Phát triển bền vững yêu cầu chiến lược trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam

Thứ sáu, 04/05/2012 10:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển đô thị là một lĩnh vực đặc thù, có thể hiểu phát triển bền vững đô thị là sự phối hợp phát triển đa ngành, đa cấp và của toàn xã hội. Phát triển bền vững đô thị là tư duy mới về quá trình đô thị hóa được diễn giải trên cơ sở duy trì những hiểu biết về kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát triển đô thị là nền tảng vững chắc để CNH – HĐH đất nước.

Phát triển đô thị bền vững, một yêu cầu chiến lược trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam

Trong quá trình đô thị hóa nhiều vấn đề về “đô thị học” đã nảy sinh. Dường như có giai đoạn các vấn đề đó được coi như sự “khủng hoảng đô thị”. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu phát hiện ra xu hướng phát triển của đô thị trong tương lai. Cần có một đường lối phát triển thông minh, linh hoạt, mền dẻo, phải gắn các tiến bộ khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ môi trường… với phát triển đô thị. Trong trào lưu và xu hướng của tư tưởng phát triển bền vững, các nhà đô thị cũng áp dụng tư tưởng này vào lĩnh vực phát triển đô thị. Vậy, phát triển bền vững được hiểu và áp dụng như thế nào trong phát triển đô thị? Dù cùng xuất phát từ khái niệm phát triển bền vững của Brundtland, các nhà khoa học, đô thị đã đưa ra nhiều khái niệm, tiêu chí khác nhau về phát triển đô thị bền vững.

Theo các nhà sinh thái phát triển đô thị bền vững cần đảm bảo các tiêu chí: (1) Phát triển nhà ở theo chiều cao để tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và mặt bằng; (2) Bảo tồn địa hình địa mạo tự nhiên; (3) Tránh xây dựng thành phố trong thung lũng vì đất ở đấy phì nhiêu và dễ lở; (4) Bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị; (5) Khuyến khích tiết kiệm nước; (6) Hạn chế sử dụng phương tiện di chuyển có động cơ; (7) Tái sinh vật liệu phế thải. Các nhà nghiên cứu và quản lý lại có quan điểm: (1) Lấy chỉ tiêu HDI để đánh giá đô thị chứ không dựa vào quy mô dân số, kinh tế hay xây dựng như trước đây; (2) Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị; (3) Sự phối hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và quản lý.

Khu ĐTM đang xây dựng vùng phía Nam Hà Nội

Phát triển đô thị là một lĩnh vực đặc thù, có thể hiểu phát triển bền vững đô thị là sự phối hợp phát triển đa ngành, đa cấp và của toàn xã hội. Phát triển bền vững đô thị là tư duy mới về quá trình đô thị hóa được diễn giải trên cơ sở duy trì những hiểu biết về kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát triển đô thị là nền tảng vững chắc để CNH – HĐH đất nước. Một cách hiểu đơn giản phát triển bền vững đô thị là sự can thiệp với cách thức có chiến lược của con người vào quá trình đô thị hóa phù hợp với xu thế, nguồn lực, qui luật phát triển chung và đặc trưng riêng của từng quốc gia.

Những vấn đề cần tập trung giải quyết

Về cơ bản phát triển bền vững đô thị cần tập trung giải quyết các vấn đề: (1) Phát triển kinh tế đô thị ổn định, tạo công ăn việc làm cho người dân đô thị, đặc biệt cho người có thu nhập thấp và người nghèo đô thi; (2) Đảm bảo đời sống vật chất văn hóa tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đảm bảo công bằng xã hội; (3) Tôn tạo, gìn giữ và bảo vệ môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp với đầy đủ ý nghĩa vật thể và phi vật thể đô thị…

Để góp phần xây dựng thành công sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, công tác phát triển và quản lí phát triển đô thị đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng và phân bố hợp lý các đô thị tạo sự phát triển bền vững, cân bằng giữa các vùng lãnh thổ, có sức cạnh tranh cao giữa các đô thị, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho người dân, đảm bảo phát triển KT-XH với an ninh quốc gia… Phát triển đô thị bền vững đã trở thành một yêu cầu chiến lược tất yếu trong định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia. Các lĩnh vực cần ưu tiên trong các chiến lược thuộc Chương trình nghị sự 21 của Chính phủ phải được lồng ghép và cụ thể trong chiến lược phát triển bền vững đô thị quốc gia, cụ thể là:

1. Những lĩnh vực kinh tế trong khu vực đô thị cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững: Chuyển dịch cơ cấu và duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Thay đổi mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; Thực hiện quá trình “công nghiệp hóa sạch”; Tăng cường mối liên kết giữa khu vực đô thị và nông thôn theo hướng bền vững;

2. Những lĩnh xã hội trong khu vực đô thị cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững: Xây dựng chương trình phát triển đô thị quốc gia khoa học, hợp lí nhằm phát triển bền vững hệ thống đô thị; Phân bố hợp lí dân cư, lao động và hệ thống đô thị theo nguồn lực, tiềm năng, ngưỡng phát triển từng vùng, miền; Tập trung nỗ lực để giảm nghèo đô thị, đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Tiếp tục giảm mức tăng dân số và tạo thêm việc làm cho người lao động; Nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp, phù hợp với yêu cầu của quá trình đô thị hóa; Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, cải thiện điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống;

3. Những lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm trong khu vực đô thị cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững: Tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai; hạn chế phát triển đô thị, công nghiệp vào khu vực đất nông nghiệp gắn với chiến lược an ninh lương thực quốc gia; sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất phát triển đô thị; Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; Bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, nông nghiệp, biển, hải đảo, giữa các khu vực đô thị và nông thôn; Giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, đất, nước ở các đô thị và khu công nghiệp; quản lí chất thải rắn và chất thải nguy hại; Thực hiện các biện pháp giảm sự gia tăng biến đổi khí hậu và hạn chế những ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu (nhất là ảnh hưởng của mực nước biển dâng, triều cường…), phòng và chống thiên tai; Đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị, nông thôn; Phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh…

Mạng lưới đô thị quốc gia theo kịch bản phát triển bền vững

Để nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 445/QĐ-TTg, ngày 07/4/2009) phê duyệt “Điều chỉnh định hướng qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”, đã xác định mục tiêu chiến lược phát triển hệ thống đô thị quốc gia là: “Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kĩ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiến tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc”. Việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo:

- Phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất cả nước, với yêu cầu của quá trình CNH – HĐH và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội;

- Phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết Đô thị – Nông thôn, đảm bảo chiến lược an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với từng giai đoạn phát triển chung của đất nước;

- Phát triển ổn định, bền vững và trường tồn, trên cơ sở tổ chức hợp lý môi sinh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái;

- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với trình độ thích hợp hoặc hiện đại, tuỳ thuộc vào yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị;

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong kiểm soát phát triển đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách; huy động các nguồn lực vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị, đảm bảo cho các đô thị phát triển theo quy hoạch và pháp luật;

- Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào mục đích cải tạo, xây dựng và hiện đại hóa đô thị; xây dựng chính quyền đô thị điện tử;

- Kết hợp chặt chẽ với việc đảm bảo an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội; đối với các đô thị ven biển, hải đảo và các đô thị dọc hành lang biên giới phải gắn với việc bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia.

Theo đó, hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản được phát triển theo mô hình “mạng lưới đô thị”, đảm bảo sự kế thừa các ưu điểm của định hướng phê duyệt năm 1998, phù hợp với các yêu cầu phát triển KT – XH, phát triển bền vững của đất nước theo từng thời kì và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước theo hướng đảm bảo phát triển hợp lí các vùng đô thị hóa cơ bản (được xác định dựa trên cơ sở 6 vùng kinh tế, xã hội quốc gia), giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây, gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời đảm bảo phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.

Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các KKT tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia; từ năm 2016 đến năm 2025 ưu tiên phát triển vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ theo địa phương để chuyển dần sang phát triển theo mô hình “mạng lưới đô thị” ở giai đoạn sau năm 2025… Mô hình này thể hiện chiến lược phát triển bền vững hệ thống đô thị quốc gia trong quá trình đô thị hóa; hướng tới sự phát triển cân bằng hơn giữa các vùng, giữa khu vực đô thị và nông thôn; đô thị có sức cạnh tranh cao, có vị thế xứng đáng, có mối liên hệ với hệ thống đô thị khu vực và thế giới.

TS.KTS Trương Văn Quảng
Phó Viện trưởng Viện Kiến Trúc, Quy hoạch Đô Thị và Nông Thôn


Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam Số 3/2012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)