5 nguyên tắc chung và 10 tiêu chí thiết kế kiến trúc bền vững thích ứng điều kiện khi hậu lấy vùng Hà Nội làm địa bàn nghiên cứu

Thứ sáu, 07/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển bền vững là mối quan tâm chung toàn cầu và là mục tiêu phấn đấu của mọi lĩnh vực trong tiến trình phát triển của toàn xã hội. Tuy nhiên ở Việt nam, kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ, chưa có nhiều các công trình và tài liệu nghiên cứu được công bố.
Trong bối cảnh đó, đề tài này tập trung nghiên cứu hệ thống lý thuyết và các lý luận cơ bản của kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xem xét từ góc độ thích ứng khí hậu. Áp dụng phương pháp tư duy hệ thống, dựa trên các cơ sở lý thuyết về phát triển bền vững, phát triển đô thị bền vững và kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thiết kế kiến trúc thích ứng khí hậu và các cơ sở thực tiễn của bài học kinh nghiệm lịch sử phát triển kiến trúc tại Hà Nội, đề tài đề xuất các quan niệm và mô hình lý thuyết về kiến trúc bền vững phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Lấy vùng Hà Nội làm địa bàn nghiên cứu, đề tài đề xuất 5 nguyên tắc chung và 10 tiêu chí thiết kế cho kiến trúc bền vững thích ứng điều kiện khí hậu. Đông thời, đề tài cũng đã đề xuất các nhóm giải pháp thiết kế kiến trúc bền vững thích ứng điều kiện khí hậu vùng Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, khái niệm phát triển bền vững PTBV được đưa ra trong báo cáo Tương lai của chúng ta của Uỷ ban Môi trường và phát triển thế giới năm 1987 thường gọi tắt là Báo cáo Brundland đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu, trong đó nêu rõ: Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ. Phát triển bền vững là kết quả tổng hoà của 3 mặt cơ bản, đó là: bền vững về mặt môi trường, bền vững về mặt kinh tế và bền vững về mặt xã hội. Khi đề cập đến sự bền vững tổng thể, cần xem xét đánh giá hiệu quả và sản phẩm tổng thể của hệ thống.
Nhìn nhận vai trò của lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch đối với PTBV, Richard Roger đã cảnh báo: Có một khám phá giật mình, đặc biệt đối với kiến trúc sư, là chính các đô thị của chúng ta đang thúc đẩy sự khủng hoảng môi trường thế giới. Với phương thức tiếp cận thông thường hiện nay, 40% vật liệu ở dạng thô trên toàn cầu tiêu thụ để xây dựng các công trình mỗi năm. Các công trình xây dựng cũng sử dụng 36% đến 45% năng lượng tiêu thụ của mỗi quốc gia. Từ 20% đến 26% lượng rác chôn lấp là rác thải từ các công trình xây dựng và hầu như 100% năng lượng công trình tiêu thụ đều được thải vào môi trường. Để hạn chế tối đa sự phình rộng của dấu chân sự phát triển cũng như đảm bảo ít nhất là chúng ta không vượt quá khả năng chịu đựng của trái đất, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ rằng hành tinh mà chúng ta đang sinh sống giống như một con tàu không gian - Một hệ thống khép kín với những nguồn tài nguyên có hạn.
Nghiên cứu tổng thể về sự hình thành và phát triển xu hướng kiến trúc bền vững KTBV trên thế giới cho thấy, tư tưởng KTBV đã bắt nguồn sâu xa từ nguồn gốc sự hình thành định cư của loại người. Kết quả phân tích về quá trình lịch sử và hình thành cho thấy , xu hướng KTBV trong kiến trúc đương đại có sự kế thừa các tư tưởng của kiến trúc dân gian truyền thống các vùng miền và là sự phát triển mở rộng của các xu hướng kiến trúc khác nhau trong kiến trúc hiện đại trên thế giới, bao gồm: Kiến trúc sinh khí hậu Bio-climatic Architecturre - hình thành từ những năm 1960; Kiến trúc tiết kiệm năng lượng Energy conservation Architecturre - hình thành từ những năm 1970; Kiến trúc thông minh Intelligent Building - hình thành từ những năm 1980; Kiến trúc sinh thái Ecological Design hay Kiến trúc xanh Green Architecturre - hình thành từ những năm 1990. Mỗi xu hướng kiến trúc ra đời sau thừa hưởng và phát huy các kết quả đạt được của các phát triển giai đoạn trước và cùng tồn tại song song với các xu hướng kiến trúc của các giai đoạn trước. Kiến trúc đáp ứng yêu cầu PTBV - hình thành và phát triển từ sau Hội nghị thượng đỉnh về PTBV họp tại Rio De Janeiro 1992 - là sự phát triển mới nhất và toàn diện nhất của các xu hướng phát triển kiến trúc nói trên cả về mặt tư tưởng quan niệm cũng như về mặt giải pháp và các lĩnh vực quan tâm...
Ở Việt Nam, sự chú trọng PTBV đã bắt đầu được đề cập đến từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Đinh hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004. Từ đó có thể thấy rõ vai trò của con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể đối với tiến trình tạo dựng và sử dụng các công trình kiến trúc xây dựng.
Mặc dù đã có nhiều các nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc tiệm cận đến KTBV theo các hướng tiếp cận khác nhau, nhưng trên thực tế, do sự nhận thức chưa đầy đủ về KTBV đã dẫn đến những cách làm còn chưa triệt để, thiếu tính bền vững. Ví dụ cụ thể trong thực trạng phát triển của kiến trúc ở đô thị Hà Nội: sự khai thác không đi đôi với bù đắp dẫn đến sự mất đi tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị; phát triển không đồng bộ dẫn đến vấn đề đầu tư bị chồng lặp; đặc biệt là thiếu sự phối kết kết hợp để phát huy hiệu quả tổng hợp. Về mặt thiết kế kiến trúc, thiếu vắng sự duy trì liên tục các đặc trưng hình thái kiến trúc đô thị, hình thức kiến trúc gây nên sự tách biệt giữa con người với tự nhiên, không phát huy được các lợi thế của điều kiện tự nhiên. Trong ngôn ngữ sáng tác chưa có nhiều những sáng tạo có định hướng rõ nét. Về mặt quản lý và sử dụng công trình chưa chú trọng toàn diện vấn đề tiết kiệm năng lượng, việc quản lý chất thải, khí thải chưa được thực hiện triệt để.
Trước tình hình trên, nghiên cứu KTBV thích ứng điều kiện khí hậu tại mỗi vùng khí hậu là một hướng nghiên cứu nhằm đạt tới KTBV phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng:
Kiến trúc đáp ứng yêu cầu PTBV là một lĩnh vực rộng lớn, đa ngành bao trùm hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống, từ các vấn đề mang tính vật thể như môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, môi trường nhân tạo... cho đến các vấn đề mang tính phi vật thể như vấn đề kinh tế, văn hoá - xã hội. Giữa đô thị và nông thôn cũng có những điểm khác biệt cơ bản. Do đó, đề tài tập trung nghiên cứu một khía cạnh của vấn đề KTBV trong đô thị, đó là KTBV thích ứng điều kiện khí hậu, lấy vùng Hà Nội làm địa bàn nghiên cứu với nhận thức rõ đây mới chỉ là một khía cạnh của thiết kế KTBV.
Đề tài tập trung làm rõ các vấn đề cơ bản sau trong KTBV thích ứng điều kiện khí hậu:
• Quan niệm phục vụ xây dựng ý đồ tư tưởng thiết kế.
• Các nguyên tắc cơ bản và các tiêu chí cụ thể hoá quan niệm nhằm định hướng thiết kế.
• Các hướng dẫn, chiến lược thiết kế và các quy trình thiết kế kiến trúc nhằm thoả mãn các tiêu chí đề ra và hiện thực hoá quan niệm thiết kế.

- Phương pháp nghiên cứu:
Đề tài áp dụng phương pháp tư duy hệ thống của lý thuyết hệ thống đối với thiết kế KTBV. Mỗi công trình có thể được quan niệm gồm tiến trình vật thể và phi vật thể. Mỗi tiến trình đó tạo nên một hệ thống nhỏ trong một hệ thống tổng thể. Có hai loại hệ thống gồm hệ thống khép kín và hệ thống mở. Trong hệ thống khép kín, các thành phần tương tác lẫn nhau và không chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài hệ thống. Hệ thống mở có sự tương tác với các yếu tố bên ngoài hệ thống. Mức độ mở của hệ thống tuỳ thuộc vào sự phụ thuộc và tương tác của hệ thống với các yếu tố bên ngoài. Như vậy, công trình kiến trúc nói chung có thể được xem như là một hệ thống mở. Quan niệm này chấp thuận một điểm quan trọng là các thành phần kiến trúc có sự phụ thuộc cũng như chịu sự tác động bởi các yếu tố của môi trường vật thể và phi vật thể. Tiếp tục quan điểm của lý thuyết hệ thống, nếu tiến hành thay đổi một bộ phận của bất kỳ một hệ thống nhỏ nào sẽ có khả năng có những ảnh hưởng nhất định tới toàn bộ hệ thống. Vì vậy đối với công trình kiến trúc, không những cần chú trọng giai đoạn thiết kế và xây dựng mà còn cần xem xét toàn bộ vòng đồi của công trình. Bên cạnh việc xem xét các sự vật và hiện tượng, cách tư duy hệ thống còn đề cập đến mối quan hệ giữa chúng, quan hệ giữa các bước trong quá trình thiết kế và giữa quá trình thiết kế và công trình xây dựng. Điều đó đòi hỏi người thiết kế phải xem xét đồng thời tác động trực tiếp và tác động gián tiếp cả về mặt không gian cũng như thời gian của kết quả những quyết định được đưa ra.
Kết quả của phương pháp tư duy hệ thống trong kiến trúc là sản phẩm tích hợp. Mỗi giải pháp cụ thể đề cập và giải quyết một cách đồng thời nhiều vấn đề các mặt khác nhau. Mỗi giải pháp đó lại là sản phẩm của các công việc và yêu cầu đa ngành. Vì vậy, trong giải pháp thiết kế tích hợp không có những thành phần chỉ nhằm mục đích làm cho công trình có những đặc điểm của KTBV. Tư tưởng KTBV phải xuyên suốt trong toàn bộ thiết kế từ tổng thể đến chi tiết.
Đề tài đã nghiên cứu tổng quan, xác định các cơ sở lý thuyết bao gồm: lý thuyết về phát triển bền vững, lý thuyết phát triển đô thị bền vững và kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lý thuyết thiết kế kiến trúc thích ứng khí hậu và các cơ sở thực tiễn của bài học kinh nghiệm lịch sử phát triển thiết kế tại Hà Nội. Đồng thời, các yêu cầu cần đáp ứng và tiềm năng khai thác đối với thiết kế KTBV của điều kiện khí hậu nóng ẩm gió mùa nói chung, điều kiện khí hậu vùng Hà Nội nói riêng đã được xác định. Với sự tiếp thu tư tưởng của văn hoá ứng xử với tự nhiên của người Việt, đề tài đã đi đến đề xuất các kết quả nghiên cứu chính gồm: Quan niệm và mô hình lý thuyết KTBV, các nguyên tắc chung thiết kế KTBV thích ứng điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, các tiêu chí thiết kế và một số giải pháp KTBV thích ứng điều kiện khí hậu vùng Hà Nội.

3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

- Kết quả nghiên cứu:
Trên quan điểm của PTBV, kiến trúc bền vững cần được quan niệm một cách toàn diện như sau:

Thứ nhất về quan điểm: Kiến trúc bền vững là công trình kiến trúc tốt mà sự tồn tại của nó có sự ảnh hưởng tối thiểu nhất đến khả năng tồn tại tích cực của tất cả các thành phần khác bao gồm cả thành phần vật thể và phi vật thể của môi trường chung quanh nó, ở thế hệ hiện tại cũng như tương lai.

Thứ hai về tính chất: Kiến trúc bền vững là kiến trúc đạt được đồng thời ba khía cạnh: sự tác động của môi trường trực tiếp và gián tiếp ở mức độ tối thiểu; phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp; đáp ứng các yêu cầu phát triển, làm mới và duy trì các đặc trưng văn hoá của địa điểm mà công trình đó được xây dựng.

Thứ ba về cách thức thực hiện: Kiến trúc bền vững là kết quả ở mức độ tối ưu nhất của triết lý thiết kế bền vững, thể hiện xuyên suốt trong phương pháp luận thiết kế; các giải pháp thiết kế và các quyết định lựa chọn được đưa ra trong quá trình xây dựng, trong quá trình đưa vào vận hành sử dụng và khả năng tái sử dụng khi công trình đã hoàn thành mục đích ban đầu.
Theo ba góc độ tác động về mặt môi trường, văn hoá và kinh tế với hai cấp độ tác động trực tiếp và gián tiếp, đề tài đề xuất mô hình lý thuyết về KTBV.
Từ các luận cứ và các phân tích trong nghiên cứu tổng quan và các cơ sở lý thuyết cũng như cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, tổng hợp các vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc cần được đáp ứng để có thể đạt được KTBV thích ứng điều kiện khí hậu. Các vấn đề được hệ thống hoá theo ba nhóm cơ bản sau: Vấn đề về đảm bảo bền vững về mặt môi trường; vấn đề đảm bảo bền vững về mặt văn hoá và vấn đề đảm bảo bền vững về mặt kinh tế.
Khái quát hoá các vấn đề cần được đáp ứng nêu trên cho phép đi đến 5 nguyên tắc chung mang tính định hướng cho kiến trúc bền vững thích ứng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa gồm:
• Nguyên tắc về mặt quan điểm luận: Nguyên tắc nhận thức rõ kiến trúc là hệ thống mở với các mối quan hệ nội tại, ngoại vi và sự phụ thuộc lẫn nhau trong toàn bộ các quá trình ra quyết định.
• Nguyên tắc về mặt bản chất: Nguyên tắc đảm bảo sự tồn tại tích cực của môi trường tự nhiên và hệ sinh thái tại chỗ cũng như các khu vực khác.
• Nguyên tắc tôn trọng, duy trì và làm mới các giá trị tích cực về mặt thẩm mỹ, lối sống và phương thức ứng xử truyền thống cũng như đương đại.
• Nguyên tắc về mặt công cụ và phương pháp tiếp cận: Nguyên tắc duy trì nhất quán tư duy hệ thống, chú trọng con người và cộng đồng mà công trình đó thuộc về.
• Nguyên tắc về mặt đảm bảo khả năng thực thi: Nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật tối đa về mặt dài hạn.
Tổng hợp các vấn đề cơ bản mang tính tiêu chí và định hướng giải pháp thiết kế cần được đáp ứng để có thể đạt được KTBV thích ứng điều kiện khí hậu. Sự tổng hợp các vấn đề theo từng nhóm đưa ra 10 tiêu chí thiết kế KTBV thích ứng điều kiện khí hậu vùng Hà Nội, cụ thể như sau:
Tiêu chí 1: Tiết kiệm tối đa tiêu thụ tài nguyên môi trường, năng lượng và nước sạch trực tiếp cũng như gián tiếp.
Tiêu chí 2: Giảm thiểu chất thải, khí thải và nước thải.
Tiêu chí 3: Giảm thiểu sự can thiệp và biến đổi bất lợi đến môi trường và hệ sinh thái tại chỗ cũng như các khu vực khác.
Tiêu chí 4: Tối đa hoá chất lượng môi trường xây dựng trong và ngoài nhà.
Tiêu chí 5: Tối đa hoá các điều kiện lợi thế của điều kiện khí hậu.
Tiêu chí 6: Đảm bảo khả năng đáp ứng linh hoạt các điều kiện khí hậu khác nhau trong năm.
Tiêu chí 7: Phát huy, tiếp nối, duy trì các giá trị tích cực của văn hoá ứng xử truyền thống và đương đại.
Tiêu chí 8: Thể hiện nhất quán tư duy hệ thống.
Tiêu chí 9: Đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất về mặt dài hạn.
Tiêu chí 10: Đảm bảo cân đối lợi ích đầu tư của công trình và của cộng đồng và môi trường tự nhiên.
Kế thừa các chiến lược thiết kế từ hệ thống lý luận KTBV và thiết kế kiến trúc thích ứng điều kiện khí hậu trên thế giới, đồng thời phát huy bài học kinh nghiệm lịch sử phát triển của Hà Nội, sử dụng 5 nguyên tắc cơ bản và 10 tiêu chí của KTBV thích ứng điều kiện khí hậu làm cơ sở để đối chiếu so sánh, đề tài đi đến đề xuất 4 nhóm chiến lược thiết kế bao gồm:
• Chiến lược thiết kế quy hoạch tổng thể công trình kiến trúc.
• Chiến lược thiết kế lớp đệm từ tổng thể đến chi tiết.
• Chiến lược lựa chọn vật liệu xây dựng.
• Chiến lược lựa chọn hệ thống trang thiết bị công trình.
Kết quả kiểm chứng trên mô hình thực nghiệm máy tính đã chứng minh các ưu điểm của giải pháp chiến lược thiết kế được đề xuất.
Bên cạnh đó, để có thể đảm bảo duy trì nhất quán tư duy hệ thống trong quy trình thiết kế kiến trúc nhằm đáp ứng các mục tiêu PTBV, đề tài đề xuất các nội dung bổ sung điều chỉnh trong các giai đoạn của một dự án đầu tư xây dựng từ bước chuẩn bị đầu tư cho đến khi vận hành sử dụng công trình.

- Bàn luận:
Với quan điểm của đề tài, KTBV trước tiên phải là một kiến trúc tốt. Quan điểm kiến trúc tốt hàm chứa ý nghĩa rằng công trình kiến trúc có những đóng góp tích cực cho địa điểm, môi trường và cộng đồng mà công trình đó thuộc về, đem lại những hiệu quả có tính tích cực cho những người thụ hưởng công trình trực tiếp cũng như gián tiếp. Như vậy, KTBV không có nghĩa là yêu cầu người sử dụng phải giảm mức độ tiện nghi mà ngược lại, KTBV nâng cao chất lượng toàn diện của môi trường xây dựng, tạo ra môi trường sống thích hợp nhất cho người sử dụng, nhưng đồng thời có trách nhiệm đối với tự nhiên và cộng đồng.
Bên cạnh đó, quan điểm KTBV cũng nhận thức rõ sự tồn tại của công trình có những tác động / ảnh hưởng có tính bất lợi và vì vậy, những sự ảnh hưởng đó đối với sự tồn tại tích cực của các thành phần khác của môi trường phải được giảm thiểu. Môi trường cần được hiểu theo nghĩa rộng nhất với cả các yếu tố vật chất cũng như tinh thần, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo và môi trường kinh tế - văn hoá - xã hội. Yêu cầu có sự ảnh hưởng tối thiểu đến các thành phần khác bao gồm cả thành phần vật thể và phi vật thể của môi trường xung quanh sẽ là một định hướng quan trọng để người thiết kế đi đến những thiết kế phù hợp địa điểm, khai thác và phát huy những bài học lịch sử trong khi vẫn có những đặc điểm riêng mang hơi thở của thời đại. Đó cũng chính là yêu cầu của định hướng kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Về mặt tính chất, KTBV có ba tính chất cơ bản là tính bền vững về mặt môi trường, tính bền vững về mặt văn hoá và tính bền vững về mặt kinh tế - kỹ thuật. Điểm quan trọng là KTBV cần hội tụ được cả ba tính chất nói trên. Sự chú trọng cả ba mặt tác động là điểm khác biệt cơ bản giữa KTBV và các xu hướng kiến trúc tương đồng với KTBV ra đời ở các thời kỳ trước. Ngược lại, mô hình này cho phép KTBV khai thác và kế thừa các kết quả của các xu hướng đó để nhằm đạt được hiệu quả mong muốn.
Để đạt được tính bền vững trong kiến trúc, cần có sự áp dụng phương pháp luận thiết kế bền vững mà cốt lõi là phương pháp tư duy hệ thống. Triết lý thiết kế bền vững cần được áp dụng xuyên suốt ngay từ khi bắt đầu đặt vấn đề, xây dựng các ý tưởng ban đầu cho đến các giai đoạn xây dựng giải pháp chiến lược, giải pháp thiết kế chi tiết. Không chỉ dừng ở mức độ thiết kế, KTBV còn bao gồm cả giai đoạn xây dựng và việc vận hành sử dụng công trình cũng như tái sử dụng công trình. Vấn đề này chỉ ra một điểm quan trọng là để đạt được KTBV không thể chỉ là sự nỗ lực của riêng những người ra quyết định và những người thiết kế, mặc dù vai trò của nhóm chủ thể này trong việc tạo dựng công trình đóng một phần quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm và hành động của các đối tác tà người sản xuất vật liệu, chủ đầu tư cho đến người sử dụng sẽ đóng góp một phần cơ bản để đảm bảo tính bền vững của công trình cả về mặt môi trường, văn hoá và kinh tế. Do đó, sự tham gia của các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn đầu của thiết kế là cách làm hiệu quả để đi đến KTBV.
Với quan niệm được đề xuất, 5 nguyên tắc chung của KTBV sẽ là cơ sở quan trọng cho việc chuyển đổi quan niệm, xây dựng phương thức tiếp cận cũng như nắm rõ bản chất của KTBV để có thể vận dụng vào điều kiện cụ thể của thực tiễn. Trên cơ sở các nguyên tắc đã đề xuất, các đối tượng tham gia có thể xây dựng các định hướng mang tính chiến lược và các giải pháp cụ thể từ thiết kế, xây dựng cho đến vận hành sử dụng công trình trong mỗi điều kiện cụ thể. Các nguyên tắc cũng sẽ là các cơ sở để đảm bảo các giải pháp cụ thể không bị chệch hướng trong quá trình triển khai, phối kết hợp các bên liên quan. Đồng thời việc thống nhất các nguyên tắc chung sẽ tạo nên một nền tảng chung để kết nối các đối tượng tham gia vốn phức tạp và khác nhau về nhận thức, lĩnh vực quan tâm và lợi ích theo đuổi.
So sánh với Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020, 5 nguyên tắc chung KTBV đã cụ thể hoá được 4 phương châm do định hướng đề ra gồm: thích dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường sinh thái và kinh tế. Bên cạnh đó, các nguyên tắc cũng chỉ ra phương hướng để đạt được mục tiêu tạo lập môi trường cư trú bền vững thông qua việc tạo dựng tính bền vững toàn diện với sự đảm bảo về nhận thức, đảm bảo về bản chất, đảm bảo về cách tiếp cận và tính khả thi của các giải pháp.
Mười tiêu chí được đề xuất là cơ sở để cân nhắc lựa chọn trước khi ra quyết định, kiểm chứng các giải pháp thiết kế trước khi tiến hành xây dựng và thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Đồng thời, các tiêu chí còn là cơ sở để đánh giá mức độ đáp ứng của công trình, từ đó đánh giá tính bền vững của công trình nhằm mục đích rút kinh nghiệm cho công tác thiết kế và tạo dựng môi trường xây dựng bền vững tiếp theo.
Do mục tiêu nghiên cứu của đề tài nên các tiêu chí được đề xuất là các tiêu chí định tính. Việc lượng hoá các tiêu chí là việc làm cần thiết để so sánh mức độ hiệu quả giữa các giải pháp, và đặc biệt để khẳng định tính thuyết phục của phương án được đề xuất đối với các bên liên quan. Tuy nhiên, còn có nhiều tranh cãi trong cách thức xây dựng tiêu chí định lượng. Việc đánh giá theo thang điểm sẽ phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của các vấn đề đối với chủ thể xây dựng hệ thống thang điểm, do vậy có những nghi ngờ về tính chính xác của cách đánh giá theo thang điểm. Bên cạnh đó, khó có thể đánh giá được đồng thời hiệu quả vận hành của tổng thể công trình và hiệu quả của từng bộ phận tạo dựng nên tổng thể đó. Phương thức được đề xuất là sử dụng tiến trình vòng lặp, trong đó xem xét giữa hiệu quả lợi ích thu được và chi phí. Trên cơ sở đó tiến hành những điều chỉnh, sau đó tiếp tục so sánh các phương án để cuối cùng đi đến phương án được coi là tối ưu nhất.
Trên cơ sở quan niệm và các nguyên tắc chung, tiêu chí thiết kế KTBV, kế thừa các kinh nghiệm thực tiễn quốc tế và các bài học trong lịch sử kiến trúc của Hà Nội, có thể cụ thể hoá các chiến lược thiết kế theo các nhóm giải pháp mang tính chiến lược.

4. Kết luận

• Các công trình kiến trúc bền vững là kiến trúc tốt, có sự tác động tối thiểu nhất đến các khả năng tồn tại tích cực của tất cả các thành phần vật thể và phi vật thể của môi trường bao chứa nó, ở hiện tại cũng như tương lai.
• Kiến trúc bền vững là kiến trúc đạt được đồng thời ba khía cạnh: Sự tác động môi trường trực tiếp và gián tiếp ở mức độ tối thiểu, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp; Đáp ứng các yêu cầu phát triển, làm mới và tư duy các đặ trưng văn hoá của địa điểm xây dựng công trình; Kiến trúc bền vững là kết quả tối ưu nhất của triết lý thiết kế bền vững, thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình tạo dựng và sử dụng công trình kiến trúc.
• Kiến trúc bền vững thích ứng điều kiện khí hậu nói chung và vùng Hà Nội nói riêng cần thoả mãn 5 nguyên tắc và 10 tiêu chí để đánh giá tính bền vững của kiến trúc thích ứng điều kiện khí hậu vùng Hà Nội.
• Đề tài đã đề xuất 4 nhóm giải pháp mang tính chiến lược về thiết kế kiến trúc bền vững thích ứng điều kiện khí hậu vùng Hà Nội gồm: Giải pháp chiến lược quy hoạch tổng thể công trình kiến trúc cụ thể hoá gồm 26 giải pháp; Giải pháp chiến lược thiết kế lớp đệm từ tổng thể đến chi tiết công trình cụ thể hoá gồm 19 giải pháp; Giải pháp lựa chọn vật liệu xây dựng cụ thể hoá gồm 9 giải pháp; Giải pháp lựa chọn hệ thống trang thiết bị công trình cụ thể hoá gồm 9 giải pháp.

ThS.KTS Trần Quốc Thái
Nguồn: T/C Kiến trúc Việt Nam, số 5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)