Cần một hành lang pháp lý mạnh trong việc phát triển các khu đô thị mới

Thứ sáu, 16/06/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có thể khẳng định sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các khu đô thị mới đã tạo điều kiện quan trọng trong đời sống của nhân dân, đồng thời cũng tạo nên một hình ảnh sống động về sự đi lên, phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã đến lúc cần có một hành lang pháp lý hữu hiệu để việc phát triển và quản lý các khu đô thị mới đi theo đúng quỹ đạo của nó.
Các vấn đề bất cập và phương hướng giải quyết

Ngoài những ưu điểm nổi bật của khu đô thị mới như khu dịch vụ tổng hợp có chất lượng và tiện nghi sử dụng cao, môi trường sạch đẹp, các nhà chung cư cao tầng có tổ chức các dịch vụ khép kín, tạo thuận lợi và tâm lý an toàn, yên tâm cho những người chuyển đến định cư; hệ thống thoát nước, cây xanh, khu thể thao, chợ, trường học... đều được đầu tư khá đồng bộ.
Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng các chung cư ở Linh Đàm, Định Công, Trung Hoà - Nhân Chính, làng quốc tế Thăng Long… vài năm trở lại đây đã bộc lộ một vài điều bất cập như:
- Tất cả các chung cư đều không thiết kế căn hộ, lối đi cho người tàn tật;
- Nhà chung cư cao tầng bắt buộc phải có thang máy và hệ thống kỹ thuật đặc biệt nên suất đầu tư khá cao, dẫn đến giá thành căn hộ cao nên nhiều người không có đủ tiền để mua;
- Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân…
Về kiến trúc, các chuyên gia thiết kế thừa nhận, mấy thập kỷ gần đây, sự biến đổi về giải pháp kỹ thuật, vật liệu xây dựng đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo kiến trúc, nhưng thực tế lại không ít công trình cao tầng khá hiện đại về kỹ thuật, đầu tư tối đa vật liệu mới song hiệu quả về chất lượng kiến trúc không tương xứng... Sự ngộ nhận, khoa trương về kỹ thuật, về vật liệu trong một vài công trình kiến trúc đã làm giảm giá trị văn hóa của kiến trúc. Mầu sắc của các công trình chưa được nghiên cứu thoả đáng.
Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật tối thiểu nhất như: thu gom rác, thang máy, thang thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy… cũng rất dễ bị chủ đầu tư bỏ qua. Ngay cả một yêu cầu rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ là chống sét, hầu như các phương án thiết kế đều không đề cập, hoặc chỉ được bổ sung khi thẩm định công trình yêu cầu.
Thiết kế quy hoạch các khu đô thị mới cũng còn tồn tại nhiều bất hợp lý, việc quy hoạch các khu đô thị mới hiện nay rất lộn xộn, tự phát, mỗi chủ đầu tư đều quy hoạch theo một kiểu, một số khu đô thị mới có mật độ xây dựng quá dầy, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và không đồng bộ mà từ chủ trương đến quyết định đầu tư, các chủ đầu tư đều không được phép xây dựng khu đô thị mới với mật độ xây dựng lớn. Qua kiểm tra thực tế nhiều chủ đầu tư giai đoạn đầu thường quá tập trung xây dựng nhà ở, dẫn đến việc có khu đô thị mới đã bàn giao cho dân đến ở nhưng chưa có đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Để khắc phục tình trạng này, các thành phố có khu đô thị mới đã chú trọng tăng cường nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đổi mới cách làm gắn quy hoạch với phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành. Có các văn bản quy định quản lý thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, xây dựng khu nhà ở và khu đô thị trên địa bàn mình. Trong đó, phải quy định rõ việc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án và giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc thực hiện và xử lý vi phạm. Cùng với việc đẩy mạnh giám sát, kiểm tra xây dựng khu đô thị mới, cũng phải đẩy mạnh các dự án hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu đô thị mới có kế hoạch, từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng đô thị, đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho công trình dịch vụ công cộng, thương mại, công viên, trường học. Chính quyền đẩy mạnh việc phân cấp và củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý đô thị trên địa bàn gắn với triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới như Luật Đất đai, Luật Xây dựng.
Theo cảm nhận của nhiều người khi xem xét các dự án quy hoạch khu đô thị mới, các nhà xây dựng dự án vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức, đầy đủ tới những yếu tố trong bố trí không gian kiến trúc và đặc điểm văn hoá truyền thống của cộng đồng người cư trú trong khu quy hoạch đó. Một chuyên gia tư vấn cao cấp của chương trình phát triển liên hiệp quốc UNDP về quy hoạch và quản lý đô thị khi đến Việt Nam đã nhận xét: Phương pháp quy hoạch mà Việt Nam đang áp dụng là quy hoạch tổng thể. Hình như quy hoạch tổng thể này đã coi nhu cầu của cộng đồng giống nhau ở mọi nơi, mọi tầng lớp. Trong khi như chúng ta đã biết, nhu cầu của từng nhóm dân cư theo thu nhập, theo tôn giáo là rất khác nhau. Các nhà quy hoạch cũng gần như mới chỉ quan tâm đến khía cạnh phát triển vật chất, chưa thể hiện được các nhu cầu phát triển khác của xã hội. Và có thể nói, các bạn đã thất bại khi thâu tóm quyền quy hoạch, thay vì phải thu hút sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là của các nhà kinh doanh. Nhu cầu phát triển của xã hội mà vị chuyên gia nọ đề cập chính là những giá trị văn hoá phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy trong các khu đô thị mới theo cấu trúc của các làng truyền thống. Những cũng chẳng vì thế mà các nhà quy hoạch không cần quan tâm đến những giá trị đích thực mà văn hoá làng đã tạo ra. Chính bởi vậy, trong các khu đô thị mới cần có những công trình có khả năng liên kết tình cảm cộng đồng về mặt tâm linh, nó có thể là bãi đất trống với một tấm bia cổ rêu phong, một ngôi chùa nhỏ, một mái đình… hoàn toàn có tính chất tượng trưng, nhằm gợi lại cho người đang sống những giá trị văn hoá truyền thống. Chỉ có như vậy mới tạo cho các khu đô thị mới một môi trường sống ấm cúng và giầu sắc thái văn hoá dân tộc.
Hiện nay, Hà Nội đã được chấp thuận cho thực hiện thí điểm cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài phát triển khu đô thị Tây hồ Tây và đô thị Bắc sông Hồng. Từ năm 2005 đến nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Hà Nội nghiên cứu, tìm hiểu xin được đăng ký đầu tư xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn thủ đô. Đây có thể coi như một hướng mở cho phát triển đô thị của Hà Nội.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội diện tích các khu đô thị mới đã trên 2.000 ha, vì vậy việc quản lý và đầu tư xây dựng các khu đô thị mới không thể chỉ dừng lại theo kiểu quản lý một công trình, một dự án cụ thể. Việc Chính phủ ban hành nghị định về phát triển khu đô thị mới sẽ tạo ra hành lang pháp lý để các dự án phát triển đô thị thực hiện thuận lợi, đúng hướng và đạt được các mục tiêu đề ra. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đã kiến nghị đối với các dự án khu đô thị mới đã có dân cư đến ở, cần nhanh chóng thành lập chính quyền cơ sở để thực hiện tốt công tác quản lý hành chính.
Việc huy động vốn từ nhiều thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư tham gia đầu tư xây dựng và khai thác các công trình trường học, nhà trẻ… trong khu đô thị mới theo quy hoạch đã được duyệt sẽ góp phần đảm bảo xây dựng các khu đô thị mới nhanh chóng và đồng bộ.

H.Phước
Nguồn tin: Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công tại các khu đô thị, năm 2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)