1. Mở đầu
Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết với đất, được xây dựng theo thiết kế. Với đặc thù trên, việc thi công công trình xây dựng không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn phụ thuộc vào trình độ và sức lao động của con người, vào đặc điểm các loại vật liệu, các loại thiết bị xây dựng. Công tác tư vấn giám sát quá trình xây dựng công trình để đảm bảo công trình được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng như trong hợp đồng và bản vẽ thiết kế giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Giám sát thi công xây dựng giúp đảm bảo công trình luôn thực hiện theo đúng tiến độ, giám sát và quán xuyến toàn bộ hoạt động trên công trường, đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng các quy chuẩn kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy trên công trình. Chủ thể tư vấn giám sát không trực tiếp làm ra sản phẩm công trình xây dựng nhưng lại là một nhân tố quan trọng quyết định việc kiểm soát chất lượng của một công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác giám sát thi công xây dựng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, khối lượng cũng như an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Chính vì vậy, nghiên cứu những tồn tại, hạn chế trong công tác tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát thi công xây dựng công trình là hết sức cần thiết.
2. Tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát thi công xây dựng công trình
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng xây dựng công trình trên địa bàn cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng, chất lượng xây dựng công trình, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và chất lượng công trình xây dựng. Góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng. Nhờ đó, chất lượng công trình đã được nâng lên, hầu hết các công trình đưa vào sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, đảm bảo quy mô, công suất, công năng sử dụng theo yêu cầu thiết kế, đảm bảo an toàn chịu lực trong vận hành, khai thác sử dụng và phát huy được hiệu quả công trình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có công trình chất lượng chưa cao, nhiều dự án còn chậm tiến độ, chi phí một số gói thầu phát sinh, gây lãng phí trong công tác đầu tư, một số công trình đưa vào sử dụng xuống cấp nhanh, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác sử dụng. Công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường chưa kiểm soát chặt chẽ. Một sô nhà thầu thi công chưa tuân thủ hết biện pháp an toàn lao động cho công nhân và vệ sinh cho môi trường xung quanh. Những tồn tại, hạn chế nói trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một trong số đó là từ công tác giám sát thi công xây dựng.
Thực trạng công tác tư vấn giám sát trong nước hiện nay đang còn tồn tại nhiều bất cập ở các khâu đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, mức thu nhập, năng lực chuyên môn, trách nhiệm của đơn vị và cá nhân tư vấn giám sát trong công việc, việc xử lý vi phạm đối với các hành vi tiêu cực.
Năng lực của các đơn vị tư vấn giám sát tại một số công trình chưa đáp ứng yêu cầu của dự án, yếu về chất lượng và thiếu về số lượng, không đủ để giám sát các hoạt động trên công trường. Tại một số công trình không có tư vấn giám sát, hoặc một cá nhân tham gia giám sát cùng một lúc nhiều công trình. Tư vấn giám sát không có mặt thường xuyên ở công trường, đặc biệt không có mặt ở những thời điểm quan trọng trong quá trình thi công. Một số đơn vị giám sát thiếu đội ngũ cán bộ, còn một số đơn vị có đầy đủ số lượng cán bộ giám sát, nhưng cán bộ giám sát lại thiếu kinh nghiệm, còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Nhiều công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhưng đơn vị tư vấn giám sát lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện. Đó là chưa kể tại một số công trình, đơn vị tư vấn giám sát thiếu tính khách quan và độc lập trong quá trình thực hiện, dễ dãi chấp thuận việc đưa vật liệu, thiết bị không đạt yêu cầu vào công trường làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ tư vấn giám sát chưa đồng đều, nhất là kiến thức chuyên môn đối với các hạng mục công việc có tính chất kỹ thuật phức tạp.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý trong các đơn vị tư vấn giám sát chưa được chú trọng, hoàn thiện. Trong hệ thống quản lý chất lượng của các đơn vị giám sát, chưa thiết lập các quy trình kiểm tra, giám sát dẫn đến cán bộ giám sát không hoàn thành trách nhiệm, lơ là trong công việc, chưa thường xuyên bám sát hiện trường. Do đó, một số công việc không được giải quyết kịp thời trong quá trình thi công làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện dự án.
Một tồn tại nữa đáng được quan tâm, trong những năm vừa qua là một số tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát chưa thực sự thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình, còn lệ thuộc quá nhiều vào chủ đầu tư, phần nào đó còn lệ thuộc cả và các nhà thầu. Tại nhiều dự án, tư vấn giám sát gần như chỉ được coi là những người đi làm thuê, “chỉ đâu làm đó”, đôi khi còn “ăn giơ, móc ngoặc” với chủ đầu tư, nhà thầu để kiếm lời, dẫn đến dự án chất lượng kém. Ở một số công trình, tư vấn giám sát chưa thực sự được thực hiện đúng vai trò của mình do nhiều lý do chủ quan và khách quan như: Sức ép tiến độ công trình, mặt bằng thi công, chủ đầu tư chưa đồng thuận, nhà thầu có năng lực yếu.
Công tác đào tạo trong việc hành nghề hoạt động xây dựng nói chung hiện nay tại một số tổ chức chưa tốt, hoạt động mang tính hình thức còn nặng về lợi nhuận, không chú trọng vào công tác chất lượng đào tạo. Công tác cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát được giao cho các tổ chức thực hiện, tuy nhiên, một số đơn vị quy định điều kiện để cấp chứng chỉ còn hình thức, chưa có cơ chế sát hạch, kiểm tra để đảm bảo người được cấp chứng chỉ có năng lực phù hợp với lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề. Hệ thống đăng tải thông tin về tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn giám sát mặc dù đã được xây dựng nhưng chưa vận hành hiệu quả.
Việc đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, trong nhiều trường hợp tư vấn giám sát chưa thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ của mình, không kiểm soát được chất lượng công trình trong quá trình thi công của nhà thầu; không bám sát hiện trường để kịp thời xử lý các phát sinh bất hợp lý; chưa kiên quyết xử lý các vi phạm về chất lượng trong quá trình thực hiện dự án. Ở một số công trình, tư vấn giám sát chỉ giám sát về mặt chất lượng thi công, không giám sát chất lượng vật liệu đưa vào công trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Mức thu nhập đối với những cá nhân tham gia công tác tư vấn giám sát đang còn thấp, chưa tương xứng khi làm việc trong lĩnh vực “nhạy cảm” này. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến một bộ phận đội ngũ tư vấn giám sát vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ở một số trường hợp còn có hành vi tiêu cực, thông đồng, thỏa thuận với nhà thầu thi công làm ảnh hưởng đến chất lượng thi công và xây dựng công trình.
Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm, do đó làm giảm tính răn đe và hiệu lực quản lý của pháp luật đối với hoạt động tư vấn giám sát.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát thi công xây dựng công trình
Để hạn chế những tồn tại, bất cập trong công tác giám sát thi công xây dựng công trình, bài viết đưa ra một số giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động tư vấn giám sát, cũng như các giải pháp đối nhà thầu và chủ đầu tư.
3.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử quản lý cơ sở dữ liệu về thông tin của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư vấn giám sát, kể cả nhà thầu và cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm thông tin về chữ ký cá nhân, hồ sơ lý lịch, quá trình học tập và công tác, vi phạm pháp luật, kỷ luật, khen thưởng của cá nhân hành nghề tư vấn giám sát; thông tin về năng lực của tổ chức hành nghề tư vấn giám sát…). Yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải bắt buộc đăng ký trước khi tham gia hành nghề tư vấn giám sát. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để các chủ đầu tư căn cứ kiểm tra thông tin và lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp thực hiện công tác tư vấn giám sát.
Tư vấn giám sát là mắt xích gắn kết nhà thầu với chủ đầu tư, chính vì vậy lực lượng này cần phải minh bạch và chuyên nghiệp. Cần quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn giám sát, từ đó ban hành chế tài xử lý vi phạm cụ thể, trong đó quy định rõ các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt đủ mạnh (bao gồm phạt tiền, cấm hành nghề, các trường hợp xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát) và có biện pháp tổ chức thực hiện nghiêm để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát công trình xây dựng.
Có cơ chế thích hợp như khen thưởng, ưu tiên nhận thầu… để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát thực hiện tốt quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình; thực hiện giám sát các công trình đạt chất lượng cao.
Nghiên cứu điều chỉnh lại định mức chi phí cho công tác tư vấn giám sát. Hiện nay, chi phí tư vấn giám sát cho các dự án được thực hiện giám sát bởi các đơn vị tư vấn trong nước, nhất là công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách phần lớn được thực hiện theo Quyết định số 79/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Nhìn chung, mức thu nhập của các cá nhân tham gia công tác giám sát còn thấp, dẫn đến phát sinh các hiện tượng tiêu cực. Nên đối với lĩnh vực tư vấn giám sát cần tăng định mức chi phí.
Tăng cường rà soát, kiểm tra công tác đào tạo tư vấn giám sát. Đổi mới việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hướng tổ chức sát hạch để công tác cấp chứng chỉ hành nghề đảm bảo thực chất và tránh tiêu cực. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động tư vấn giám sát trong hoạt động xây dựng hiện nay.
3.2. Đối với chủ đầu tư
- Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng
Nhằm giảm thời gian thực hiện công việc, quản lý tốt các công việc, tạo điều kiện để giám sát chặt chẽ các công việc, gián tiếp nâng cao chất lượng công trình, cần phải hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng. Xây dựng các quy trình thực hiện công việc, văn bản hóa các quy trình này: Quy trình kiểm tra, giám sát hồ sơ thiết kế; Quy trình kiểm tra, giám sát hồ sơ thiết kế; Quy trình thực hiện các công việc trước và trong giai đoạn đấu thầu; Đặc biệt cần xây dựng các quy trình quản lý tiến độ, khối lượng, chất lượng, chi phí, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong giai đoạn thi công công trình; Quy trình kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường
Trong quản lý dự án, công tác kiểm tra, giám sát thi công tại hiện trường đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, tiến độ và chi phí thực hiện dự án. Do đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát thi công, cần chú trọng vào một số công tác: Nâng cao vai trò trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát trong kiểm tra giám sát thi công của nhà thầu tại hiện trường. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác giám sát của nhà thầu tư vấn. Kiểm tra số lượng cán bộ giám sát có mặt tại hiện trường, kiểm tra thời gian có mặt tại hiện trường, đặc biệt vào các thời điểm quan trọng trong quá trình thi công. Phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý thi công xây dựng tại hiện trường và hồ sơ liên quan.
- Lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp
Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chủ đầu tư cần nghiên cứu lựa chọn nhà thầu tư vấn phù hợp, tốt nhất giao cho các công ty tư vấn đã trúng thầu thiết kế được tiếp tục làm công tác giám sát. Kinh nghiệm thế giới cho thấy khi người giám sát vừa là người thiết kế sẽ nắm vấn đề rất nhanh, phát hiện sớm các sai sót, giúp đỡ được nhiều cho chủ đầu tư và bên nhà thầu xây dựng. Ngoài ra, để lựa chọn được nhà thầu tư vấn giám sát có đủ năng lực thực hiện các gói thầu, ngoài công tác kiểm tra đánh giá về mặt kỹ thuật và giá, cần đặc biệt chú trọng vào khâu kiểm tra kinh nghiệm và năng lực thực tế của nhà thầu. Kiểm tra chứng chỉ, văn bằng của đội ngũ cán bộ nhân viên của nhà thầu, đòi hỏi các minh chứng về quá trình công tác, các hợp đồng đã từng ký làm việc với các doanh nghiệp khác, đặc biệt kiểm tra bảng lương, sổ bảo hiểm của doanh nghiệp. Kiểm tra về kinh nghiệm của nhà thầu thông qua các hợp đồng đã thực hiện trước đó. Kiểm tra các hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu và thanh lý của các gói thầu có tính chất và quy mô tương đương mà doanh nghiệp đã thực hiện trước thời điểm ký hợp đồng.
3.3. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia công tác tư vấn giám sát
- Hoàn thiện bộ máy quản lý
Nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý, đơn vị giám sát cần bổ sung thêm nhân lực, cán bộ giám sát để đáp ứng yêu cầu công việc, số lượng cán bộ giám sát thực hiện các công trình đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước.
Để giúp chủ đầu tư kiểm tra và giám sát thường xuyên có hệ thống quá trình nhà thầu thi công xây dựng công trình triển khai các công việc tại hiện trường, nhà thầu giám sát thi công xây dựng cần phải có hệ thống quản lý chất lượng. Hệ thống này phải được trình bày thuyết minh ngay trong hồ sơ dự thầu và thông báo cho chủ đầu tư biết trước khi thi công xây dựng. Do vậy, tầm quan trọng của hệ thống quản lý chất lượng đối với nhà thầu giám sát thi công xây dựng là không thể xem nhẹ và vô cùng cần thiết.
Việc áp dụng hệ thống quy trình quản lý chất lượng trong quản trị sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát được tính hiệu quả của mọi công việc đã đề ra, cụ thể đối với lĩnh vực tư vấn giám sát gồm: Đảm bảo việc thi công xây lắp được thực hiện đúng hồ sơ thiết kế; phát hiện, xử lý các chi tiết công trình mà nhà thầu và chủ đầu tư không rõ, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế xử lý các sai sót tại hiện trường.
Để đáp ứng yêu cầu của các gói thầu, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ tư vấn giám sát, cử đi học các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với cán bộ văn phòng, phải thường xuyên được cập nhật kiến thức, các văn bản pháp lý, các quy định, hướng dẫn về công tác đấu thầu, hồ sơ thanh quyết toán; đối với cán bộ kỹ thuật hiện trường cần tham gia các lớp tập huấn về công tác thi công, cập nhật quy trình quy phạm và các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng, đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng, kiểm tra chất lượng thiế kế, chất lượng công trình.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại nội bộ
Ngoài ra, cần áp dụng công tác kiểm tra, giám sát nội bộ. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với cá nhân tham gia công tác tư vấn giám sát, kiểm tra đột xuất cũng như định kỳ. Kiểm tra về mặt công việc chuyên môn cũng như thời gian có mặt của tư vấn giám sát tại hiện trường. Yêu cầu gửi báo cáo về tình hình ở hiện trường hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng theo các mẫu đã quy định.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thưởng phạt rõ ràng để nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ tư vấn giám sát. Tổ chức tư vấn giám sát phấn đấu bảo đảm tính độc lập, khách quan và trong sạch không tham gia móc ngoặc, thông đồng với chủ đầu tư hoặc bên thi công. Cần giáo dục, xem đó là một hành động vi phạm đạo đức hành nghề, đưa đến tổn thất cho cộng đồng, cho tổ chức tư vấn và cả người giám sát. Sau này các tổ chức có thẩm quyền của Nhà nước, của các tổ chức phi Chính phủ sẽ tiến hành ghi sổ đen cho những tổ chức, cá nhân vi phạm tiến tới loại trừ, không giao việc.
Như vậy, với bài viết này, tác giả nghiên cứu các kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát thi công xây dựng công trình tại Việt Nam những năm vừa qua, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát thi công xây dựng công trình, góp phần giúp ngành Xây dựng phát triển một cách bền vững.