lại và có những cách nhìn đúng đắn về tương lai.

I. Tình hình phát triển đô thị và nông thôn

1. Đô thị hoá là một tất yếu và quy luật khách quan

- Đô thị hoá là quá trình phát triển và mở rộng mạng lưới đô thị, phổ biến lối sống thành thị, tập trung dân cư trên phạm vi lãnh thổ một vùng, một quốc gia và khu vực liên quốc gia.

- Quá trình đô thị hoá gắn với quá trình tăng trưởng và phát triển về không gian, dân số đô thị  và tăng trưởng kinh tế dẫn đến các hệ quả: các siêu thành phố, sự mất cân đối lãnh thổ, sự chuyển đổi cấu trúc dân số- lao động, biến đổi khí hậu và khủng hoảng sinh thái diện rộng.

- Các chỉ số là thước đo của mức độ đô thị hoá gồm: đất đô thị, quy mô và dân số đô thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, trình độ phát triển kết cấu hạ tầng công cộng và lối sống đô thị, trong đó tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là yếu tố chính, xác định ranh giới đô thị- nông thôn.

- Đô thị hoá là một tất yếu và quy luật khách quan. Năm 1800, mức độ đô thị hoá trên thế giới đạt 3%, năm 1900 là 14%, năm 2000 là 55% và hiện nay khoảng 60%. Như vậy mỗi năm ở thế kỷ 20, mức độ đô thị hoá  tăng trung bình 0,41%, gấp 3,7 lần so với thế kỷ trước.

Trong những năm đầu của thế kỷ XX, đô thị hoá diễn ra chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ, còn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ  XXI thì diễn ra mạnh mẽ ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam...

2. Tình hình phát triển đô thị ở Việt Nam

- Dân số  đô thị không ngừng gia tăng: năm 1986 là 11,870 triệu người, năm 2000 là 18,772 triệu người, năm 2003 là 20,870 triệu người, năm 2005 là 22,337 triệu người, năm 2007 là 23,370 triệu người đưa tỷ lệ đô thị hoá cả nước từ 19% (1986) lên 27,5% (2007).

- Mạng lưới đô thị Việt Nam không ngừng được mở rộng với trên 700 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 5 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 40 đô thị loại III, 28 đô thị loại IV, còn lại là các đô thị loại V.

- Đô thị Việt Nam được chia thành 6 loại và được 4 cấp quản lý.

3. Tình hình  phát triển nông thôn ở Việt Nam

- Dân số nông thôn giảm từ 81% (1986) xuống 73% (2007).

- Hình thức định cư cơ bản ở nông thôn là xã. Ngoài ra còn một số hình thức định cư khác là nông trường, xí nghiệp, nông lâm, ngư nghiệp. Cả nước hiện có 8774 xã với diện tích bằng 96% diện tích tự nhiên của cả nước.

- Kinh tế- xã hội và kết cấu hạ tầng nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân  vẫn còn nan giải. Đó là sự chênh lệch, sự phát triển quá lớn giữa khu vực đô thị và nông thôn, tỷ lệ đói nghèo cao, lối sống nông thôn bị biến dạng, đặc biệt là di dân tự phát và tái định cư, tàn phá nông nghiệp truyền thống... đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên khắp mọi miền của đất nước.

II. Bối cảnh và đường lối phát triển đô thị và nông thôn ở Việt Nam

1. Bối cảnh

- Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi về cơ chế, cơ cấu kinh tế, cấu trúc đô thị nông thôn...

- Cuộc cải cách quy hoạch đô thị nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ từ nhận thức quan điểm, nội dung và phương pháp tiếp cận, kết nối chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu- thiết kế và quản lý thực hiện trong một quá trình thống nhất, nâng cao hiệu quả chất lượng quy hoạch và dẹp bỏ các quy hoạch treo.

- Toàn cầu hoá và sự cần thiết các quốc gia phải liên hiệp lại để cùng phát triển theo những cam kết, hoặc chiến lược có ý nghĩa toàn cầu như chiến lược phát triển đô thị của Liên hợp quốc: Hội nghị thượng đỉnh - chương trình Habitat tổ chức tại Stambun 1996, Mười chính sách phát triển đô thị- Habitat II, các chiến lược của WB về phát triển bền vững...

- Biến đổi khí hậu toàn cầu, các thảm hoạ nghiêm trọng và các nguy cơ của nhân loại: tăng nhiệt độ trung bình từ 0,5- 0,70C của 4 thập niên gần đây (Ở Hà Nội là  0,8 0C, Đà Nẵng là 0,4 0C, TP. HCM là 0,6 0C, nước biển dâng lên khoảng 20cm (1/3 đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, tỷ lệ đất đô thị trong vùng ngập lũ gia tăng; TP. HCM hiện 515, trong tương lai có thể ngập thêm 23% nữa), lũ quét, bão và hạn hán thường xuyên xảy ra.

- Khủng hoảng dân số, kinh tế, tài chính, giao thông, môi trường, dịch bệnh.. bùng phát, có sức lan toả mạnh với mọi quốc gia.

2. Đường lối đô thị hoá của Việt Nam

- Đến nay Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển đô thị- nông thôn toàn diện.

- Một số chỉ đạo của Đảng, Nhà nước có thể hệ thống lại như sau:

Việt Nam không chủ trương phát triển các siêu đô thị "Tăng cường hình thành mạng lưới đô thị hợp lý không tạo thành các siêu đô thị" (Nghị quyết  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020).

Phát triển bền vững và hài hoà đô thị- nông thôn "Dần dần giảm bớt sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế- xã hội giữa các vùng" (Nghị quyết  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII), "10 tiêu chí phát triển bền vững" (Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020). "Phát triển hài hoà đô thị- nông thôn" (Nghị quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn).

Điều hoà sự phát triển các đô thị cực lớn "Các đô thị trung tâm lớn phải được tổ chức thành các chùm đô thị có vành đai xanh bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái, trong sự hình thành các siêu thành phố" (Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020).

Các giai đoạn phát triển quá độ:

- Ưu tiên phát triển các vùng trọng điểm "đầu tàu" lôi cuốn các vùng khác cùng phát triển.

- Hình thành và phát triển hệ thống đô thị đa cực, đa loại và đa cấp.

- Nhất thể hoá, phát triển hài hoà đô thị- nông thôn.

- Đa dạng hoá các nguồn lực phát triển và tăng cường phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động của các chính quyền đô thị, các địa phương.

III. Những vấn đề nổi cộm

1. Những sai lầm về nhận thức: nhận thức về đô thị hoá thiếu toàn diện. Xác định động lực phát triển đô thị còn duy ý chí và phiến diện. Các dự báo thiếu tính khoa học và không khả thi. Đô thị hoá giả tạo do hệ quả của sự phát triển đô  thị chủ yếu bằng biện pháp mở rộng lãnh thổ, tăng quy mô dân số, nâng loại đô thị sớm mà coi coi nhẹ chất lượng đô thị. Phát triển đô thị chệch hướng, đường lối do thị bị hiểu sai lệch và bị vận dụng theo cảm hứng ở mỗi địa phương. Nhiều chỉ thị hoặc quy định có tính chủ quan nặng về áp đặt hành chính, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn.

2. Thiếu một tầm nhìn xa, một chiến lược phát triển đô thị- nông thôn toàn diện làm đường lối chỉ đạo sự phát triển đất nước trong thời kỳ chuyển đổi và lâu dài. Đó là đã có những Nghị quyết định hướng cụ thể những vẫn thiếu một tầm nhìn và một chiến lược điều tiết tình trạng tự phát các loại quy hoạch, kế hoạch hiện nay.

3. Quyền lực quản lý Nhà nước quá lớn nhưng trách nhiệm không rõ ràng

Sự ban hành và sự điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch và các quyết định quá nhanh, nhiều và dễ dãi đã thể hiện quyền lực quản lý Nhà nước là vô hạn, nhưng trách nhiệm thì lại hữu hạn vì những sai lầm của người có thẩm quyền hoặc cơ quan, cấp có thẩm quyền quyết định không được làm rõ về trách nhiệm, chỉ có người dân và xã hội phải gánh chịu hậu quả.

4.Quy hoạch đô thị- nông thôn lạc hậu  chậm được đổi mới về nhận thức, nội dung và phương pháp trước những bối cảnh của thời kỳ chuyển đổi.

5.Đầu tư xây dựng không được kiểm soát dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn, không bản sắc, khủng hoảng thừa, thiện nhiên di sản bị tàn phá tạo ra những đường phố tự phát dài vô tận như Hà Nội- Hải Phòng, hoặc bùng nổ các dự án, các dòng sông mựt nước bị ô nhiễm nặng, nạn sân golf, những vùng đất nông nghiệp màu mỡ bị thu hồi, bỏ hoang... là những món nợ khó trả đối với các thế hệ sau.

V. Kết luận và kiến nghị

1. Kết luận: Trong hơn 20 năm đổi mới và phát triển đô thị- nông thôn Việt Nam đã có sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tự đạt được của thời kỳ Đổi mới trong một vài năm gần đây đã và đang xuất hiện những hiện tượng tiêu cực. Nếu không sớm được chỉnh đốn có thể dẫn đến sự phát triển đô thị- nông thôn không bền vững trong thế kỷ XXI , đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Kiến nghị:

- Đô thị- nông thôn là một hệ thống thống nhất về nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, nghệ thuật và kỹ thuật. Quy hoạch đô thị- nông thôn chưa thể là một khoa học tổng hợp, cần phải xây dựng một ngành "đô thị học" của Việt Nam để từng bước hình thành cơ sở lý luận quản lý và phát triển về đô thị nông thôn của nước ta.

- Sớm khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, kém hiệu quả trong việc phát triển và quản lý đô thị hiện nay.

- Nâng cao trách nhiệm về quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị nông thôn, có chế tài đối với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền khi ban hành những quyết định sai trái, gây hậu quả xấu, đồng thời chia sẻ quyền lực cho cộng đồng và dân cư trong quá trình nghiên cứu, lập, xét duyệt và thực hiện quy hoạch.

- Đẩy mạnh cải cách quy hoạch đô thị- nông thôn theo hướng cấp tiến.

- Có biện pháp chấn chỉnh đầu tư và xây dựng, đảm bảo việc phát triển đô thị nông thôn thích dụng, mỹ quan và bền vững.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 9/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)