Nước sạch ở Hà Nội & việc quản lý cấp nước đô thị

Thứ hai, 10/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc cung cấp nước sạch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay đang có nhiều vấn đề bức xúc: còn thiếu nước, nước chưa thật sạch, nguồn nước đang có nguy cơ ô nhiễm... Nguyên nhân của những vấn đề đó đều có liên quan đến việc quản lý cấp nước đô thị và trách nhiệm của những người lãnh đạo thành phố.
Hệ thống cấp nước thành phố Hà Nội do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý. Công ty này là đơn vị kinh tế trực thuộc Sở Giao thông công chính TP Hà Nội và chịu sự lãnh đạo của UBND TP Hà Nội.
Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội chịu trách nhiệm cấp nước cho 8 quận nội thành là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai và 2 huyện ngoại thành là: Từ Liêm, Thanh Trì... Ngoài ra còn có Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội số 2, chịu trách nhiệm cấp nước cho quận Long Biên và 2 huyện ngoại thành là: Gia Lâm, Đông Anh.
Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội có nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh nước sạch, theo phân cấp quản lý, UBND TP Hà Nội và Sở Giao thông công chính Hà Nội giao cho Công ty xây dựng các dự án đầu tư phát triển cấp nước phù hợp với quy hoạch tổng thể của Hà Nội, đồng thời Công ty quản lý ngân sách được giao để sản xuất và sửa chữa đường ống cấp nước, đồng hồ đo nước, các sản phẩm cơ khí và thiết bị đặc chủng của ngành cấp nước. Ngoài ra, Công ty còn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan địa phương và lực lượng thanh tra chuyên ngành trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm và toàn bộ hệ thống cấp nước do Công ty phụ trách.

Việc sản xuất nước sạch ở Hà Nội
Tính đến thời điểm cuối năm 2005, Hà Nội có 16 nhà máy nước không kể một số trạm nhỏ bố trí đều khắp trên địa bàn thành phố để khai thác nước ngầm. Tổng công suất khai thác 460.000 m3/ngày đêm kể cả sản lượng của Công ty số 2 - khu vực phía Bắc thành phố là 47.000 m3/ngày đêm với trên 150 giếng khoan có độ sâu trung bình 65 - 75 m, công suất mỗi giếng từ 30 - 100 l/s. Mạng lưới đường ống cấp nước có tổng chiều dài trên 1000 km với 2 mạng lưới đường ống cũ và mới tồn tại song song, 98 % được lắp đặt từ năm 1985 trở lại đây.
Mặc dù hệ thống cấp nước Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, song hệ thống cấp nước khu vực phía Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu Amoni. Hiện nay, mới chỉ có nhà máy nước Nam Dư đã lắp đặt thêm công nghệ xử lý Amoni thích hợp, nên chất lượng nước sau xử lý ở đây đã đạt được tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt của Bộ Y tế 1329/2002/BYT/QĐ. Còn lại, chất lượng nước phát ra từ các nhà máy nước khác ở khu vực phía Nam Hà Nội như: Hạ Đình, Pháp Vân, Tương Mai vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cho phép về Amoni. Ngoài ra, một số nhà máy nước khác của Hà Nội, do sự xuống cấp của một số hạng mục công trình trong nhà máy, nên có những thời điểm nước phát ra vẫn có một số chỉ tiêu cao hơn giới hạn cho phép.
Công tác tổ chức sản xuất và tình hình tài chính của Công ty còn nhiều bất cập, chưa thu hút được các thành phần kinh tế khác tham gia vào sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Việc kinh doanh nước sạch
Mức độ dịch vụ của hệ thống cấp nước còn thấp, chưa đảm bảo độ tin cậy đối với khách hàng. Nguyên nhân là do việc cấp nước không đảm bảo thường xuyên, không đủ cả về lưu lượng và áp lực, bình quân chỉ đạt 8 giờ/ngày đêm. Chất lượng nước cấp cho một số nơi, một số thời điểm, nhất là vào mùa hè không ổn định, không đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Tiêu chuẩn cấp nước bình quân cho ăn uống sinh hoạt của TP Hà Nội chỉ đạt xấp xỉ 100 lít /người ngày đêm, mặc dù lưu lượng tính toán bình quân cho 1 đầu người là 150 lít /người ngày đêm.
Vấn đề thất thoát, thất thu nước đang là vấn đề được quan tâm nhất trong dịch vụ cấp nước Hà Nội. Mấy năm gần đây, chương trình kiểm soát nước sạch CTKSNS Hà Nội đã có nhiều cố gắng để giảm mạnh lượng nước bị thất thoát, thất thu. Song do mạng lưới đường ống vẫn còn bị xì vỡ nhiều, việc cắt bỏ các điểm đấu nối trái phép còn gặp nhiều khó khăn. Việc sử dụng mạng lưới phân phối cũ hoặc do liên kết đấu nối giữa mạng lưới đường ống cũ và mới không đảm bảo, đã làm giảm áp lực công tác trên đường ống mới ở nhiều khu vực. Tỷ lệ thất thoát và thất thu nước vẫn còn cao: 40,54 % vào năm 2004 và trên 38,61 % vào tháng 8/2005. Công ty chưa hoàn thành chương trình tách mạng để tìm nguyên nhân do kỹ thuật hay do quản lý để có giải pháp khắc phục. Để giảm thất thoát, thất thu nước, ngoài phương án tách mạng chia nhỏ để quản lý, còn cần áp dụng các biện pháp kiểm soát thất thoát, thất thu bằng các phương tiện điều khiển từ xa, sử dụng hệ thống ghi thu hoá đơn theo đơn vị phường với việc áp dụng hệ thống thông tin địa lý, sử dụng biến tần trong các trạm bơm cấp II...
Trước tình hình lượng nước bị thất thoát, thất thu lớn, theo Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội đã tập trung xây dựng kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước và kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Vấn đề quản lý và vận hành hệ thống cấp nước cũng còn nhiều bất cập. Việc khoán xuống các xí nghiệp chưa thật chặt chẽ, vì mạng chưa được tách riêng và chưa có các đồng hồ tổng trên mạng phân phối. Việc vận hành mạng lưới ở một số khu vực còn dựa vào kinh nghiệm chủ quan, không có các thông số vận hành chính xác theo quy định. Công tác quản lý khách hàng còn nhiều yếu kém, tỷ lệ dùng nước khoán vẫn còn cao. Công tác thanh tra kiểm tra nội bộ và kiểm tra các trường hợp vi phạm còn chưa nghiêm túc và triệt để.

Giá tiêu thụ nước sạch
Do chưa được tự chủ hoàn toàn về tài chính, giá nước bị hạn chế ở mức hợp với sức mua, đã không phản ánh đúng các chi phí trong sản xuất và kinh doanh nước sạch. Hơn nữa, do tỷ lệ thất thoát, thất thu nước còn cao bình quân trong các đô thị toàn quốc là 36%, ở Hà Nội là 38,61%, thì việc thu hồi đầy đủ chi phí ngay lúc này là không khả thi. Để khắc phục những khó khăn này, ngày 8 tháng 11 năm 2004 Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 03 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định về thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Thông tư 104 ban hành, đánh dấu một bước đổi mới quan trọng về cơ chế chính sách đối với lĩnh vực cấp nước. Đây là điều mong đợi của các công ty cấp nước từ nhiều năm nay. Tính đến tháng 10/2005 đã có 31/64 tỉnh, thành phố quyết định nâng giá tiêu thụ nước sạch trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên để tránh đột biến về giá, Hà Nội chưa thể một lúc tính đúng, tính đủ mọi chi phí sản xuất, phân phối tiêu thụ và lợi nhuận hợp lý vào giá nước như Thông tư 104 hướng dẫn.
Giá nước được Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội và Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội số 2 áp dụng kể từ tháng 5/2005 được thấy trong bảng dưới đây:

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4789.743' />

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội hiện nay đang ở mức báo động nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do hoạt động khai thác nước ngầm bừa bãi, không có giấy phép. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thành phố. Trong đó giếng của tư nhân chiếm tới hơn 100.000 giếng. Việc khai thác nước ngầm bừa bãi, thiếu khoa học đã dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm của Hà Nội và kéo theo ô nhiễm nguồn nước. Nước bẩn theo các mũi khoan chảy xuống tầng nước ngầm. Các chất bẩn do nước thải, chất thải và phân bón đã xâm nhập vào tầng chứa nước.
Đây là một trong những vấn đề hết sức bức bối của ngành cấp nước Hà Nội. Nếu không giải quyết nhanh chóng vấn đề này sẽ làm giảm chất lượng nước cung cấp cho khách hàng và gây khó khăn cho Công ty cấp nước trong vấn đề xử lý nước và tính giá tiêu thụ nước sạch, khi phải lắp đặt thêm công nghệ khử Amoni ở các nhà máy nước. Xa hơn nữa là sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề khai thác nước ngầm của toàn thành phố Hà Nội.

TS. Nguyễn Ngọc Dung
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 2, 20/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)