Sự chuyển hóa kiến trúc nhà ở nông thôn và phương hướng bảo tồn phát triển

Thứ ba, 08/02/2022 20:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tóm tắt: Sự thay đổi các điều kiện tất yếu về kinh tế xã hội khoa học kỹ thuật dẫn đến sự chuyển biến kiến trúc nông thôn. Nhận diện được các điểm có giá trị trong kiến trúc nông thôn truyền thống cốt lõi đặc thù với mỗi địa phương, vùng cảnh quan nông thôn, là cần thiết để xác định phương hướng và phát huy giá trị của yếu tố “kiến trúc nông thôn” trong tiến trình đổi mới phát triển kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, không ít địa phương gần như “hô biến” toàn bộ hạ tầng nông thôn. Kiến trúc nhà ở nông thôn chuyển mình trong xu thế hội nhập, theo nông thôn mới với ảnh hưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa. Xây dựng nông thôn mới là làm cho nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp, nhưng không lai căng, không làm mất nét văn hóa làng quê truyền thống. Việc đánh giá về sự thay đổi kiến trúc của nông thôn sẽ là điều cần thiết để các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn có thể đưa ra được những chính sách, những kiến nghị phù hợp cho nông thôn trong những năm tiếp theo.

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án nông thôn mới (2009-2019), nông thôn Việt Nam đã có nhiều bước đổi mới trong điều kiện kinh tế thị trường. Chưa có một đánh giá tổng thể thấu đáo về sự phát triển trong thời gian qua, song thực tế cho thấy, cùng với những thành tựu kinh tế, bộ mặt nông thôn thời gian qua có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa”, và đây là một thực tế đáng quan tâm. Nông thôn Việt Nam nói chung và kiến trúc nông thôn nói riêng đang gặp phải rất nhiều thách thức. Chúng ta cần nhìn nhận các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những bước chuyển hóa để có một cái nhìn toàn cảnh hơn về bức tranh nông thôn Việt Nam.

2. Sự chuyển hóa hình thành kiến trúc nhà ở nông thôn và nguyên nhân

2.1. Chuyển hóa từ quy định, chính sách quản lý

Sau năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa làm cho các vùng nông thôn có sự thay da đổi thịt đáng kể. Cùng với quá trình nông thôn mới thì hình thái kiến trúc các vùng nông thôn đã có sự chuyển hóa đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển mô hình nông thôn mới còn có những tồn tại như quy hoạch nhiều nơi đánh mất đi các cảnh quan nông thôn địa phương, các làng xã truyền thống do quá trình hiện đại hóa, kiến trúc, không còn bóng dáng lũy tre, cây đa, giếng nước, vườn rau, ao cá… Làng nghề tự phát kiểu đô thị (cấu trúc đường phố và chia lô liền kề). Cấu trúc làng bị thay đổi, các công trình công cộng bị lấn chiếm, biến đổi…

Bắt đầu từ 1/1/2021, quy định về giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn khu vực chưa quy hoạch được miễn giấy phép xây dựng. Điều đó vô hình cũng tạo ra những thách thức trong quản lý và hướng dẫn người dân ở nông thôn trong việc xây dựng nhà cửa, đồng thời cũng tạo ra cơ hội sáng tạo trong kiến trúc nông thôn.

Các cấp cơ quan quản lý, còn nhiều băn khoăn trong việc định hướng cho nông dân lựa chọn một vài mẫu nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng, thích dụng, tiện nghi, đạt được sự đồng thuận và sử dụng rộng rãi trong người dân, đồng thời không phá vỡ cảnh quan chung, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.

2.2. Chuyển hóa từ tập quán sống và thay đổi về nơi chốn

Từ xưa, tập quán sống của người Việt là nhiều (3-4) thế hệ dưới cùng mái nhà. Kiến trúc chia theo chiều ngang cùng phần sân rộng, vườn cây, ao cá. Sự tăng trưởng tự nhiên của dân số cộng với sự di dân đã làm thay đổi dần tập quán sống của người dân quê. Những người khi lớn sẽ chuyển ra ở riêng. Một gia đình với 2-3 thế hệ chiếm phần lớn và là hình mẫu hiện đại. Dân số tăng lên nhưng quỹ đất có hạn, từ một mảnh đất rộng nay được chia ra để phù hợp với số lượng người ở. Để tối đa diện tích những nhà 5 gian 2 trái được thay thế bằng nhà 2-3 tầng khang trang, tiên tiến.

Chuyển hóa bắt nguồn từ thay đổi phương thức sản xuất, kinh tế.

Kiến trúc nhà ở nông thôn, làng xóm theo một không gian truyền thống phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và vùng miền mà ta có những kiến trúc làng nông nghiệp, làng chài ven biển và làng nghề thủ công. Từ đó hình thành các nét đặc trưng trong kiến trúc nhà ở nông thôn. Tới nay, cấu trúc ngôi nhà đã chuyển hóa bởi cơn lốc đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Người ta đã thích hơn một ngôi nhà hình ống nhiều tầng bám ra mặt ngói với khoảng sân đằng trước. Một khi nghề nông bị lạnh nhạt thì khoảng sân cũng không còn nhiều ý nghĩa.

- Đối với nhóm dân cư thuần nông giàu lên, có điều kiện để thay đổi môi trường sống của mình. Khi có tiền, người dân phá bỏ đi những ngôi nhà gỗ truyền thống, với đầy đủ chức năng của một không gian ở kết hợp với sản xuất nông nghiệp vô cùng thích dụng (được cho là không hiện đại và kém tiện nghi) để xây dựng một ngôi nhà bê tông nhiều tầng hình hộp giống nhà ở đô thị mà họ cho là văn minh, hiện đại – những ngôi nhà ở thế hệ mới với không gian phân chia theo chiều thẳng đứng.

- Đối với nhóm dân cư buôn bán nhỏ, làm nghề phụ kết hợp với sản xuất nông nghiệp: Họ xây dựng nhà ở kết hợp với buôn bán nhỏ và làm nghề phụ. Không gian kiến trúc nhà ở của họ cũng cần thay đổi cho phù hợp với nhu cầu sản xuất mới. Không gian kiến trúc nhà ở nông thôn mà nhóm dân cư này lựa chọn xây dựng là loại nhà ở chia lô kiểu đô thị bám theo các trục đường làng hoặc các trung tâm thị tứ. Loại nhà này kết hợp chức năng ở với chức năng buôn bán, thương mại và dịch vụ.

2.3. Chuyển hóa từ công nghệ và vật liệu xây dựng

Với hệ thống tự cung, tự cấp về kinh tế, người nông dân trước đây vốn sống trong các ngôi làng khép kín. Vật liệu xây dựng cũng đều là thứ sẵn có: Gỗ, tre, gạch đất, vôi, rơm lợp nhà… Kỹ thuật xây dựng cũng đặc trưng. Hệ kết cấu được ngàm vào nhau bằng mộng. Tường được xây bằng gạch đất nung, có thể để trần hoặc trát;

Xã hội đã thay đổi, nhu cầu cuộc sống cũng thay đổi. Thông tin được đón nhận nhiều và đa dạng hơn, các loại vật liệu mới xuất hiện và người dân không còn mặn mà với nếp nhà cùng vật liệu truyền thống. Nhưng những vật liệu này dần biến mất và thay thế vào đó là muôn kiểu mới theo lối nhà phố. Từ đó tạo điều kiện cho chuyển hóa về kiến trúc, hình thành khung cảnh những căn nhà 2-3 tầng hiện đại, nhấp nhô, thoát ly khỏi mặt đất. Khả năng thi công của thợ cũng tăng lên rất nhiều, đáp ứng được đa dạng những nhu cầu của người dân.

2.4. Chuyển hóa từ những thay đổi về quan điểm thiết kế

Chuyển hóa về quan điểm thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn chủ yếu tập trung ở việc du nhập các văn hóa kiến trúc ngoại lai từ các đô thị. Công nghệ thông tin góp phần giúp người dân tiếp cận những xu hướng thiết kế không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Nhưng do tâm lý thích cái mới và tư tưởng bài trừ cái cũ, người dân thường lấy nguyên mẫu nhà ở đô thị. Bên cạnh đó là tư tưởng không cần thiết kế mà chỉ sao chép dẫn đến những chuyển biến dữ dội: không quy hoạch, không quản lý, mạnh ai người ấy làm miễn là có tiền với đủ các kiểu nhà và các phong cách Đông, Tây, Trung Cận Đông… Người dân tiếp nhận những phong cách thiết kế nhà phố mà không có sàng lọc gây nên sự hỗn độn, chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn nền nã, nhuần nhị.

3. Phương hướng bảo tồn và phát triển nhà ở nông thôn

Sự chuyển hóa của kiến trúc nhà ở nông thôn theo quá trình hiện đại hóa là một điều tất yếu và những thay đổi đi kèm là không thể tránh khỏi. Những thiết nghĩ, sự thay đổi đó cần có cơ sở, bám theo những vấn đề “cốt lõi” cần được nhận diện của kiến trúc đặc thù của mỗi địa phương chứ không đơn giản là áp đặt kiến trúc nông thôn được nghiên cứu module hóa. Việc này sẽ làm mất đi bản sắc riêng của vùng miền. Định hướng thay đổi không bám vào yếu tố cốt lõi đặc thù sẽ dẫn đến những sai lầm trong định hướng kiến trúc nông thôn.

Vấn đề cần thiết là nhận diện, tạo ra thí điểm trong thực tế việc nghiên cứu nhận diện các điểm hay của kiến trúc nông thôn mỗi vùng và phát huy được đấy là tài sản quý để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và gìn giữ văn hóa của vùng nông thôn đó. Ví dụ nghiên cứu về làng Đường Lâm và một số định hướng chính sách góp phần đưa nông thôn Đường Lâm có thêm nguồn kinh tế từ phát triển du lịch. Hay như các resort hay trồng dừa ven biển tạo cảnh quan cùng với nhà thấp tầng cũng là nét đặc trưng của kiến trúc cảnh quan nông thôn miền biển đặc thù được khai thác để phát triển du lịch kinh tế. Nâng cao sự hiểu biết về tiềm năng kinh tế của kiến trúc nông thôn truyền thống có giá trị với các chủ sở hữu có thể góp phần chuyển hóa tích cực bộ mặt kiến trúc cảnh quan nông thôn trong tương lai.

Về mặt chính sách, việc nghiên cứu và làm rõ các điểm giá trị kinh tế có thể đem lại của đặc thù kiến trúc mỗi vùng là việc quan trọng cần sự giúp đỡ của cơ quan tổ chức chuyên môn, truyền thông, cộng đồng. Việc này cần làm sớm để đưa vào các chính sách quy chế quản lý không gian nông thôn khi mà đã bỏ đi quy định về giấy phép xây dựng ở nông thôn. Hoàn toàn có thể thông qua quy hoạch khống chế không gian kiến trúc nông thôn - ví dụ các yêu cầu về đặc thù vật liệu xây dựng ở phần tường rào, tầng 1, mật độ xây dựng tối đa, khoảng lùi, chiều cao tối đa để đảm bảo kiến trúc cảnh quan chung. Nhưng quy hoạch nông thôn cũng cần phải có quy định về nhận diện các nét đặc thù của mỗi vùng khi thực hiện - việc này có thể nói là có sự tham gia khảo sát của cộng đồng sâu sắc hơn trong quá trình lập quy hoạch.

Về mặt kiến trúc, nông thôn với quỹ đất rộng, ít các hạn chế về quy định xây dựng chính là mảnh đất màu mỡ cho các kiến trúc sư sáng tạo. Thực tế đã chứng minh những năm gần đây, nhiều công trình nhà ở đẹp có giá trị kiến trúc được xây dựng ở các vùng nông thôn trên toàn quốc. Cùng với mô hình kinh tế chia sẻ và đi du lịch khám phá phát triển mạnh các căn nhà nông thôn truyền thống hay thiết kế mới đẹp có bối cảnh địa phương trở thành các homestay đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ ràng cho người nông thôn. Kiến trúc, nông thôn tiềm năng để tiếp thu nhiều yếu tố mới về giao thoa văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc.

Kiến trúc nông thôn cần tạo được sức sống ở nông thôn trong hoàn cảnh mới. Nhiều làng quê kiến trúc cảnh quan truyền thống vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi nên trở nên vắng vẻ buồn thiếu sức sống sức hấp dẫn với các lớp trẻ thế hệ mới. Không chỉ kiến trúc mà định hướng phát triển của nông thôn cần tạo ra sức sống cho mỗi vùng, thông qua việc hấp dẫn các hoạt động kinh tế, có thể là sản xuất, có thể là môi trường trong sạch để thu hút đa dạng lứa tuổi đến trải nghiệm sinh sống, tạo ra sức sống.

4. Kết luận

Đối với nông thôn, khó có thể áp dụng một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống. Mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc nhận diện kiến trúc đặc trưng (cảnh quan đặc trưng) trong việc quy hoạch tổng thể không gian nông thôn dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương là quan trọng. Việc nhận diện đặc thù kiến trúc nông thôn có giá trị trong nền kinh tế mới, cuộc sống với các phương tiện hiện đại, sẽ giúp cho không gian kiến trúc nông thôn định vị được vị trí của mình trong sự phát triển tới tương lai.

Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 12/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)