Giải pháp huy động vốn hoạt động của doanh nghiệp

Thứ năm, 28/09/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh đều cần có vốn, bao gồm vốn cố định và vốn lưu động. Một thực tế hiện nay các DN xây dựng, sản xuất VLXD đang thiếu vốn hoạt động một cách nghiêm trọng. Với các DN xây dựng, giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đã nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư hoặc BQLDA bên A còn nợ mỗi ngày một lớn, giá trị khối lượng xây lắp dở dang cuối kỳ tăng vượt định mức vốn lưu động. Doanh thu các DN sản xuất VLXD gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu của DN đều giảm đáng kể nhất là doanh thu đã thu tiền, dẫn đến khả năng thanh toán nợ rất thấp, hệ số bảo toàn vốn ở mỗi DN đều dưới quy định H
Trong khi đó, không ít DN các khoản trả nợ gốc và lãi về vay đầu tư, về vốn kinh doanh đã đến hạn trả. Thậm chí đường biểu diễn tình hình tài chính DN giữa suy thoái với phá sản đã cận kề. Trước tình hình như vậy, thiết nghĩ mỗi DN cần phải chủ động và khẩn trương thực hiện các giải pháp huy động vốn hoạt động, làm cho tình hình tài chính DN lành mạnh, vượt qua khó khăn nhất thời, tạo thế phát triển bền vững. Trước mắt, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Kiếm kê, rà soát lại toàn bộ tài sản hiện có của DN, thanh lý, nhượng bán những tài sản không cần dùng, ứ đọng để thu hồi vốn

Mỗi DN cần phải kiểm kê tài sản, phân loại tài sản cần dùng, không cần dùng, kém và mất phẩm chất. Loại không cần dùng, kém và mất phẩm chất cần có biện pháp thanh lý, nhượng bán. Bằng biện pháp này, Tổng Cty Xây dựng số 1 đã nhượng bán cả một dây chuyền trạm nghiền Clinke cho chủ đầu tư nhà máy Xi măng Tây Ninh, thu hồi vốn hàng chục tỷ đồng; đồng thời chủ đầu tư nhà máy Xi măng Tây Ninh cũng không phải chi phí vốn đầu tư lớn để Xây dựng mới trạm nghiền Clinke. Như vậy, hai bên đều có lợi.
Trong các DN sản xuất VLXD, tồn kho thành phẩm khá lớn, cần phân loại để có kế hoạch tiêu thụ những mặt hàng ứ đọng lâu ngày. Đối với những mặt hành này, càng để lâu càng mất giá, thà chịu lỗ giải phóng sớm còn hơn cứ giữ lại, tốn thêm chi phí bảo quản, chiếm diện tích kho tàng lại phải vay vốn lưu động dự trữ, trả lãi vay ngày càng tăng.
Mặt khác, nhiều DN tồn đọng vật liệu, dụng cụ sản xuất khá lớn, cần được phân loại để thanh lý, nhượng bán, thu hồi vốn. Kinh nghiệm thanh lý, nhượng bán vật liệu, dụng cụ tồn đọng nên theo từng lô hàng không nhượng, bán từng thứ, cả thứ nhiều người mua cần dùng lẫn thứ ít người cần mua, và bán theo phương thức đấu giá cả lô hàng. Thanh lý, nhượng bán theo lô hàng thường không thấp hơn giá trị ghi sổ kế toán của DN.

2. Bán bớt một phần số lượng cổ phần chi phối của Nhà nước trong các công ty cổ phần cho các nhà đầu tư để tăng vốn hoạt động

Khi tiến hành cổ phần hoá DNNN về xây dựng và sản xuất vật liệu, phần lớn DN cổ phần Nhà nước đều chiếm tỷ trọng cổ phần trên 50%, nhiều DN cổ phần Nhà nước giữ cổ phần chi phối đến 60 - 70% số lượng cổ phần. Đến nay, hầu hết các Công ty cổ phần đều phát triển sản xuất kinh doanh, kết quả và hiệu quả kinh doanh tăng lên rõ rệt. Nhiều Công ty cổ phần, cổ tức cổ phần hàng năm trên 20%, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vốn. Các Công ty cổ phần cần tiến hành kiểm toán độc lập các báo cáo quyết toán tài chính năm; đồng thời làm các thủ tục đăng ký và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Mỗi DN cần cân nhắc cổ phần Nhà nước trong mỗi Công ty cổ phần trong tình hình hiện nay và căn cứ vào quy định của Nhà nước cần nắm giữ bao nhiêu cổ phần là hợp lý, để có kế hoạch và biện pháp bán bớt cổ phần chi phối của Nhà nước. Chắc chắn mệnh giá trên thị trường của mỗi cổ phần sẽ cao hơn mệnh giá cổ phần khi cổ phần hoá. Do vậy, DNNN sẽ rút ra một lượng vốn không nhỏ để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ở TCTy Vật liệu XD số 1 bằng giải pháp này đã góp phần giải quyết khó khăn vốn kinh doanh của DN.

3. Cần đẩy mạnh lộ trình cổ phần hoá DNNN trong diện cổ phần hoá DN

Thời gian qua phần lớn DN xây dựng, sản xuất VLXD tiến hành cổ phần hoá theo hình thức: bán toàn bộ hoặc bán một phần vốn nhà nước hiện có trong DN; còn hình thức cổ phần hoá giữ nguyên phần vốn nhà nước, bán cổ phần để huy động vốn xã hội hoạt động kinh doanh của DN còn ít. Chính vì vậy, DN khi cổ phần hoá chưa huy động được rộng rãi vốn từ ngoài DN. Thiết nghĩ thời gian tới các DN cổ phần hoá cần xây dựng phương án mở rộng sản xuất kinh doanh để huy động tăng vốn DN hiện có.
Muốn thực hiện tốt hình thức cổ phần hoá này, đòi hỏi DN trước khi cổ phần hoá phải xây dựng tốt phương án mở rộng sản xuất, tính toán một cách có căn cứ hiệu quả kinh doanh, thực hiện quảng bá rộng rãi để các nhà đầu tư quan tâm bỏ vốn đầu tư.
Đi đôi với việc cổ phần hoá DN theo hình thức trên, các DN cần tiến hành huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu công trình. Thức tế thời gian qua, TCTy sông Đà nhờ biết phát hành trái phiếu công trình đã huy động được nhiều tỷ đồng vốn.

4. DN cần xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể xử lý các khoản nợ phải thu và phải trả

Trước mắt mỗi DN phải tiến hành đối chiếu, lập biên bản xác nhận nợ, xác định số nợ, thống nhất thời hạn thanh toán từng khoản nợ. Đối với các khoản nợ phải thu về giá trị khối lượng xây lắp nhận thầu đã nghiệm thu, hoặc tiền bán sản phẩm VLXD, cần phân định rõ nợ có khả năng thu hồi, nợ không có khả năng thu hồi, nợ quá hạn và dây lâu ngày, cần xử lý theo cơ chế tài chính hiện hành. Các khoản nợ phải thu cần cân nhắc kỹ kết quả thu nợ và chi phí thu nợ, tránh tình trạng chi phí thu nợ cao hơn nhiều lần số nợ được thu.
Đối với các khoản nợ phải trả, cần xây dựng kế hoạch và lộ trình thanh toán gốc và lãi nếu có. Các khoản thanh toán cần theo thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản tiền lương và có tính chất lương cho người lao động, nộp các khoản thuế cho ngân sách Nhà nước, nộp BHXH, BHYT, sau đó đến các khoản thanh toán khác. Thông thường các DN các khoản thanh toán thì lớn, nhưng khả năng tài chính lại có hạn, do vậy việc xây dựng kế hoạch và lộ trình thanh toán hết sức quan trọng, giúp DN chủ động trong việc thanh toán nợ.

5. Vay ngân hàng, vay các quỹ tín dụng, vay các tổ chức, cá nhân có quan hệ, kể cả vay công nhân viên trong DN

Giải pháp này các DN hầu hết đã thực hiện. Nhưng khó khăn nổi trội là uy tín DN đối với các tổ chức tín dụng bị giảm sút, vì thời hạn thanh toán các khoản vay không đảm bảo, tình hình tài chính DN thiếu lành mạnh. Do vậy, mỗi DN phải chủ động bàn bạc với Ngân hàng, với các tổ chức tín dụng để thống nhất tiến độ thanh toán nợ, bàn bạc biện pháp xử lý từng khoản nợ, kể cả việc giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ. Tránh tình trạng để nợ chồng chất, bên vay và bên cho vay thiếu sự bàn bạc tích cực đê xử lý tình hình nợ khê đọng. Thực tế cho thấy, ở nơi nào mà DN chủ động bàn bạc với Ngân hàng, với tổ chức tín dụng, cùng nhau tìm biện pháp xử lý công nợ thì tình tình hình thanh toán nợ đều được cải thiện tốt hơn.
Những biện pháp nêu trên, nếu mỗi DN chủ động thực hiện một cách kiên quyết và theo lộ trình chặt chẽ, chắc chắn sẽ giải quyết khó khăn về vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi DN.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)