Môi trường pháp lý trong sản xuất kinh doanh của các Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 09/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dịch vụ thiết kế xây dựng đã có từ lâu ở Việt Nam. Trong thời kỳ bao cấp, dịch vụ này do các Viện Thiết kế, công ty của Nhà nước độc quyền cung ứng theo kế hoạch. Từ khi đổi mới mở cửa, cùng với việc đầu tư nước ngoài vào nước ta, khái niệm về tư vấn xây dựng đã được du nhập và dần thịnh hành, trở thành một loại hình dịch vụ "chất xám" quan trọng. Tư vấn xây dựng Việt Nam đã hoạt động theo theo cơ chế thị trường của nền kinh tế hàng hoá, đã thực sự biến thành một nghề kinh doanh ngày càng được luật pháp và cộng đồng công nhận. Đây thực sự là một biến đổi cả về lượng lẫn về chất. Cần phải nói rằng trong gần 20 năm qua là một thời gian phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư vấn xây dựng, các hoạt động tư vấn xây dựng đã có đóng góp tích cực, xứng đáng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Mới từ trên 250 doanh nghiệp tư vấn xây dựng vào năm 1995, cho đến nay đã có trên 650 tổ chức, bao gồm đủ các ngành chủ chốt, từ trung ương đến địa phương đủ mọi thành phần kinh tế, trong đó có 70% là doanh nghiệp Nhà nước, 27% là công ty ngoài quốc doanh và 3% là công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. các tổ chức tư vấn thuộc doanh nghiệp Nhà nước có thể chia ra làm 3 dạng:
- Các công ty tư vấn xây dựng chuyên nghiệp loại I, II là các đơn vị trực thuộc Bộ, Ngành hoặc tỉnh, thành phố. Loại này hiện đang là lực lượng trụ cột của tư vấn xây dựng Việt Nam;
- Các tổ chức tư vấn xây dựng thuộc các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các viện hoặc trung tâm nghiên cứu;
- Các tổ chức tư vấn xây dựng thuộc các tổng công ty xây dựng, các tổng công ty, công ty đa ngành. Các tổ chức tư vấn xây dựng ngoài quốc doanh hoạt động dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty tư nhân.
Quy mô của các doanh nghiệp - trừ một số ít công ty xuất thân từ các Viện thiết kế lâu dời của các bộ như: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thuỷ lợi, Công nghiệp có số lượng cán bộ từ 100 đến 500 người, có trang thiết bị tương đối và có doanh số trên 15 tỷ đồng, còn nói chung là nhân lực dưới 100 người, vốn ít và doanh thu nhỏ 5 đến dưới 10 tỷ, thậm chí có doanh nghiệp có doanh thu vài trăm triệu đồng, trang thiết bị nghèo nàn, chủ yếu là máy vi tính, có thể xem là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy vậy sản phẩm của tư vấn xây dựng lại thuộc loại đặc biệt, là chất xám có tính mở đầu, quán xuyến cả thời kỳ thực hiện, lẫn trong giai đoạn vận hành sử dụng, có quan hệ thành công hay thất bại của cả dự án. Số doanh nghiệp như vậy nhiều hay ít, đủ hay thiếu cũng cần được phân tích đánh giá thêm một bước, có điều chắc chắn là có những nơi có nhiều doanh nghiệp trùng lặp nhau không cần thiết, hoặc có danh nhưng không có thực, chủ yếu nhờ quan hệ, tìm được việc rồi mới tìm người, phần lớn kéo cả người của các doanh nghiệp khác để làm.
Các doanh nghiệp đã cố gắng đầu tư chiều sâu: Nơi làm việc, thiết bị văn phòng, máy móc đo đạc, thí nghiệm, nối mạng máy tính, lập các cơ sở dữ liệu tuy còn rất ít, trang bị các phần mềm chuyên dụng. Chú trọng đào tạo, huấn luyện bằng nhiều hình thức: tại chỗ, cử đi học ngắn hạn, tìm đối tác liên doanh để được chuyển giao công nghệ, nắm bắt các kỹ thuật mới. Cải tiến quản lý theo cơ chế thị trường, chủ động tìm việc, tăng cường chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng uy tín trong và ngoài nước. Nhờ các cố gắng trên, các công ty tư vấn xây dựng Việt Nam đảm nhận hầu hết các công việc vừa và nhỏ, có tính truyền thống. Đối với các công việc lớn, mới mẻ, kỹ thuật phức tạp, bước đầu các nhà Tư vấn xây dựng Việt Nam có thể làm được một số công việc qua sự hợp tác, làm thầu phụ với các hãng nước ngoài, học tập chuyên gia, từ đó có thể chủ động làm những công trình có tính chất tương tự.
Ngày nay, xu hướng toàn cầu hoá đã trở nên mạnh mẽ, các luật chơi chung đang ngày càng công khai, phổ biến; do vậy bên cạnh những cơ hội thuận lợi là những khó khăn đầy thách thức khi Việt Nam ra nhập WTO. Đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tư vấn.
Hiện nay, môi trường pháp lý trong sản xuất kinh doanh của các công ty tư vấn tuy đã có nhiều thuận lợi vì Nhà nước đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, pháp luật về XDCB nói chung và tư vấn nói riêng. Tuy nhiên, các công ty tư vấn đang đứng trước những vướng mắc và khó khăn sau:
1. Hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam tuy đã có cố gắng nhiều, song việc ban hành có hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nhất là các nghị định, thông tư hướng dẫn ra chậm so với luật và yêu cầu thực tế; chính sách luôn thay đổi như trong quản lý đầu tư và xây dựng, nên đã gây nhiều khó khăn cho công tác tư vấn. Nhiều dự án đang thực hiện dở dang thậm chí đã làm xong nộp sản phẩm cho chủ đầu tư thì phải dừng lại hoặc làm lại mới phải sửa theo luật, nghị định mới gây lãng phí mà chi phí tư vấn không được bù đắp. Mặt khác, đơn giá vật tư - thiết bị xây lắp luôn thay đổi hàng tháng, quý, theo địa phương, gây không ít khó khăn cho tư vấn luôn phải cập nhật thay đổi cho phù hợp mới được chủ đầu tư thông qua.
2. Đứng trước tình trạng tiêu cực thất thoát lãng phí nói chung và trong ngoài XDCB nói riêng. Nhà nước ta đưa ra chủ trương chống khép kín trong XDCB chỉ với mục đích ngăn chặn tình trạng lãng phí thất thoát trong XDCB. Đây là chủ trương không sai, nhưng chỉ với chủ trương này chưa đủ và nó cản trở đến hoạt động SXKD trong lĩnh vực tư vấn, làm ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn vì lẽ:Chính sách quy định đơn vị lập Dự án thì không được tham gia đấu thầu giai đoạn thiết kế kỹ thuật thi công. Trong khi đó, trong bước chuẩn bị đầu tư, giai đoạn lập Dự án là khâu quan trọng nhất, quyết định đến toàn bộ quá trình đầu tư, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Việc nhà tư vấn đã lập Dự án và được duyệt, thì họ làm tiếp giai đoạn thiết kế sẽ càng tốt hơn; thậm chí còn có thể giao cho họ cả giai đoạn giám sát quá trình xây dựng. Làm như vậy là khép kín, là tiết kiệm chứ không gây lãng phí tiêu cực. Vấn đề những lãng phí thất thoát thực chất là ở khâu giám sát, kiểm tra và quản lý của các cấp. Nhà nước tải "Luật hoá", phải quy định trách nhiệm vật chất, trách nhiệm hình sự của những cơ quan, con người tham gia vào quá trình thực hiện. Luật của Việt Nam mới nặng về xử lý hành chính mà chưa xác định mạnh mẽ trách nhiệm vật chất - Hình sự nên việc chống thất thoát, lãng phí không đạt hiệu quả.
Xu hướng hội nhập chính là xu hướng các công ty tư vấn tiến tới hình thức tổng thầu. Nhà đầu tư chỉ nêu "Đầu bài" và giao toàn bộ cho một Tư vấn để rồi cuối cùng nhận lại "Sản phẩm", "Công trình" mà thôi.
3. Về hệ thống quy chuẩn, quy phạm xây dựng và kể cả hệ thống của chương trình phần mềm của Việt Nam hiện nay mà các công ty tư vấn đang áp dụng thiếu sự kiểm soát, thống nhất. Đồng thời chưa có một cơ quan nào đứng ra tổng hợp thành giá để lựa chọn thành một danh mục các chương trình phần mềm áp dụng thống nhất có sự dần tiếp cận phù hợp với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chương trình phần mềm của các nước trong khu vực và quốc tế. Có như vậy, khi chúng ta nhận thầu tư vấn cho nước ngoài mới được thuận lợi, phù hợp với yêu cầu của họ.
4. Hình thức, nội dung hồ sơ các loại sản phẩm tư vấn hiện tại cũng chưa thống nhất trong toàn quốc, thống nhất giữa các ngành. Mặt khác, ta chưa có thông tin đầy đủ yêu cầu về hồ sơ tư vấn của các nước trong khu vực, quốc tế. Do vậy, sản phẩm tư vấn làm ra vừa phải tuân thủ "luật chung" lại phải tuân thủ "lệ riêng" của ngành và địa phương chứ chưa nói điều luật của nước đầu tư.
Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp tư vấn kiến nghị với Nhà nước những vấn đề sau:
1. Phải thống nhất hoá, luật hoá trong toàn quốc hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn XDCB có sự tiếp cận với luật, quy chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế. Nghiên cứu các luật riêng của ngành, địa phương trái với luật chung.
2. Thống nhất hoá công nghệ thông tin XDCB thuộc lĩnh vực "Công nghệ phần mềm" áp dụng trong lĩnh vực tư vấn. Sự thống nhất này phải bao gồm cả việc thống nhất áp dụng "Công nghệ phần mềm" của các nước trong khu vực và quốc tế.
3. Thống nhất hoá tiêu chuẩn hồ sơ tư vấn có sự cập nhật, tiếp cận hồ sơ tư vấn của các nước trong khu vực, quốc tế. Đây chính là sự thống nhất hoá tiêu chuẩn sản phẩm tư vấn đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Minh Tâm
Nguồn: Báo cáo tại Hội thảo "Môi trường và định hướng kinh doanh cho doanh nghiệp tư vấn khi hội nhập" tháng 7-2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)