Khảo sát các nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tăng chi phí và chậm trễ tiến độ thi công đối với các dự án đầu tư công

Thứ ba, 24/05/2022 14:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quản lý đầu tư xây dựng là vấn đề lớn và rất phức tạp liên quan đến nhiều các chủ thể. Các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công thường xuyên xảy ra tình trạng chậm tiến độ và giá trị quyết toán vượt giá trị dự toán được duyệt. Vì vậy, xác định các nguyên nhân ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp hạn chế các nguyên nhân này là cần thiết. Dữ liệu thu thập bằng bảng khảo sát dựa trên các nguyên nhân gây ra việc tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt. Phần mềm SPSS được sử dụng với kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá, nghiên cứu đã xác định được 5 nhóm nhân tố chính gây ra việc chậm tiến độ thi công và tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp.

1. Đặt vấn đề

Theo Luật Đầu tư công 2019, đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước và đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước luôn đối diện với vấn đề chậm tiến độ hoàn thành so với kế hoạch đề ra, gây ra những tác động tiêu cực, làm lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Trong tổng thể vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư công hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam xuyên suốt 35 năm Đổi mới. Hoạt động đầu tư công góp phần mang lại những kết quả sau:

Một là, đầu tư công góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng then chốt như nhà máy điện, hệ thống giao thông, mạng lưới viễn thông, internet, trường học, bệnh viện, các nhà máy công nghiệp cơ bản như thép, lọc hóa dầu, xi măng…Như vậy, đầu tư công góp phần định hình và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia.

Hai là, đầu tư công là công cụ điều hành kinh tế quan trọng, giúp chính phủ có thể thực hiện các chính sách phản chu kỳ: Khi nền kinh tế suy thoái, đầu tư khu vực tư nhân thoái lui, đầu tư công sẽ tăng lên để giảm nhẹ tính chu kỳ; khi kinh tế tăng trưởng mạnh, đầu tư giảm nhịp để tránh hiệu ứng lấn át đối với đầu tư tư nhân. Vừa qua, trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đầu tư công đóng vai trò nổi bật duy trì động lực tăng trưởng kinh tế thông qua các gói kích cầu của Chính phủ.

Ba là, đầu tư công làm gia tăng tổng cầu của xã hội: Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế. Khi nền kinh tế tế hoạt động dưới tiềm năng, đầu tư công tăng lên làm tăng tổng cầu, qua đó giúp các thành phần kinh tế khác có thị trường để mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.

Bốn là, đầu tư công làm gia tăng tổng cung và năng lực kinh tế: Đầu tư công làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế thông qua các hiệu ứng lan tỏa và nhờ đó tăng tổng cung và sản lượng.

Năm là, đầu tư công được sử dụng như là khoản “đầu tư mồi”, tạo cú huých và duy trì động lực tăng trưởng. Đầu tư công định vị và củng cố nền kinh tế trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế, tạo niềm tin và động lực cho các nguồn đầu tư khác vào trong nước góp phần tăng trưởng kinh tế.

Sáu là, đầu tư công góp phần giải quyết việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho toàn xã hội.

Với những vai trò to lớn đã kể trên, nhưng trong quá trình thực hiện giai đoạn đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2015-2020, tác giả nhận thấy, việc điều chỉnh dự toán của các gói thầu, dự án đầu tư công trên cả nước theo hướng điều chỉnh tăng xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án. Điều này có nghĩa là, giá trị dự toán được phê duyệt ban đầu thấp hơn, hay nói cách khác giá trị quyết toán của gói thầu/dự án tăng cao hơn so với dự toán ban đầu được duyệt. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc dự toán rất đa dạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Chủ đầu tư muốn thay đổi công năng sử dụng của dự án; thiết kế biện pháp thi công không phù hợp; nhà thầu thi công chậm trễ; do vướng mắc trong công tác GPMB và điều kiện tự nhiên không thuận lợi; do Nhà nước thay đổi chế độ, chính sách.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả quyết toán dự án hoàn thành

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến kết quả quyết toán vốn đầu tư. Các nhân tố này có thể là: Chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và cơ chế chính sách của nhà nước.

2.1. Nhân tố thuộc đơn vị thực hiện đầu tư (Chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện dự án)

Đó là trình độ quản lý của cán bộ quản lý và thực hiện đầu tư tại địa phương, Năng lực chuyên môn của các cơ quan tư vấn, đơn vị nhà thầu xây dựng về đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu công tác thực hiện thủ tục đầu tư XDCB có nhiều mặt hạn chế, hình thức, thiếu cán bộ có năng lực chuyên môn sẽ dẫn đến chất lượng dự án không đảm bảo, việc hoàn thiện hồ sơ quyết toán chậm, sai sót nhiều, đôi khi một số thủ tục đầu tư thực hiện không đúng quy định, bỏ sót các bước thực hiện, việc quyết toán đối với các dự án này là rất khó khăn. Một số đơn vị nhà thầu có năng lực yếu kém, sau khi thực hiện xong dự án thì giải thể, phá sản, chuyển địa bàn, nên không có khả năng phối hợp với chủ đầu tư để lập hồ sơ quyết toán, một số nhà thầu cố tình chậm quyết toán để né tránh việc thanh tra, kiểm tra, trốn tránh hoặc trì hoãn thời gian nộp thuế hoặc trì hoãn việc phải nộp trả lại số tiền chủ đầu tư đã thanh toán vượt quá giá trị khối lượng thực hiện.

Năng lực quản lý của các chủ đầu tư, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm nhiều dẫn đến thiếu thời gian, số lượng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng cơ bản trực tiếp chi phối quá trình thực hiện dự án, nhiều dự án kéo dài qua nhiều năm, các cán bộ quản lý được luân chuyển công tác, nên công tác quản lý dự án, quản lý hồ sơ còn nhiều sai sót, cán bộ tiếp nhận sau không nắm bắt được nội dung của dự án, một số trường hợp chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu (xây lắp, tư vấn) cao hơn giá trị khối lượng thực hiện, nhà thầu “lẩn tránh” không phối hợp với chủ đầu tư trong việc lập hồ sơ quyết toán DAHT.

2.2. Các nhân tố thuộc cơ quan thẩm định

Đó là quy trình tiếp nhận - thẩm tra - phê duyệt còn nhiều tồn tại, bất cập mà chưa được giải quyết, một số thủ tục, quy trình có thể rút gọn hoặc bỏ qua để tạo điều kiện cho công tác thẩm tra quyết toán được nhanh gọn. Cán bộ thẩm tra có năng lực hạn chế, nhận thức văn bản chính sách còn yếu kém, một số có tư tưởng nhũng nhiễu, hách dịch, làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thẩm tra, gây bức xúc cho chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án. Số lượng cán bộ thẩm tra còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc một lúc, tính trung bình mỗi huyện chỉ có 1-3 cán bộ thẩm tra, trong khi đó số hồ sơ vào ở cấp huyện là khoảng 70-80 bộ hồ sơ quyết toán/năm. Cấp tỉnh là 300-500 bộ/năm.

2.3. Các chính sách về quản lý dự án đầu tư xây dựng và quyết toán công trình hoàn thành

Về cơ chế chính sách: Các văn bản pháp quy của Nhà nước quy định về quản lý dự án đầu tư và quản lý chi phí đầu tư thường xuyên thay đổi trong khi quy định về quyết toán dự án hoàn thành phải tuân thủ cơ chế chính sách của Nhà nước phù hợp với từng thời kỳ thực hiện dự án, do đó, đã làm khó khăn trong việc nhận thức của các chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thực hiện.

Việc giao cho UBND cấp xã và một số đơn vị HCSN làm chủ đầu tư, ban QLDA kiêm nhiệm trong khi năng lực chuyên môn không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; Quyết định phê duyệt dự án trong khi chưa bố trí đủ nguồn vốn, hoặc phê duyệt dự án có phần bị chồng lấn; quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB không đúng trình tự (nhiều dự án không có quyết định thu hồi đất, thường ở giai đoạn đầu tái lập tỉnh). Việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền chưa thực sự sát sao, quyết liệt, còn có hiện tượng xem nhẹ công tác quyết toán DAHT.

3. Tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án

3.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án xây dựng nói chung

Trong nghiên cứu của Ogunlana và Promkuntong (1996) về nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong các dự án xây dựng tại Bangkok, Thái Lan. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân thường gây chậm tiến độ bao gồm: Các vấn đề thiếu hụt hoặc bất cập trong cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp (chủ yếu là việc cung cấp các nguồn vật liệu); Các vấn đề gây ra bởi khách hàng và phía tư vấn và Các vấn đề gây ra do nhà thầu thiếu năng lực thực hiện. Đây cũng chính là những đặc điểm thường thấy ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan.

Ở một quan điểm khác, Chan và Kumaraswany (1997) với nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng tại Hồng Kông đã chỉ ra rằng 05 nguyên nhân chủ yếu và phổ biến ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án là “Yếu kém trong quản lý rủi ro và giám sát”, “Những điều kiện ảnh hưởng đến dự án mà không lường trước được”, “Sự chậm trễ trong việc ra quyết định liên quan đến dự án”, “Các nhu cầu khác nhau của khách hàng” và “Sự thay đổi thời gian thực hiện dự án”.

Al-Momani (2000) đã tiến hành phân tích định lượng về sự chậm trễ trong xây dựng ở Jordan. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính của sự chận trễ trong xây dựng công trình công cộng có liên quan đến vấn đề thiết kế, thay đổi người sử dụng, thời tiết, điều kiện thi công, chậm bàn giao công trình, các vấn đề về kinh tế và sự gia tăng về số lượng công trình.

Chi tiết hơn, Alghbari và cộng sự (2007) đề cập những yếu tố có thể gây ra sự chậm trễ trong các dự án xây dựng ở Malaysia là: Trách nhiệm của nhà thầu; Trách nhiệm của tư vấn; Trách nhiệm của chủ đầu tư; Các yếu tố bên ngoài.

Sambasivan và cộng sự (2007) xác định 10 nguyên  nhân quan trọng gây nên sự chậm trễ trong các dự án đầu tư xây dựng bao gồm: Lập kế hoạch không đầy đủ các nhà thầu; Giám sát thực hiện kém; Kinh nghiệm yếu kém của nhà thầu; Tài chính yếu kém của đối tác và khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành; Vấn đề với các nhà thầu phụ; Thiếu hụt nguyên liệu; Thiếu hụt cung lao động; Thiết bị lạc hậu và hư hỏng; Thiếu sự phối hợp giữa các bên và các sai lầm trong giai đoạn thi công.

Có thể nhận thấy, giữa các nghiên cứu của các tác giả có sự tương đồng nhau trong việc nhận định các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án đầu tư xây dựng. Có thể tổng hợp các nhân tố này ở Bảng sau:

Nhân tố ảnh hưởng/Tác giả

Các yếu tố bên  ngoài

Thiết kế, dự toán

Năng lực của chủ đầu tư

Hợp đồng và năng lực thi công của nhà thầu

Trao đổi thông tin giữa các bên

Ogunlana và Promkuntong (1996)

X

X

X

X

X

Chan và Kumaraswamy (1997)

X

X

X

X

X

Al-Momani (2000)

X

X

X

X

X

Alaghbari và cộng sự (2005)

X

X

X

X

X

Sambasivan và cộng sự (2007)

X

X

X

X

X

(Bảng 1: Tổng hợp các nhân tốc ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng)

 

Hầu hết các tác giả đều nhận định, các yếu tố ảnh hưởng làm chậm tiến độ hoàn thành dự án xây dựng đều thể hiện sự yếu kém đến từ nhà tư vấn, nhà thầu, sự thay đổi của chủ đầu tư và các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Riêng tác giả Al-Momani (2000) còn nhận định thêm một nguyên nhân nữa đó là đặc trưng của dự án.

3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án đầu tư công

Nhóm tác giả Walid Belassi và Oya Icmeli Tukel (1996), nghiên cứu này tập trung phân loại theo những nhóm yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dự án, bao gồm: Những yếu tố liên quan đến môi trường ngoại vi; Những yếu tố liên quan đến nhà quản lý dự án và thành viên nhóm dự án; Những yếu tố liên quan đến tổ chức; Những yếu tố liên quan đến dự án.

Al-Kharashi và Skitmore (2009), nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến sự chậm trễ hiện nay là thiếu nhân sự có trình độ và kinh nghiệm - được cho là do số lượng lớn, sáng tạo, các dự án xây dựng và tình trạng cung cấp thiếu nhân lực hiện tại liên quan trong ngành.

Nhóm tác giả Ramakrishna Nallathiga, Haris D Shaikh, Tauseef F Shaikh và Farhan A Sheik (2017), trong phạm vi nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã đề xuất các nhóm nhân tố tác động đến các công trình hạ tầng đường bộ tại Ấn Độ theo vòng đời của dự án gồm:

- Giai đoạn lập kế hoạch: Xem xét các nhân tố về lưu lượng giao thông, phân tích thị trường, các thay đổi, sửa đổi trong luật và chính sách thu phí.

- Giai đoạn chuẩn bị: Bao gồm các nhân tố về nhà thầu, khả năng thu hút tài chính cho dự án, sự đầy đủ của hợp đồng, ảnh hưởng của chính quyền các cấp.

- Giai đoạn phát triển: Giai đoạn này sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như quá trình hồi đất, giải phóng mặt bằng cho dự án, phê duyệt dự án, phạm vi dự án, phân bổ nguồn vốn, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án, quá trình mua sắm thiết bị, vật tư, nhân công và một số yếu tố khách quan như thời tiết hay tỷ lệ lãi suất, lạm phát.

- Giai đoạn xây dựng, vận hành, bảo trì: Bao gồm các tiêu chí đánh giá: Sự sẵn có về các nguồn lực của nhà thầu, chậm trễ trong thời gian thi công, chi phí xây dựng vượt dự toán, chi phí bảo trì vượt dự toán, các mức thuế, chậm thanh toán cho nhà thầu, giới hạn về kỹ thuật và tài chính.

Ở một số công trình nghiên cứu trong nước như: Châu Ngô Anh Nhân (2011), Lưu Trường Văn, Nguyễn Chánh Tài (2014), Vũ Quang Lãm (2015), Lê Khánh Linh (2020) đều có sự tương đồng trong nhận định các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Nhìn chung có 06 nhóm nhân tố như sau: Nhóm yếu tố liên quan đến chủ đầu tư; Nhóm nhân tố liên quan đến nhà thầu; Nhóm nhân tố liên quan đến tư vấn; Nhóm nhân tố liên quan đến pháp lý, chính sách; Nhóm nhân tố ngoại vi; Yếu tố về đặc trưng dự án.

Nhân tố ảnh hưởng/Tác giả

Các yếu tố bên ngoài

Giải phóng mặt bằng

Thiết kế, dự toán

Năng lực của chủ đầu tư

Năng lực thi công của nhà thầu

Trao đổi thông tin giữa các bên

Wailid Belassi và Oya Icmeli Tukel (1996)

X

X

X

X

X

X

Al-Kharashi và Skitmore

X

X

X

X

X

 

Ramakrishna Nallathiga, Haris D Shaikh, Tauseef F Shaikh và Farhan A Sheik (2017)

X

X

X

X

X

 

Châu Ngô Anh Nhân (2011)

X

X

X

X

X

X

Lưu Trường Văn, Nguyễn Chánh Tài (2014)

X

X

X

X

X

 

Vũ Quang Lãm (2015)

X

X

X

X

X

X

Lê Khánh Linh (2020)

X

X

X

X

X

X

(Bảng 2. Tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công)

Từ kết quả tổng hợp trên có thể thấy các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án trong khu vực công cũng có nét tương đồng với các dự án xây dựng nói chung. Tuy nhiên, các dự án thuộc khu vực công được đầu tư ngân sách nhà nước nên chịu ảnh hưởng thêm bởi các nhóm nhân tố về chính sách pháp luật và đặc trưng của dự án.

4. Quy trình nghiên cứu

Các bước của quá trình nghiên cứu được tóm tắt như sau:

- Xác định vấn đề và mục tiêu cho nghiên cứu: Xác định vấn đề là một bước quan trọng vì vấn đề được xác định đúng thì nghiên cứu mới đúng hướng. Và mục tiêu sẽ là xác định các nhân tố tác động đến việc tăng giá trị quyết toán so với giá trị dự toán được phê duyệt.

- Từ các định nghĩa và kết quả nghiên cứu được tham khảo từ các nghiên cứu trước, nhà nghiên cứu và tham khảo ý kiến từ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công để lập danh sách các tiêu chí tác động đến sự tăng giá trị quyết toán hoàn thành công trình.

- Thiết kế bảng câu hỏi: Bảng câu hỏi ban đầu sẽ được lập từ mục tiêu và danh sách các tiêu chí, bảng câu hỏi sẽ được khảo sát thử trước khi khảo sát chính thức. Việc thử nghiệm khảo sát thông qua các chuyên gia, những người có kinh nghiệm để nhận góp ý, chỉnh sửa để có được bảng câu trả lời khảo sát phải khách quan, độ tin cậy và chính xác tạo cơ sở để phân tích ra kết quả chính xác phù hợp với mục tiêu của nghiên cứu.

- Thu thập dữ liệu: Bảng câu hỏi hoàn thành chỉnh sửa thì tiến hành khảo sát chính thức và thu thập thông tin. Các phiếu khảo sát sẽ được chuyển tới các thành phần tham gia trong lĩnh vực xây dựng. Dữ liệu thu về sẽ được kiểm tra và phân tích.

- Phân tích dữ liệu: Dữ liệu thu về và kiểm tra sẽ tiến hành phân tích bằng phần mềm SPSS. Thống kê được sử dụng để đánh giá mức độ của các tiêu chí.

- Đề xuất giải pháp hạn chế việc tăng giá trị quyết toán so với giá trị dự toán được phê duyệt của các dự án đầu tư công.

(Hình 1: Sơ đồ quy trình nghiên cứu)

STT

Nhóm các nguyên nhân có thể ảnh hưởng

Ký hiệu

I

Liên quan đến vấn đề về tài chính

 

1

Tiến độ vốn bố trí cho dự án không như dự kiến

TC1

2

Giá cả vật liệu tăng cao (trượt giá)

TC2

3

Chủ đầu tư chậm giải ngân

TC3

4

Cơ chế giải ngân phức tạp

TC4

5

Nguồn lực tài chính của nhà thầu không đảm bảo

TC5

6

Chủ đầu tư thiếu năng lực trong công tác lập kế hoạch tài chính

TC6

II

Liên quan đến vấn đề về Biện pháp và tiến độ thi công

 

7

Xây dựng tiến độ thực hiện dự án phi thực tế

BP1

8

Biện pháp thi công không phù hợp hoặc biện pháp thi công quá hiện đại tại thời điểm thi công

BP2

9

Do điều kiện thời tiết không thuận lợi làm chậm tiến độ thi công

BP3

10

Không có mặt bằng để thi công

BP4

11

Nguồn vật liệu xây dựng như đất, đá, cát…khan hiếm làm chậm tiến độ

BP5

12

Nhà thầu chủ động kéo dài tiến độ do năng lực thi công và tài chính không đảm bảo

BP6

III

Liên quan đến vấn đề về Khảo sát và Thiết kế

 

13

Điều chỉnh mục tiêu, quy mô, tính chất, phạm vi đầu tư

KS1

14

Thiết kế chưa xây dựng các chỉ dẫn kỹ thuật đối với các hạng mục chưa có Tiêu chuẩn thiết kế, thi công không hợp lý

KS2

15

Phương án thiết kế kết cấu, thiết kế biện pháp thi công không hợp lý

KS3

16

Hồ sơ khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn sai khác nhiều so với thực tế.

KS4

17

Điều chỉnh thiết kế trong thời gian thi công làm ảnh hưởng đến nguồn lực vật liệu, nhân công, máy thi công của nhà thầu

KS5

IV

Liên quan đến vấn đề về năng lực của các bên

 

18

Năng lực quản lý dự án còn hạn chế

NL1

19

Năng lực của nhà thầu khảo sát, thiết kế còn hạn chế (chậm hoàn thành hồ sơ thiết kế, dự toán bổ sung; tính thiếu khối lượng…)

NL2

20

Năng lực của Nhà thầu thi công còn hạn chế

NL3

21

Chất lượng ban hành văn bản của các cơ quan thẩm quyền

NL4

22

Các cơ quan nghiệm thu, quyết toán còn chậm để hoàn thành đưa công trình vào sử dụng

NL5

23

Năng lực thẩm tra, phê duyệt dự toán chưa cao

NL5

V

Liên quan đến vấn đề về điều kiện tự nhiên, tình hình xã hội, cơ chế chính sách

 

24

Do biến đổi khí hậu làm thay đổi điều kiện địa hình, thủy lực, thủy văn…

TN1

25

Xuất hiện dịch bệnh trên phạm vi cả nước

TN2

26

Chậm điều chỉnh chính sách

TN3

27

Trình tự thủ tục pháp lý trong quản lý dự án đầu tư phức tạp, nhiều Luật, Nghị định chồng chéo nhau.

TN4

28

Sự thay đổi liên tục của văn bản pháp lý có liên quan

TN5

(Bảng 3: Bảng tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến việc tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt khi tham khảo các ý kiến chuyên gia)

STT

Nhân tố/Chỉ báo

Mã hóa

I

Nhân tố liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

1

Giải phóng mặt bằng không kịp thời

MB1

2

Chính sách đền bù chưa thỏa đáng

MB2

3

Phương án giải phóng mặt bằng không phù hợp phải điều chỉnh

MB3

II

Nhân tố liên quan đến hồ sơ thiết kế - dự toán

4

Kết quả khảo sát địa chất chưa sát với thực tế

TKDT1

5

Dự toán thiếu chính xác

TKDT2

6

Các sai sót trong thiết kế

TKDT3

7

Thay đổi thiết kế

TKDT4

8

Công việc phát sinh, bổ sung

TKDT5

III

Nhân tố liên quan đến hợp đồng và năng lực quản lý của chủ đầu tư

9

Tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa minh bạch

HDNLQL1

10

Hợp đồng không chặt chẽ, thiếu ràng buộc thực hiện tiến độ

HDNLQL2

12

Tổ chức và quản lý tiến độ yếu kém

HDNLQL3

12

Giám sát công trình yếu kém

HDNLQL4

13

Chậm trễ nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu

HDNLQL5

IV

Nhân tố liên quan tới tài chính

14

Khả năng tài chính Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu tiến độ

TC1

15

Nguồn vốn đầu tư không đảm bảo theo tiến độ dự án

TC2

16

Chậm trễ chi trả cho các công việc hoàn thành

TC3

17

Cơ cấu nguồn vốn (vốn trung ương và vốn địa phương).

TC4

V

Nhân tố liên quan đến năng lực thi công

18

Biện pháp tổ chức thi công không phù hơp

NLTC1

10

Sự yếu kém của nhà thầu phụ

NLTC2

20

Các sai sót trong quá trình thi công

NLTC3

21

Nhân công không đảm bảo số lượng và tay nghề

NLTC4

22

Năng lực về thiết bị không đảm bảo

NLTC5

23

Cung cấp nguyên, vật liệu không theo tiến độ thực hiện

NLTC6

VI

Nhân tố liên quan đến kênh thông tin và ứng xử giữa các bên

24

Trao đổi, xử lý thông tin giữa các bên chưa hiệu quả

TN2

25

Đơn vị tư vấn thiếu sự hỗ trợ thông tin cho chủ đầu tư

TN3

26

Quan liêu, mâu thuẫn giữa các bên tham gia

TN4

27

Bất đồng việc xác định giá trị công việc phát sinh

TN5

VII

Nhân tố khách quan

28

Dịch bệnh, thiên tai

YTKQ1

29

Điều kiện địa chất, thủy văn không lường trước

YTKQ2

30

Gia tăng đột biến của giá vật liệu xây dựng

YTKQ3

31

Văn bản pháp lý lĩnh vực xây dựng thay đổi

YTKQ4

(Bảng 4: Tiêu chí đánh giá các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án đầu tư công)

5. Phân tích kết quả khảo sát

Với 31 biến quan sát trong mô hình nghiên cứu của đề tài, số lượng mẫu nghiên cứu tối thiểu để phân tích EFA có ý nghĩa là 155. Thực tế, số lượng bảng câu hỏi hợp lệ thu về sau khi khảo sát là 242 phiếu khảo sát. Sau khi kiểm tra, học viên loại bỏ những Phiếu khảo sát của những đối tượng chưa tham gia vào quản lý và thi công dự án đầu tư công, không phù hợp với phạm vi đề tài, số lượng bảng câu hỏi hợp lệ phục vụ cho nghiên cứu là 210 phiếu (gồm những đối tượng đã tham gia quản lý, thực hiện thi công và có liên quan đến dự án đầu tư công). Qua phân tích dữ liệu, thông số thống kê mô tả về mẫu nghiên cứu được trình bày trong các nội dung, dưới đây:

5.1. Thống kê thâm niên là việc của mẫu nghiên cứu

Thâm niên làm việc của những người đã từng tham gia quản lý, thực hiện thi công và tư vấn một khía cạnh quan trọng hình thành nên kinh nghiệm của những người tham gia phỏng vấn. Thời gian làm việc càng lớn, kinh nghiệm cũng như các hiểu biết về việc quản lý điều hành dự án đầu tư công của những người tham gia khảo sát càng cao, điều này đảm bảo cho việc nhận thức yêu cầu câu hỏi khảo sát, cũng như việc xác định câu trả lời chất lượng tốt hơn.

TT

Thời gian

Tần suất

Phần trăm

1

Dưới 2 năm

1

0,5

2

Từ 2-5 năm

13

6,2

3

Từ 5-10 năm

47

22,4

4

Trên 10 năm

149

71,0

 

Tổng

210

100,0

(Bảng 5: Thống kê thâm niên làm việc của mẫu nghiên cứu)

Qua bảng 5, cho thấy tỷ lệ người khảo sát có thâm niên làm việc trên 10 năm là cao nhất tương ứng với tỷ lệ 71% đối tượng được khảo sát; thâm niên làm việc trong ngành xây dựng từ 5-10 năm chiếm tỷ lệ 22,4% đối tượng khảo sát và chỉ có một số ít người được hỏi có thâm niên làm việc dưới 5 năm, cho thấy thâm niên của đối tượng được khảo sát tương đối cao.

5.2. Thống kê vị trí chức danh của mẫu nghiên cứu trong công ty, dự án

Chức danh nghề nghiệp thể hiện trình độ, năng lực và vị trí trong xã hội của cá nhân, thông qua việc thống kê chức danh tham gia khảo sát nhằm kiểm tra mức độ nắm rõ và am hiểu về câu hỏi khảo sát một cách chắc chắn của đối tượng được khảo sát.

TT

Đối tượng

Tần suất

Phần trăm

1

Lãnh đạo

28

13,3

2

Trưởng/Phó phòng ban

41

19,5

3

Người quản lý dự án

41

19,5

4

Cán bộ kỹ thuật, nhân viên

79

37,6

 

Tư vấn giám sát

21

10,0

 

Tổng

210

100,0

(Bảng 6: Thống kê vị trí chức danh của mẫu nghiên cứu)

Qua bảng 6 cho thấy tỷ lệ người trả lời có chức danh lãnh đạo chiếm 13,3%, Trưởng/ phó phòng ban và Người quản lý dự án có cùng tỷ lệ 19,5%. Cán bộ kỹ thuật, nhân viên chiếm tỷ lệ cao nhất với 37,6%. Tư vấn giám sát chiếm tỷ lệ 10%. Qua đó, cho thấy đối tượng khảo sát đảm bảo sự am hiểu về câu hỏi khảo sát cao.

5.3. Thống kê lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức/công ty của mẫu nghiên cứu

TT

Số lần sử dụng dịch vụ

Tần suất

Phần trăm

1

Chủ đầu tư/Đại diện chủ đầu tư

124

59,0

2

Tư vấn (giám sát, thiết kế…)

32

15,2

3

Nhà thầu thi công

41

19,5

4

Khác

13

6,2

 

Tổng

210

100,0

(Nguồn: Xử lý kết quả phân tích từ phần mềm SPSS 20.0)

(Bảng 7: Thống kê lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức, công ty của mẫu nghiên cứu)

Trong 210 người trả lời khảo sát, có 124 người là Chủ đầu tư/Đại diện chủ đầu tư, chiếm tỷ lệ 59%; Tư vấn (giám sát, thiết kế…) có 32 người, chiếm tỷ lệ 15,2%; nhà thầu thi công có 41 người, chiếm tỷ lệ 19,5%; có 13 người thuộc lĩnh vực khác như thuộc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, kiểm toán viên Kiểm toán nhà nước có liên quan đến công tác kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

5.4. Thống kê hình thức quản lý dự án

TT

Đơn vị công tác

Tần suất

Phần trăm

1

Chủ đầu tư tự quản lý dự án

187

89,0

2

Thuê tư vấn quản lý dự án

15

7,1

3

Cả hai hình thức

8

3,8

 

Tổng

210

100,0

(Bảng 8: Thống kê hình thức quản lý dự án)

Qua bảng 8 cho thấy trong 210 đối tượng được phỏng vấn và trả lời có tới 187 người lựa chọn Chủ đầu tư tự quản lý dự án với tỷ lệ 89%. Có 15 người chọn thuê tư vấn quản lý dự án, chiếm tỷ lệ 7,1%. Có 8 người lựa chọn cả 2 hình thức quản lý dự án trên, chiếm tỷ lệ 3,8%, cho thấy: các đối tượng được phỏng vấn là thường tham gia các dự án được đại diện các chủ đầu tư trực tiếp tham gia quản lý dự án.

6. Kết quả khảo sát

6.1. Yếu tố ảnh hưởng đến giá trị quyết toán

Có thể thấy các nhân tố của học viên đưa ra đều được đánh giá trung bình từ mức độ 3 đến 4 (ảnh hưởng trung bình đến ảnh hưởng lớn)

Đánh giá sơ bộ 25 nguyên nhân đều ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng tăng giá trị quyết toán của các dự án đầu tư công trên địa bàn miền Trung. Trong đó các nguyên nhân xuất phát từ (i) Không có mặt bằng; (ii) Giá cả vật liệu tăng cao do trượt giá để thi công được các chuyên gia đánh giá là ảnh hưởng mạnh nhất đến việc tăng giá quyết tóan cho công trình xây dựng.

6.2. Yếu tố ảnh hưởng chậm tiến độ thi công

Kết quả thống kê từ dữ liệu khảo sát cho thấy các yếu tố “Giám sát công trình yếu kém” (Mean = 0,372), “Tổ chức và quản lý tiến độ yếu kém” (Mean = 3,68) ảnh hưởng lướn đến tiến độ hoàn thành dự án đầu tư công, cho thấy việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát tiến độ thực hiện tiến độ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và quản lý tiến độ thực hiện dự án. Các yếu tố “Kết quả khảo sát địa chất chưa sát với thực tế”, “Chậm trễ nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu”, “Hợp đồng không chặt chẽ, thiếu ràng buộc thực hiện tiến độ” cũng khá ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án, cho thấy công tác lựa chọn nhà thầu và phương thảo ký kết hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng gắn kết, ràng buộc trách nhiệm giữa nhà thầu và chủ đầu tư, cả về trách nhiệm thực hiện hợp đồng lẫn trách nhiệm thanh toán là yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai và thực hiện dự án.

Trong các yếu tố thuộc nhóm Nhân tố liên quan tới tài chính và năng lực thi công có “Khả năng tài chính Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu tiến độ” ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ hoàn thành dự án đầu tư công với giá trị trung bình là 3,95, cho thấy năng lực tài chính của đơn vị thi công là yếu tố then chốt trong việc triển khai thực hiện dự án, việc xây dựng hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu trong công tác lựa chọn nhà thầu có năng lực tài chính đảm bảo cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án; Yếu tố “Nguồn vốn đầu tư không đảm bảo theo tiến độ dự án” có mức ảnh hưởng thứ nhì với giá trị trung bình là 3,82, cho thấy việc phân bổ và giao Kế hoạch vốn đầu tư hằng năm của cấp có thẩm quyền cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ; Yếu tố “Cung cấp nguyên, vật liệu không theo tiến độ thực hiện” ảnh hưởng lớn thứ 3 với giá trị trung bình là 3,75. Ngoài ra các yếu tố “Biện pháp tổ chức thi công không phù hợp”, “Nhân công không đảm bảo số lượng và tay nghề”, “Năng lực về thiết bị không đảm bảo” cũng có mức ảnh hưởng lớn với giá trị trung bình trong khoảng 3,59-3,67. Các nhân tố còn lại có mức ảnh hưởng trung bình.

Dựa trên kết quả thống kê có thể thấy có 4 yếu tố thuộc nhóm Nhân tố liên quan đến hồ sơ thiết kế - dự toán đều có mức ảnh hưởng rtung bình, trong đó: Yếu tố các sai sót trong thiết kế (mean = 3,42), các thay đổi thiết kế (mean = 3,43) cho thấy chất lượng của hồ sơ thiết kế dự toán, năng lực thẩm định của cơ quan chuyên môn xây dựng trong việc thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án đầu tư công.

Các yếu tố thuộc nhóm Nhân tố khách quan ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án các công trình đầu tư công. Yếu tố “dịch bệnh, thiên tai” có mức ảnh hưởng lớn nhất với giá trị trung bình là 3,92. Từ cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lan rộng trên toàn cầu, nhiều thành phố trên cả nước trong đó có thành phố Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp phòng dịch, giãn cách, phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhiều công trình xây dựng đã phải tạm dừng thi công. Do dó, kết quả này phản ánh đúng thực trạng hiện tại. Ngoài ra, yếu tố “Điều kiện địa chất, thủy văn không lường trước” và “Gia tăng đột biến của giá vật liệu xây dựng” cũng có mức ảnh hưởng lớn. Yếu tố “Văn bản pháp lý lĩnh vực xây dựng thay đổi” có mức ảnh hưởng trung bình.

Kết quả thống kê cho thấy yếu tố “Giải phóng mặt bằng không kịp thời” có mức ảnh hưởng lớn nhất với giá trị trung bình là 4,34, cho thấy việc tổ chức giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng của địa phương vùng dự án chưa đảm bảo, không đảm bảo điều kiện mặt bằng để triển khai thi công ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án. Yếu tố “Chính sách đền bù chưa thỏa đáng” cũng ảnh hưởng lớn với giá trị trung bình là 3,91. Yếu tố “Phương án giải phóng mặt bằng không phù hợp phải điều chỉnh” có mức độ ảnh hưởng khá lớn.

So sánh độ lớn về giá trị trung bình chung của 5 nhóm yếu tố, cho thấy:

- Nhóm nhân tố liên quan đến công tác đền bùm, giải phóng mặt bằng có ảnh hưởng lớn nhất với giá trị trung bình là 3,94.

- Nhóm nhân tố khách quan có ảnh hưởng thứ nhìn với giá trị trng bình là 3,67

- Nhóm nhân tố liên quan về tài chính và năng lực thi công có mức ảnh hưởng thứ 3 với giá trị trung bình là 3,63.

- Hai nhóm nhân tố: Nhân tố liên quan đến hợp đồng và năng lực quản lý của chủ đầu tư và nhân tố liên quan đến hồ sơ thiết kế - dự toán có mức ảnh hưởng trung bình tương ứng với giá trị trung bình 3,33.

7. Kết luận

Trong bài viết này, xác định được các nhân tố gây ảnh hưởng đến việc chậm tiến độ thi công và tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt của các dự án đầu tư công.

Để nhận diện và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tác giả dựa vào các nghiên cứu trước đây để tổng hợp nên các nhân tố ảnh hưởng, từ đó tiến hành khảo sát và phân tích dữ liệu. Kết quả phân tích đã chỉ ra các nhân tố bao gồm: Nhân tố liên quan đến hợp đồng và năng lực quản lý của chủ đầu tư; Nhân tố liên quan tới tài chính và năng lực thi công; Nhân tố liên quan đến hồ sơ thiết kế - dự toán; Nhân tố khách quan và Nhân tố liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thông qua kiểm dịnh Cronbach’s alpha và phân tích thành tố chính EFA, kết quả sau khi phân tích các nhân tố được 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt của các dự án đầu tư công và nhận thấy rằng từ 28 nhân tố ban đầu, sau khi phân tích còn lại 21 nhân tố thuộc 5 nhóm nhân tố như bảng câu hỏi khảo sát ban đầu. Từ đó giúp các bên liên quan (chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, đơn vị quản lý nhà nước…) chú trọng đến những yếu tố này trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhằm mục đích hạn chế tổn thất về chi phí cũng như sự chậm trễ tiến độ dự án. Thông qua việc khảo sát ảnh hưởng của biến động giá vật liệu, nhân công và ca máy đến sự thay đổi chi phí xây dựng chú trọng việc xác định tối ưu chi phí và thời điểm triển khai thực hiện sẽ giảm thiểu được rủi ro thấp nhất, kịp thời dự báo và tìm được phương án giải quyết rủi ro một cách hợp lý, là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một dự án. Trên cơ sở đó, tác giả gợi ý một số giải pháp, khuyến nghị chính sách về quản lý dự án đầu tư công tại một số tỉnh khu mực miền trung nói riêng và cả nước nói chung, góp phần giải quyết tình trạng tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt của các dự án đầu tư công mà nước ta phải đối mặt trên con đường phát triển.

Với mong muốn đóng góp một số ý kiến trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công ở Việt Nam, nghiên ứu làm rõ hơn những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Để khắc phục việc tăng giá trị quyết toán so với dự toán được duyệt, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ phận liên quan. Những người tham gia dự án cần trau dồi kiến thức chuyên môn và kiến thức cơ bản của các bộ phận khác để thấy được những vấn đề ảnh hưởng lẫn nhau của các bộ phận trong quá trình triển khai dự án, từ đó đưa ra vấn đề để các bên cùng phối hợp giải quyết.

Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 3&4/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)