Đổi mới cơ chế quản lý trong đầu tư xây dựng để phù hợp với sự phát triển kinh tế

Thứ sáu, 21/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xây dựng là một trong những ngành kinh tế lớn, có tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, hoạt động xây dựng ngày càng phức tạp với nhiều mối quan hệ nảy sinh so với tốc độ phát triển. Trong những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình xây dựng lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội cao góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy vậy, trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng cũng còn nhiều vấn đề tồn tại đòi hỏi cần sớm có sự đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các chủ thể tham gia các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Việc khẩn trương nghiên cứu và hoàn thiện đề án Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng chủ trì trình Chính phủ là phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Một số vấn đề cần quan tâm trong đề án:

1. Đổi mới cơ chế quản lý trong đầu tư xây dựng theo hướng nâng cao quyền hạn và trách nhiệm, xây dựng được đội ngũ tư vấn Quản lý Dự án độc lập và có đủ năng lực.
2. Quy định rõ yêu cầu nội dung các bước thiết kế, chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn về đánh giá hiệu quả đầu tư, lập tổng mức đầu tư, đánh giá tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu, xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng tái định cư, lập tiến độ thực hiện dự án phù hợp...
3. Xây dựng kế hoạch đào tạo kỹ sư giá xây dựng. Quy định các nội dung cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với các công việc trong hoạt động xây dựng kỹ sư giá, lập hồ sơ mời thầu, môi trường, kỹ sư phân tích đánh giá hiệu quả đầu tư dự án... tránh bất cập như hiện nay.
4. Nghiên cứu mức chi phí tư vấn hợp lý theo hướng tiếp cận thông lệ khu vực và Quốc tế.
5. Nghiên cứu phương pháp xây dựng định mức chi phí xây dựng công trình phù hợp, loại bỏ các bất cập trong hệ thống định mức hiện hành.
6. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trong đầu tư xây dựng theo hướng Nhà nước quản lý vĩ mô, phân cấp mạnh mẽ, trao quyền hạn và gắn trách nhiệm cho các chủ thể tham gia quản lý thực hiện dự án.
Có thể nhận thấy rằng trong những năm vừa qua, sự phân cấp quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý đầu tư xây dựng chưa được thực sự làm rõ, còn chồng chéo, thru tục phức tạp, một số đơn vị quản lý chưa xác định đúng quyền hạn và trách nhiệm đối với nguồn vốn của nhà nước, các vấn đề chậm tiến độ, kém chất lượng, điều chỉnh tăng cao chi phí, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, yếu kém trong chỉ đạo điều hành còn tồn tại.
- Các tiêu chí chủ yếu đối với dự án đầu tư như: Sự cần thiết đầu tư; phân tích đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án; tổng mức đầu tư; kế hoạch thực hiện, chương trình đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; đánh giá tác động môi trường...trong nhiều dự án đã chưa được đề cập đúng mức hoặc nghiên cứu khá sơ sài, mang tính hình thức chưa phản ánh được thực chất của công trình, dự án đầu tư đôi khi không phù hợp hoặc phải thay đổi điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện cũng như tiến độ bị ảnh hưởng do không đánh giá đúng mức và không lường được ảnh hưởng của các vấn đề nêu trên. Nguyên nhân là do chưa nắm chắc các nguyên tắc cơ bản, các phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính của dự án, không xác định phù hợp kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng, chưa điều tra kỹ để đánh giá ảnh hưởng của môi trường, xã hội và đề xuất các biện pháp giảm thiểu, lập Tổng mức đầu tư thiếu các cơ sở để đảm bảo tính sát thực...
- Hiện đang tồn tại bất cập trong việc đào tạo kỹ sư giá xây dựng và cấp chứng chỉ hành nghề. Để thực hiện một dự án, công trình đòi hỏi nhiều chuyên ngành như lập giá dự toán, hồ sơ mời thầu, đánh giá hiệu quả dự án, môi trường, địa chất thuỷ văn... nhưng nếu theo như các quy định hiện nay về hướng dẫn trình tư, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng thì không thể cấp chứng chỉ cho các chuyên môn khác ngoài kỹ sư thiết kế và như vậy không thể tham gia thiết kế, lập dự toán theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật. Cần nghiên cứu quy định lại phạm vi, ngành nghề và các lĩnh vực cần cấp chứng chỉ hành nghề tránh bất cập như hiện nay.
Các hãng tư vấn lớn hàng đầu trên thế giới đều có các kỹ sư giá xây dựng và chuyên gia lập hồ sơ thầu. Nếu theo định nghĩa của hiệp hội các kỹ sư Dự toán quốc tế The International Cost Engineering Council ICEC thì chúng ta hầu như chưa có kỹ sư dự toán, kỹ sư khối lượng do vậy có thể dễ dàng nhận thấy công tác lập, quản lý chi phí, thực hiện xây dựng còn nhiều tồn tại, kỹ sư lập dự toán không am hiểu về kết cấu và dự toán, hệ thống văn bản pháp quy trong đầu tư xây dựng còn bất cập nên chưa thể bóc tách tiên lượng và xây dựng đơn giá một cách khoa học, phù hợp nằhm cho ra dự toán chặt chẽ phản ánh đúng giá trị thực của công trình. Cần xây dựng giáo trình, trang bị kiến thức tổng hợp về kết cấu, tổ chức xây dựng, hệ thống luật trong xây dựng, kinh nghiệm thi công, khả năng phân tích đánh giá hiệu quả của dự án, viết hồ sơ thầu ...để đào tạo ra các loại hình kỹ sư đáp ứng các yêu cầu cho dự án.
- Chi phí tư vấn xây dựng: Thực tế hiện nay chi phí cho các công tác tư vấn, thiết kế trong nước chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong giá trị xây lắp công trình và trong nhiều dự án phần chi phí này theo các quy định hiện hành chưa đủ đảm bảo để thực hiện đầy đủ khối lượng công việc phải làm cho công tác tư vấn, khảo sát thiết kế đặc biệt là công tác tư vấn giám sát. Đặc thù của hoạt động tư vấn thiết kế là hoạt động trí tuệ, là loại hình dịch vụ chất xám điển hình, chi phí cho các tổ chức tư vấn tập trung chủ yếu cho yếu tố con người để tạo ra các sản phẩm trí tuệ của dịch vụ tư vấn thiết kế, do vậy cần hướng tới cách tính chi phí tư vấn theo công – tháng tiếp cận dần với thông lệ Quốc tế. Tuy nhiên với mặt bằng thu nhập chung hiện nay, việc quy định mức tính chi phí theo công – tháng sẽ rất khó thực hiện do không thể quy định mức lương cho các kỹ sư Việt Nam tương đương với khu vực và Quốc tế 3000 USD đến 20.000 USD/tháng. Nên nghiên cứu theo hướng có lộ trình, trước mắt tăng tỷ lệ định mức chi phí tư vấn cho tiếp cận dần mức khu vực và xây dựng khung tối đa - tối thiểu hoặc giới hạn trên - giới hạn dưới tạo điều kiện cho các đơn vị phát huy khả năng và có điều kiện đầu tư nâng cao năng lực tư vấn.
- Công tác xây dựng định mức: định mức dự toán xây dựng công trình là nhân tố quyết định tới giá trị dự toán của công trình do vậy về nguyên tắc cần được xây dựng theo đúng: Phương pháp xây dựng định mức dự toán xây dựng. Nhiều hạng mục công tác xây dựng trong định mức do chưa được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản nên còn bất cập không phù hợp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thất thoát lãng phí mà chưa được đề cập tới như là một trong những nhân tố khiến cho công tác quản lý giá thành, lập dự toán, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án xây dựng gặp khó khăn trong suốt thời gian vừa qua.
+ Định mức ban hành theo Quyết định số 24/2005/QĐ – BXD ngày 29/7/2005 tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến việc xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình, cần kịp thời nghiên cứu điều chỉnh ngay các nhầm lẫn trong định mức, các quy định bất cập trong công tác cọc khoan nhồi, các bất hợp lý khác...
+ Cần xây dựng được các định mức chuyên ngành phù hợp với các công tác đặc thù, đặc biệt các công trình chịu nhiều yếu tố chi phối như địa hình, địa chất, điều kiện thi công, biện pháp thi công, vị trí xây dựng, ứng dụng công nghệ mới, nguồn và khả năng cung ứng vật liệu...
+ Cần bổ sung nguồn lực cho các cơ quan chức năng nghiên cứu và xây dựng định mức, quy định mức chi phí cho công tác theo dõi, tổng hợp xây dựng định mức tại các công trường triển khai dự án có áp dụng các công nghệ mới, phối hợp với lực lượng tư vấn giám sát hiện trường tổng hợp xây dựng định mức phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trong đầu tư xây dựng theo hướng phân cấp mạnh mẽ công tác quản lý trong thực tiến dự án. Một số văn bản pháp quy mới về xây dựng trong thời gian vừa qua đã có một số bất cập như: Việc phân cấp, phân loại công trình xây dựng quá thiếu và nghèo nàn, nhiều loại hình công việc không biết xếp vào đâu để thực hiện; NĐ 16 thay thế cho NĐ 52 cũng cần được bổ sung điều chỉnh.
- Cần nghiên cứu xây dựng công thức tính trượt giá phù hợp với thực tế triển khai dự án tại Việt Nam đảm bảo tính chủ động trong việc lập, dự trù kinh phí và quản lý, thanh quyết toán trong quá trình thực hiện.

KS. Võ Hoàng Anh
Nguồn tin: Tạp chí Thông tin Khảo sát thiết kế số 2 năm 2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)