1.2. Đô thị thông minh
- Khái niệm thông dụng:
Đô thị thông minh là đô thị hội tụ của các yếu tố: Cơ sở hạ tầng hiệu quả; môi trường sống thân thiện và phát triển KT-XH bền vững, được biểu hiện qua hệ thống Giao thông thông minh, Kinh tế thông minh, Cuộc sống thông minh, Chính quyền thông minh, Con người thông minh và Môi trường thông minh.
Bản chất của đô thị thông minh là áp dụng hệ thống công nghệ thông tin để vận hành, quản lý, cung cấp dịch vụ đô thị. Nói một cách khác, đô thị thông minh là sự kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin, làm cho chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng ngày càng được nâng cao, phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại.
- Theo Hội đồng Đô thị thông minh (Smart Cities Council – SCC):
Đô thị thông minh là một đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho phát triển kinh tế thịnh vượng và khả năng phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.
-Theo Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đô thị thông minh là đô thị hoặc khu vực cư dân ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo và các phương thức khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp các dịch vụ, quản lý các nguồn lực của đô thị có sự tham gia của người dân; nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của cộng đồng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế; đồng thời bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ.
Như vậy, đô thị thông minh có thể hiểu là đô thị có không gian bền bững, ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối hạ tầng tiên tiến nhằm khai thác tiềm năng, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân và quản lý đô thị tổng hợp để phát triển bền vững.
- Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Ủy ban kinh tế Châu Âu của Liên Hiệp Quốc (UNECE):
Đô thị thông minh bền vững là đô thị đổi mới, được ứng dụng CNTT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống hiệu quả, quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội phần nào thể hiện được yêu cầu của một đô thị xanh - thông minh.
Như vậy, có thể kết luận rằng: Thành phố xanh - thông minh là thành phố sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin theo cách phù hợp, tin cậy, có thể mở rộng, có thể truy cập, an toàn, an ninh và linh hoạt cho một số mục đích khác. Nó cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Tăng cường phòng ngừa và quản lý các thảm họa, bao gồm khả năng giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Cung cấp các cơ chế quản lý và điều hành hiệu quả, cân bằng với các chính sách phù hợp. Đây là xu hướng tất yếu của các đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
2. Sự cần thiết phải phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) với sự phát triển của internet vạn vật, điện toán đám mây, công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa. Các quốc gia, các thành phố đều đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này, nhằm tránh trở nên lạc hậu với thế giới đang biến đổi từng ngày. Sự phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), trước hết bằng các ứng dụng công nghệ thông tin, chính là sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa, hướng tới đô thị hóa bền vững. ĐTTM giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, động lực giúp cải thiện sức cạnh tranh của đô thị và đây cũng chính là mục tiêu mà quy hoạch đô thị hướng tới.
Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh khiến Việt Nam đang đứng trước bài toán khó giữa phát triển đô thị với hài hòa môi trường sống và phát triển đô thị xanh (ĐTX) đang lan tỏa trong các quy hoạch phát triển đô thị tại Việt Nam, trực tiếp đề cập đến chất lượng môi trường đô thị với các mục tiêu rất cụ thể nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho cư dân, khắc phục việc đô thị phát triển dàn trải, tiêu thụ tài nguyên và ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Trên thế giới, xu hướng phát triển đô thị qua mỗi thời kỳ có thể được nhận biết như sau:
- Thành phố phát triển có chiến lược (City Development Strategy - CDS)
- Thành phố xanh (Green City)
- Thành phố sinh thái, đa dạng sinh học (Eco-City)
-Thành phố vườn (Garden City)
- Thành phố sinh thái - thành phố kinh tế (Ecological as Economic City - ECO2)
- Thành phố đáng sống (Liverable City)
- Thành phố có khả năng phục hồi (Resilience City)
- Thành phố phát triển bền vững (Sustainable cities)
- Thành phố thông minh (Smart City)
Trong lĩnh vực quy hoạch, khái niệm thiết kế đô thị bền vững (sustainable urban design) không chỉ là đô thị có nhiều màu xanh, nhiều cây xanh, mà còn phải là quy hoạch có địa điểm bền vững; bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo; tiết kiệm nguồn tài nguyên; bảo tồn đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường… Để sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên thì việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để điều hành, quản lý, cung cấp và kiểm soát một cách hữu hiệu đảm bảo sự cân bằng sinh thái, môi trường là hết sức cần thiết. Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng kỹ thuật số trong quy hoạch, quản lý đô thị là xu hướng tiên tiến và đặc biệt là xu hướng phát triển ứng dụng trong xây dựng thành phố xanh - thông minh.
Bối cảnh phát triển của các đô thị ở nước ta là sự kết hợp giữa ĐTTM và ĐTX. Mô hình quy hoạch ĐTTM và xanh góp phần xử lý các căn bệnh đô thị một cách thông minh, từ đó phục vụ dân sinh, cân bằng sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường. Với vị thế là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội đã và đang hội tụ đủ các điều kiện để phát triển theo tiêu chí ĐTX, đô thị sinh thái nhờ diện tích cây xanh, mặt nước lớn, số lượng di tích nhiều; Yếu tố cân bằng giữa bảo tồn và phát triển mới được thể hiện trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011) với các thị trấn huyện lỵ hiện hữu phát triển theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; hệ thống giao thông công cộng đang dần được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, để Hà Nội hoàn toàn có cơ hội để điều kiện phát triển Thủ đô Xanh - Hiện đại - Thông minh.
3. Thực trạng phát triển đô thị xanh, thông minh tại Hà Nội
3.1. Thực trạng phát triển đô thị xanh tại Hà Nội
Theo Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mô hình hành lang xanh được thiết kế với tỷ lệ 60% diện tích (gồm 40% là vùng bảo tồn, 20% là vùng phát triển dựa trên bảo tồn). Cũng theo quy hoạch này, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô, 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm, những đô thị này vẫn chỉ “nằm trên giấy”, trong khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội tiếp tục phải gánh áp lực lớn về dân số, quá tải hạ tầng…
Hiện trong các đồ án quy hoạch chi tiết phát triển cho các huyện ngoại thành, UBND Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh điểm phát triển theo xu tăng diện tích xanh thành khu đô thị sinh thái và công nghệ cao. Theo đó, huyện Đan Phượng được xác định là phần phía Đông vành đai 4 là khu đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ công chất lượng cao về y tế, giáo dục thuộc phân khu đô thị S1; phần phía Tây vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh.
Khu hành lang xanh, phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, vùng đa dạng sinh thái, vùng nông nghiệp năng suất cao; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị.
Đối với huyện Thạch Thất: Sẽ được xây dựng trở thành trung tâm đô thị vùng phía Tây Hà Nội về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Huyện Quốc Oai được định hướng phát triển là đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Huyện Mê Linh sẽ là khu vực phát triển đô thị dịch vụ gắn với nông nghiệp công nghệ cao, là vành đai xanh của thành phố…
Huyện Chương Mỹ được quy hoạch đô thị sinh thái Chúc Sơn, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này phải kể đến là hạ tầng giao thông kém phát triển.
Rõ ràng, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái chưa hình thành được do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, nên không thu hút được đầu tư, không di dời được trường học, bệnh viện… càng không thu hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô.
Mặt khác, quy hoạch chung cũng chỉ mang tính dự báo, nên sau một thời gian khá dài, đến nay các động lực phát triển cho các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái có nhiều thay đổi, cho nên cần có sự xem xét, đánh giá lại cho phù hợp với thực tiễn.
Năm 2017, UBND TP.HN cũng đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các lô đất HT3, CX7 đến CX10, MN3 đến MN6, CV3 và CV4 tại khu A - khu du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội, tại xã Sài Sơn, H.Quốc Oai.
Hiện nay, quy hoạch xây dựng đô thị của các đô thị Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng chủ yếu theo hướng đô thị sinh thái như đô thị Ecopark, đô thị Việt Hưng, đô thị Vinhome Riverside… Sau 10 năm kể từ khi đồ án quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, nhưng về cơ bản các đô thị chưa được quy hoạch là đô thị sinh thái vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học, đánh mất chất lượng và giá trị cảnh quan đô thị, hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng… vẫn là những vấn đề hạn chế trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội. Nhiều dự án đô thị mang tên là sinh thái nhưng chưa được quan tâm và đầu tư xứng đáng.
Hầu hết các đô thị sinh thái chưa hình thành được là do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, nên không thu hút được đầu tư. Việc không di dời được trường học, bệnh viện…, nên chưa giảm được áp lực cho nội đô. Các đô thị sinh thái chưa có giải pháp khai thác tối đa tiềm năng du lịch, kết nối các đô thị sinh thái thành chuỗi du lịch.
Có thể tóm tắt một số hạn chế chủ yếu trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, sinh thái hiện nay ở Hà Nội và Việt Nam như sau:
(1) Xây dựng ĐTX, đô thị sinh thái (ĐTST) mới dừng lại ở mức độ ý tưởng, nhận thức, định hướng chung mà chưa trở thành hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ và đồng bộ về khái niệm, định nghĩa cũng như các tiêu chí, nguyên tắc, chỉ tiêu và phương pháp cho việc lập quy hoạch xây dựng một ĐTX, ĐTST.
Mặt khác, nhận thức về ĐTX, ĐTST mới chủ yếu nhấn mạnh đến “phần cứng” (cây xanh, mặt nước, xử lý chất thải, nước thải…) mà còn ít chú ý đến một hệ thống toàn diện (bao gồm cả sản xuất xanh, năng lượng xanh, lối sống xanh…)
(2) Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong khi các nguồn lực đầu tư phát triển theo quy hoạch, để thực hiện quy hoạch không theo kịp nhu cầu thực tiễn, việc quản lý quá trình thực hiện quy hoạch chưa tốt đã gây ra một loạt các vấn đề ở đô thị như: Quá tải khu vực trung tâm đô thị, tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sạch, hạ tầng xã hội, tỷ lệ xử lý nước thải, rác thải thấp… tạo ra sức ép về suy giảm chất lượng môi trường sống.
(3) Mâu thuẫn giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường; Mâu thuẫn giữa bảo tồn các di sản và phát triển đô thị; Mâu thuẫn giữa chỉnh trang làng xóm, khu dân cư hiện hữu và khu vực phát triển đô thị mới.
(4) Công tác quản lý chưa theo kịp nhu cầu phát triển dẫn đến tình trạng phát triển thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu tập trung, mất cân đối giữa dân cư và cơ sở hạ tầng, giữa các thành phần cỉa cơ sở hạ tầng, giữa các khu vực trong đô thị, khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề, lối sống của dân cư khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây dựng đô thị, hiệu quả sử dụng đất đai và các nguồn lực xây dựng phát triển đô thị chưa cao.
(5) Ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao, nhận thức về tầm quan trọng của môi trường, của phát triển bền vững chưa thống nhất ngay trong hệ thống quản lý, giữa hệ thống quản lý với các nhà đầu tư, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.
3.2. Thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Hà Nội
Để khắc phục việc gia tăng dân số cơ học, quá tải về y tế, giáo dục, giao thông và giải quyết bất cập về tốc độ đô thị hóa, phát triển nhà ở, bảo đảm an ninh năng lượng ô nhiễm môi trường…Hà Nội đã có chủ trương xây dựng thành phố thông minh ngay từ khi chưa có Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030.
Năm 2017, thành phố đã triển khai một số thành phần cơ bản của ĐTTM trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Các mạng 4.0; thí điểm và mở rộng và triển khai một số ứng dụng thông minh, bao gồm: Giao thông công cộng thông minh (IPARKING, vé điện tử, camera giám sát), hệ thống quan trắc môi trường không khí, hệ thống quan trắc chất lượng nước, mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm…
Trong giai đoạn 2018-2020, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Điển hình như thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, an toàn, vùng phủ dịch vụ rộng, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng 4G, triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G. Triển khai cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công thống nhất toàn quốc.
Phối hợp với Tập đoàn VNPT hỗ trợ thành phố Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cũng như phát triển du lịch, thông qua ứng dụng Smart Tourism (hệ thống du lịch sinh thái).
Triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội; Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch; Bản đồ số du lịch Hà Nội; Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.
Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử vào các lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý đất đai, du lịch, giao thông, dịch vụ công trực tuyến…
Trong năm 2019, thành phố đã tiến hành xây dựng dự thảo Đề cương Đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Một sự kiện đáng chú ý trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội là vào tháng 10/2019, dự án thành phố thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư xây phát triển đã được động thổ. Dự án tập trung ứng dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Dự kiến, toàn bộ 5 giai đoạn của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.
Hiện tại mô hình phát triển thành phố thông minh của Hà Nội đang hướng tới 5 mục tiêu: Đô thị đáng sống; Đô thị kết nối; Đô thị cạnh tranh; Đô thị hiện đại và có bản sắc; Đô thị thích ứng, cùng với 5 giải pháp: Quy hoạch không gian đô thị thông minh; Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật xanh; Quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin; Phát triển dịch vụ tiện ích thông minh; Quản trị đô thị thông minh. Để làm được điều này, trước tiên Hà Nội sẽ hình thành Trung tâm điều hành thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất, với 8 chức năng, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của đời sống đô thị hiện đại. Đây chính là “bộ não” của chính quyền thành phố, là công cụ để điều hành, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội.
Dự kiến giai đoạn 2020-2025, Hà Nội sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, hình thành nền kinh tế số. Sau năm 2025, phát triển thành phố thông minh ở mức cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
3.3. Thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị của Hà Nội
Theo đánh giá trong báo cáo Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội “mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra; chất lượng một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế”. Ngay định hướng quy hoạch chung cũng đã bộc lộ một số vấn đề ảnh hưởng tới tính khả thi của mô hình. Cụ thể, chưa xác định được tiêu chí, chỉ tiêu phát triển cụ thể; công tác kiểm soát ranh giới, diện tích không gian xanh chưa chặt chẽ, các phát triển chưa phù hợp với mục tiêu kiểm soát của các không gian xanh các khu công nghiệp và đô thị vẫn được tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, hành lang xanh, vành đai xanh và các nệm xanh của Hà Nội không phải là khu vực xanh thuần túy mà là khu vực có hiện trạng vô cùng phức tạp: Diện tích xây dựng lớn; diện tích đất nông nghiệp thấp; tồn tại nhiều dự án phát triển đô thị và công nghiệp; mật độ dân cư đông và phân bố lan tỏa khắp khu vực.
Theo Báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, sự phát triển đô thị của Hà Nội chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh vì chưa chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau của Thủ đô Hà Nội trong vùng Thủ đô. Quy mô việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn. Việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% gây quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng và trò của Thủ đô Hà Nội. Khu vực hành lang hai bên sông Hồng chưa phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…việc tổ chức thực hiện theo định hướng của quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội còn nhiều bất cập.
Mặc dù các cấp chính quyền và các Sở, Ban, ngành của TP.Hà Nội đã nỗ lực thực hiện triển khai phủ kín các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, nhưng đến thời điểm hiện nay mới phủ kín được quy hoạch chung, quy hoạch ngành các lĩnh vực, các quy hoạch phân khu chưa phủ kín. Nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực đã phải điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển. Các khu vực phát triển đô thị, các khu vực nông thôn nằm ngoài ranh giới phát triển đô thị thiếu công cụ quy hoạch để kiểm soát phát triển.
Đồ án quy hoạch chung thực hiện khá đầy đủ nội dung, thể hiện tầm nhìn, giải quyết vấn đề thực hiện, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện cho thấy vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều tồn tại sau:
Quy hoạch đặt ra định hướng cấu trúc dân số, lao động cơ cấu chức năng quy hoạch nhưng đến nay vẫn tập trung chủ yếu ở trung tâm.
Quy hoạch đặt ra phải phát triển hệ thống các trung tâm phân tán của Thủ đô, của quốc gia, của thành phố, nhưng đến nay vẫn cơ bản giữ nguyên;
Quy hoạch đặt ra phải phát triển cấu trúc hạ tầng và vành đai, nhưng chỉ có cải tạo được một phần hạ tầng khu vực nội đô, hạ tầng vành đai mở rộng chưa được thực hiện;
Chương trình phát triển đô thị thiếu, dẫn tới việc nâng cấp huyện lên quận và thành lập thành phố còn nhiều lúng túng;
Bộ máy quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là vấn đề nguồn lực và cơ cấu chính sách chưa rõ ràng là rào cản cho thực tế phát triển.
Với khoảng 30 quy hoạch chuyên ngành, 19 quy hoạch chung các huyện, các đô thị, rất nhiều quy hoạch phân khu và khoảng 700 đồ án quy hoạch chi tiết, 300 quy hoạch nông thôn mới các xã… Hệ thống quy hoạch của Hà Nội còn quá cồng kềnh, đôi khi còn thiếu đồng bộ, chồng chéo…Đây chính là rào cản trong công tác quản lý của Hà Nội
Mặc dù quy hoạch để khai thác được tiềm năng thế mạnh, để thu hút đầu tư, tạo nên động lực phát triển nhưng với những bất cập, hạn chế như trên đã gây nhiều cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy trong thời gian tới, khi Hà Nội triển khai điều chỉnh quy hoạch chung, cần phải tính đến việc điều chỉnh hệ thống quy hoạch hiện hành, nếu không sẽ lại là những rào cản lớn cho giai đoạn 10 năm tiếp theo sau khi điều chỉnh quy hoạch chung.
Bên cạnh đó, nhiều định hướng chiến lược chưa được quan tâm phát triển theo quy hoạch như: Hệ thống hạ tầng khung, nhất là các tuyến đường vành đai 4; 4,5; 5; cải tạo hệ thống sông hồ; phát triển các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái để tái cấu trúc đô thị, hay cải tạo phố cũ, các khu tập thể cũ, các làng xóm đô thị hóa; gắn với phân bố dân cư dẫn tới chất lượng đô thị nhiều yếu kém, môi trường đô thị không được cải thiện, công trình cao tầng phát triển ồ ạt trong khu vực nội đô, dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch và thậm chí làm thay đổi các định hướng chiến lược của Thủ đô.
Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng là một phép thử đối với các đô thị lớn với mật độ dân cư cao như ở Hà Nội: Việc thiếu các không gian công cộng, không gian xanh đã gây ra nhiều hệ lụy, nguy cơ lây nhiễm cao; thiếu các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người dân - loại hình cho thấy có khả năng chống chọi tốt hơn đối với đại dịch, thiếu giải pháp thông minh để thúc đẩy cho sự phát triển của ĐTTM, làm giảm khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường, gây ra tính dễ bị tổn thương của các đô thị.
(Còn tiếp kỳ sau)