Quản lý quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp nông thôn

Thứ tư, 27/09/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc xây dựng các cụm công nghiệp ở nông thôn đang được các địa phương quan tâm phát triển, nhằm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Trong quá trình thực hiện mục tiêu đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp ở nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo phát triển bền vững các cụm công nghiệp nông thôn nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Song hiện nay các công tác này đang còn nhiều hạn chế, cần phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục.
Khi chuẩn bị xây dựng cụm công nghiệp nông thôn, việc quan trọng đầu tiên là phải có công tác quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng. Mỗi tỉnh phải căn cứ vào các ngành nghề địa phương và sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn mình, để xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp. Quy hoạch sau khi UBND tỉnh phê duyệt sẽ là cơ sở để UBND các cấp huyện, xã xây dựng quy hoạch sử dụng đất, rồi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của Luật Đất đai...
Song hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cụm công nghiệp nông thôn đang gặp một số khó khăn, tồn tại.
Đó là việc các nhà đầu tư chỉ tập trung chủ yếu vào các cụm công nghiệp gần trung tâm tỉnh, điều đó tạo nên sự mất cân đối về thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Quy hoạch các dự án trong các cụm công nghiệp chưa gắn với quy hoạch về giao thông, thuỷ lợi, điều đó đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của các hộ dân - những người có đất canh tác liên quan - đồng thời nó cũng làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
Tiếp theo là khó khăn về giải phóng mặt bằng: dân chưa chịu giao đất ngay, mà đòi tăng giá đền bù cao hơn giá đã được phê duyệt, do giá cả trên thị trường tăng so với trước và chờ đợi các cấp chính quyền cấp đất làm dịch vụ. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chậm, không theo kịp tiến độ triển khai của các dự án và chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

Những bất cập về hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp nông thôn
• Việc Nhà nước ban hành quá nhiều luật và các văn bản dưới luật đã tạo nên sự quản lý chồng chéo, không đồng bộ.
• Chưa có các văn bản cụ thể để phân loại các cụm công nghiệp.
• Các văn bản quản lý đầu tư xây dựng hiện nay thường chỉ đưa ra các nội dung về phân cấp quản lý mức đầu tư, còn về quản lý quy hoạch xây dựng một cụm công nghiệp nông thôn như thế nào để đạt tiêu chuẩn thì không có.
• Hiện nay Nhà nước Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp nông thôn.
• Hệ thống văn bản pháp quy tại một số tỉnh mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tốt, nhưng vẫn chỉ mang tính chất chung chung, chưa có những quy định thật sự cụ thể đối với từng loại dự án. Hơn nữa, ta chưa xây dựng được hệ thống văn bản mang tính chất định hướng phát triển lâu dài.

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng cũng còn nhiều vấn đề
Quan niệm về quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá chưa rõ ràng và chưa được thống nhất. Tầm nhìn của nhiều dự án quy hoạch chưa đủ dài. Quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, mà biểu hiện rõ nhất là việc phân công, phân cấp không rõ ràng, năng lực cán bộ quản lý còn nhiều yếu kém. Ta đang thiếu một khung pháp lý đầy đủ cho việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch. Sự chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch trong phạm vi toàn tỉnh còn thiếu và chưa thống nhất. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng cũng còn chưa có và thiếu trách nhiệm.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng ngay cơ chế để quản lý quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp nông thôn. Việc này cần thực hiện những bước sau:
• Từng bước cụ thể hoá việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương phát triển công nghiệp hiện đại của địa phương. Góp phần thực hiện quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh và toàn huyện.
• Tạo hạt nhân về công nghệ, trình độ sản xuất, mô hình quản lý... xây dựng mô hình điển hình cho sự phát triển công nghiệp toàn tỉnh.
• Tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các cụm công nghiệp của một số nhà đầu tư hiện tại và trong tương lai. Tạo sức hút đô thị hoá khu vực xung quanh cụm công nghiệp.
• Cơ cấu quy hoạch sử dụng đất cụm công nghiệp nông thôn hợp lý, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đền bù và hỗ trợ cho người dân, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các doanh nghiệp và vốn ngân sách của tỉnh.
• Xác định mô hình chủ yếu và phân khu chức năng của toàn cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư đến thành lập nhà máy, xí nghiệp. Góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương cũng như ở các vùng lân cận lao động trực tiếp trong cụm công nghiệ.
• Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp đồng bộ, hoàn chỉnh, gồm hệ thóng giao thông, san nền và thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải và vệ sinh môi trường.
• Việc quy hoạch hệ thống cây xanh làm giảm bụi, giảm tiếng ồn, làm mát và thông sạch không khí trong cụm công nghiệp là việc cần thiết để đảm bảo sự phát triển môi trường bền vững.
• Kiến trúc cảnh quan trong các cụm công nghiệp nông thôn cần một giải pháp quy hoạch tự nhiên gắn kết với nhân tạo một cách hợp lý, nhằm tạo ra những cụm công nghiệp hiện đại và văn minh, nhưng cũng không mất đi tính truyền thống của địa phương.

Để quản lý quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp nông thôn, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho các vấn đề sau

Đền bù và giải phóng mặt bằng: Đây là giai đoạn rất quan trọng, có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình xây dựng cụm công nghiệp. Cần giải đáp, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về đền bù và giải phóng mặt bằng cho dân trong khu vực quy hoạch. Việc vận dụng khéo léo các chính sách của Nhà nước và của Ban quản lý trong khi đền bù, giải phóng mặt bằng và ưu tiên đáp ứng được các yêu cầu của người dân.
Khi chuyển đổi cơ cấu sử dụng từ đất từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, cần có cam kết của Ban quản lý về việc đảm bảo việc làm cho người lao động số lao động địa phương được đào tạo vào làm việc tại cụm công nghiệp phải tỷ lệ thuận với diện tích chuyển đổi. Để làm được như vậy cần phải tổ chức các trường lớp và trung tâm đào tạo ngành nghề cho người lao động.
Quy hoạch sử dụng đất: Cần được tổ chức quy hoạch các khu chức năng chính như: Khu xây dựng các xí nghiệp công nghiệp; Khu điều hành, dịch vụ công nghiệp trưng bày, bán sản phẩm, dịch vụ; Khu cây xanh; Khu hỗ trợ sản xuất; Đất đường giao thông cùng các sân bãi đỗ.
Những cụm công nghiệp sử dụng nhiều lao động từ các địa phương khác và cách xa khu dân cư, cần tổ chức thêm khu ở cho công nhân bên cạnh cụm công nghiệp, hoặc có thể bố trí thêm khu vực phát triển hỗn hợp: Khu sản xuất kết hợp khu ở.
Cơ cấu sử dụng đất cho cụm công nghiệp nông thôn có thể được quy định như sau: Với quy mô từ 20-50 ha, thì đất xây dựng xí nghiệp công nghiệp chiếm 60-65%, đất khu đầu mối kỹ thuật chiếm 2-3%, đất khu điều hành, dịch vụ chiếm 2%, đất cây xanh chiếm 5-10% và đất giao thông từ 15-20%.
Đối với cụm công nghiệp, lô đất thường được chọn có quy mô: 0,1-0,25-0,5-1-2-2,5 ha.
Quản lý quy hoạch chuẩn bị mặt bằng san nền: Đất trong các cụm công nghiệp nông thôn thường là đất vườn tạp hoặc là đất nhà ở của người dân. Đất này phải được nâng cao hoặc san bớt tạo một nền đất rắn cho các lô đất xây dựng nhà xưởng và để xây dựng đường xá cũng như các công trình tiện ích khác.
Quản lý xây dựng hệ thống giao thông: Nét cơ bản của mặt bằng một cụm công nghiệp là sơ đồ đường đi. Do vậy sơ đồ đường đi là yếu tố chủ yếu của một mặt bằng trống của giai đoạn phát triển thứ hai. Đường trong cụm công nghiệp nông thôn được phân ra hai loại: đường chính và đường phụ. Tát cả các con đường luôn bao gồm các thành phần sau:
• Đối với đường chính: Đường cho người đi bộ có 2 làn; Lề đường: 2 làn; Đường băng ngang 0,5m x 2; Dải phân cách rộng 3m; Đường hai chiều 3,5m x 2 = 7m.
• Đối với đường phụ: Đường cho người đi bộ có 2 làn; Lề đường: 2 làn; Đường băng ngang 0,5m x 2; Đường một chiều: 3,5m x 2 làn; Dải phân cách rộng 2m.
• Đường cho người đi bộ thường được thiết kế cùng với hệ thống thoát nước mưa, các màng thoát nước được xây trên cả hai bên của đường và chúng thường được bao phủ bằng tấm lát bê tông cho phần đường của người đi bộ.
Quản lý xây dựng hệ thống cấp nước: Xây dựng nhà máy xử lý nước riêng phục vụ việc cấp nước cho từng cụm công nghiệp. Nguồn nước chủ yếu là nguồn nước ngầm. Kết hợp với việc xây dựng nhà máy là việc lắp đặt các tuyến ống đến từng xí nghiệp công nghiệp. Trong việc cây dựng nhà máy xử lý nước có tính đến cả lượng nước khi có hoả hoạn xẩy ra.
Quản lý xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải: Có hệ thống xử lý sơ độ về nước thải, khí thải và chất thải rắn riêng của từng xí nghiệp công nghiệp trước khi thải ra hệ thống chung của toàn cụm công nghiệp. Xây dựng bãi thu gom chất thải rắn và hố tập trung nước thải để kiểm tra và xử lý thêm một lần nữa, trước khi đưa vào hệ thống chất thải rắn và nước thải của toàn thành phố.
Quản lý xây dựng hệ thống cấp điện: Hệ thống phân phối điện 22 KV cùng cấp điện từ trạm biến thế 110/22 KV đến tất cả các khu vực trong cụm công nghiệp.
Các tuyến cáp ngầm và tuyến trên cao sử dụng cấp điện cho công trường. Hệ thống phân phối chủ yếu là loại xuyên ngang lộ thiên đảm bảo cung cấp điện ổn định.
Đèn đường được cung cấp từ hai trạm phân phối điện bao gồm biến thế 20/0,38 - 0,22KV.
Quản lý xây dựng hệ thống thông tin liên lạc: Dịch vụ điện thoại cho cụm công nghiệp nông thôn do bưu điện tỉnh cung cấp thông qua hệ thống bưu điện các huyện, xã trực thuộc. Sơ đồ hệ thống thông tin viễn thông bao gồm các đường dây phân phối, các tổng đài và các mạng thông tin nội bộ trong cụm công nghiệp.
Các tuyến cáp quang được xây dựng nối tổng đài với các Splice Box SB, nhờ đó các đơn vị sử dụng điện thoại có thể kết nối SB bất kỳ lúc nào. Dây cáp được đặt trong ống dẻo và chôn dưới đất dọc theo các tuyến đường trong cụm công nghiệp.
Việc phát triển cụm công nghiệp ở nông thôn là việc nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và nó phải được dựa vào định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp nông thôn cần phải năm trong quy hoạch tổng thể các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn của từng địa phương, nằm trong sự phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Việc lập quy hoạch các cụm công nghiệp nông thôn phải dựa trên cơ sở phân cấp quản lý quy hoạch hiện hành.
Cùng với các giải pháp về quy hoạch, các địa phương còn cần có các biện pháp về quản lý hành chính và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý dự án cũng như cán bộ quy hoạch.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp nông thôn phải được tăng cường.
Có cơ chế đúng đắn về sử dụng đất đi đôi với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đồng thời tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hoàn thiện các công trình phục vụ công cộng, các khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại cụm công nghiệp.
Như vậy, việc lập quy hoạch xây dựng và hoàn thiện các cơ chế về quản lý là nhất thiết phải được triển khai thực hiện trước khi xây dựng phát triển các cụm công nghiệp nông thôn. Đây là cách làm để có được phát triển công nghiệp nông thôn một cách đồng bộ, hiện đại, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các địa phương.

ThS.KTS. Vũ Hồng Sơn
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 21/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)