Xây dựng đô thị thông minh Thanh Hóa - Cơ hội & thách thức

Thứ hai, 10/01/2022 20:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tóm tắt: Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, thành phố Thanh Hóa đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí của đô thị loại I. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về các lĩnh vực như: chính quyền đô thị, kinh tế, phát triển con người, văn hóa - xã hội, kết cấu hạ tầng và môi trường. Xây dựng đô thị Thanh Hóa hướng tới đô thị thông minh chính là phương thức tất yếu để phát triển thành phố, tận dụng được những thế mạnh và cơ hội khắc phục hạn chế và thách thức, tạo sức bật mới cho sự phát triển trong tương lai.

Phát triển đô thị thông minh là phương thức phát triển mới, tạo ra đột phá trong phát triển đô thị. Phát triển đô thị hiện đại không chỉ hàm ý là xây dựng đô thị với kết cấu hạ tầng, điều kiện sống… mà còn là phương thức phát triển mới. Có thể xem phát triển đô thị hiện đại, bền vững theo hướng phát triển xanh, thông minh là phương thức giúp tạo ra đột phá phát triển, giải quyết cá điểm nghẽn trong tăng trưởng và phát triển hiện nay ở đô thị.

Thành phố thông minh là giải pháp quan trọng để thành phố Thanh Hóa giải quyết các khó khăn, thách thức, bứt phá lên một tầm cao mới, nâng cao tính cạnh tranh của thành phố; giúp thành phố tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên; sẽ làm cho chất lượng sống của người dân được nâng cao, các dịch vụ được tối ưu hóa, môi trường sống trong sạch; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội; an ninh, trật tự được đảm bảo và tăng cường thành phố thông minh sẽ đưa thành phố phát triển bền vững.

I. Những thuận lợi, khó khăn đối với thành phố Thanh Hóa trong phát triển đô thị thông minh

1. Thuận lợi

Một là, phát triển đô thị hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh, thông minh là chủ trương của Đảng và Nhà nước, thể hiện gián tiếp và trực tiếp trong nhiều Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách có liên quan.

Hai là, thành phố Thanh Hóa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa.

Ba là, thành phố Thanh Hóa đã có đà phát triển và tích lũy trong nhiều năm, đã hình thành được đô thị khá hiện đại. Thành phố đã có hạ tầng tương đối phát triển, có nhiều trung tâm buôn bán, kinh doanh sầm uất, đã phát triển được hệ thống khu công nghiệp và quy hoạch được một số khu công nghiệp khác. Thành phố nằm trên trục giao thông Bắc Nam với hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi, cách không xa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đầu tư phát triển thành phố trong những năm qua đã đạt được nhiều đột phá, nhiều dự án giao thông, khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng và quy hoạch

Bốn là, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố rất tâm huyết và quyết tâm phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh - thông minh, xứng đáng là trung tâm của tỉnh Thanh Hóa và là trung tâm kinh tế của vùng Nam Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Năm là, khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng các nền tảng chia sẻ tri thức, công nghệ ngày càng phổ biến, các công nghệ nguồn mở cho phép việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và phát triển đô thị dễ dàng hơn, rộng rãi hơn và với chi phí thấp hơn.

Sáu là, đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ các thành phố trên thế giới xây dựng đô thị xanh, thông minh để thành phố Thanh Hóa tham khảo, học tập.

2. Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững, theo hướng đô thị xanh, thông minh, gặp phải những thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, xuất phát điểm của thành phố Thanh Hóa còn thấp. Trải qua quá trình phát triển, thành phố Thanh Hóa đã có sự phát triển khá toàn diện, tuy nhiên, về cơ bản vẫn là một thành phố nhỏ, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, trình độ khoa học công nghệ, trình độ phát triển đô thị chưa cao, kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng được nhu cầu ở thời điểm hiện tại, nhưng còn kém phát triển nếu so với các đô thị lớn ở trong nước, chưa nói tới các đô thị quốc tế.

Thứ hai, phát triển đô thị hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh, thông minh đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Mặc dù cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại nhiều công nghệ mới, đặc biệt là nhiều công nghệ mã nguồn mở với chi phí thấp, nhưng về tổng thể, đầu tư phát triển cả hạ tầng phần cứng và phần mềm đều đòi hỏi chi phí lớn. Trong điều kiện ngân sách của thành phố và của tỉnh còn hạn chế, nguồn lực xã hội cũng có hạn và không dễ huy động, điều này đặt ra thách thức lớn mà thành phố phải vượt qua.

Thứ ba, thành phố Thanh Hóa là thành phố trực thuộc tỉnh nên khó chủ động về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực, phụ thuộc nhiều vào chính sách từ Trung ương và của tỉnh. Tỉnh và thành phố Thanh Hóa khó có cơ chế đặc biệt để phát triển, nếu so với các đô thị trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM… Trong khi đó, so với nhiều địa phương khác, nguồn lực của tỉnh và thành phố còn hạn chế

Thứ tư, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về định hướng phát triển, về phương pháp thực hiện trong xây dựng đô thị thông minh. Điều này gây khó khăn cho thành phố Thanh Hóa trong định hướng, lựa chọn hướng đi, lựa chọn phương án phát triển sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương và đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ năm, phát triển đô thị thông minh là hướng đi mới, thành phố Thanh Hóa chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Mặc dù nhiều đô thị trong nước đã triển khai xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh nhưng phần lớn mới chỉ bắt đầu triển khai, chưa có nhiều bài học thành công, hay thất bại để thành phố Thanh Hóa tham khảo, học tập.

Thứ sáu, phát triển đô thị thông minh đòi hỏi phải thay đổi tư duy và cách thức làm việc của bộ máy chính quyền nói riêng, của toàn thể doanh nghiệp và cư dân trong đô thị nói chung. Đó là tư duy mới về phát triển bền vững, về xây dựng và vận hành chính quyền thông minh, phục vụ, về nền kinh tế thông minh dựa trên công nghệ cao, về con người và đời sống thông minh, về quản trị đô thị và môi trường… Điều này không dễ khi phải thay đổi những thủ tục cũ, những thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu.

II. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh

Để có cơ sở định hướng và tìm giải pháp phát triển thành phố Thanh Hóa, cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thành phố (phân tích SWOT) trong phát triển đô thị.

1. Điểm mạnh

Thành phố Thanh Hóa có những thế mạnh để phát triển đô thị thông minh

- Cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ, nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ còn công nghiệp cũng chỉ chiếm khoảng 1/3 giá trị sản xuất. Đây là cơ cấu kinh tế phù hợp để phát triển đô thị hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh, thông minh.

- Quá trình đô thị hóa ở thành phố Thanh Hóa đang diễn ra nhanh chóng với sự tham gia của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Hàng loạt khu đô thị mới được xây dựng, tạo ra bộ mặt mới, hiện đại.

- Kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố Thanh Hóa tương đối hoàn thiện ở những khu vực đô thị hiện tại và còn nhiều dư địa để phát triển và mở rộng khi đô thị phát triển. Địa chất, địa hình của thành phố thuận lợi cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

- Thành phố có nguồn nhân lực dồi dào chất lượng tương đối cao, có điều kiện tiềm năng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong tỉnh và là người gốc Thanh Hóa. Ngoài ra, tỉnh có thể thu hút nhân lực chất lượng cao ở vùng Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, là những vùng có nguồn nhân lực đông đảo với chất lượng khá tốt. Đây là điều kiện để thành phố xây dựng con người thông minh, phát triển kinh tế thông minh.

- Thành phố có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có rừng, núi, sông, hồ, địa hình đa dạng để phát triển đô thị hiện đại, xanh, sạch, bền vững.

2. Điểm yếu

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, thành phố Thanh Hóa có những điểm yếu chủ yếu sau:

- Kinh tế phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh còn yếu, thiếu các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, thiếu môi trường cho khởi nghiệp, sáng tạo. Nói cách khác, kinh tế thành phố Thanh Hóa phát triển chưa bền vững, nền tảng khoa học công nghệ chưa cao, sức cạnh tranh còn thấp và sẽ rất khó khăn để phát triển kinh tế thông minh.

- Kết cấu hạ tầng và bộ máy cho đô thị thông minh còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ, thiếu liên thông, kết nối. Thành phố đã trang bị một số nền tảng công nghệ thông tin, tuy nhiên còn ở mức độ sơ khai, mới chỉ hỗ trợ điện tử hóa một phần các thủ tục hành chính và phục vụ xử lý văn bản.

- Nguồn lực tài chính, vật chất để đầu tư cho sự phát triển không nhiều. Thành phố Thanh Hóa mới chỉ là thành phố cấp I trực thuộc tỉnh nên tiềm lực và thẩm quyền quản lý còn hạn chế. Khả năng thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng không cao. So với nhiều đô thị khác thì sức hút và tiềm lực của thành phố Thanh Hóa còn yếu.

- Vị trí địa lý của thành phố Thanh Hóa không thuận lợi bằng nhiều đô thị khác do xa trung tâm kinh tế lớn, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút nguồn lực đầu tư, thu hút doanh nghiệp và nhân lực của các đô thị Bắc Trung Bộ và đô thị Bắc Bộ.

3. Cơ hội

- Đảng và Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy để xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và thành phố Thanh Hóa đã có chủ trương và quyết tâm xây dựng thành phố thông minh Thanh Hóa. Đây chính là tiền đề để thành phố Thanh Hóa xây dựng đề án và thực hiện phát triển đô thị hiện đại, bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh.

- Thành phố đang đô thị hóa nhanh chóng nên có thể chủ động quy hoạch phát triển các khu đô thị mới đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị hiện đại, đảm bảo môi trường và xây dựng hạ tầng ứng dụng thông minh. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển đô thị thành phố Thanh Hóa.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển đô thị. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như chủ trương số hóa nền kinh tế, xây dựng chính phủ điện tử, Chính phủ số, phát triển thành phố thông minh chính là cơ hội giúp thành phố Thanh Hóa có được sự đồng ý về chủ trương, tiếp cận nguồn lực đầu tư, có các chính sách để có thể phát triển kinh tế thông minh, chính quyền thông minh, giao thông thông minh…

- Với nguồn nhân lực chất lượng khá cao, thành phố có cơ hội thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển vườn ươm và hệ sinh thái công nghệ cao.

4. Thách thức

Bên cạnh cơ hội, phát triển đô thị của thành phố Thanh Hóa cũng đối mặt với thách thức lớn.

- Cạnh tranh  của các thành phố ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ rất mạnh mẽ. Các thành phố như Hà  Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Bắc Ninh, Vinh…đang là các đô thị thu hút nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, thậm chí từ chính thành phố Thanh Hóa. Để cạnh tranh với các đô thị này, thành phố phải tạo được sự khác biệt và sức hấp dẫn riêng.

- Giống như các đô thị khác, thành phố Thanh Hóa gặp thách thức là vừa phát triển công nghiệp, dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh đô thị hóa vừa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là thách thức của mọi đô thị và rất nhiều đô thị chưa giải quyết được, tăng trưởng nhưng kèm theo các vấn đề đô thị nhức nhối.

- Thách thức trong đầu tư xây dựng đô thị xanh, thông minh làm sao đồng bộ, liên thông, kết nối, chia sẻ giúp nhiều bộ phận, nhiều công nghệ khác nhau. Nếu không tính toán đầu tư phù hợp sẽ dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, không kết nối, thiếu chia sẻ, thiếu đồng bộ và không phát huy hiệu quả.

III. Chiến lược dựa trên phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức

1. Chiến lược S-O: Sử dụng điểm mạnh để khai thác cơ hội

- Đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, sử dụng điểm mạnh là nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác những cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tạo ra.

- Khai thác thế mạnh về đặc điểm tự nhiên với núi, rừng, sông, hồ để phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh gắn liền với phát triển du lịch, tạo ra đời sống đô thị hiện đại, xanh, thông minh.

- Xây dựng thành phố Thanh Hóa thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của vùng Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, khai thác thế mạnh về dịch vụ của thành phố. Trước mắt, thành phố Thanh Hóa là trung tâm cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, tài chính…phục vụ cho toàn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Nghệ An và các tỉnh giáp biên giới của Lào.

- Hợp tác với thành phố Sầm Sơn để khai thác phát triển du lịch biển, biến thành phố Thanh Hóa vừa là trung tâm trung chuyển du lịch tới Sầm Sơn, vừa là điểm đến trong các tour du lịch liên hoàn, kết nối hai thành phố.

- Khai thác cơ hội gắn với chủ trương của Chính phủ về phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số để phát triển mạnh chính quyền điện tử và đô thị thông minh ở thành phố Thanh Hóa.

2. Chiến lược S-T: Sử dụng điểm mạnh để hạn chế thách thức

Để hạn chế các thách thức, thành phố Thanh Hóa cần khai thác điểm mạnh, sử dụng các điểm mạnh để xây dựng chiến lược khắc phục các hạn chế.

- Thành phố cần tận dụng điểm mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực có chất lượng khác, sớm thực hiện quy hoạch bài bản theo hướng đô thị hiện đại, bền vững hướng tới dịch vụ và công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để hạn chế thách thức về phát triển hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa nhanh và bảo vệ môi trường.

- Tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và khá dồi dào của thành phố và tỉnh Thanh Hóa để khắc phục thách thức cạnh tranh của các địa phương khác, khắc phục hạn chế do vị trí địa lý không thật thuận lợi nằm xa các trung tâm kinh tế lớn.

3. Chiến lược W-O: Tận dụng cơ hội để khắc phục điểm yếu

Để khắc phục điểm yếu, thành phố có thể khai thác các cơ hội tạo ra. Cụ thể:

- Thành phố có thể tận dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 để khắc phục điểm yếu về vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn. Thương mại điện tử, các dịch vụ trực tuyến cho phép rút ngắn khoảng cách địa lý, nâng cao sức cạnh tranh của thành phố Thanh Hóa. Các dịch vụ thế mạnh của thành phố có thể được cung cấp trên các nền tảng trực tuyến, từ xa thay vì phải đến tận địa điểm của khách hàng.

- Vận dụng tốt các chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số…để có nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, canh, thông tinh, khắc phục hạn chế về nguồn lực đầu tư.

- Khai thác các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển dịch sang dịch vụ công nghệ cao, dựa trên công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số để khắc phục điểm yếu trong cơ cấu kinh tế, trình độ công nghệ.

4. Chiến lược O-T: Tận dụng cơ hội, khắc phục thách thức

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội cho các đô thị bức phá phát triển. nếu thành phố Thanh Hóa tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công  nghiệp lần thứ tư, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế… hoàn toàn có thể vượt lên trong cạnh tranh với các đô thị trong khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ, xây dựng thành công đô thị thông minh.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra các công nghệ đa dạng, bao gồm các công nghệ mã nguồn mở, điện toán đám mây. Điều này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời cho phép nâng cao khả năng tương tác, kết nối, tích hợp và mở rộng theo yêu cầu, tạo điều kiện để liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm, các ứng dụng khác nhau, giữa các cơ quan, đơn vị khác nhau.

Những phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thành phố Thanh Hóa (phân tích SWOT) trong phát triển đô thị thông minh giúp xây dựng những chiến lược phù hợp. Và đây cũng là một cơ sở quan trọng trong định hướng và tìm giải pháp phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh.

Nguồn: Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 79/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)