Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh lại thiếu một mô hình quy hoạch đồng bộ nên tất cả trở nên méo mó và nhếch nhác, làng không phải làng, phố không ra phố. Toàn cảnh nông thôn là bức tranh lộn xộn không có tên gọi cụ thể. Hiện nay công tác quy hoạch nông thôn mới cũng được các cơ quan ban ngành chức năng quan tâm. Tuy nhiên sự quan tâm đó vẫn chưa đúng mức và tính hiệu quả của công tác này trong thực tế mới chỉ là những câu chuyện mới và đang bắt đầu.
Nông thôn Việt Nam mới trong thời toàn cầu hoá nảy sinh hàng loạt vấn đề từ cơ sở hạ tầng, rác thải, môi trường ô nhiễm… và đặc biệt là xu hướng thành thị hoá. Khu vực đồng bằng Bắc bộ, vốn đất chật người đông, tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh chóng. Rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã chuyển thành khu công nghiệp, khu giãn dân…Vốn sinh sống tập trung theo làng xóm nên cách sản xuất của người dân cũng manh mún, nhỏ lẻ và lạc hậu. Từ lâu, chúng ta đã thừa nhận nông thôn Việt Nam và nền nông nghiệp nước ta lạc hậu và nhỏ lẻ. Từ nhiều năm trở lại đây, tuy đã có sự phát triển đáng kể song tập quán, lối sống xưa cũ vẫn không hề thay đổi. Bằng chứng là việc quy hoạch những khu giãn dân vẫn nhỏ lẻ theo mỗi đơn vị xóm làng. Mỗi khu như thế chỉ rộng vài ngàn m2, được chia cho các hộ xây nhà theo lô. Các khu dân cư tý hon ấy đôi khi nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, điện và nước sạch không đầy đủ, kém chất lượng, việc đi lại, làm việc, học tập của người dân gặp nhiều khó khăn vì đường giao thông lấy lội bùn đất. Nước thải và rác thải không được tập trung, gây ô nhiễm môi trường sống khu giãn dân cũng là tình trạng chung của các khu dân cư mới được xây dựng khi chuyển từ làng nên phố.
Hầu hết các làng xã có rất nhiều khu dân cư nhỏ bé ấy nằm rải rác quanh những vùng đất mới mở rộng của địa phương hoặc nằm ngay giữa những cánh đồng vừa được giải toả làm đất giãn dân. Toàn cảnh làng xã trông lộn xộn và nhếch nhác hơn sau những chia cắt đất xây khu công nghiệp và xây nhà giãn dân. Đặc biệt những khu tái định cư sau khi chia tách sát nhập địa giới hành chính và sau khi chuyển từ xã lên phường, từ làng lên phố của những “phố mới” ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình… càng lộn xộn và không tập trung, vừa nhếch nhác lại không đồng bộ theo kiểu mạnh ai nấy làm hoặc được đến đâu hay đến đó.
Hậu quả của việc quy hoạch những khu giãn dân nhỏ lẻ này cũng khiến đồng ruộng bị xé nhỏ, gây khó khăn cho việc canh tác, làm thuỷ lợi và cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Cũng vì bị xé lẻ như vậy nên nhìn chung cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người dân không đạt yêu cầu. Chính sự quy hoạch thiếu tính toán và không khoa học này còn là nguyên nhân để các xưởng sản xuất, xí nghiệp nằm xen với khu dân cư gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân, một bức tranh “làng lên phố” nhưng mô hình quy hoạch nông thôn mới và định hướng phát triển kiến trúc không theo một mô hình của đô thị phát triển bền vững mà phương thức tổ chức và sản xuất còn thiếu văn minh, thiếu khoa học theo kiểu làng xã từ xưa đến nay.
Điều đáng nói là dù tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá diễn ra nhanh chóng cả về phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội nhưng lối sống tập quán và cách quản lý ở hầu hết các làng xã đều vẫn không thay đổi. Tư duy lạc hậu và nhỏ lẻ vẫn ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên không tránh khỏi những khó khăn bất lợi cho cuộc sống của họ, cũng như cho những chính sách phát triển của Nhà nước. Nếu là người của làng xóm ấy thì nhất thiết phải chờ đợi mua đất , xây nhà tại nơi mình sinh ra. Vấn đề này đòi hỏi thay đổi cách quản lý của các cấp về nhân hộ khẩu, về chế độ đất đai theo xu hướng mở rộng đến cấp xã, cấp huyện, cũng đòi hỏi các cấp có liên quan có sự chỉ đạo và quản lý phù hợp, tiến bộ về vấn đề đất đai, nhà ở, nhân hộ khẩu…dần dần thay đổi quan niệm của người dân về việc định cư sao cho thích hợp với cơ chế và điều kiện sống mới. Mỗi xã, mỗi huyện nên có một vài khu giãn dân tập trung với đầy đủ các dịch vụ công kiểu như các khu đô thị tại các thành phố, góp phần nâng cao chất lượng sống, tạo diện mạo mới cho nông thôn thích nghi với điều kiện xã hội mới.
Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải lấy dân làm gốc. Trước tiên bản thân vấn đề nội tại của nông thôn cũ là hạ tầng yếu kém, manh mún, lạc hậu, cư dân đông đúc, lối sống thay đổi, quỹ đất ngày càng thu hẹp… đã ảnh hưởng sâu sắc và hạn chế sự phát triển thành một nông thôn hiện đại. Do vậy, dù là đô thị hay nông thôn thì giải quyết vấn đề phương thức sản xuất sẽ giải quyết được dạng cư trú. Mỗi vùng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để gắn phương thức sản xuất với địa lý cho có được một mô hình tương đối khi tiến hành quy hoạch. Lâu nay, một số người làm quy hoạch nông thôn hay quan tâm tới nông thôn ít nghĩ tới điều đó. Do vậy, quy hoạch nông thôn phải song hành với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, nghề nghiệp và công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Hiện nay, quy hoạch nông thôn chúng ta vẫn đang làm nhưng phải cẩn thận, bởi nếu không sẽ phố hoá nông thôn. Bắt đầu từ thời kỳ đổi mới là sự xuất hiện tình trạng ở nông thôn, nhà ngày càng ra bám mặt đường, kể cả vùng núi xa xôi hẻo lánh. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng trên nhưng muốn giải quyết vấn đề thì tựu trung lại sản xuất phải gắn với lối sống, định cư và phát triển nông thôn phải đi cùng với phát triển hạ tầng. Đó là vấn đề thực chất không phải ai cũng hiểu biết được đầy đủ. Quy hoạch nông thôn không nên dựa hoàn toàn vào các nhà quy hoạch chuyên nghiệp mà nên dùng ngay chính trí thức nông thôn đẻ làm quy hoạch cho nông thôn. Và dưới sự giúp đỡ, trang bị kiến thức cùng những chuyên gia quy hoạch, họ- trí thức nông thôn sẽ làm sát thực tế và linh hoạt hơn trên một diện tích quy hoạch lớn như thế. Chúng ta cũng cần xây dựng môn quy hoạch nông thôn phù hợp với Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng thể chế, chính sách tốt, có tầm nhìn, hiểu biết sâu sắc thì mới có quy hoạch, phát triển nông thôn mới thật sự bền vững được.
Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, số 4&5/2012