Cảm nhận kiến trúc qua vật liệu, màu sắc, ánh sáng

Thứ năm, 03/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có thể nói, cái đẹp trong kiến trúc được xác định bởi sự trong sáng của đường nét, sự hài hoà về màu sắc và tất cả được thổi vào cái hồn của công trình. Trong đó, nhịp điệu ẩn chứa một loạt các yếu tố khác nhau như sự cân đối về mật độ, tính chuyển động và sự tương phản của hình thể, chất liệu... Nói chung, quan niệm về yếu tố này thay đổi theo thời gian và nhận thức của con người, tuỳ thuộc bối cảnh xã hội và xu hướng thẩm mỹ của từng thời kỳ.
Đã có một thời kỳ dài, ở châu Âu một trong những tiêu chuẩn quan trọng của phương Tây là tả thực. Ở các trường kiến trúc, người ta chỉ chú trọng dạy về các thức orders trong kiến trúc cổ đại Hy Lạp để học hỏi cái đẹp thể hiện về sự chuẩn mực của những tỷ lệ đã được quy định. Mãi đến đầu thế kỷ XX, khi mà bê tông cốt thép trở nên phổ biến, người ta mới bắt đầu đề cao khái niệm về nhịp điệu và chuyển động, cái đẹp tự thân được phát triển tự do, thoát ra khỏi sự gò bó của các quy luật về tính đối xứng hay cân đối được duy trì dai dẳng trong lịch sử kiến trúc kéo dài hàng trăm năm trước.
Chúng ta đều biết kiến trúc là một lĩnh vực vừa mang tính kỹ thuật vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo. Kiến trúc được nhận ra từ cách tổ chức hình khối không gian, chất liệu vật liệu, màu sắc, hoạ tiết trang trí, sự lựa chọn và tỷ lệ giữa các mảng khối và chi tiết kiến trúc... Ở đây, tác giả chỉ đề cập tới giải pháp tạo lập nên một công trình kiến trúc thông qua vật liệu, màu sắc, ánh sáng, hình khối và tỷ lệ kiến trúc:

Về vật liệu hoàn thiện
Có nhiều cách để phối hợp sử dụng vật liệu thể hiện bề mặt công trình, vật liệu thô mộc tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng như các vật liệu nung, đá, gỗ ván, sắt chế tác thủ công... Vật liệu bê tông có ưu điểm bề mặt có khả năng phủ lên các sắc màu và tạo ra chất cảm vững chãi, lôi cuốn, nặng nề hay thoáng nhẹ. Bê tông có độ phẳng cao, mang tính tinh khiết, tạo cảm giác bền chắc, đó là ngôn ngữ cần thiết phải mang lại từ công trình kiến trúc. Chất liệu bê tông không gây chói, ánh sáng có thể phản xạ. Khi sử dụng xi măng trắng phối với các phụ gia có màu khác nhau có thể tạo nên bề mặt với những màu sắc khác nhau.
Hiện nay, kiến trúc hiện đại thường kết hợp nhiều nhóm vật liệu khác nhau với những tính năng cơ lý hoàn toàn khác nhau như kính, kim loại kết hợp với bê tông thể hiện sự tương đồng về độ rắn chắc, nhưng nó cũng phản ánh độ tương phản về cảm giác giữa cái ổn định và sự mong manh dễ biến dạng. Nhưng khi kết hợp giữa kính và bê tông thì mang đến hiệu quả về công năng, kết cấu và thẩm mỹ cao. Các trào lưu kiến trúc trong suốt thế kỷ XX với vật liệu chủ đạo là bê tông và kính được nhào nặn trong sự sáng tạo của các kiến trúc sư.
Một phần đóng góp cho sự hoàn thiện của bê tông là vật liệu sơn được sử dụng phổ biến trên thị trường với tính linh hoạt cao về chất liệu, màu sắc tạo nên sự cảm nhận khác nhau về tỉ lệ, hình khối. Sơn sần hay giả đá có độ nhám, lồi lõm thường dùng phủ ngoài nhà; nếu dùng cho nội thất thì ít khi phủ trên diện rộng mà chỉ điểm xuyến để trang trí...

Về sử dụng màu sắc
Sử dụng màu là cách thay cho các loại vật liệu ốp ngoài như gạch, đá, gỗ. Tuy vậy, khi cần thiết vẫn có thể kết hợp giữa sơn và các vật liệu truyền thống. Màu sắc sử dụng cho bề mặt kiến trúc không nên lạm dụng quá nhiều gây cảm giác lộn xộn mà nên có sự lặp lại giữa các màu để tạo nhịp điệu. Một số thủ pháp về sử dụng màu để thay đổi cảm giác, màu sáng làm cho không gian mở, thoáng rộng. Có thể kết hợp nhiều màu tương phản gây cảm giác thay đổi bất ngờ, trong khi sử dụng các màu cùng tông màu lại làm giảm khả năng hoạt động.
Có thể phối hợp các tông màu tương đồng, bổ trợ cho nhau. Không gian nội thất cần sử dụng tông màu chủ đạo. Nếu dùng màu sẫm hoặc gam màu nóng sẽ gây cảm giác nặng nề, màu lạnh cũng gây cảm giác lạnh lẽo, khi đó phải huy động đến các màu ấm bổ trợ của các vật dụng khác như thảm, rèm cửa. Sử dụng, phối các tông sắc hợp lý sẽ đem lại cảm giác thoải mái, sinh động.

Về chất cảm vật liệu và ánh sáng
Để tạo nên một không gian ấm áp, màu sắc chất liệu sử dụng nền sáng nhưng không bóng, chất liệu mịn. Ngược lại, để tạo ra một không gian có ấn tượng mạnh dùng vật liệu thô ráp. Những dạng này thiên về biểu đạt hình khối, có trọng tâm ít chi tiết. Màu đậm nóng như đỏ, nâu, đen, vàng đất kết hợp với ánh sáng tối sẽ tạo nên cảm giác trầm lắng, yên tĩnh. Với các không gian của công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thường gặp sử dụng các màu này.
Mỗi chất liệu có một hình thức thể hiện, một phong cách tạo hình riêng. Không phải phong cách hình thức nào cũng có thể gia công giống nhau. Ví dụ, đối với chất liệu đá được chế tác theo nhiều cách khác nhau như băm bằng tay thể hiện sự thô ráp, hoặc cắt máy làm mịn đánh bóng nhẵn, bóng mờ thể hiện độ tinh xảo...
Hình khối kiến trúc được nhận thức qua thị giác nhờ nguồn sáng, từ đó phân biệt được rõ nét tính chất và đặc điểm chất liệu của vật liệu. Nếu nguồn sáng thay đổi thì cảm xúc nhận biết cũng thay đổi theo, nếu nguồn sáng phủ khắp các diện thì rất khó phân biệt, làm mất đi cảm nhận về khối. Những khối vuông tiếp nhận ánh sáng mạnh hơn khối tròn, những khối lồi tiếp nhận ánh sáng rõ hơn các khối lõm...
Ở các thành phố, cảm nhận đô thị về đêm được biến đổi nhờ ánh sáng nhân tạo. Kiến trúc hiện đại rất chú ý sử dụng ánh sáng để tăng hiệu quả bố cục hình khối và vẻ đẹp công trình. Ban đêm nhờ bố cục của ánh đèn, công trình kiến trúc được hiện lên với vẻ đẹp của nó trên nền trời tối sẫm. Sử dụng tốt ánh sáng nhân tạo trong trang trí nội thất kết hợp với màu sắc, chất liệu của các thành phần tham gia không gian kiến trúc thường mang lại những hiệu quả nghệ thuật độc đáo.
Tâm trạng của con người có thể bị tác động trực tiếp bởi ánh sáng, có khả năng làm thay đổi không gian kiến trúc. Kỹ thuật chiếu sáng công trình công cộng ngày nay đã đạt được sự tôn vinh vẻ đẹp của công trình. Đối với các công trình cao tầng, chiếu sáng phải tạo được hiệu quả từ hai điểm nhìn: xa và gần. Khi chiếu sáng, đặc biệt chú ý đến độ phản chiếu của vật liệu. Ví dụ như đá granit có độ bóng cao không thích hợp với các loại nguồn metal halozen hay các nguồn cao áp thuỷ ngân. Đối với các công trình thương mại, cần có sự phô trương và hấp dẫn. Có thể sử dụng các nguồn sáng đa mầu, có thể biến thiên về cường độ ánh sáng, chiếu sáng để gây sự tập trung cho những điểm cần nhấn mạnh trên mỗi toà nhà.
Kiến trúc sư luôn phải tư duy, lao động sáng tạo, tổng hợp các yếu tố trên thành một chỉnh thể thống nhất với những công năng, môi trường và cảm xúc, làm tiện nghi hơn đối với con người, làm đẹp cuộc sống và làm giàu ngôn ngữ kiến trúc bằng những biểu hiện tạo hình của kỹ thuật và vật liệu mới.
Các vật liệu xây dựng chịu tác động của các nhân tố về khí hậu, môi trường. Các yếu tố này ảnh hưởng đến công trình làm vật liệu bị phá hoại khiến cho hình thức công trình bị biến dạng. Do đó, khi sử dụng vật liệu xây dựng cần chú ý đến các mặt sau:
- Sử dụng vật liệu hợp lý dựa trên tính năng cơ lý và sự làm việc của nó, phù hợp với điều kiện thiên nhiên môi trường và chống được những bất lợi của khí hậu. Việc sử dụng các vật liệu hiện đại của thế giới vào Việt Nam cần dược nghiên cứu cho phù hợp với khí hậu Việt Nam.
- Những vật liệu mới được sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu cần nắm vững tính năng và phạm vi sử dụng, tìm hiểu kỹ các tính chất cơ bản của vật liệu để xây dựng thích hợp với công trình hay từng bộ phận của công trình.
- Nắm được kỹ thuật thi công đối với từng loại vật liệu thông thường, nhất là loại vật liệu có nguồn gốc địa phương dễ khai thác.
Vật liệu hoàn thiện chiếm một vai trò trung tâm biểu hiện các hình thức kiến trúc. Sự phong phú của vật liệu có những ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực đến việc sáng tạo không gian kiến trúc, nếu không làm chủ được kỹ năng sử dụng cũng như thiếu sáng tạo nghệ thuật sẽ gây nên sự hỗn loạn trong kiến trúc. Do vậy, muốn tạo được một hình thức kiến trúc đẹp thông qua vật liệu thì ta phải tìm hiểu các tính đa dạng vật liệu và tính năng của nó, luôn cập nhật thông tin về vật liệu mới, sẽ giúp cho các kiến trúc sư luôn có những sáng tạo mới, làm thay đổi diện mạo cho các công trình trên các vùng miền của đất nước.

Nguồn tin: Tuyển tập NCKH năm 2005 - Viện Nghiên cứu Kiến trúc
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)