Nhà trình tường, nét kiến trúc độc đáo ở vùng cao Y Tý

Thứ năm, 04/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đứng ở trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà trình tường của đồng bào các dân tộc trông giống như những cây nấm khổng lồ tuyệt đẹp mọc bên sườn núi. Đây là nét kiến trúc độc đáo về nhà ở của vùng cao Y Tý.

Nhà trình tường lợp rơm rạ ở Y Tý

Chuyện xưa kể lại rằng, hồi ấy đã lâu lắm rồi, người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở vùng núi cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, quanh năm cuốc đất làm nương, chăm lo xây dựng cuộc sống, thì một ngày mùa đông nọ, đất trời bỗng nhiên đổ rét làm nước đóng băng. Những ngôi nhà làm bằng tranh tre nứa lá không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Những người già đau yếu lăn ra chết, khắp bản khắp làng tiếng kêu khóc lan nhanh thấu đến tận trời xanh.

Giữa lúc ấy, bọn phỉ ở xứ lạ kéo đến phá phách các thôn, bản, chúng dùng máy bắn đá bắn sập hàng loạt nhà cửa của đồng bào, làm ai nấy đã rét càng thêm rét. Tiếng kêu than của con người làm Giàng trời cảm động, Giàng sai thần núi Hồng Ngài hiện ra, mách cho người Dao, người Mông, người Hà Nhì cách làm nhà trình tường bằng đất núi để chống lại giá rét và giặc dữ.

Từ đó, người Mông ở thôn Hồng Ngài nằm trên độ cao 1.400 mét núi, biết cách làm nhà trình tường bằng đất đầu tiên. Đây cũng là thôn có nhiều nhà trình tường nhất và đẹp nhất ở xã vùng cao Y Tý ngày nay.

Phương cách làm nhà trình tường của đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài rất đặc biệt. Theo ông Vàng A Sử, dân tộc Mông, năm nay 44 tuổi, Chủ tịch UBND xã Y Tý, thì trước khi làm nhà trình tường, các gia đình người Mông phải xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất lành bằng phẳng, rộng cỡ 40 - 50 m2, rồi mổ gà nấu xôi cúng tế, cầu mong cho ngôi nhà mình sắp làm sẽ bền vững, thọ tới trăm năm.

Để có bốn bức tường đất bao quanh nhà cứng như thép nguội, đạn bắn không thủng, bà con phải chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Trước khi giã đất, đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài phải đi chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu, đem về đặt móng cho tường nhà. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như người dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bê-tông.

Nếu ngôi nhà định làm có diện tích 40 m2, thì tường phải dày cỡ 40 cm. Sau khi đặt móng, đặt khuôn, đồng bào cào đất núi đã chọn vào thúng, rành đổ vào khuôn gỗ ván, rồi cầm chày gỗ giã cật lực, giã đến khi nào đất kết dính chắc đét lại với nhau, tháo khuôn ra mà không rơi lả tả thì được.

Hết tầng lượt thứ nhất, bà con tháo khuôn đặt tiếp lượt tầng thứ 2, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm, rồi đổ đất giã tiếp cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Cứ như thế, ròng rã hằng tháng trời, tường đất của ngôi nhà rộng 40 m2 mới làm xong.

Ông Vàng A Sử kể: Thường thì mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ, cá biệt có gia đình làm cao 7-8 tầng khuôn. Nhiều nơi như bên Pha Long, huyện Mường Khương, đồng bào làm cao tới chín tầng ván khuôn. Trình xong tường chung quanh, đồng bào lấy gỗ kháo, sồi, pơ-mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường. Toàn bộ bốn bức tường không có chỗ nào bổ trụ, mà đã có các cột gỗ bên trong chống đỡ.

Làm khung nhà xong, bà con bắt đầu lợp mái. Trước đây, đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ, từ khi có Chương trình 135 của Chính phủ, nhà trình tường của bà con đã được "hiện đại hóa" lợp bằng phi-brô-xi-măng.

Ở bên huyện Bắc Hà, ông Vàng A Tưởng làm ngôi nhà trình tường cao hai tầng từ năm 1921 lại lợp bằng gỗ cây pơ-mu bóc ra thành từng lớp, đến nay ngôi nhà ấy vẫn còn và là một nét kiến trúc độc đáo của Lào Cai mỗi khi có khách du lịch đến thăm.

Nhà trình tường của đồng bào Mông ở Y Tý, Bát Xát khi làm xong có một cửa ra vào ở chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng ngựa phía sau.

Ngoài ra, đồng bào còn làm thêm một, hoặc hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò. Nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý làm tương tự như đồng bào Mông, nhưng mặt tường bên trong và bên ngoài được giã, mài nhẵn và mịn trơn.

Bên trong nhà của người Hà Nhì, đồng bào còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính ở cách cửa ra vào khoảng 1,5 m. Sau bức tường phụ này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Nhà của người Hà Nhì đa số là hình vuông, khác với nhà hình chữ nhật của người Mông.

Đứng ở trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà trình tường của đồng bào các dân tộc xã Y Tý trông giống như những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, rất xinh đẹp và ngoạn mục.

Thiếu tá Hà Đức Hơn, Phó đồn trưởng trinh sát đồn biên phòng Y Tý, Lào Cai, sau nhiều năm gắn bó với vùng đất này, bỏ công nghiên cứu nhà trình tường của đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì, đã đi đến kết luận: Đây là nét kiến trúc độc đáo về nhà ở của vùng cao Y Tý.

Về mùa đông, cho dù trời rét xuống độ âm, trong nhà đồng bào vẫn ấm. Còn về mùa hè, nếu nắng nóng đến 37-38oC, ngồi trong nhà đồng bào vẫn mát mẻ. Chất lượng của nhà trình tường thì khỏi nói, trâu bò húc vào tường không rung rinh, đạn AK bắn gần không thể thủng, một người to khỏe lấy hết sức bình sinh đạp cả hai chân, bức tường nhà vẫn trơ trơ.

Khi làm nhà trình tường, đồng bào các dân tộc ở Y Tý chỉ phải lo sợ, tránh xa những nơi này: núi trọc, đồi trọc, gần khe suối, nơi thường xảy ra lở đất, lở đá. Nếu gặp lốc và gió xoáy, thì nhà chỉ bị tốc mái, còn bốn bức tường vẫn vững chắc như thành lũy.

Thôn Hồng Ngài, xã Y Tý hiện nay có 71 ngôi nhà trình tường rất đẹp. Các thôn Lao Chải, Sín Chải 1 và Sín Chải 2 có khoảng từ 30 - 40 ngôi nhà trình tường, có nhà lợp rơm rạ cách đây hàng chục năm mốc mủn, nhưng nhìn vẫn rất hấp dẫn. Đã có nhiều đoàn khách quốc tế, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc trong nước lên Y Tý, thấy nhà trình tường ở đây rất hấp dẫn, phải thốt lên: Thật là tuyệt!

Nguồn tin : hanoi.vnn.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)