Kính trong kiến trúc và xây dựng

Thứ tư, 09/11/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự ra đời của vật liệu kính đã đem lại những bước chuyển quan trọng trong quá trình phát triển của nền kiến trúc, xây dựng trên thế giới. Kính là một trong những vật liệu quan trọng nhất trong những sáng tạo của con người. Vật liệu kính đã có mặt từ rất lâu trước Công nguyên trong các công trình kiến trúc của con người. Các công trình kiến trúc của người Ai Cập, các kiến trúc vùng Lưỡng Hà, cho đến các nhà thờ của châu Âu thời kỳ Trung đại và Cận đại.
Sản phẩm kính của chúng ta là kết quả của một sự nỗ lực vô biên của khả năng tưởng tượng về mặt công nghệ từ vật liệu thô để trở thành sản phẩm hoàn thiện mà chúng ta có được. Mặc dầu vậy, phải cho đến khi công nghệ kính phẳng tấm lớn ra đời vào cuối thế kỷ 19, cùng với thép và bê tông, vật liệu kính đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển kiến trúc, tạo nguồn cảm hứng cho sự ra đời của những tác phẩm kiến trúc hiện đại kinh điển. Kính không chỉ đơn thuần là một vật liệu mà nó còn chứa đựng những tiềm năng to lớn. Nói về kính trong kiến trúc xây dựng, Paul Scheerbart đã giúp chúng ta nói lên tất cả: Để nâng văn hoá lên một tầm cao mới, chúng ta bắt buộc phải thay đổi diện mạo của kiến trúc. Kính cho phép con người cảm nhận được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao rọi vào văn phòng của mình không chỉ qua một vài ô cửa sổ thông thường mà là hàng ngàn những bức tường kính trong suốt. Chỉ có thể là kính và kính màu mới làm được điều này. Với ngọn tháp Pyramid bằng kính trong suốt nằm ngay giữa lòng Bảo tàng Louver, Paris, kiến trúc sư LM. Pei còn cho chúng ta thấy: Một vật thể cổ kính được làm bằng vật liệu công nghệ cao có thể đồng thời cổ kính hơn nhiều và cũng hiện đại hơn so với các công trình cổ kính, hiện đại xung quanh nó.
Với những tính năng tuyệt vời như vậy, không phải vật liệu kính không có những hạn chế. Nếu không được xử lý theo những phương pháp đặc biệt mà hiện nay có giá thành không nhỏ, kính có thể dễ dàng bị vỡ, và khi đó, nó trở nên rất nguy hiểm, đặc biệt là khi nó bị rơi từ độ cao xuống. Nếu không được xử lý đặc biệt, khả năng chịu lực của kính cũng rất kém do đặc tính liên kết hoá học của vật liệu. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, tính năng chịu nhiệt của kính cũng không cao. Khi đóng vai trò là khoảng mở trong công trình, kính không chỉ cho ánh sáng đi qua nhưng đồng thời cũng cho phép một lượng nhiệt rất lớn ở dạng sóng ngắn truyền vào trong không gian sử dụng, tạo nên hiệu ứng mà chúng ta quen gọi là hiệu ứng nhà kính. Cũng do đặc tính trong suốt, kính đòi hỏi phải được sự chăm sóc đặc biệt trong công trình xây dựng, nếu không hình ảnh sẽ bị xuống cấp nghiêm trọng.
Những đặc tính đó đặt ra những thách thức liên tục cho những nhà sản xuất vật liệu kính. Đến nay, các nhà sản xuất đã có những bước tiến lớn về công nghệ sản xuất để tạo ra cho các nhà thiết kế, xây dựng, những người sử dụng các chủng loại vật liệu đa dạng, khắc phục những nhược điểm tiềm ẩn trong bản thân vật liệu với gía thành chấp nhận được đối với công nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, những tính năng hoạt động của vật liệu cần được xem xét một cách chi tiết để ngày một nâng cao hơn, đặt ra yêu cầu cho các nhà nghiên cứu để đạt được những mục đích mà chúng ta mong muốn. Có nhiều công nghệ đã được sử dụng rộng rãi trong các ngành khác như kính đổi màu nhằm thay đổi lượng ánh sáng truyền qua, kính tôi để tăng cường khả năng chịu lực của kính, kính dán hai hay nhiều lớp để tăng cường khả năng an toàn, an ninh cho công trình hoặc kính bảo ôn hai lớp nhằm ngăn cản sự truyền nhiệt qua vách ngăn bằng kính tiết kiệm năng lượng...nhưng rõ ràng, mới chỉ ở giai đoạn đầu về mặt khai thác tiềm năng. Còn rất nhiều vấn đề khác cần được cải thiện hơn nhằm khai thác tối đa việc sử dụng kính trong công trình. Muốn vậy, cần có sự phát triển một cách có hệ thống, huy động được sự tham gia và hợp tác đa dạng giữa các bên liên quan bao gồm nhà sản xuất, người sử dụng và những người làm công tác nghiên cứu và phát triển R&D.

Nguồn tin: Theo Thông tin Kính Xây dựng Việt Nam
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)