Quy hoạch, quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh

Thứ tư, 07/10/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp Sau khá nhiều năm, do những yếu tố, lý do khác nhau, các đô thị trong cả nước đều đã không quan tâm đến quy hoạch không gian ngầm; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng là 2 đô thị lớn nhất nước, đã đầu tư (vốn trong và ngoài nước) khá nhiều các công trình hạ tầng ngầm đô thị, nhưng quy hoạch có hệ thống khoa học để khai thác, phát triển về lâu dài không gian ngầm cũng chưa tiến hành đồng bộ, đúng theo nội dung của nó. Việc quản lý hệ thống công trình ngầm hiện có cũng đang có nhiều bất cập.

1/ Về quy hoạch:

Trước đây, ngày 22/3/2007 TTCP đã ký Nghị định 41/2007/NĐ-CP về quản lý công trình ngầm đô thị, nhưng quy hoạch hệ thống không gian ngầm vẫn chỉ là manh mún, theo từng dự án, mà chưa có tầm nhìn tổng hòa giữa nhiều nhánh, nhiều công năng… của không gian ngầm đô thị khác nhau. Chủ yếu vẫn là quy hoạch của đơn ngành cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông và gần đây là quy hoạch hệ thống Metro (nổi, ngầm) của TP.HCM, đã công khai theo Quyết định 101/2007/QĐ-TTg ngày 22/1/2007 nhằm phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn nhiều năm tiếp theo. Thế nhưng, bản thân Quyết định 101 nêu trên cũng sớm bị “lạc hậu” cục bộ, khi mạng lưới 6 tuyến Metro của thành phố đang có những sự thay đổi, bổ sung đáng kể về quy hoạch cho phù hợp hơn nữa với sự phát triển đô thị, đặc biệt khi có những tư vấn chuyên ngành, tầm cỡ quốc tế, nhiều kinh nghiệm tham gia với chúng ta.

Theo hướng dẫn của Nghị định 41/2007/NĐ-CP, sẽ phải phân biệt:

- Công trình ngầm đô thị: Gồm cả những công trình xây dựng hoàn toàn ngầm và cả những phần ngầm của các công trình xây dựng (thường là cao tầng).

- Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị ngầm: Là một phần của công trình ngầm, đặc biệt là hào kỹ thuật, Tunnel.

- Không gian ngầm đô thị: Là không gian liên thông, nhằm sử dụng có hiệu quả cho các công trình ngầm đô thị. Đây là nội dung rất quan trọng trong phát triển đô thị và kêu gọi đầu tư công trình ngầm, và cũng là vấn đề mà các nhà quy hoạch, quản lý đô thị của cả nước thực hiện vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm.

ở khá nhiều đô thị của các nước trên thế giới, kể cả Bangkok, Pattaya, Quảng Châu, Kuala Lumpur và đặc biệt là ở nhiều thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc, đất chật, người đông, không gian ngầm đô thị đã được nghiên cứu từ lâu, khi lập quy hoạch và xây dựng nhiều, trước chúng ta hàng vài chục năm. Hai tòa tháp WTC của New York bị khủng bố bằng máy bay đánh sập, có 3 tầng hầm và được nối liền với ga tàu điện ngầm. Ga cũng bị hư hại gần như hoàn toàn khi 2 tòa tháp bị sập. Việc những ga tàu điện ngầm nối với ga xe lửa ngầm với hệ thống lối vào các siêu thị lớn, cao ốc văn phòng “mênh mông” bãi đậu xe ngầm…; việc nối thông hành lang ngầm qua các quảng trường, giao lộ lớn, kết hợp thương mại… không còn là xa lạ nhưng chắc chắn phải có sự nghiên cứu, quy hoạch từ đầu khi bắt tay hay kêu gọi đầu tư từng khu vực để tránh giải phóng mặt bằng, đập phá khi đang hoạt động, điều mà bây giờ chúng ta mới chỉ nêu lên; các văn bản pháp luật qui định, các quy chuẩn, tiêu chuẩn… vẫn còn thiếu nhiều, thậm chí có thì đã lạc hậu ! Dự thảo quy chuẩn xây dựng công trình ngầm đô thị do Bộ Xây dựng chủ trì, soạn, đã có góp ý, hội thảo… nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành !

Tại TP.HCM, sau khi có Nghị định 41/2007/NĐ-CP, từ tháng 2/2008 UBNDTP đã cho phép các công trình xây dựng có tầng ngầm, tầng ngầm được đầu tư mở rộng hết trong ranh đất của dự án, để tăng công suất sử dụng đất, đặc biệt là khi đất có giá trị quá cao ở nhiều khu vực trung tâm thành phố, nếu không có kế hoạch sử dụng ngầm phù hợp thì suy cho cùng cũng là một dạng lãng phí đất đai; diện tích các tầng hầm hiện qui định không tính vào hệ số sử dụng đất, không tính vào mật độ xây dựng, cũng nhằm khuyến khích, khai thác hiệu quả phần ngầm của từng công trình. Tuy nhiên, đây chỉ là cục bộ, là mảng nhỏ của không gian ngầm đô thị được quan tâm.

Cũng tại TP.HCM, trong những công trình, dự án được duyệt, có thể kể đến:

- Cao ốc Vincom – 6 tầng hầm (trước dự kiến là 7), độ sâu 24m, đang thi công.

- Cao ốc Eden – 6 tầng hầm (trước dự kiến là 7), đang giải phóng mặt bằng.

- Cao ốc Bitexco 68 tầng, cao nhất thành phố – Khối thấp tầng là 4 hầm, thay vì 6, đã đúc xong.

- Bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám – 5 tầng hầm – dự án BOT đang trình ở Bộ kế hoạch đầu tư.

Và ngay tại trung tâm thành phố, riêng với việc đầu tư xây dựng các tuyến Metro ngầm, hàng loạt vấn đề về quy hoạch đang phải nghiên cứu, làm đau đầu các nhà tư vấn, quản lý, vì các công trình trên đất đều đã hiện hữu từ trước, hệ thống đất trống lại quá chật, gây khó khăn cho việc:

-Xác định hướng tuyến, chủ yếu để ít giải phóng mặt bằng nhà và công trình nhất.

-Điểm đặt các ga, trên mỗi tuyến, tại vị trí 2 tuyến giao nhau và thậm chí cả 3 tuyến giao nhau!

-Sự kết nối giữa các tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người sử dụng, do cự ly di chuyển ngắn nhất.

 

BìNH Đồ GIAO CủA 3 TUYếN METRO TạI TRUNG TÂM TP

-Những vị trí lên – xuống từ mặt đất tại các ga.

-Những vị trí Metro chuyển tiếp từ đi ngầm sang đi nổi, đi trên cao.

- Những tuyến giao nhau kết hợp thương mại.

- Những lối đi dẫn từ ga đến công trình lớn lân cận, đến các quảng trường. Bản thân các công trình lớn đó phải được thiết kế dự kiến cho đấu nối từ đầu – điều mà đến nay chúng ta chưa đặt ra cụ thể, chắc chắn, được phê duyệt !

Và cũng do chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, nên chúng ta cũng chưa chủ động xây dựng các khu dân cư tập trung, với đầy đủ hạ tầng xã hội xung quanh từng ga trên tuyến; quy hoạch các tuyến xe bus từ các ga tỏa đi các hướng, để đảm bảo tiện nghi cho cuộc sống được cao hơn, thành phố đẹp hơn và kích thích người dân, để gia tăng đáng kể dần tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng hữu hiệu hơn.

Thành phố cũng chưa xây dựng nhiều những hầm chui, thay cho sự bất tiện do phải leo cao của cầu vượt bộ hành, trên các tuyến đường lộ giới lớn (Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Trường Chinh…) và cả trục Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Đông Tây sắp khánh thành, các thiết kế được duyệt vẫn chưa được xem xét cách băng ngang của bộ hành tại các giao lộ, tiện nghi cho người đi lại . Làm hầm chui sẽ đắt hơn cầu vượt, nhưng dễ sử dụng hơn, đỡ ảnh hưởng cảnh quan đô thị hơn, đỡ ảnh hưởng thiệt hại về giá trị cho các nhà dọc tuyến phố đang khai thác kinh doanh và để rút ngắn thời gian thi công, tránh ảnh hưởng đến giao thông, cần nghiên cứu hầm dạng lắp ghép. Việc xử lý nước ngầm, thấm… không còn là vấn đề lớn trong công nghệ xây dựng ngày nay.

Trên hàng loạt xa lộ, quốc lộ cả nước, ban đầu có hệ thống xe bus, trạm xe bus, vẫn chưa được chính quyền từng đô thị và cả Bộ Giao thông Vận tải quan tâm để đầu tư các hầm chui qua đường, tạo sự an toàn tuyệt đối cho con người khi cần thiết. Nếu không, cũng phải tính đến phương án rẻ hơn là cầu vượt, để tránh những tai nạn không đáng có xảy ra. Chúng ta đầu tư xây dựng những dải phân cách, con lươn, hàng rào trên dải phân cách, trên con lươn… thì người dân có tuổi, khi cần đi ngang, sẽ phải đi rất xa, rất bất tiện. Hiện tượng phá rào, bẻ lá chắn để có chỗ băng qua sẽ không còn, cần tạo tiện nghi cho người dân trước đã.

Về hào kỹ thuật – Tunnel, dự thảo quy chuẩn xây dựng công trình ngầm đã phân biệt thành 2 loại khác nhau; Luật Xây dựng đã qui định trên các tuyến chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được đặt trong những hào kỹ thuật, nhưng qui định chi tiết ra sao, phạm vi áp dụng, đặc biệt cho các đô thị hiện hữu, loại nào đặt trong đó (chắc chắn không có hệ thống thoát nước, vì bản thân nó phải đặt theo độ dốc) loại nào phải bên ngoài… sau 5 năm Luật Xây dựng có hiệu lực, vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết khiến TP.HCM đã lúng túng trong thời gian dài khi mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi (sau thời gian dài quyết định không thực hiện hào kỹ thuật); khi thiết kế đường Đông Tây (phải thiết kế lại) và nay lại đến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Linh Trung (nhà đầu tư đang từ chối thực hiện). ở khu công nghệ cao của TP.HCM, sau 5 năm nghiên cứu thiết kế hào kỹ thuật, tư vấn trong nước không giải quyết được và UBNDTP đã cho phép mời tư vấn nước ngoài, và do đó, nhiều công ty đã đầu tư nhà máy trong khu, nhưng hào kỹ thuật của dự án vẫn chưa bắt đầu ! Chưa kể trong tương lai gần, phải tính đến việc thiết kế các tuyến gaz dẫn ngầm đến từng khu đô thị, nằm dưới các tuyến chính; nó có nằm cùng trong hào kỹ thuật không, yêu cầu kỹ thuật và đặc biệt là vấn đề an toàn ra sao… tất cả còn bỏ ngỏ !

Tại TP.HCM, tháng 10/2008, chính quyền thành phố đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch công trình ngầm đô thị, để thuê tư vấn lập quy hoạch tổng thể xây dựng ngầm đến năm 2025 và tầm nhìn sau 2025, phục vụ cho dân sự, nhằm lồng ghép vào đồ án quy hoạch chung của thành phố đến 2025 (đang điều chỉnh, Bộ Xây dựng đã góp ý) để có kế hoạch sử dụng, quản lý đất cho phù hợp, tạo điều kiện quản lý đồng bộ các công trình ngầm và làm cơ sở cho quản lý và triển khai các dự án xây dựng ngầm đô thị trên địa bàn, trước mắt cho các quận ở trung tâm thành phố. Công việc dự kiến phải đến 2012 mới xong ! Chậm, nhưng phải tiến hành khẩn trương và muốn vậy, phải chọn được tư vấn chuyên ngành tốt, kinh nghiệm và am hiểu “nội tình giao thông” của thành phố.

Bài học vừa xảy ra tại thành phố, cũng do chưa có quy hoạch ngầm: dự án đặt cống hộp thoát nước trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đã duyệt, chuẩn bị đấu thầu triển khai thi công, lại chồng với tuyến Metro số 2 đang hoàn chỉnh quy hoạch lần cuối. Sự sơ hở thô thiển, cũng may được phát hiện kịp thời, để tìm ra giải pháp tốt nhất từ bây giờ, tránh lãng phí do lấp xuống, đào lên.

Cũng cần nhấn mạnh, các công trình ngầm nếu quy hoạch sai, thi công chất lượng tồi, tuổi thọ kém, lún, thấm, xuống cấp nhanh thì việc sửa chữa, khắc phục rất tốn kém, nếu không nói là trong nhiều trường hợp thì không khắc phục được. Do vậy, cần cẩn trọng, tính toán từ đầu.

2/ Về quản lý nhà nước các công trình ngầm đô thị:

Gần như khắp cả nước, đã xây dựng rất nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, gồm cấp, thoát nước; điện; viễn thông; chiếu sáng… nhưng việc quản lý sau nhiều năm vẫn chưa được thống nhất, quy về một đầu mối, vẫn là sự cát cứ của từng cơ quan được giao quản lý khi thành phố bỏ vốn ra đầu tư phần hạ tầng đó. TP.HCM vẫn chưa xây dựng được bản đồ các công trình ngầm – nếu có, chỉ là cục bộ và thậm chí không đầy đủ ở cơ quan  cấp, thoát nước, điện lực. Riêng mảng viễn thông, vẫn là đặt đường dây theo tuyến, bám vào các cột điện – phương án rẻ nhất, nhanh nhất, “bầy hầy” nhất, trở thành vô số mạng nhện trên đường phố, như hiện nay, điều mà một đô thị văn minh không thể chấp nhận !

Sự quản lý manh mún, xảy ra rất nhiều bất cập:

- Thiếu thông tin khi quy hoạch, khi thiết kế để đầu tư xây dựng những hạ tầng ngầm mới; không gian ngầm đô thị sắp đến. Như vậy, tư vấn phải đi “gõ” nhiều cửa, để mua thông tin, xin cung cấp chi tiết, tốn thì giờ, không khoa học, mà chưa chắc thông tin đó đã được cập nhật, đảm bảo độ chính xác cần thiết. Cũng vì lý do đó, nhiều công trình lắp đặt tuyến cống thoát nước đang thi công đã bị trở ngại không thể triển khai, chờ đợi nhiều tháng, tăng chi phí vì vướng cáp ngầm, cáp quang, tuyến ống cấp nước… mà bản thân những đơn vị chuyên ngành đang quản lý hệ thống đó cũng không nắm thông tin, gây ra sự chậm trễ trong di dời không đáng có.

- Cung cấp thông tin  không đồng bộ, không kịp thời, thậm chí quan liêu, xin cho ở một bộ phận cơ quan, đơn vị. Chúng ta đang ở trong tình trạng lấy kinh phí nhà nước để đầu tư, để xác lập thông tin  cho ngành mình, lĩnh vực mình quản lý độc quyền và khi cần, thông tin  được cung cấp phải trả tiền. Tiền thu được nhiều khi không trở về hẳn cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là một hình thức lãng phí.

- Sự lãng phí trong chi phí đầu tư xây dựng đã diễn ra và lặp đi lặp lại là cảnh đào lên lấp xuống nhiều lần, giữa các công trình hạ tầng cấp, thoát nước, điện, thi công tại những thời điểm, giai đoạn khác nhau, theo từng dự án đầu tư khác nhau, gây tốn kém và chất lượng hoàn thiện sau khi thi công lại rất kém, khiến nhiều mặt đường vá loang lổ, chằng chịt.

- Trở ngại cho giao thông đô thị, trong thời gian dài hơn, nhiều lần hơn. Điều này đặc biệt quan trọng cho những đô thị đông dân như TP.HCM, khi mà việc thi công chỉ tiến hành ngoài giờ, ban đêm nên tiến độ phải kéo rất dài. Sự thiệt hại cho người lưu thông trên đường rất khó xác định được giá trị, nhưng chắc chắn không thấp. Sự thiệt hại do ảnh hưởng kinh doanh của các công ty, cửa hàng hai bên đường cũng phải tính đến một cách nghiêm túc. Sự phiền hà vì ô nhiễm không khí, tiếng ồn, môi trường sống do kẹt xe, bụi bặm, ổ gà… do thi công gây ra cho cư dân tại khu vực. Quan trọng hơn là sự đánh giá của cư dân đô thị về bản lãnh quản lý nhà nước của chính quyền, khi sự việc bị lặp đi, lặp lại, khi đô thị dần được công nghệ hóa, hiện đại hóa mà cách quản lý vẫn cát cứ, thủ công.

- Khi cần giải phóng mặt bằng, phải di dời hạ tầng mà bản thân hạ tầng đó đã xuống cấp, chỉ đang có kế hoạch nâng cấp, đầu tư mới nhưng chưa triển khai thực hiện ở các đơn vị đang được độc quyền, đã gây trở ngại cho tiến độ thực hiện ở một số dự án.

- Việc bảo trì công trình cũng độc lập, theo từng định kỳ riêng, thậm chí thiếu hẳn việc bảo trì cũng không được phát hiện để củng cố. Do vậy, nhiều hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp trong thời gian dài và việc đầu tư cải tạo lớn chắc chắn lại tốn kém. Sự xuống cấp của hệ thống thoát nước; tỉ lệ thất thoát trong hệ thống cấp nước thành phố tăng trên 40% đã nói lên sự lãng phí tài nguyên, sự bất cập này.

- Nhiều vị trí cục bộ của từng hệ thống hạ tầng đã ngưng sử dụng, đã được thay thế bằng các tuyến khác nhưng không phá bỏ, không cập nhật thông tin, cũng là những cản ngại, phiền hà đã xảy ra cho những dự án hạ tầng khác khi chạm phải.

Công nghệ GPS và nhiều công nghệ mới khác, nhiều phần mềm chuyên dùng hoàn toàn có thể được áp dụng để thống nhất quản lý nhà nước về thông tin  hạ tầng ngầm đô thị, cần được giới thiệu, cập nhật để ứng dụng trong công tác quản lý. Trước mắt, TP.HCM cần hình thành một Trung tâm thông tin về hạ tầng ngầm đô thị, để thống nhất quản lý nhà nước về mảng này với các trang bị hiện đại. Trên cơ sở đó:

- Thiết lập, vẽ lại bản đồ hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố, với từng mảng chồng lên nhau, tạo dữ liệu đầy đủ cho thông tin ở từng lĩnh vực, từng chuyên ngành, trước mắt và lâu dài, đảm bảo chính xác và đầy đủ.

- Cung cấp thông tin thuận lợi cho các nhà đầu tư, các dự án khi cần thiết và thông tin luôn được cập nhật. Nếu cần, kinh doanh về cung cấp thông tin để bù lại vốn ngân sách đã bỏ ra. Các đơn vị quản lý từng chuyên ngành phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, đúng qui định cho Trung tâm này, khi đầu tư xong.

- ứng dụng công nghệ mới trong cập nhật, lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin, rất cần cho đô thị lớn, đang tiến đến siêu đô thị, như TP.HCM.

- Lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc việc bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình ngầm khác, tạo điều kiện cho việc sử dụng đúng công năng, công suất và tiện ích như thiết kế.

- Dễ dàng xác định trách nhiệm khi sự cố xảy ra, khi việc bảo trì thực hiện không đúng qui định, khi sản phẩm của chuyên ngành này thực hiện làm ảnh hưởng đến sản phẩm của chuyên ngành khác…

- Tham gia ý kiến về việc đấu nối của các công trình, các không gian ngầm đô thị mới vào hệ thống hiện hữu, đảm bảo tính tương thích, khoa học, tiện nghi của một đô thị dần đến văn minh, hiện đại, an toàn…

Trung tâm có thể trực thuộc Sở Kế hoạch – Công nghệ, có thể thuộc Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng… hay trực thuộc UBNDTP, tùy tình hình thực tế, nhưng chắc chắn là rất cần. Sự áp dụng công nghệ GPS cho từng mảng công việc, ở từng chuyên ngành, từng đơn vị như hiện nay, suy cho cùng là sự đầu tư không đồng bộ. Mà đã không đồng bộ, thì có nghĩa là lãng phí.

3/ Về đầu tư – xây dựng công trình ngầm:

Chắc chắn chúng ta đều suy nghĩ là phải đồng bộ, phải có tầm nhìn từ trước, phải có quy hoạch, rồi kế hoạch triển khai… đối với hệ thống Metro và không gian ngầm liên hoàn với nó, đây là vấn đề để các đơn vị tư vấn trong nước phải học hỏi nhanh, khi cộng tác với các tư vấn nước ngoài để thực hiện quy hoạch hay thiết kế cho từng dự án. Tư vấn trong nước phải làm chủ mảng công việc để tận dụng việc khai thác đất đai trong những khu vực đô thị vốn dĩ quá chật hẹp, lãng phí không gian ngầm mà trong thời gian dài không quan tâm nhiều.

Nhiều công nghệ mới chắc chắn sẽ xuất hiện, khi thi công ngầm trên diện rộng, khi phải đào sâu nhiều tầng, khi phải khoan tạo hành lang, tunnel dẫn để tránh cách đào hở cổ điển, khi phải xử lý nước ngầm, tránh ảnh hưởng nền móng công trình lân cận, các tuyến công trình ngầm đang có sẵn, đang hoạt động và cả mảng quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ những công trình ngầm đô thị nhiều năm sau đó. Nhiều vấn đề còn là mảng trống trong kiến thức của đồng nghiệp chúng ta.

Chỉ riêng với mảng hạ tầng kỹ thuật đô thị, khi hình thành đô thị mới, khi cải tạo nâng cấp hạ tầng đô thị hiện hữu, khi mở rộng đường đô thị, tại TP.HCM, để tránh cát cứ thông tin , tránh đào lên lấp xuống, tránh dẫm chân nhau trong thi công và tránh chia vụn, nhiều gói thầu khác nhau khi triển khai thi công và nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong cùng một dự án hay trong dự án riêng của từng ngành, thành phố đã ban hành chỉ thị 27/2007/CT-UBND ngày 16/11/2007, theo đó chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện tổng thầu xây dựng hay tổng thầu EPC hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn với những nội dung cơ bản sau:

a/ Phối hợp trong việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc sửa chữa hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật:

- Trường hợp quy hoạch phát triển ngành hiện có chưa được đồng bộ giữa các ngành, gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện thì các ngành có liên quan phải chủ động phối hợp để nghiên cứu điều chỉnh theo hướng bổ sung cho đồng bộ, khả thi và đảm bảo thuận tiện trong quá trình phối hợp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

- Các cấp có thẩm quyền khi thẩm định và phê duyệt dự án trên địa bàn thành phố có liên quan đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ định hướng và kế hoạch đầu tư xây dựng công trình đã được UBNDTP phê duyệt. Đối với trường hợp đặc biệt không thể thực hiện theo định hướng và kế hoạch đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt, đồng thời có khả năng ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án phải báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về các nguyên nhân dẫn đến việc không thể tuân theo định hướng và kế hoạch đầu tư xây dựng. Trong trường hợp này, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBNDTP xem xét quyết định đối với từng dự án cụ thể.

- Đối với những dự án mà kế hoạch đầu tư xây dựng của các ngành không phù hợp với kế hoạch chung của thành phố nhưng bắt buộc phải thực hiện theo qui định của ngành, các ngành phải nghiên cứu, phối hợp với các Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong đầu tư xây dựng để tránh các bất cập, vướng mắc khi thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước UBNDTP nếu để ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của các công trình thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đã được duyệt trong thời gian 5 (năm) năm trước đó.

- Định hướng đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật trong thời gian 5 (năm) năm và kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình trong từng năm trên địa bàn thành phố phải được thông báo công khai đến các sở, ngành, quận – huyện và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b/ Tổ chức thực hiện tổng thầu xây dựng và phối hợp lập kế hoạch triển khai trong từng dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc sửa chữa hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật:

- Đối với những dự án có nhiều ngành cùng tham gia đầu tư xây dựng thì ngành nào có tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án sẽ đại diện cho các ngành để làm chủ đầu tư của dự án; các ngành khác có thể cử người đại diện vào bộ máy quản lý của chủ đầu tư để cùng tham gia quản lý dự án. Trong trường hợp này, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc xác định chủ đầu tư của từng dự án cụ thể.

- Đối với những dự án có quy mô lớn và phức tạp, nếu xét thấy cần phải đầu tư theo từng giai đoạn thì chủ đầu tư phải lập kế hoạch, tiến độ đầu tư cho toàn bộ dự án; đồng thời phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được duyệt.

- Khi trình duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án, chủ đầu tư phải nêu rõ các căn cứ và nguyên nhân của việc phân chia các gói thầu. Các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu của các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố phải đảm bảo sự đồng bộ cho toàn bộ dự án; đồng thời phải xem xét đến kinh nghiệm và yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện gói thầu theo hình thức tổng thầu (tổng thầu thi công, tổng thầu EPC…) để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu và tạo điều kiện cho nhà thầu chủ động lập, điều hành tiến độ của toàn bộ dự án.

- Khi nhận được thông báo về kế hoạch thực hiện gói thầu, các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan có trách nhiệm xem xét, phối hợp thực hiện; nếu có những bất cập phát sinh trong việc phối hợp thực hiện thì phải có văn bản trao đổi với chủ đầu tư trong vòng 7 ngày làm việc.

- Khi có yêu cầu, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu chủ động làm việc trực tiếp với các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật để xem xét, điều chỉnh kế hoạch thực hiện gói thầu sao cho phù hợp và khả thi. Các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan có trách nhiệm cử cán bộ tham gia, phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện gói thầu sao cho phù hợp kế hoạch xây dựng ngành và phải chịu trách nhiệm trước UBNDTP nếu để xảy ra sự phối hợp không đồng bộ, làm chậm trễ tiến độ của gói thầu.

c/ Điều phối vốn đầu tư:

Khi lập và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chung của thành phố, nếu gặp khó khăn trong việc cân đối, phân bổ vốn đầu tư, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông–Công chính và các ngành khác có liên quan nghiên cứu đề xuất nguồn vốn đầu tư thích hợp, trình UBNDTP quyết định.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn có sự cản trở từ các đơn vị quản lý chuyên ngành, thậm chí có những trường hợp gây sự khó khăn là không tìm được nhà thầu tổng thầu đủ các năng lực phù hợp. Nhiều chủ đầu tư các dự án không tạo điều kiện để các nhà thầu liên danh thực hiện trong hồ sơ mời thầu, để dần hình thành những nhà thầu lớn, đa ngành, đa lĩnh vực.

4/ Kiến nghị:

Với cơ sở những phân tích nêu trên, xin kiến nghị:

- Bộ Xây dựng cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy chuẩn xây dựng công trình ngầm đô thị, tạo pháp lý cao cho việc quy hoạch, thiết kế và triển khai, đầu tư các công trình này. Nếu cần, tạm thời biên dịch quy chuẩn của một quốc gia nào đó, phù hợp, rồi cập nhật và hoàn chỉnh tiếp, trong đó đặc biệt là quy chuẩn (và tiêu chuẩn) về hào kỹ thuật, tunnel – các thiết kế điển hình (chắc chắn cần); việc có hay không có hệ thống cấp gaz dọc các tuyến chính, tuyến nhánh về lâu dài.

- Từng đô thị lớn trong cả nước bắt đầu phải quan tâm đến quy hoạch không gian ngầm đô thị, cho dù chưa đầu tư Metro và hệ thống giao thông chưa có vấn đề tắc nghẽn. Quy hoạch phải có tầm nhìn, phải đi trước hiện tại, để tránh lúng túng, lạc hậu và bất cập, như các đô thị lớn đã và đang xảy ra.

- Tại các đô thị lớn, cần hình thành Trung tâm quản lý thông tin  về hạ tầng ngầm đô thị để thống nhất quản lý nhà nước về mảng hạ tầng. Công việc này chắc chắn không thể xã hội hóa.

- Nghiên cứu sửa đổi thêm cho phù hợp với từng dự án và rút ngắn thời gian thi công, tránh làm toàn khối; cổ điển như hiện nay. Cần có kế hoạch thực hiện hàng loạt hầm chui qua đường, nếu cầu vượt không khả thi, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và tạo điều kiện để phương tiện giao thông công cộng hấp dẫn hơn.

- Áp dụng rộng rãi, thậm chí bắt buộc hình thức tổng thầu xây dựng, tổng thầu EPC cho các công trình hạ tầng để thống nhất trong thi công, hoàn công, quản lý.

 

Theo THXDVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)