Doanh nghiệp xây dựng làm gì để tham gia thị trường chứng khoán có hiệu quả

Thứ năm, 15/06/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các doanh nghiệp DN xây dựng và vật liệu xây dựng VLXD nhu cầu về vốn để đầu tư phát triển và hoạt đọng kinh doanh ngày càng lớn. Kênh để huy động vốn của các nhà đầu tư đa dạng, bền vững và hiệu quả là thị trường chứng khoán. Thông qua thị trường chứng khoán, các DN xây dựng và VLXD sẽ quảng bá tình hình sản xuất kinh doanh, hiệu quả hoạt động kinh doanh của mỗi DN và chào bán cổ phần DN.
Trong khuôn khổ giá trần và giá sàn cổ phiếu trong mỗi phiên giao dịch chứng khoán của mỗi DN và bằng những thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi DN có độ tin cậy cao, mỗi nhà đầu tư sẽ phân tích, đánh giá, lựa chọn mua cổ phiếu của DN theo giá thị trường chứng khoán. Tất nhiên lợi thế trong việc mua bán chứng khoán sẽ rơi vào các DN kinh doanh bền vững, có hiệu quả, phần lớn các DN xây dựng và VLXD nhà nước đã tiến hành cổ phần hoá, thay đổi cơ bản về phương thức quản lý và điều hành DN, tinh thần và thái độ làm việc của người lao động trong DN có những tiến bộ đáng kể, kết quả vàhiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN đã cổ phần hoá được nâng cao rõ rệt. Đó làtiền đề hết sức thuận lợi để các DN này tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN xây dựng và VLXD tham gia thị trường chứng khoán có hiệu quả, có sức hút lớn các nhà đầu tư, thiết nghĩ trước mắt mỗi DN cần phải:

1. Tự kiểm kê, đánh giá đúng tài sản và tiền vốn hiện có

Tài sản của mỗi DN rất phong phú, đa dạng, có nhiều hình thái vật chất khác nhau, trong quá trình sản xuất - kinh doanh luôn luôn biến động. Những tài sản của DN bao gồm: tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định thuê tài chính, tài sản cố định thuê tài chính, tài chính cố định thuê hoạt động, bất động sản đầu tư và bất động sản dang dở; tài sản lưu động như nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ lao động nhỏ, thành phẩm, hàng hoá, sản phẩm dở dang, các khoản nợ phải thu... Về mặt hiện vật, các tài sản này trong quá trình sử dụng thường không còn nguyên vẹn về số lượng, giảm sút chất lượng. Về mặt giá trị đều hạch toán theo giá gốc, tức là giá trị mua sắm hoặc giá thành sản phẩm hoàn thành, do vậy tại thời điểm khoá sổ kế toán giá cả thị trường đã có nhiều biến động, đòi hỏi DN phải kiểm kê, kiểm soát chặt chẽ về số lượng, chất lượng, đánh giá lại giá trị trước khi lập báo cáo để tài sản và tiền vốn được xác định đúng, các nhà đầu tư tin cậy vào sự chính xác của tài sản và tiền vốn DN, yên tâm mua chứng khoán.

2. Phải làm lành mạnh tình hình tài chính DN

Tài sản của DN thường có những loại tồn kho ứ đọng, lạc hậu kỹ thuật, kém hoặc mất phẩm chất, DN phải tiến hành nhượng bán, xử lý, thu hồi lại vốn. Đối với các khoản nợ phải thu, các khoản tiền tạm ứng, các khoản phải thu khác phải tiến hành đối chiếu, xác nhận nợ, xử lý những khoản phải thu khó đòi theo cơ chế quản lý tài chính DN. Đối với các khoản nợ phải trả, phải xác nhận tổng số nợ, số đã trả, số còn nợ và thời hạn hạch toán, nguồn trả nợ. Đối với chi phí sản xuất dở dang phải tiến hành kiểm kê, tính chi phí dở dang theo đúng quy định. Bởi chi phí sản phẩm dở dang nếu để giá trị quá lớn sẽ làm giá thành sản phẩm thấp, dẫn đến lãi tăng khống. DN cần phải rà soát lại các khoản trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng trợ cấp mất việc làm và các khoản trích trước về sửa chữa lớn, về bảo hành sản phẩm, các khoản chi phí chờ phân bổ...
Tất cả những việc làm nêu trên sẽ có tác dụng làm lành mạnh tài chính DN, xác định đúng dắn và thực chất tài sản và tiền vốn hiện có của mỗi DN.

3. DN phải không ngừng nâng cao tỉ suất lợi nhuận

Tất cả các nhà đầu tư mua chứng khoán xét cho cùng là tìm kiếm cổ phiếu của DN có tỉ suất lợi nhuận cao và bền vững. Tỉ suất lợi nhuận của DN được biểu hiện trên hai chỉ tiêu: Một là, tỉ suất giữa lợi nhuận với nguồn vốn kinh doanh. Hai là, tỉ suất giữa lợi nhuận với doanh thu thuần.
Ở chỉ tiêu thứ nhất, nói lên 1 đồng nguồn vốn kinh doanh làm ra bao nhiêu kợi nhuận; ở chỉ tiêu thứ hai nói lên một đồng doanh thu thuần làm ra bao nhiêu lợi nhuận. Hai chỉ tiêu này đều có quan hệ mật thiết và bổ sung cho nhau. Muốn có lợi nhuận cao đòi hỏi DN phải có doanh thu lớn và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời phải sử dụng vốn kinh doanh một cách tiết kiệm, có hiệu quả.
Tỉ suất lợi nhuận của DN là thước đo hiệu quả kinh doanh phát triển và bền vững. Tỉ suất phát triển liên tục và bền vững sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và thường thuhút mạnh các nhà đầu tư.

4. Báo cáo tài chính DN phải có độ tin cậy cao

Mỗi DN định kỳ tháng, quý, năm đều có báo cáo tài chính được lập theo quy định của pháp luật, đó là: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính DN. Khi DN nộp các báo cáo này theo quy định hoặc công bố các báo cáo này, bắt buộc phải kèm theo báo cáo kiểm toán do một DN kiểm toán độc lập thực hiện. DN kiểm toán độc lập này phải được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và được Bộ Tài chính chấp thuận. Khi báo cáo tài chính DN công bố kèm theo báo cáo kiểm toán của DN kiểm toán độc lập thì độ tin cậy các số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh của DN được cao hơn và các nhà đầu tư yên tâm hơn khi quyết định đầu tư chứng khoán.
Tóm lại, việc mỗi DN xây dựng và sản xuất VLXD, tự kiểm kê, đánh giá đúng đắn tài sản và tiền vốn hiện có; làm lành mạnh tình hình tài chính DN, không ngừng nâng cao tỉ suất lợi nhuận DN, thực hiện công bố theo quy định các báo cáo tài chính DN đã được kiểm toán là những công việc hết sức cấp bách và thiết thực để các DN tham gia thị trường chứng khoán một cách hiệu quả.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)