Vật liệu để làm nên con đập có thể là vật liệu công nghiệp hoặc vật liệu địa phương. Dựa vào vật liệu làm đập có thể phân loại đập ra thành các loại: Đập đất, đập bê tông, đập đất đá hỗn hợp, đập bê tông đầm lăn, đập đá đổ, đập cao su; trong khi đó, vật liệu làm đập lại rất đa dạng về chủng loại. Trong bài báo này, chúng tôi không đề cập đến các thông số kỹ thuật của các loại vật liệu làm đập mà chỉ nêu về công tác quản lý chất lượng vật liệu làm đập của chủ đầu tư và của nhà thầu thi công xây dựng theo quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Lựa chọn quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật về VLXD
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật qui định “Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng” và “Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng”.
Hiện tại, do các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về VLXD làm đập chưa được hoàn thiện, các tiêu chuẩn quốc gia về VLXD làm đập cũng chưa được công bố đầy đủ cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài về VLXD làm đập đa dạng và phong phú cũng là việc tất yếu. Chính vì vậy, đối với mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa thì người quyết định đầu tư phải xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn chủ yếu (tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở hoặc hệ thống tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài) cho dự án trong đó các tiêu chuẩn về vật liệu làm đập các hoạt động xây dựng do mình quản lý (Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng “Quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng”).
Trên cơ sở đó, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm lập chỉ dẫn kỹ thuật (specification) làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu và thực hiện giám sát, thi công và nghiệm thu xây dựng.
Thí nghiệm kiểm tra vật liệu trước khi xây dựng
Đây là yêu cầu đối với nhà thầu thi công xây dựng khi phải thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu trước khi xây dựng theo tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật (Điểm b, Khoản 1, Điều 19, Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2009 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng). Ngoài việc phải cung cấp cho chủ đầu tư giấy chứng nhận chất lượng vật liệu của nhà sản xuất, nhà thầu thi công xây dựng còn phải cung cấp cho chủ đầu tư kết quả thí nghiệm của các phòng thí nghiệm hợp chuẩn đối với vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng và kết quả kiểm định chất lượng thiết bị của các tổ trước khi đưa vào xây dựng công trình theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 21, Nghị định 209/2004/NĐ-CP.
Để có được kết quả thí nghiệm, nhà thầu thi công xây dựng có thể sử dụng phòng thí nghiệm hợp chuẩn của mình hoặc thuê các phòng thí nghiệm hợp chuẩn khác thông qua hợp đồng để thực hiện các phép thử mà phòng thí nghiệm của nhà thầu không thực hiện được. Tuy nhiên, hiện nay, đối với đập bê tông, việc kiểm soát chất lượng vật liệu còn sơ hở và không chặt chẽ. Ở hầu hết các công trình thủy điện, thủy lợi hiện nay chỉ có duy nhất một phòng thí nghiệm hiện trường phục vụ cho trạm trộn bê tông của nhà thầu thi công xây dựng. Phiếu kết quả thí nghiệm bê tông của Phòng thí nghiệm này mới chỉ là Chứng chỉ về chất lượng của nhà sản xuất bê tông mà chưa có chứng chỉ kiểm tra chất lượng. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng đều quan niệm rằng do trạm trộn bê tông ngay tại hiện trường nên chỉ cần một chứng chỉ chất lượng. Điều đó là sai lầm vì vừa vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng vừa không có số liệu để kiểm tra đối chứng nhằm kiểm soát chất lượng khi thi công, nghiệm thu cũng như khi giám định công trình xảy ra sự cố. Chính vì vậy, để kiểm soát được chất lượng bê tông thì tối thiểu phải có hai phòng thí nghiệm thực hiện kiểm tra đầu vào hoặc phòng thí nghiệm kiểm tra đối chứng.
Hiện tại các đập vật liệu địa phương (như đập đất, đập đất đá hỗn hợp, đập đá đổ) thường chiếm tỷ trọng rất lớn do tận dụng được vật liệu địa phương, giảm giá thành, thi công đơn giản. Tuy nhiên, sử dụng vật liệu địa phương trong đắp đập thì vấn đề thấm của đập và xử lý thấm là một vấn đề rất quan trọng vì nó liên quan đến việc ổn định của đập cũng như các công trình liên quan.
Sự kiểm soát chất lượng vật liệu làm đập của chủ đầu tư
Theo quy định tại Điểm b và Điểm c, Điều 21, Nghị định 209/2004/NĐ-CP, chủ đầu tư phải kiểm tra phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất vật liệu; kiểm tra và giám sát chất lượng vật liệu do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp theo yêu cầu của thiết kế, bao gồm: Kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, kết quả thí nghiệm của các phòng thí nghiệm hợp chuẩn trước khi đưa vào xây dựng công trình. Khi nghi ngờ các kết quả kiểm tra chất lượng vật liệu do nhà thầu thi công xây dựng cung cấp thì chủ đầu tư thực hiện kiểm tra trực tiếp vật liệu đưa vào công trình xây dựng. Ngay cả vật liệu đất, đá làm đập thì chủ đầu tư tổ chức hoặc yêu cầu nhà thầu tổ chức điều tra khảo sát chất lượng mỏ theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan. Kiểm tra định kỳ, đột xuất trong quá trình khai thác; thí nghiệm, kiểm định chất lượng vật liệu theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình (điểm c khoản 2 Điều 14 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng).
Như vậy, trách nhiệm kiểm soát vật liệu làm đập không chỉ của chủ đầu tư, của nhà thầu thi công xây dựng mà còn của cả người quyết định đầu tư. Điều đó cho thấy, công tác quản lý chất lượng VLXD làm đập phải được quan tâm trong hồ sơ thiết kế, trong các điều kiện kỹ thuật của hồ sơ mời thầu và đặc biệt từ giai đoạn chuẩn bị thi công và trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình.
Lê Văn Thịnh - Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng
Theo Báo Xây dựng điện tử