Đô thị hoá & lời cảnh báo về suy thoái môi trường

Thứ ba, 25/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự suy thoái môi trường là hiểm hoạ luôn đồng hành trong quá trình phát triển của nhân loại. Nhất là từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, sự ô nhiễm và suy thoái môi trường đang ở cấp độ đáng báo động trên khắp toàn cầu.
"Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống, con người và thiên nhiên". Thành phần môi trường được hiểu là các yếu tố tạo nên môi trường: không khí, đất, nước, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi rừng, sông hồ, biển, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... và các hình thái vật chất khác.
Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, tốc độ tăng trưởng dân số theo cấp số nhân và sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới đã làm nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác một cách triệt để, dẫn đến môi trường đang bị huỷ hoại. Châu Á là một châu lục có mức tăng trưởng kinh tế nhanh, song cũng đã phải gánh chịu hậu quả của suy thoái môi trường rất to lớn. Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, chi phí của toàn khu vực châu Á do suy thoái môi trường khoảng 5% GDP hàng năm, riêng đối với Trung Quốc khoảng 10%. Hiện tại suy thoái môi trường đô thị của châu Á vẫn đang gia tăng, thậm chí sự ô nhiễm môi trường do công nghiệp còn tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế.
Ở Bangkok, Jakarta và một số thành phố khác, chỉ tính riêng chi phí cho sức khoẻ bị huỷ hoại do ô nhiễm và suy thoái môi trường đã lên tới hàng tỷ đô la/năm. Đối với các nước có dân số đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... sự suy thoái đất ở, đất rừng đã tác động đáng kể tới nông nghiệp. Đối với các nước như Campuchia, Lào, Papua New Guinea nạn phá rừng làm củi đun, làm nương rẫy, xuất khẩu gỗ, chế biến các sản phẩm từ gỗ phục vụ cho cuộc sống của cư dân đô thị... đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng phong phú.
Cùng với các châu lục khác, tốc độ phát triển đô thị hoá ở châu Á đã làm suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất đai quý giá. Khi tiến hành xây dựng các công trình lớn, con người sử dụng các thiết bị tối tân hiện đại để khoan sâu vào lòng đất, nén chặt đất, bơm, phun vào đất những loại vật liệu, hoá chất theo yêu cầu. Đặc biệt nhất là ảnh hưởng của những loại phế thải xây dựng như gạch, ngói, thuỷ tinh, ống nhựa, dây cáp, bê tông... rất khó bị phân huỷ đã làm cho đất đai bị biến chất, bị phá huỷ cấu trúc, thay đổi các tính chất sinh học... Hiện tượng này dẫn đến tình trạng xung quanh các khu công nghiệp, khu đô thị có một số lượng lớn đất nông nghiệp nhưng không thể canh tác được. Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay có khoảng 10% đất có tiềm năng nông nghiệp bị sa mạc hoá. Sự suy thoái đất dẫn đến giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, làm nghèo thảm thực vật, suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời chúng có tác động ngược lại làm cho quá trình xói mòn, thoái hoá đất diễn ra nhanh hơn. Sự tích tụ cao các chất độc hại, các kim loại nặng là nguyên nhân gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người.
Rất khó xác định hoặc ước tính ảnh hưởng của ô nhiễm và suy thoái môi trường đối với việc phát triển đô thị hoá hay giá trị kinh tế do ô nhiễm và suy thoái gây ra. Theo một số tài liệu nghiên cứu lập bài toán kinh tế ở Trung Quốc "Giá trị kinh tế hàng năm do suy thoái môi trường ở Trung Quốc có thể diễn tả bằng mức thất thu lợi tức do việc phá rừng, ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên thiên nhiên". Kết quả thu được là con số đáng kinh hoàng: hàng năm Trung Quốc thất thu khoảng 18,9% tổng sản lượng quốc gia vì suy thoái môi trường.
Việt Nam là nước đang phát triển có tốc độ đô thị hoá cao của châu Á, nếu theo cách tính toán nghiên cứu của Trung Quốc thì mức thiệt hại này có thể vượt quá 9,5% tổng sản lượng quốc gia. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam: Tổng sản lượng quốc gia GDP tăng trưởng ở mức trung bình 7,5% từ 1991 - 2000, nhưng sự tăng trưởng này không tính toán đến "các chi phí do ô nhiễm môi trường". Theo cách tính trên, với mức chi phí do ô nhiễm và suy thoái môi trường bằng một nửa của Trung Quốc, thì tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam đã giảm trung bình 2% một năm.

Mặc dù hoạt động bảo vệ môi trường của chúng ta trong 10 năm trở lại đây đã được tăng cường một cách tích cực, song môi trường Việt Nam vẫn tiếp tục bị suy thoái. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, đô thị hoá cùng với sự gia tăng dân số nhanh đã gây áp lực ngày càng nặng nề đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tốc độ tăng dân số đô thị năm 1986 là 19,3% một năm tương ứng với 11,87 triệu người đến nay là 26,32% tương ứng với 21,5 triệu người.
Quá trình đô thị hoá đang diễn ra sôi động ở tất cả các vùng trên cả nước, từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến hải đảo, đâu đâu cũng mọc lên những khu công nghiệp, khu đô thị mới. Từ năm 1990 đến năm 2004 cả nước có thêm 200 đô thị. Hiện tại chúng ta có 679 độ thị Gấp 1,4 lần so với năm 1990, 120 khu công nghiệp tập trung, trên 20 khu kinh tế cửa khẩu. Hệ thống đô thị Việt Nam thực sự là hạt nhân của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Song chính quá trình tăng tốc của các khu đô thị đã gây tác động không nhỏ tới môi trường.
Không gian đô thị ngày càng được mở rộng, đi cùng với tài nguyên đất đô thị đang bị suy thoái thì nguồn tài nguyên nước cũng suy thoái không kém phần quyết liệt. Tốc độ đô thị hoá ở các vùng lưu vực sông tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2004, toàn bộ lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có 116 khu đô thị với tổng số dân là 17,42 triệu người, trung bình mỗi ngày các đô thị trên thải vào nguồn nước sông khoảng 992.000 m3 nước thải sinh hoạt. Lưu vực sông Cầu có khoảng 800 cơ sở sản xuất, chúng đang thải ra một lượng nước thải là 109.000 m3/ngày đêm. Ở lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy với số dân gần 3 triệu người, lượng nước thải là 385.000 m3/ngày đêm đang được tuôn ra sông. Điều đáng nói là, toàn bộ lượng nước thải đó đều chưa được thu gom và xử lý dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng cả về chất và lượng đối với nguồn tài nguyên nước, nhất là đối với các sông nhỏ, kênh rạch trong nội thành, nội thị.
Hầu như tất cả các con sông chảy trong nội thành của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều bị ô nhiễm nặng. Việc đáp ứng nước sinh hoạt cho dân, nước sản xuất cho các nhà máy ngày một nhiều, nước xây dựng cho các công trình ngày một lớn... đó là những đòi hỏi cấp thiết, song nó lại là nguyên nhân dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức và không có quy hoạch. Điều này đã làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, đất nhiều nơi bị lún sụt, nhiễm mặn trong khi nguồn tài nguyên nước không phải là vô tận. Chính vì vậy, sự suy thoái và ô nhiễm nguồn nước đang là một vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Đô thị là sản phẩm của văn minh mỗi quốc gia, nó phản ánh một cách tổng hợp quá trình và trình độ phát triển của xã hội. Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn ra trên đất nước ta tất yếu dẫn đến việc hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị. Không thể phát triển nền kinh tế, phát triển đất nước nếu như không có những nhà máy, xí nghiệp lớn, cũng như các khu đô thị. Nhưng việc phát triển các khu vực này như thế nào để tài nguyên môi trường không bị huỷ hoại, suy thoái đó là cả một thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam trong những năm tới.
Suy thoái môi trường do tốc độ đô thị hoá diễn ra không ồ ạt như bão tố, sóng thần, động đất...; nó từ từ, lẳng lặng đi cùng với sự đẹp đẽ, sầm uất của các đô thị, sự hiện đại, hoành tráng của các khu công nghiệp. Nhưng đến một lúc nào đó hậu quả của nó gây ra thật khôn lường. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhìn trước được những mặt trái của quá trình đô thị hoá, phải nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và các khó khăn, thách thức trong thời điểm hiện nay để có ngay những chính sách và những giải pháp khi quy hoạch, xây dựng phát triển các khu đô thị và công nghiệp.
Với tốc độ huỷ hoại môi trường do đô thị hoá như hiện nay, cái giá phải trả cho tương lai sẽ là quá đắt. Theo ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: "Sau 30 năm phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với vấn nạn môi trường, cái giá phải trả cho việc này là hiện tại cần 2000 tỷ đồng để khắc phục". Đó cũng là một con số đáng kể cho các nhà quản lý suy ngẫm.

ThS. Nguyễn Thị Anh Thư
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 1 19/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)