Hiện nay, khi đô thị hoá đã đạt trên 70, 80% việc khai thác phát triển đô thị theo chiều cao đang có xu hướng bão hoà và hướng đến ngày một nhiều hơn đối với khả năng khai thác chiều sâu của đô thị.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của nước ta ngày càng nhanh, hệ thống đô thị phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tốc độ phát triển nóng tạo ra các áp lực về hạ tầng đô thị, về nhà ở, văn phòng, giao thông đô thị và không gian công cộng trong đô thị.... Quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn đã ở tình trạng gần như cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, khiến người dân đô thị cảm thấy bức bối.... Những điều này cộng với nhu cầu về tính văn minh, hiện đại và mỹ quan đô thị dã và đang đòi hỏi việc phát triển phải hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả về chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị. Trong đó, vấn đề về chiều cao đô thị đã được chú ý phát triển trong những năm gần đây nhưng vấn đề chiều sâu, vấn đề không gian ngầm thì dường như chưa được chú ý đến. Những điều này dẫn đến một thực trạng hết sức bất cập trong việc phát triển không gian ngầm đô thị – một xu thế tất yếu mà chúng ta phải tính toán đến.
Trong 10 năm thực hiện định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 10/1998/QĐ - TTg ngày 23/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đô thị đã phát triển nhanh chóng. Năm 1998 tổng số đô thị trên toàn quốc là 633 đô thị, tỉ lệ đô thị hoá là 24%; năm 2005 là 700 đô thị, tỉ lệ đô thị hoá là 27%; đến năm 2008 con số này là 747 đô thị và tỉ lệ đô thị hoá là 30,5%. Kết quả tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước cũng có sự đóng góp quan trọng của khu vực đô thị.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2005 các đô thị của Việt Nam đã đóng góp khoảng 70% sản lượng kinh tế. Cơ cấu GDP của nhóm ngành phi nông nghiệp năm 2007 cũng đã chiếm 79,3% tổng giá trị GDP toàn quốc. Khu vực đô thị ngày càng có xu hướng đồng góp cao hơn vào tổng giá trị GDP của đất nước. Những cơ hội kinh tế ở các đô thị đã và đang tạo ra sức hút đầu tư phát triển và làm mới hệ thống đô thị Việt Nam.
Cùng với bước phát triển về công nghệ và kỹ thuật hiện đại của thế giới, việc tiến hành xây dựng văn bản pháp quy và các định hướng quản lý phát triển công trình ngầm đô thị đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Nghị định số 41/2007/NĐ - CP ngày 22/03/2007 là văn bản pháp quy đầu tiên ra đời, đề cập khá đầy đủ về mọt số vấn đề cơ bản của công tác xây dựng công trình ngầm đô thị của Việt Nam. Tiếp đó là dự thảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về công trình ngầm.
Hội thảo lớn đầu tiên về “Những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị” đã được tổ chức ngày 22/10/2008 tại TP. HCM. Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Sở Xây dựng TP.HCM cùng nhiều tổ chức Chính phủ đã đồng quyết tâm tham gia nhằm xác định rõ được mục đích yêu cầu chính đối với phát triển công trình ngầm đô thị ở Việt Nam là gì? Khái niệm về không gian được tạo ra dưới mặt đất tại đô thị để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị đã được ra đời.
Hội thảo có đưa ra một phân loại không gian ngầm giao thông đô thị bao gồm:
+ Nút giao thông ngầm;
+ Đường ngầm vượt sông;
+ Đường sắt đô thị/tầu điện ngầm;
+ Công trình ngầm bãi đỗ xe;
+ Các loại khác;
Theo định nghĩa của Hội Xây dựng ngầm và Không gian ngầm Quốc tế (ITA) thì không gian ngầm giao thông đô thị bao gồm:
+ Đường bọ hành cho người;
+ Cơ sở hạ tầng giao thông;
+ Đường ôtô ngầm;
+ Đường tàu điện ngầm;
Theo cách phân loại của Liên Xô/Nga dựa vào chức năng và vị trí đặt công trình ngầm (nông/sâu) mà phân công trình ngầm giao thông đô thị thành các loại sau:
+ Hầm (tuynen) đường sắt, hầm trong thành phố (tàu điện ngầm);
+ Hầm đặt sâu/nông theo các đại lộ ở thành phố;
+ Hầm ngầm dưới nước;
+ Hầm giao thông chạy điện thuộc nội đô (tàu điện, xe buýt) kết hợp với ôtô;
+ Hàm cho người đi bộ trong đô thị;
+ Hầm vượt ngầm kiểu không gian rộng trong thành phố;
+ Gara và bãi đỗ xe ngầm;
+ Trung tâm thương mại;
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động với nhiều dấu hiệu khả quan. Hiện tại hệ thống đô thị đang phát triển rất nhanh chóng chỉ trong 10 năm từ 1998 đến nay đã có trên 100 đô thị lớn nhỏ được ra đời và phát triển, các thành phố mới và cũ đều có nhu cầu xây dựng hiện đại và hướng xây dựng phát triển hệ thống công trình ngầm đô thị là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất, làm thoả mãn tối đa nhu cầu xây dựng, cải tạo và phát triển đô thị. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, điều kiện địa chất thổ nhưỡng của các địa phương mà quy mô và hướng phát triển công trình ngầm của các đô thị cũng khác nhau. Có thể nói rằng, trong hoạt động xây dựng, cải tạo và phát triển đô thị, đặc biệt đối với các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay, chúng ta luôn luôn phải có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và công trình được xây dựng dưới mặt đất. Sử dụng, khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai cũng như bố trí hợp lý các công trình dưới mặt đất góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị, góp phần tạo nên sự hợp lý hơn của quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng đô thị, giúp sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất xây dựng đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đặc biệt các công trình giao thông ngầm (tuyến nhà ga, bãi đỗ xe, hầm cho người đi bộ trong đô thị) góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị.
Vai trò và ý nghĩa của công trình ngầm trong quá trình phát triển đô thị:
Công trình ngầm đô thị chủ yếu bao gồm: hệ thống nhà ga và đường tải điện ngầm, ga ra ôtô và bãi đỗ xe ngầm, hầm giao thông đường bộ, tầng hầm nhà cao tầng, các trung tâm văn hoá thương mại, dịch vụ ngầm, hệ thống ngầm kỹ thuật đa năng (collector), hệ thống thoát nước lớn, các công trình phòng vệ dân sự.
Không gian ngầm đô thị không chỉ là những công trình mang tính hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ôtô, đường bộ mà không gian ngầm còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, trung tâm sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng trong đó thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị, đặc biệt tại các đô thị lớn của Việt Nam.
Do đó, việc có một chương trình chiến lược ưu tiên phát triển không gian ngầm và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng các tổ hợp trung tâm thương mại – cao ốc văn phòng – khách sạn cao cấp – bãi đậu xe ngầm. Việc tạo ra những không gian ngầm đa chức năng, liên thông dưới ngầm là vô cùng có ý nghĩa.
Khó khăn trong quy hoạch xây dựng công trình ngầm đô thị:
Khó khăn đầu tiên đến từ sự bất cập trong công tác quy hoạch về công trình ngầm. Quy hoạch xây dựng đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng ta mới chỉ tập trung nghiên cứu phần không gian đô thị trên mặt đất, chưa nghiên cứu sâu đến phần không gian ngầm. Hiện nay, việc chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, tức là thiếu một tầm nhìn tổng thể về vấn đề này tại các đô thị đang gây rất nhiều khó khăn cản trở cho công tác quản lý cũng như công tác đầu tư về lĩnh vực này. Tức là cả chính quyền, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư đều gặp khó khăn khi vấp phải vấn đề công trình ngầm, không gian ngầm. Thực tế này dẫn đến sự băn khoăn và nghi ngại trong việc phát triển không gian ngầm đô thị vì sợ đi trước khi có kế hoạch sẽ tạo ra những phức tạp về sau. Ví dụ như sự kiện xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm trong công trường Lam Sơn mà chúng ta biết rất rõ.
Bên cạnh vấn đề thiếu một quy hoạch chính thức về không gian ngần đô thị thì việc thiếu một hành lang pháp lý với những qui định, qui chế, tiêu chuẩn cơ bản về công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị cũng khiến các cơ quan và nhà đầu tư lúng túng. Các qui định mà thực tiễn đang cần, là các qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình ngầm (hiện nay chưa có). Cho nên, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm phải chờ đợi ý kiến của các ban ngành một thời gian rất lâu nhưng rồi vấn đề vẫn chưa giải quyết được.
Thực tế có nhiều vấn đề liên quan đến các công trình ngầm chưa có qui định cụ thể nên các cơ quan chức năng đôi khi phải “tuỳ nghi” trong các quyết định. Các chính quyền đô thị đang gặp vướng mắc rất lớn về quy hoạch và xử lý tình huống các công trình ngầm. Do đó, các nhà đầu tư cũng mất đi cơ hội, hoặc phải rất vất vả nếu muốn tạo ra một không gian ngầm trong dự án của mình. Đồng thời tiến trình phát triển của không gian ngầm đô thị cũng phải đi rất chậm hoặc giậm chân tại chỗ.
Những kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư và xây dựng công trình ngầm đô thị:
Ở tầm vĩ mô, Nhà nước và các Bộ, ngành chức năng cần có một chiến lược tổng thể về việc phát triển, khai thác không gian ngầm đô thị, đặc biệt là ở các đô thị lớn để chúng ta có một kế hoạch hợp lý trong việc đầu tư khai thác không gian ngầm phục vụ hài hoà cho các mục đích phát triển đô thị.
Có thể nói rằng, phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm Việt Nam nói chung và các đô thị lớn nói riêng khá mới mẻ, nên các qui định pháp luật để điều chỉnh chưa đầy đủ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển các công trình ngầm như hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển cũng như khung pháp lý để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh này.
Trong quy hoạch xây dựng đô thị, các phương án về cơ cấu của đô thị, tổ chức phân khu chức năng chính cần phải kết hợp xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm (vùng chức năng không gian ngầm) và hướng sử dụng không gian ngầm theo các nguyên tắc ưu tiên tại trung tâm chính đô thị và của các khu vực, các vùng dân cư tập trung và dọc các đường phố chính đô thị. Quy hoạch xây dựng ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa đạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, vị thế và giá trị của mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có ở dưới để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.
Trong thời điểm khởi đầu cho việc hình thành không gian ngầm đô thị tại Việt Nam như hiện nay công tác quy hoạch chính là điểm nhấn mấu chốt. Do đó, nó cần phải được xác định như một nhiệm vụ trọng tâm then chốt. Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặt ở vị trí đặc biệt, bởi nó là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng không gian ngầm; việc quy hoạch không gian ngầm phải tính toán hợp lý cho việc đấu nói các đầu mối giao thông đồng thời tiện dụng nhất cho việc kết nối các chức năng khác của không gian công trình ngầm.
Quy hoạch dưới lòng đất rất phức tạp, bởi ngoài chuyện phải sử dụng kỹ thuật phức tạp hiện đại, liên quan đến nhiều chuyên ngành như địa chất, thuỷ văn, xây dựng, văn hoá, lịch sử. Với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, còn phải có nguồn lực về tài chính rất lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn của các nhà quy hoạch. Đô thị càng hiện đại, quy mô đặc biệt (như Hà Nội và TP.HCM) thì không gian ngầm càng phức tạp, khi thực hiện sẽ phải chi một khoản đầu tư lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị . Tuy nhiên, Nhà nước cần có chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch một cách bài bản, nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện để các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan tới công trình ngầm tại Việt Nam có điều kiện kết hợp với các chuyên gia nước ngoài tiến hành các nghiên cứu ứng dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Để phục vụ việc lập Quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống công trình ngầm cần có các bước khảo sát về địa tầng, địa mạo để có những thông số chính xác cho việc xây dựng công trình ngầm.
Việc tạo ra sự kết nối, đấu nối giữa các khối công trình ngầm dưới ở các công trình, tổ hợp công trình để tạo ra một không gian của các công trình ngầm, tạo ra tính hệ thống, sự liên kết của không gian ngầm đô thị cũng được tính đến một cách kỹ càng và phải có tầm nhìn xa cho việc liên kết hệ thống không gian trên mặt đất đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và đảm bảo khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị.
Trong quá trình quy hoạch cũng như lập dự án đầu tư cũng cần tính đến việc tạo ra một tính đa năng trong các dự án đầu tư công trình ngầm nhằm nâng cao tính hiệu quả và giá trị công trình cũng như hiệu quả sử dụng. Chẳng hạn, các dự án xây dựng nhà ga Metro, nên đặt nó trong một mối liên quan chung như những công trình kiến trúc văn hoá dưới mặt đất. Các nhà ga của Metro, nên đặt nó trong một mối liên quan chung như những công trình kiến trúc văn hoá dưới mặt đất. Các nhà ga của Metro trong tương lai nên là những công trình đa năng, kết hợp với trung tâm thương mại, nhà hàng, các công trình văn hoá, khu vui chơi giải trí. Khi đó, nhà ga chính là một tổ hợp các công trình văn hoá công cộng. Hoặc như các công trình hầm ngầm đường bộ tại các nút giao thông hiện nay, nên đặt nó trong sự phối hợp các không gian trưng bày, văn hoá hay các siêu thị bán lẻ nhỏ dưới lòng đất.
Hiện nay, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đầu tư phát triển và xây dựng không gian ngầm, công trình ngầm đô thị vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành. Tuy nhiên, với những văn bản pháp quy hiện có vẫn còn đang sơ sài và thiếu tính điều tiết chặt chẽ, chúng ta cần có một hệ thống quy chuẩn đã qua khảo sát và nghiên cứu thực tế về các tiêu chuẩn cơ bản như: độ an toàn, độ chiếu sáng, công tác PCCC, cấp thoát nước... để từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở cấp phép, giám sát các nhà đầu tư trong quá trình xây dựng.
Việc quy hoạch xây dựng ngầm là yêu cầu bắt buộc, là nhu cầu của cuộc sống và xây dựng công trình ngầm đã bắt đầu trở nên phổ biến ở nước ta. Quá trình xây dựng và phát triển đô thị lớn trên thế giới đều liên quan đến sử dụng không gian ngầm. Theo tư duy mới thì một đô thị được coi là mẫu mực sẽ là đô thị có quy hoạch xây dựng trên và dưới mặt đất hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất và được quản lý xây dựng chặt chẽ. Việc hoàn thiện từng bước nội dung quy hoạch xây dựng ngầm và đưa vào cuộc sống là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cần phải khẳng định quy hoạch xây dựng ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị. Khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố để quy hoạch xây dựng ngầm. Xây dựng các công trình ngầm trong đô thị cần phải tiến hành một cách tổng thể và có quy hoạch đảm bảo sự khớp nối giữa công trình trên mặt đất và dưới mặt đất thành một thể thống nhất.
Việc xây dựng công trình ngầm trong mỗi dự án phát triển đô thị đều rất tốn kém nhưng hiệu quả mang lại cho chúng ta rất to lớn, nó góp phần giải quyết rất nhiều vấn nạn đô thị. Vì vậy, trong chiến lược phát triển đô thị, Nhà nước và các cơ quan quản lý nên có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực này như: miễn phí sử dụng đất ngầm; hỗ trợ và cung cấp các thông số kỹ thuật, các nghiên cứu cần thiết về việc xây dựng không gian ngầm tại địa bàn đầu tư là yếu tố ưu tiên trong việc xét duyệt hồ sơ và dự án đấu thầu... Giúp cho hoạt động quy hoạch, đầu tư phát triển không gian, công trình ngầm đô thị của Việt Nam có thêm những bước tiến mới, hướng đến việc xây dựng các đô thị Việt Nam phát triển hài hoà giữa không gian mặt đất với không gian ngầm, trở thành đô thị thực sự văn minh, hiện đại.
Nguồn: Sài gòn đầu tư & xây dựng số 7/2009