Cạnh tranh là động lực thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển

Thứ tư, 19/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, chủ trương tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ KH & CN là nền tảng quan trọng để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các DN và cơ sở nghiêncứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội. Tạp chí Xây dựng đã phỏng vấn GS.TSKH NGUYỄN VĂN LIÊN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng để hiểu rõ thêm về thị trườngKH & CN đang được rất nhiều người quan tâm.
• Xin Thứ trưởng cho biết, ý nghĩa của việc hình thành thị trường KH & CN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên:

KH & CN là thước đo trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Để có nền KH & C phát triển, việc hình thành thị trường KH & CN là yêu cầu tất yếu. Bản chất của thị trường là đáp ứng sự cạnh tranh giữa các cơ sở khoa học với tư cách là người bán: nghiên cứu, tìm kiếm sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng, và giữa các doanh nghiệp là người mua: lựa chọn sản phẩm tốt nhất của các cơ sở khoa học phục vụ mục tiêu phát triển. Điều đó tạo động lực cho sự phát triển của xã hội, của nền KH & CN nước nhà.
Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, Đảng và nhà nước rất quan tâm tới việc tạo lập và phát triển thị trường KH&CN. Ngay từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khoá IX đã nhấn mạnh: phát triển mạnh thị trường KH&CN để góp phần nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của các DN; có cơ chế, chính sách để sản phẩm khoa học thức sự trở thành hàng hoá….Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về KH&CN theo hướng hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN, khuyến khích, tôn vinh các nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thực sự có tài, có đóng góp cho đất nước…. Điều này thể hiện rõ trong thực tế những năm qua, chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực KH&CN; thu hút nhân tài, khơi dậy sức sáng tạo của các nhà khoa học.

• Theo Thứ trưởng, những khó khăn đặt ra trong quá trình hình thành thị trường KH&CN là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên :

Có rất nhiều khó khăn, nhưng trở ngại lớn nhất xuất phát từ nền kinh tế nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của cơ chế bao cấp và tư duy bao cấp. Những kết quả đạt được trong việc hình thành đồng bộ các thể chế kinh tế thị trường vẫn còn hạn chế. Thị trường KH&CN còn rất sơ khai. Nhận thức về thị trường KH&CN còn nhiều điều chưa thống nhất, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tạo lập và phát triển thị trường KH&CN. Nhìn vào hai chủ thể chủ đạo tham gia vào thị trường KH&CN là các cơ sở nghiên cứu khoa học và DN, ta có thể thấy những nhược điểm này bộc lộ rất rõ.
Đối với DN, đặc biệt là DNNN, cơ chế quản lý và môi trường hoạt động chưa tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư đổi mới về KH&CN. DN còn tư tưởng dựa vào nhà nước, chưa năng động, chưa thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh mà chỉ tìm kiếm những cơ hội để có được lợi nhuận ngắn hạn, trong khi chính họ là là chủ thể quyết định cho việc hình thành thị trường KH&CN.
Đối với các cơ sở nghiên cứu, tư tưởng bao cấp còn nặng nề hơn. Cơ chế giao và thực hiện các đề tài nghiên cứu KH&CN bằng vốn ngân sách nhà nước đã tạo tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào nhà nước, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, các đề tài nghiên cứu lại chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội nên tính hiệu quả chưa cao…

• Vậy, chủ trương trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu sẽ tạo lực đẩy quan trọng để tạo lập thị trường KH&CN, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên :

Đúng vậy. Như tôi đã nói, cạnh tranh là động lực để phát triển. Xoá bỏ bao cấp, trao quyền tự chủ có nghĩa buộc các cơ sở nghiên cứu phải đổi mới về tư tưởng, phương thức hoạt động; phải đầu tư, đổi mới nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN để tồn tại và phát triển theo quy luật khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Trong thị trường này, các cơ sở nghiên cứu trở thành nhà sản xuất. Hàng hoá, sản phẩm phải có chất lượng, giá thành hạ thì mới có sức cạnh tranh. Tóm lại, họ sống và phát triển bằng các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao cho DN. Đó là điều tất yếu.

• Thưa Thứ trưởng, để có cung thì phải có cầu, nhưng hiện nay các DN vẫn chưa mặn mà với hàng hoá KH&CN trong nước sản xuất?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên :

Điều đó phụ thuộc vào cả hai chủ thể chính trên thị trường. Các cơ sở nghiên cứu phải chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường để sản xuất những hàng hoá chất lượng cao mà người mua cần chứ không phải làm ra những gì mình có. Muốn vậy, các viện nghiên cứu phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để giao tiếp, cập nhật những thông tin, công nghệ mới của nước ngoài, qua đó nghiên cứu phù hợp với điều kiện, yêu cầu của DN đặt ra. Chúng ta phải biết đứng trên vai người khổng lồ….Sự thất bại, rủi ro trong công việc là điều không tránh khỏi. Nhưng có vấp ngã, trả giá thì mới có kinh nghiệm để vươn lên.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất nằm ở phía các DN. Hiện nay, DN chưa ý thức được vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong chiến lược phát triển của mình. Cần phải hiểu KH&CN bao gồm cả Khoa học về quản lý DN. Tiêu chuẩn quản lý chất lượng Quốc tế ISO đã được nhiều DN áp dụng nhưng tại sao hiệu quả đạt được lại không giông nhau? Đó chính là điều mà DN cần nghiên cứu, tổ chức sao cho phù hợp với đơn vị mình.
Ngoài ra, việc đầu tư cho khoa học và chuyển giao công nghệ ở từng DN còn manh mún, mang tính thời vụ, không có chiến lược dài hạn. Điều này sẽ phải trả giá trong quá trình hội nhập Quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, sức cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Nếu DN không thực sự quan tâm đầu tư cho KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì có thể sẽ thất bại ngay trên sân nhà.

• Để mở đường cho thị trường KH&CN phát triển, Nhà nước cần có những chính sách gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên:

Trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để điều tiết thị trường thông qua việc ban hành các qui tắc, luật lệ và bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên tham gia. Điều này đã và đang được Nhà nước và các cơ quan chức năng thực hiện. Bên cạnh đó, khi mới hình thành thị trường, cần có các cơ chế hỗ trợ phù hợp theo từng lộ trình, giai đoạn phát triển.
Thứ nhất, cần tạo sức ép đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ KH&CN của các DNNN bằng cách kiểm soát độc quyền, xoá bỏ bao cấp. Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước qua các thể chế tín dụng, ngân hàng. Có cơ chế khuyến khích cũng như ràng buộc cụ thể như: DN có thể được miễn, giảm thuế khi đầu tư cho KH&CN; được trích lại một phần vốn nộp ngân sách Nhà nước để đầu tư cho KH&CN. DN không thực hiện sẽ truy thu và nếu kéo dài sẽ bị phạt, thậm chí cách chức lãnh đạo DN.
Thứ hai, cần tăng cường sự liên kết trong đầu tư, đổi mới KH&CN, thương mại hoá sản phẩm KH&CN và ứng dụng chúng vào sản xuất kinh doanh thông qua việc tạo liên kết giữa Nhà nước – Cơ sở khoa học – DN - Tổ chức tài chính.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ chế quản lý hoạt động KH&CN và cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN nhằm tăng cường sự năng động, sáng tạo và tự chủ. Điều này cần phải được cụ thể hoá bằng những văn bản hướng dẫn.

• Trong thời gian tới Ngành Xây dựng sẽ làm gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH&CN, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên :

Trong chiến lược phát triển KH&CN của ngành đến năm 2010, mục tiêu của chúng ta là phải làm chủ công nghệ thiết kế và xây dựng công trình không giới hạn quy mô vị trí, trong đó có cả công nghệ xử lý môi trường; sản xuất được những sản phẩm VLXD có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; sản xuất các sản phẩm cơ khí quan trọng như thang máy, cần cẩu tháp, tuốc bin nhà máy điện, tìm tòi chế tạo xe máy xây dựng … Việc hình thành thị trường KH&CN là yếu tố tích cực cho sự phát triển của ngành nói chung, chiến lược KH&CN nói riêng. Trước mắt, để góp phần tạo lập thị trường KH&CN, Bộ Xây dựng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các cơ sở nghiên cứu và DN trong ngành để xác định rõ các vấn đề cung - cầu, tạo môi trường hợp tác.
Trong những năm qua các viện nghiên cứu trong ngành Xây dựng như: Viện KHCN Xây dựng, Viện VLXD, Viện Nghiên cứu Kiến trúc… đã có ý thức về vấn đề này. Cùng với việc từng bước đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, đội ngũ cán bộ khoa học, các viện đã chủ động tìm đến DN để ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao KH&CN. Bên cạnh đó, tuy chưa thành phong trào sâu, rộng nhưng các DN đã quan tâm đến chuyển giao công nghệ mới, sản phẩm mới. Đó là những tiền đề quan trọng để thị trường KH&CN trong ngành Xây dựng được tạo lập và phát triển.

Xin cám ơn Thứ trưởng!


Nguồn tin: Tạp chí Xây dựng số 6 - 2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)