"Đô thị điện tử" có thể tạm hiểu là một mô hình đô thị được tổ chức trên nền tảng của công nghệ thông tin mà ở đó các hoạt động của xã hội đô thị được thực hiện thông qua giao dịch không trực tiếp (hay giao dịch ảo). Hình thức giao dịch ảo này thay thế phần lớn cho giao dịch trực tiếp theo phương thức truyền thống. Nhờ đó, nhu cầu di chuyển của cư dân đô thị được giảm thiểu đến mức tối đa. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng các phương tiện giao thông không cần thiết phải lưu thông.
Những năm gần đây các đô thị lớn ở các nước phát triển như Mỹ, một số nước Châu Âu, Singpore đã từng bước tổ chức đô thị theo hướng đô thị điện tử và đạt được những thành quả nhất định. Nhờ giải pháp này mà giao thông đô thị của họ đã tránh được những vấn nạn về ách tắc và ô nhiễm môi trường sống. Bài báo này giới thiệu một cách khái quát thực trạng về tổ chức và quản lý giao thông đô thị ở Việt Nam, giới thiệu những lợi ích tiềm tàng của một đô thị điện tử, từ đó kiến nghị giải pháp để thực hiện xây dựng mô hình đô thị điện tử cho các đô thị lớn ở Việt Nam nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng quá tải các phương tiện tham gia giao thông
2. Thực trạng đô thị và tổ chức giao thông đô thị ở các thành phố lớn của Việt Nam
Những năm gần đây tốc độ đô thị hoá diễn ra quá nóng ở hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam do quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Hệ luỵ của quá trình này chính là tốc độ tăng dân số và mật độ dân số vượt quá tốc độ phát triển năng lực của bản thân các đô thị. Chỉ tính riêng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 10 năm, từ 1995 đến 2007, dân số đã tăng gần 50%, tương ứng lên đến gần 3,3 và 6,4 triệu người. Mật độ dân số của hai đô thị lớn nhất cả nước này tương ứng xấp xỉ 3600 và hơn 3000 người/km2. Với dân số và mật độ dân số lớn như thế trong khi tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông chỉ chiếm khoảng 7% ở Hà Nội và chưa đến 3% ở thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ này là quá thấp nếu so sánh với các đô thị hiện đại trên thế giới như London (Vương quốc Anh) 23%, New York 35%, Washington 43% (Mỹ).
Đi kèm với tốc độ tăng dân số và mật độ dân số là sự gia tăng về số lượng các phương tiện tham gia giao thông. Tính trung bình mỗi km đường Hà Nội phải gánh chịu gần 6500 ô tô và xe máy các loại. Điều này dẫn tới vấn nạn ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên, ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi thời điểm. Ách tắc giao thông xảy ra không chỉ trong nội đô mà đã lan rộng ra ngoại ô của các đô thị lớn, cả trên các tuyến quốc lộ chính với tần suất ngày càng tăng. Thực trạng đó phản ánh tốc độ phát triển nhu cầu tham gia giao thông vượt quá tốc độ nâng cấp năng lực lưu thông của hệ thống giao thông đô thị. Việc tổ chức giao thông ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là hết sức phức tạp. Có thể dễ dàng nhận thấy những nét đặc thù của giao thông đô thị ở Việt Nam qua một đặc điểm nổi bật dưới đây:
+ Dòng giao thông hỗn tạp với đa dạng các loại hình phương tiện, từ các loại thô sơ như xe đạp, đến các loại xe máy 2- 3 bánh như xe mô tô, xe ba gác; đến xe ô tô con, xe tải, xe bus, tàu hỏa... Tất cả các phương tiện kể trên cùng tham gia vào dòng giao thông. Tuy đã có một vài quy định về phân làn nhưng thực tế không hiệu quả. Vấn đề tổ chức giao thông cho các dòng giao thông hỗn tạp như trên là hết sức phức tạp.
+ Diện tích mặt đường dành cho giao thông so với diện tích đô thị quá thấp.
+ Mô hình tổ chức đô thị không có quy hoạch góp phần chiếm dụng diện tích mặt đường, vỉa hè đô thị và tăng thêm tính hỗn tạp cho dòng giao thông.
+ Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, đã làm trầm trọng thêm sự hỗn độn của dòng giao thông.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận một thực tế rằng mức độ nguy hiểm đối với người tham gia giao thông ở các đô thị Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt là đối với người tham gia giao thông bằng xe hai bánh. Pháp lệnh đội mũ bảo hiểm đã được thực hiện một cách tương đối nghiêm túc. Tuy nhiên an toàn cho tính mạng của họ đôi khi lại tuỳ thuộc vào một nhóm đối tượng không có đủ nhận thức, văn hoá và hành vi chấp hành pháp luật giao thông. Vì vậy, nếu có một giải pháp khác an toàn hơn cho sức khoẻ và cho tính mạng chắc chắc họ sẽ lựa chọn để không phải tham gia giao thông. Một khía cạnh nữa cần phải nhìn nhận đó là các phương tiện giao thông là nguồn khí thải gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân đô thị. Thử di chuyển bằng xe hai bánh theo lộ trình qua một số đường phố ở Hà Nội như đường Phạm Văn Đồng, đường Trường Chinh... sẽ cảm nhận được mức độ nguy hại do ô nhiễm gây ra đối với sức khoẻ con người. Các thông kê gần đây đều đã đưa ra các con số hết sức lo ngại về mức độ ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn của Việt Nam, trong đó ô nhiễm không khí, có nơi vượt quá giới hạn cho phép gấp nhiều lần, chủ yếu do nguyên nhân từ khí thải của các phương tiện tham gia giao thông.
3. Đô thị điện tử và những lợi ích mang lại cho tổ chức giao thông đô thị
Khái niệm "Đô thị điện tử" được hình thành trên cơ sở của mô hình tổ chức xã hội hiện đại và dựa trên trên nền tảng của công nghệ thông tin mà ở đó các hoạt động của xã hội đô thị được thực hiện thông qua giao dịch không trực tiếp (hay giao dich ảo). Hình thức giao dịch ảo này thay thế phần lớn cho giao dịch trực tiếp theo phương thức truyền thống. Nhờ đó nhu cầu di chuyển của cư dân đô thị được giảm thiểu đến mức tối đa. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng lớn các phương tiện giao thông không cần thiết phải lưu thông.
Nếu việc ứng dụng công nghệ thông tin trở nên phổ biến, có hiệu quả và trở thành thói quen của cư dân các đô thị Việt Nam thì các lợi ích về mặt cộng đồng, nhất là lợi ích về việc giảm thiểu nhu cầu tham gia giao thông là hết sức rõ ràng. Xu hướng phát triển của công nghệ thông tin sẽ đồng nghĩa với xu hướng giảm dần nhu cầu tham gia giao thông. Nói khác đi, "Đô thị điện tử" chính là giải pháp tất yếu cho tỏ chức giao thông bền vững ở các đô thị, trong đó có Việt Nam. Một ví dụ về khái cạnh kinh tế, các công ty đa quốc gia đã phát triển theo hướng công ty mẹ và các công ty con trên nền của triết lý về "một thế giới phẳng", trong đó công ty mẹ có đội ngũ quản lý với lượng rất nhỏ đặt trụ sở ở chính quốc. Các công ty thành viên hầu như được phát triển ở những nước thuộc thế giới thứ ba. Quá trình hoạt động của họ đều đã được thực hiện thông qua hệ thống mạng viễn thông và internet. Hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia như thế đang diễn ra bình thường trong khi họ không hề có nhu cầu tham gia giao thông.
Một ví dụ nữa là công nghệ đào tạo từ xa thông qua công nghệ số hoá ở mọt số trường đại học lớn trên thế giới. Nhờ có giải pháp này mà hàng năm hàng triệu học viên trên toàn cầu không hề phải di chuyển (tham gia giao thông) nhưng vẫn thoả mãn được nhu cầu học tập và nghiên cứu. Theo thống kê đến năm 2006, chỉ riêng ở Mỹ đã có tới 3,2 triệu học viên sử dụng công nghệ học trực tuyến từ xa. Con số này hàng năm tăng thêm gần 40%, tương ứng với khảong 850.000 học viên.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng các bậc đào tạo, nhất là đào tạo ở bậc đại học. Đến năm học 2007- 2008 số sinh viên bậc cao đẳng và đại học đã tăng 1, 76 lần so với năm học 2000- 2001. Các trường đại học luôn có xu hướng đặt tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không sớm quan tâm phát triển công nghệ đào tạo "ảo" này thì tương lai không xa số người tham gia giao thông khi theo học các trường đại học sẽ gia tăng mạnh, đẩy sự quá tải cho hệ thống giao thông đô thị đến nguy cơ trầm trọng hơn hiện nay. Cải cách thủ tục hành chính chắc chắn sẽ là bước đột phá đầu tiên trên con đường xây dựng xã hội điện tử ở Việt Nam. Dễ dàng ước định một tỷ lệ rất lớn số lượng phương tiện giao thông không phải bắt buộc tham gia giao thông nếu như các thủ tục hành chính được cải thiện theo hướng rõ ràng, minh bạch và đặc biệt là theo hướng tin học và số hoá. Bên cạnh đó cũng là một lượng lớn lợi ích vật chất thu được do tiết kiệm được thời gian, nhất là thời gian phải tham gia giao thông. Một ví dụ đơn giản, trong những ngày cuối năm 2008 khi một số lượng lớn người dân phải đến các đại điểm để làm công việc thủ công, đó là đăng ký về thủ tục thuế thu nhập cá nhân. Nếu công việc này được thực hiện thông qua mạng internet thì sẽ tiết kiệm được rất lớn thời gian của người dân và chắc chắn số phương tiện tham gia giao thông cũng được giảm thiểu không nhỏ.
Với trình độ khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực việt Nam luôn phải quan tâm đến chiến lược xuất khẩu lao động. Tính cho đến nay quan điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn là xuất khẩu lao động trực tiếp. Nghĩa là các tổ chức tham gia vào ngành dịch vụ này tuyển chọn lao động trong nước rồi xuất khẩu sang các nước có nhu cầu. Phương pháp này tập trung chủ yếu vào nhóm người lao động có tri thức và trình độ sản xuất thấp và do đó hiệu quả không cao. Xu hướng xuất khẩu lao động cần được nhìn nhận dưới góc độ khác, mang tính toàn cầu hoá. Khi mà cơ sở hạ tầng viễn thông và internet của Việt Nam phát triển, thì một thị trường xuất khẩu lao động mới sẽ hình thành. Thị trường này sẽ là cơ hội lớn cho đội ngũ nhân công trình độ cao tiếp cận với thị trường thế giới. Họ có thể làm việc cho các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ngay ở trong nước. Đồng thời với phương thức tổ chức lao động như thế vấn đề tổ chức giao thông sẽ có nhiều thay đổi.
4. Giải pháp xây dựng đô thị điện tử ở Việt Nam
Ở Việt Nam trong những năm gần đây các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học cũng đã quan tâm giải pháp xây dựng "Chính phủ điện tử" và "đô thị điện tử". Tuy nhiên, mô hình và giải pháp còn manh mún, chưa đồng bộ.
Triết lý về quản lý và kiến trúc đô thị phải được thay đổi. Triết lý về quản lý kiến trúc và đô thị trong vài thập niên qua theo "nền văn minh nhà ống và nền văn hoá mặt tiền" đã và đang để lại hậu quả không nhỏ. Hậu quả này một mặt tác động đến văn hoá ứng xử của cả một thế hệ. Mặt khác nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức giao thông đô thị. Đó cũng là nguồn cơn của tắc nghẽn giao thông và tỷ lệ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Vì vậy, hoặc là chấp nhận thay thế toàn bộ triết lý quản lý và kiến trúc đô thị mới, hoặc chấp nhận thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm thực hiện thì mới hy vọng có được một bộ mặt đô thị mới đảm bảo hiện đại và bền vững về giao thông trong vài chục năm tới.
Để phát triển đô thị theo hướng đô thị điện tử đòi hỏi ở Chính phủ một chiến lược đúng đắn và chỉ đạo tổng thể quyết liệt. Chính phủ phải hoàn thiện phương pháp quản lý theo mô hình của Chính phủ điện tử. Nhiều ngành nhiều lĩnh vực phải cũng tham gia. Ngành viễn thông phải lãnh trách nhiệm phát triển một hạ tầng viễn thông, internet hoàn hảo, tránh lề thói kinh doanh độc đoán như hiện nay. Ngành điện tử phải làm đúng nghĩa vụ được giao là cung cấp đầy đủ và liên tục điện cho các "đô thị điện tử". Ngành ngân hàng phải điện tử hoá một cách tối đa. Ngành giáo dục phải thay đổi phương pháp đào tạo, ngành thương mại bán lẻ phải thay đổi tận góc rễ văn hoá mua sắm theo kiểu truyền thống bằng phương thức công nghiệp hoá. Ngành bưu chính có cơ hội phát triển dịch vụ chuyển hành chất lượng cao từ các nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng...Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư tiền của vào công cuộc xây dựng những "xa lộ thực" để tiếp tục nhận lấy vẫn nạn ách tắc giao thông hay sẽ lựa chọn xây dựng những "xa lộ thông tin" (xa lộ ảo) có năng lực lưu thông gấp nhiều lần so với xa lộ thực để bắt nhịp với tiến trình phát triển chung của nhân loại và đảm bảo sự phát triển bền vững.
5.Kết luận
Từ những phân tích nêu trên, rút ra một số kết luận và kiến nghị sau:
- Tốc độ tăng nhu cầu tham gia giao thông vượt quá tốc độ năng cấp năng lực lưu thông của hệ thống giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam. Do đó, hệ thống giao thông đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trầm trọng cả về ách tắc giao thông và nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
- Các đặc điểm phức tạp của giao thông đô thị ở các thành phố lớn của Việt Nam khó có thể được khắc phục nếu các giải pháp vẫn đi theo hướng truyền thống như mở rộng, xây mới công trình giao thông; tổ chức các loại hình giao thông theo hướng công cộng hoá loại hình vận tải hay hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; dùng các chế tài pháp lý để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông...
- Phát triển đô thị theo hướng "điện tử" đã được khẳng định ở một số đô thị hiện đại trên thế giới là mang lại nhiều lợi ích cả về mặt kinhtế- xã hội và đặc biệt là khía cạnh tổ chức và phát triển giao thông đô thị bền vững.
- Việt Nam hoàn toàn có khả năng để phát triển mô hình đô thị điện tử. Tuy nhiên, để triển khai thành công đòi hỏi các bộ ngành cùng tham gia và đặc biệt cần có những chính sách đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ.
Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải, số 9/2009