Đà Nẵng, tiềm năng tích hợp của một “SIÊU ĐÔ THỊ”

Thứ năm, 19/05/2022 14:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đồ án Quy hoạch chung Đà Nẵng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã khẳng định Đà Nẵng sẽ “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logictics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước, là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

Theo đó, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (QHVKTTĐMT), Đà Nẵng sẽ là trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế lớn của Vùng (cùng với Huế và Quy Nhơn) và cả nước, đảm nhận chức năng trung tâm Dịch vụ thương mại và Du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đà Nẵng cùng với Huế thành hạt nhân của Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung.

Trên thực tế, trong vùng KTTĐ miền Trung Việt Nam, Đà Nẵng có mức độ phát triển cao nhất, cũng là địa phương có vị thế, nền tảng, và cơ hội phát triển cao nhất. Nếu lấy Đà Nẵng làm tâm và bán kính 200km ra xung quanh, ta sẽ được một vùng không gian rộng lớn với dân số khoảng 5 triệu người, bao gồm các đô thị lớn khác gồm Huế, Hội An, Tam Kỳ và Quảng Ngãi, trở thành vùng thị trường tiềm năng cho sự phát triển kinh tế xã hội nhiều mặt xét trên cả hai khía cạnh cung - cầu của thị trường cho cả Đà Nẵng và các địa phương trong vùng. Vì vậy, cần khẳng định chiến lược phát triển cho Đà Nẵng phải được củng cố và tăng cường các hoạt động kinh tế đô thị và hướng chúng đến các tỉnh liền kề. Điều này sẽ làm sâu sắc thêm cơ sở kinh tế tại Đà Nẵng, và sau này nó cũng sẽ trở thành một tính năng lâu dài hơn của năng lực dịch vụ đô thị Đà Nẵng.

Chìa khóa cho chiến lược phát triển liên vùng chính là sự liên kết và lưu thông dòng người, dòng hàng, dòng thông tin, dòng tiền giữa Đà Nẵng với các tỉnh trong vùng thông qua các kết nối hạ tầng. Trên bức tranh tổng thể mối quan hệ liên vùng giữa thành phố Đà Nẵng và vùng KTTĐMT như đã khái quát trên, phần tiếp theo sẽ đi sâu vào thực trạng kết nối không gian hạ tầng liên vùng Chân Mây (Lăng Cô - Huế) với Đà Nẵng và kéo xuống qua Điện Bàn, Hội An và Nam Hội An.

KKT Chân Mây như một phần hữu cơ Đà Nẵng

Nếu lấy trung tâm Đà Nẵng làm tâm, thì khoảng đến Chân Mây và Nam Hội An đều khoảng 25km. Đây là khoảng cách tương đương với bán kính của các đô thị lớn hay vùng đô thị mở rộng. Như vậy, về mặt không gian, tiểu vùng này có cơ hội vận hành như một thực thể đô thị gắn kết dù thuộc các địa giới hành chính khác nhau. Để đánh giá vào thực trạng kết nối không gian hạ tầng liên vùng, chúng ta sẽ đánh giá kỹ thực trạng phát triển hạ tầng và không gian vùng này như một vùng đô thị Đà Nẵng mở rộng.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg, ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, có ranh giới địa lý xác định, bao gồm: thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp xã Lộc Bình, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, có tổng diện tích 27.108ha. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được xác định trở thành đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…

Mặc dù có khoảng cách địa lý gần cận 25km, nhưng chúng ta phải nhìn nhận có hai khó khăn: (1) Điều kiện khách quan do địa hình tự nhiên ngăn cách; (2) Điều kiện chủ quan khi quy hoạch và kịch bản phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô nằm ở thế buộc phải “cạnh tranh” với Đà Nẵng để thu hút đầu tư phát triển, tất yếu dẫn đến mối quan hệ song song tồn tại, thậm chí cạnh tranh, hơn là tương hỗ phối hợp phát triển. Mặc dù vậy, gần cận Đà Nẵng - với sức hút của một đô thị trung tâm, cửa ngõ quốc tế của vùng, KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ dựa vào Đà Nẵng để tiếp cận các dịch vụ quan trọng như hệ thống tài chính, ngân hàng, hệ thống y tế chất lượng cao, hệ thống giáo dục đào tạo nghề và các dịch vụ đô thị cao cấp khác; nhờ vậy cũng sẽ tăng cường năng lực phát triển và sức hút cho KKT này. Để khắc phục tình hình trên, trên cơ sở tư tưởng thống nhất hợp tác giữa hai Chính quyền cần xem KKT Chân Mây như một phần hữu cơ Đà Nẵng, cần có một số giải pháp cụ thể tăng cường hợp tác phát triển như sau:

- Tăng cường các kết nối giao thông, đặc biệt giao thông đường bộ; thúc đẩy dòng người, dòng hàng chạy gữa các cực - các nút hạ tầng quan trọng (thành phố Huế, Sân  bay Phú Bài, Cảng Chân Mây và KKT Chân Mây - Lăng Cô, cảng Liên Chiểu - thành phố Đà Nẵng, xuôi xuống Quảng Nam về cơ sở hạ tầng hiện đã có QL1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam nối với hầm Hải Vân; cần tổ chức các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách để tối ưu hóa các cơ sở hạ tầng này. Trước mắt, cần tăng cường các tuyến xe buýt kết nối hai bên là giải pháp khả thi, hiệu quả. Lâu dài có thể xem xét mở một tuyến tàu điện đô thị lưu lượng từ Huế qua KKT Chân Mây - Lăng Cô, đến Đà Nẵng và chạy xuống Hội An - Nam Hội An.

- Xem xét đầu tư khu logictics chung giữa Cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng và cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế để sẵn sàng cho việc mở cửa cả khu vực ASEAN.

- Các giải pháp phi không gian gồm: phối hợp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường chung cho thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, thị trường vận tải ra toàn bộ vùng ASEAN; Thiết lập trung tâm điều phối dịch vụ hạ tàng liên vùng sử dụng công nghệ số để điều phối chia sẻ luồng vận tải hành khách và hàng hóa qua hệ thống cơ sở hạ tầng vận tải chung của toàn vùng gồm các cảng biển, cảng sân bay, phối hợp xây dựng và thúc đẩy các sản phẩm du lịch phong phú trên cơ sở kết hợp thế mạnh của từng địa phương.

Hiện trạng phát triển không gian giữa Đà Nẵng và Hội An - Nam Hội An

Đà Nẵng và Quảng Nam từng là một đơn vị hành chính cho đến ngày 01/01/1997 thì được tách làm hai đơn vị hành chính, Đà Nẵng chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương. Khoảng cách từ trung tâm Đà Nẵng đến Hội An là 25km, tương đương với bán kính phát triển của các đô thị lớn, không gian hạ tầng và điều kiện tự nhiên không có ngăn trở nên có thể nói sự kết nối ở dải không gian này là vô cùng thuận lợi.

Nhìn chung sự kết nối hiện tại giữa Đà Nẵng - Hội An - Nam Hội An về hạ tầng, không gian, kinh tế xã hội và hợp tác giữa hai chính quyền là rất tốt, tạo nên một tổng thể phát triển hữu cơ, cùng tiến. Tuy nhiên, tiềm năng của vùng rất lớn mà hiện chưa được khai thác một cách tối ưu. Tình trạng phát triển không gian ở khu vực này vẫn thiếu tính tổng thể, tình trạng phát triển khá tự phát, xôi đỗ, chưa xứng tầm với tiềm năng khu vực. Một số nhược điểm hiện nay của vùng này:

- Thiếu giao thông công cộng lưu lượng lớn kết nối từ Đà Nẵng, đặc biệt từ Sân bay Đà Nẵng vào tới Hội An, đặc biệt để phục vụ phát triển du lịch giữa hai địa phương. Hiện phương tiện di chuyển của khách du lịch chủ yếu là taxi, chi phí lớn và thiếu tiện lợi cho du khách. Xe buýt chủ yếu phục vụ người dân hai địa phương.

- Có tiềm năng nhưng chưa phát triển hệ thống giao thông đường thủy thông suốt và kết nối, vừa phục vụ người dân hai địa phương vừa phục vụ phát triển du lịch.

- Thiếu tầm nhìn tổng thể về cảnh quan không gian toàn vùng, và cũng không có các công cụ quản lý cảnh quan hiệu quả, vì vậy, khi di chuyển trên những trục đường chính như QL1, ĐT607 và đặc biệt tuyến đường ven biển thì hiệu ứng thị giác đối với cảnh quan hai bên rất thấp; có thể nói là không có ấn tượng gì đặc biệt. Các resort bị bọc kín, tầm nhìn ra biển bị che khuất, các kiến trúc dân sinh lộn xộn không có định hướng, các vùng cảnh quan đặc thù như sông, nước cũng không được bộc lộ.

- Ngoài ra, quỹ đất nằm giữa QL1A và ĐT607 cùng sông Vĩnh Điện hiện chưa phát triển, nên xem là quỹ đất dự trữ cho tương lai, và nhất thiết cần được rút kinh nghiệm về có một quy hoạch, thiết kế cảnh quan và công cụ quản lý hiệu quả.

Hiện trạng kết nối giao thông Vùng đô thị Đà Nẵng

Đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt quốc gia không thực sự phát huy hiệu quả kết nối ở bán kính 25km cùng Vùng đô thị Đà Nẵng. Chủ yếu qua đường bộ: Với Chân Mây - Lăng Cô qua QL-1A, Với Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An qua QL 1A, ĐT 607 và tuyến đường ven biển; Thiếu giao thông công cộng lưu lượng lớn; Về đường thủy có tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển. Nhìn chung Vùng đô thị Đà Nẵng có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hiệu quả, chưa được đầu tư đầy đủ và chưa phát huy được tất cả vị thế vốn có.

Sứ mệnh với vai trò thuyền trưởng

Nhiều năm qua, Đà Nẵng thực sự là thành phố hạt nhân của toàn bộ vùng KTTĐMT, và là động lực thúc đẩy sự phát triển của các địa phương lân cận. Điều này cũng được khẳng định mạnh mẽ trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia, vùng. Đồ án QHCĐN đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 do TT CP phê duyệt năm 2021 cũng khẳng định Đà Nẵng sẽ “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, loogictics công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa hoc - công nghệ phát triển của đất nước; là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế”.

Để thực hiện tầm nhìn trên, Đà Nẵng phải theo hướng trở thành một “đô thị lớn” mới đủ sức hút và sức cạnh tranh để thu hút các dòng tiền, dòng người, dòng ý tưởng sáng tạo về với khu vực miền Trung, và từ đó lan tỏa sự phát triển ra các tỉnh xung quanh. Vì vậy, để toàn vùng KTTĐMT phát triển, cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp vùng giữa các địa phương.

Với Chân Mây - Lăng Cô (Huế) và Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An (Quảng Nam) đây là vùng trực tiếp nhận ảnh hưởng lan tỏa từ sự phát triển từ Đà Nẵng và cũng đồng thời đóng vai trò như vùng mở rộng của một đô thị lớn, làm cho Đà Nẵng trở nên quy mô hơn, rộng lớn hơn, và vì vậy, cũng có sức hút phát triển mạnh mẽ hơn.

- Dù thuộc các địa giới hành chính khác nhau, nhưng nếu chúng ta hình dung về một vùng phát triển liên tục của tiểu vùng nói trên chúng ta có thể gọi nó là “vùng đô thị Đà Nẵng mở rộng” - có tiềm năng tích hợp của một “Đô thị lớn”.

Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 3&4/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)