Việc khai thác các thế mạnh về kinh tế biển như xây dựng hệ thống cảng biển, xây dựng đô thị, các khu công nghiệp, du lịch dịch vụ, khai thác dầu khí, khai thác cát, sản xuất muối, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản… phải đảm bảo sự cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển bền vững; hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu mà trực tiếp là hiện tượng nước biển dâng cao. Đây là một bài toán khó, đòi hỏi phải có giải pháp thực hiện từ mục tiêu chung cho đến mục tiêu phát triển kinh tế của từng ngành. Định hướng quy hoạch tổng thể các đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở khoa học cho việc hoạch định các quy hoạch cụ thể cho 10 vùng đô thị trong đó các vùng kinh tế trọng điểm của 3 miền đất nước đều gắn với địa bàn kinh tế biển – là động lực quan trọng để xây dựng cơ cấu chức năng phát triển vùng lãnh thổ.
Chúng ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá, cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, thu hút các nguồn lực để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và hình thành các vùng chiến lược. Trong bối cảnh đó, nhiều đô thị, nhiều khu công nghiệp đã phát triển nhanh chóng và trở thành các “Trung tâm” hoặc “Đầu tầu” của sự phát triển kinh tế – xã hội từng vùng và từng miền của đất nước.
Việc hoạch định các chương trình phát triển các quy hoạch cụ thể trong việc xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm ven biển nhằm đáp ứng mục tiêu “xây dựng nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp” vào năm 2020 là nội dung quan trọng trong toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, ở nước ta đang tập trung xây dựng các khu vực kinh tế trọng điểm ven biển như khu vực: Quảng Ninh, Hải Phòng ở miền Bắc, Nghi Sơn, Vũng áng bằng Trung Bộ Chân Mây, Liên Chiểu, Kỳ Hà, Dung Quất ở miền Trung. Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh ở Nam Trung Bộ và Vũng Tàu, Thị Vải ở Nam Bộ. Mỗi khu vực có những tính chất phát triển khác nhau, có khu vực nổi trội là kinh tế cảng biển nước sâu, có khu vực nổi trội là du lịch dịch vụ hoặc nuôi trồng thuỷ sản. Tuy vậy, các khu kinh tế trọng điểm đều có lợi thế tổng hợp, do đó việc đầu tư khai thác của các ngành cần có sự phối hợp, tác động hỗ trợ cho nhau phát triển, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, hoặc trùng nhau gây lãng phí, kém hiệu quả về kinh tế và ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên.
- Vùng kinh tế trọng điểm ven biển phía Bắc: Đây cũng chính là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc mà thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Hạ Long là hạt nhân của vùng. Vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng với lợi thế là vùng có nhiều cửa sông lớn, phong cảnh đẹp, nổi tiếng là Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Việc quy hoạch các đô thị các trung tâm du lịch nghỉ mát, vùng bảo vệ môi trường sinh thái biển được nghiên cứu và xem xét tổng hợp trên quan điểm môi trường cảnh quan và phát triển bền vững.
- Phương án quy hoạch điều chỉnh thành phố Hải Phòng đã thể hiện rõ vai trò của thành phố Cảng. Cơ cấu phát triển không gian đã lấy sông Cấm làm trục bố cục để tổ chức khai thác 2 bờ sông Cấm vào mục tiêu phát triển công nghiệp cảng và xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ. Mặt khác, khai thác khu vực Đình Vũ để đưa không gian cảng tiếp cận cửa biển, thuận lợi trong việc khai thác kinh tế biển một cách tổng hợp nhằm xây dựng Hải Phòng thành một trung tâm vùng kinh tế biển cho cả vùng đồng bằng Sông Hồng.
Cảng Hải Phòng - ảnh Nam Khánh
Biển Cát Bà - ảnh Nam Khánh
Thành phố Hạ Long có cảnh quan rất đa dạng, phong phú: cảng Cái Lân là Vịnh kín được che chắn tự nhiên phù hợp với việc quy hoạch phát triển cảng nước sâu. Vịnh Hạ Long (di sản thiên nhiên Thế giới) là cảnh quan ven biển vào loại bậc nhất thế giới được quy hoạch gắn bó hài hoà với thiên nhiên của khu vực Hòn Gai – Bãi Cháy - Hùng Thắng – Hoành Bồ. Trên cơ sở phát triển kinh tế chung của vùng, của thành phố, quy hoạch đã đưa ra cơ cấu chức năng cho từng khu vực trên cơ sở khai thác thế mạnh của biển (vùng cảng – vùng du lịch biển – bãi tắm – thể thao trên biển – vùng du lịch sinh thái của các hòn đảo, hang động nổi tiếng – vùng đánh bắt, chế biến hải sản – vùng nuôi tôm…). Phương án quy hoạch Hạ Long đã đạt được mục tiêu phát triển đô thị trên cơ sở cải tạo đô thị cũ, phát triển đô thị mới và những khu công nghiệp trải dài trên một dải bờ biển gần 30km. Là đô thị loại 2, trung tâm của cả vùng Đông Bắc, thành phố Hạ Long được quy hoạch xây dựng hài hoà làm tôn được vẻ đẹp của vịnh Hạ Long đầy quyến rũ và vùng núi điệp trùng hùng vĩ ở phía Tây.
- Vùng kinh tế trọng điểm ven biển miền Trung: Vùng này được quy hoạch từ cảng Chân Mây đến vịnh Dung Quất. Một đặc trưng của vùng biển này là khu vực có nhiều đầm phá (phá Tam Giang, đầm Lập An, Cầu Hai và khu vực Kỳ Hà). Đầm phá khu vực này có giá trị kinh tế cao về nuôi trồng thuỷ sản, kết hợp với các Cửa sông lớn như: sông Hàn, sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Trà Bồng) và các bãi tắm đẹp nổi tiếng: Lăng Cô, Nam Ô, Mỹ Khê, Non Nước, Vạn Tường… và các đảo: Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn. Trên quan điểm đã nêu, việc quy hoạch thành phố Đà Nẵng: Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm đóng vai trò trong việc tổ chức là đầu mối giao thông quan trọng (cảng biển, sân bay quốc tế, đường sắt, đường bộ) trên cơ sở phát triển cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu, cảng Sông Hàn. Tổ chức và hoàn thiện các khu chức năng của đô thị cần phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố gần 1 triệu dân đến năm 2020.
Khu công nghiệp Dung Quất đã được quy hoạch và xây dựng thành khu công nghiệp lọc hoá dầu đầu tiên của cả nước. Với lợi thế về kinh tế biển có vịnh nước sâu được che chắn tự nhiên, có sân bay Chu Lai, có quỹ đất rộng, lại gần đường sắt, đường bộ nên thuận lợi cho việc xây dựng thành khu công nghiệp có quy mô lớn (14.000ha), Vạn Tường là khu đô thị mới của toàn khu công nghiệp Dung Quất dành cho 120.000 người. Hiện nay, khu công nghiệp này đã được xây dựng với nhiều hạng mục với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
- Vùng kinh tế trọng điểm ven biển miền Nam: Bao gồm vùng biển thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu với vịnh Gành Rái gắn liền với sông Thị Vải – sông Lòng tàu đi vào cảng thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một vùng kinh tế biển sôi động nhất cả nước. Khai thác lợi thế vịnh Gành Rái để xây dựng cảng Sao Mai – Bến Đình với tàu hơn 5 vạn tấn, quy mô có thể đạt 30 triệu tấn năm. Khu dịch vụ Dầu khí với căn cứ trên bờ phục vụ cho việc khai thác dầu khí trên biển phía Nam và đặc biệt trên 2 bờ sông Thị Vải đã được xây dựng các khu bến cảng, các khu công nghiệp quan trọng như: Điện (bằng khí đốt), công nghiệp thép và các loại hình công nghiệp khác.
Vùng ven biển Nam Bộ (khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu – Long Thành – Cần Giờ) là một vùng sinh thái ngập mặn với hàng ngàn ha bãi sú vẹt, tràm, đước là tài nguyên vô cùng to lớn để nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Nhiều quy hoạch cụ thể đã được lập và xây dựng trên cơ sở khai thác hợp lý về nguồn lợi kinh tế biển với nội dung phát triển kinh tế, phục vụ an ninh quốc phòng và môi trường bền vững. Vùng ven biển chiến lược này có thành phố Vũng Tàu. Theo quy hoạch thì Quy hoạch thành phố Vũng Tàu đến năm 2020 đạt 500.000 người, là đô thị cửa ngõ có kinh tế hướng ra nước ngoài và vào nội địa. Ngoài ra, khu đô thị mới Phú Mỹ (phục vụ phát triển công nghiệp dọc tuyến đường 51) và đô thị mới Nhơn Trạch đang được hình thành theo quy hoạch.
Vùng ven biển thường là vùng đất thấp, có nhiều cửa sông thoát lũ, là khu vực rất hấp dẫn các hoạt động kinh tế đa dạng, tập trung đông dân cư, là vùng có tốc độ đô thị hoá cao, việc xây dựng thiếu quy hoạch hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng ngăn cản dòng thoát gây úng ngập khu vực thượng nguồn. Những năm gần đây do nạn phá rừng nghiêm trọng, rừng thiếu độ che phủ giữ nước, mùa mưa nước lũ đổ xuống vùng thấp gây lụt lội, thêm những ảnh hưởng của bão lũ gây sạt lở ven bờ biển nghiêm trọng, như vùng Thuận An tỉnh Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn, sông Vu Gia… Việc làm kè ven biển một số khu vực trọng yếu là cần thiết, tuy nhiên đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Việc đánh cá quá mức và sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt, nhất là ở vùng biển nông ven bờ và vùng đầm phá đã làm suy thoái nguồn sinh vật biển, năng suất đánh bắt đã giảm trong 5 năm gần đây, 70 loài bị đe doạ và có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao.
Việc thu hút tập trung khách du lịch trong và ngoài nước quá lớn trong khi chưa đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thích hợp cũng là nguy cơ gây ô nhiễm bờ biển, các chất thải từ những đô thị lớn và khu công nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp được các dòng sông chuyển tải ra biển, cùng với dầu mỏ và các chất thải từ các tàu biển, các giàn khoan dầu, khí là nguồn gây ô nhiễm ngày càng tăng đối với môi trường và hệ sinh thái biển.
Trên biển đông, gần vùng biển Việt Nam có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên đó hàng năm có hàng trăm tàu dầu đi qua, chuyển khoảng 300 triệu tấn dầu cũng là nguy cơ gây ô nhiễm khi có sự cố tràn dầu hoặc sự cố tàu dầu…
Bởi vậy, cần có quy hoạch và quy định của Nhà nước đối với các hoạt động ven biển và trên biển, phải tính tới các tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái biển và có biện pháp phòng ngừa:
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, tài nguyên môi trường và quốc phòng an ninh để xác định chung những chương trình hành động trong một lãnh thổ, tránh tình trạng chồng chéo cục bộ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, chủ quyền, an ninh biển đảo.
- Cần xây dựng kế hoạch bảo vệ các vùng ven biển về phương diện địa mạo và sinh thái, có xét tới các hoạt động như khai thác vùng đất ngập nước ven biển, các cửa sông, các đầm phá, các vùng cảnh quan đặc biệt khác, có tính tới các biện pháp phòng ngừa tác động bất lợi của biến đổi khí hậu toàn cầu, trực tiếp là hiện tượng mực nước biển dâng cao.