Phát triển khu đô thị mới thực trạng và yêu cầu đổi mới

Thứ sáu, 04/05/2012 10:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các Khu đô thị mới (KĐTM) đã góp phần đáng kể trong tạo lập diện mạo mới cho đô thị, góp phần tăng trưởng kinh tế, phân bố dân cư và từng bước xây dựng mô hình sống mới, nâng cao chất lượng sống của người dân theo hướng hiện đại. Song cũng dễ nhận thấy còn nhiều tồn tại từ nhận thức, từ quan niệm, từ lý luận và nhất là về quản lý.

Phát triển đô thị bằng các dự án phát triển KĐTM là vấn đề được đặt ra từ những năm 90, song phải từ sau năm 1995 mới có những thí điểm ở Hà Nội (Khu ĐTM Ciputra), ở thành phố Hồ Chí Minh (khu Phú Mỹ Hưng) và từ năm 2000 mới phát triển mạnh, phổ cập trong cả nước. Các Khu đô thị mới (KĐTM) đã góp phần đáng kể trong tạo lập diện mạo mới cho đô thị, góp phần tăng trưởng kinh tế, phân bố dân cư và từng bước xây dựng mô hình sống mới, nâng cao chất lượng sống của người dân theo hướng hiện đại. Song cũng dễ nhận thấy còn nhiều tồn tại từ nhận thức, từ quan niệm, từ lý luận và nhất là về quản lý. Phải chăng từ thực trạng này nến đến năm 2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2006/NĐCP về quy chế KĐTM bao gồm cả xác lập quá trình hình thành, thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác và chuyển giao. Tính đến năm 2011 cả nước đã có gần 640 KĐTM có quy mô từ 20ha, chỉ có khoảng 80 dự án có quy mô từ 200- 1000 ha, khoảng 14 dự án có quy mô trên 1000 ha. Phát triển các KĐTM vừa qua đã thực sự là yếu tố quan trọng làm nên tốc độ đô thị hoá cao nhưng cũng thấy rõ những bất cập. Cần có những đổi mới từ thể chế, từ điều chỉnh Nghị định 02/2006.

Những năm gần đây nhiều thể chế, chính sách, định hướng, chiến lược, đồ án quy hoạch quan trọng đã được ban hành như Luật Quy hoạch đô thị, Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2050, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, nhiều đồ án quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Tuy nhiên việc thực hiện còn chưa đầy đủ, phần nào còn thiếu nhất quán và dễ thấy là chưa quản lý chặt việc tổ chức giám sát thực hiện. Phát triển các KĐTM còn dàn trải, chưa xác định hướng, vùng ưu tiên, chưa cân đối với kế hoạch sử dụng đất, nhất là ven đô. Không ít thủ tục, trình tự đầu tư, trách nhiệm các bên chưa xác định rõ ràng. Phát triển cơ sở hạ tầng nhất là giao thông chưa gắn kết với cả đô thị, với vùng và với từng KĐTM nên KĐTM thiếu hẫp dẫn, chưa có tác động để giảm áp lực vào trung tâm.

Tồn tại dễ thấy nhất là sự thiếu đồng bộ trong xây dựng các KĐTM, từ cơ cấu nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Ngay cả một số KĐTM có quy hoạch được đánh giá là có chất lượng như KĐTM Phú Mỹ Hưng (TP. HCM), sau 15 năm hình thành tỷ lệ lấp đầy trong vài dự án tới 70- 80%, nhưng hạ tầng xã hội toàn khu còn chưa đầy đủ, thiếu công trình y tế, bệnh viện cho cư dân có thu nhập trung bình, trường học chưa nhằm tới đối tượng phục vụ là số đông dân cư đang sinh sống. KĐTM Linh Đàm (Hà Nội) được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu nhưng cũng có tình trạng như trên, đó là thiếu trường phổ thông, trạm y tế, chợ. Nhiều KĐTM ở ngay vùng phát triển nội đô của Hà Nội như quận Hoàng Mai, Long Biên cũng trong tình trạng “trắng” về trường phổ thông công lập…học sinh phải “học nhờ” ở các trường bên ngoài, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho quản lý, quá tải cho giao thông đô thị…

Không gian công cộng được xác định trong nhiều quy hoạch chi tiết KĐTM nhưng triển khai đầu tư xây dựng chậm và thường không đồng bộ chức năng: vui chơi giải trí cho thiếu nhi, nơi giao tiếp cho người già, nơi thể dục thể thao hàng ngày… Cơ cấu nhà ở trong KĐTM tuỳ thuộc vị trí khu vực xây dựng, mối quan hệ với quy hoạch chung song nhìn chung cho thấy còn dự báo và thiết kế chưa sát, tập trung nhiều loại hình nhà ở phục vụ kinh doanh. Đây là yếu tố tác động nhiều đến thị trường bất động sản.

Nhận diện KĐTM không thể không nêu tới chất lượng về quy hoạch và giải pháp kiến trúc công trình. Bài học kinh nghiệm từ nước ngoài như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… cho thấy mỗi KĐTM đều có ý tưởng riêng, có đặc thù cả về cấu trúc và diện mạo. Đây là sáng tạo, là năng lực từ các kiến trúc sư. Phải chăng cũng từ kết quả này mà không ít chủ đầu tư dự án KĐTM có xu hướng mời chào các công ty nước ngoài làm tư vấn về kiến trúc và quy hoạch.

Đối với KĐTM Việt Nam và cả phần lớn đô thị cho thấy kiến trúc đã từng bước khẳng định được vai trò với xã hội song đến nay vẫn chưa định hình được xu hướng kiến trúc, chưa xác lập được hiện đại nhưng có bản sắc, nhiều KĐTM thiếu hài hoà về tổng thể, lúng túng giữa tính quốc tế và truyền thống. Một số công trình cao tầng, công trình là điểm nhấn chưa gắn kết với cả đô thị để tạo sự hài hoà về tổng thể. Các công trình cao tầng hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở việc bố trí chồng tầng lên cao chưa tính đến các yếu tố văn hoá, lối sống, chất lượng sống đặc biệt là tiết kiệm năng lượng. Chất lượng quy hoạch chưa cao, dự báo chưa đầy đủ căn cứ khoa học nên tình trạng điều chỉnh cục bộ thường xảy ra. Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là chưa có quy chế quản lý quy hoạch- kiến trúc cảnh quan của toàn bộ đô thị và từng khu vực, tư vấn từng dự án KĐTM chưa có tầm nhìn tổng thể để gắn kết với lịch sử phát triển cảnh quan thiên nhiên môi trường.

Nhìn lại tổng quan về thực trạng KĐTM như nếu trên cho thấy: bên cạnh những đóng góp về diện mạo đô thị, về phát triển KT- XH thì tồn tại rõ thấy là còn chưa đồng bộ về cơ chế chính sách, quản lý chưa chặt chẽ, năng lực tư vấn, chất lượng quy hoạch- kiến trúc chưa cao.

Thời gian tới, với những yêu cầu mới về hội nhập, về phát triển KT- XH, để phát triển hệ thống đô thị tại Việt Nam như định hướng đã được Chính phủ phê duyệt rất cần tiếp tục phát triển các KĐTM, đảm bảo hài hoà giữa phát triển với bảo tồn, với cải tạo các KĐT cũ.

Việc phát triển các KĐTM trong mỗi đô thị phải có kế hoạch dài hạn, lựa chọn các dự án ưu tiên từng giai đoạn để tránh dàn trải. Cùng với nâng cao năng lực tư vấn là gắn phân công phân cấp với nâng cao năng lực quản lý. Mô hình Ban quản lý KĐTM của toàn thành phố đã được thí điểm ở Hà Nội, cần được tổng kết.

Gắn phát triển đô thị với yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đảm bảo chất lượng sống tốt phải được xem là tiêu chí đánh giá mức độ thành công của KĐTM. Cấu trúc kĐTM phải được nghiên cứu không chỉ từ lý luận quy hoạch “hàn lâm” mà phải phù hợp với điều kiện địa phương, cảnh quan tự nhiên, tiến bộ khoa học kỹ thuật và hoà đồng với cộng đồng dân cư xung quanh. Mỗi KĐTM không thể là một đặc khu, một “ốc đảo” trong đô thị.

Giải pháp kiến trúc công trình đang tồn tại mà không thể một sớm một chiều giải quyết được nhưng cần nhận thức đây là khâu đột phá mà tiên phong phải từ các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, từ đẩy mạnh phản biện xã hội, từ công khai minh bạch để có được sự tham gia của cư dân. Muốn nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng người Việt phải được bắt nguồn từ truyền thống Việt Nam.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 3/2012.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)