Phát triển kinh tế & đô thị Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tại và dịch bệnh

Thứ tư, 29/12/2021 16:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Từ khi xuất hiện cuối năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho gần 250 triệu người tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã có hơn 5 triệu người tử vong vì Covid-19. Theo Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) - United Nations Development Programme, đại dịch Covid-19 là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, thậm chí còn sâu rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Bối cảnh thực tế

Nền kinh tế thế giới đã giảm 3,1% trong năm 2020 do ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch. Nhờ có vắc xin và các chương trình tiêm chủng với độ bao phủ lớn, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ đạt 5,9%, nhưng tình hình phục hồi sẽ chậm trong năm 2022. Kinh tế thế giới vào cuối năm 2022 sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số đáng lẽ sẽ đạt được nếu không có đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ hơn dự báo nhưng không đồng đều với khoảng cách ngày càng lớn giữa các khu vực, nhóm nước, cũng như giữa các lĩnh vực ngành nghề; chủ yếu là do tốc độ và hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vắc xin cũng như năng lực tài chính sẵn có của mỗi quốc gia.

Đối với Việt Nam, năm 2020 được đánh giá tương đối thành công về chống dịch và các mục tiêu kinh tế với tốc độ tăng trưởng 2,91%. Tuy nhiên, năm 2021 với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 do biến chủng Delta, các mục tiêu tăng trưởng của nước ta đều phải điều chỉnh lại và thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Là một nền kinh tế với độ mở cao (trên 200% GDP), những diễn biến kinh tế thế giới do tác động của dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu sắc tới kinh tế Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp do các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa trong nước và quốc tế làm gián đoạn hoạt động thương mại, đầu tư và sản xuất. Tác động còn đến từ các giải pháp tài khóa và tiền tệ của các nước nhằm đối phó và phục hồi kinh tế. Quan trọng hơn, Covid-19 làm thay đổi về quan niệm và hành vi của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân về toàn cầu hóa, về độc lập tự chủ kinh tế, về tiêu dùng, đầu tư, về quản trị quốc gia… Qua đó làm thay đổi xu hướng kinh tế, địa kinh tế trong dài hạn và những xu hướng này dự báo sẽ ảnh hưởng nhiều mặt, phức tạp và sâu sắc đến kinh tế Việt Nam không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các đối tác chính ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Kinh tế Việt Nam chịu tác động hai chiều từ giảm tăng trưởng và cầu xuất khẩu của các nước do Covid-19 cũng như các biện pháp phục hồi tăng trưởng sau đại dịch.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần phải chủ động rất nhiều từ nguồn lực phát triển trong ngắn hạn và trung hạn. Trong ngắn hạn cần tập trung xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững. Trong trung hạn và dài hạn, cần phải tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nahnh phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, đổi mới mô hình công nghiệp hóa, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững hài hòa với phát triển nông nghiệp nông thôn.

Một số vấn đề đặt ra cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị

Kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, tại khu vực đô thị nơi có sự tập trung đông đúc dân cư và các hoạt động kinh tế sản xuất tập trung, thương mại, vui chơi giải trí…diễn ra ở các khu vực chức năng đô thị nhiều hơn hẳn so với khu vực nông thôn và do vậy đô thị thường là những điểm nóng của dịch bệnh Covid-19.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, các đô thị trên toàn cầu phải hứng chịu một sự tác động không có cảnh báo trước, mạnh đến mức hầu hết các đô thị đều phải lựa chọn biện pháp đóng cửa mọi hoạt động, giãn cách xã hội ở quy mô lớn. Ở cấp độ quốc gia, Covid-19 chủ yếu diễn ra tại các đô thị, xu thế chung cho thấy, các điểm dịch thường bùng phát mạnh tại nơi tập trung đông dân cư hơn, nhất là nhóm dân cư thu nhập thấp, công nhân và người lao động.

Các tác động của Covid-19 với đô thị bao trùm nhiều mặt từ khả năng di chuyển, giao thông, đình trệ sản xuất, hoạt động kinh tế, giáo dục…dẫn đến các vấn đề mà chính quyền địa phương phải giải quyết về an sinh xã hội, công bằng, việc làm và thu nhập, dịch vụ đô thị. Các đô thị đóng góp tỉ trọng lớn vào GDP của quốc gia khi bị đình trệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Về đối tượng, đại dịch Covid-19 có tác động sâu rộng tới nhiều nhóm đối tượng ở độ tuổi trưởng thành trở lên, trong đó các nhóm đối tượng như người lang thang cơ nhỡ, lao động tự do, người khuyết tật, lao động thu nhập thấp không có tích lũy là nhóm bị ảnh hưởng lớn từ sự đình trệ hoạt động của đô thị.

Một số vấn đề đặt ra cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị có thể kể đến như:

Một là, sự bùng phát dịch Covid-19 ở khu vực đô thị đã làm dấy lên những lo ngại về việc phát triển của các đô thị lớn với mật độ dân cư cao; thay vào đó có thể hình thành, phát triển hệ thống đô thị nhỏ và gọn hơn.

Hai là, sự bùng phát Covid-19 ở khu vực đô thị cũng làm nổi lên vấn đề về bất bình đẳng xã hội tại các đô thị, đặc biệt các vấn đề về nhà ổ chuột, khu ở không chính thức, lao động phi chính thức, người vô gia cư… bởi đây là những khu vực và con người dễ tổn thương khi đối mặt với dịch bệnh nói chung.

Ba là, sự bùng phát dịch Covid-19 ở khu vực đô thị đặt ra yêu cầu về tái tổ chức không gian đô thị: Đặc biệt là các không gian công cộng nhằm vừa đảm bảo người dân vẫn được hưởng thụ các không gian công cộng, không gian xanh tại các đô thị nhưng không tụ tập đông người, mật độ cao khi không cần thiết.

Bốn là, về tái tổ chức hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người dân (đi bộ, đạp xe). Các hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tầu điện, tầu điện ngầm… nơi nguy cơ lây nhiễm cao do tập trung đông người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi các hình thức giao thông phi cơ giới như đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện cá nhân cho thấy khả năng chống chọi tốt hơn đối với đại dịch.

Năm là, Covid-19 đã mang đến cơ hội tốt kiểm tra khả năng của các giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề xã hội ở quy mô đô thị cũng như tạo thêm động lực thúc đẩy cho sự phát triển của đô thị thông minh. Trong cuộc chiến với đại dịch, rất nhiều công nghệ thông minh đã được sử dụng thay thế cho phương thức thực hiện thông thường. Việc giám sát theo thời gian thực và phân tích dữ liệu lớn đã đem lại kết quả ấn tượng, dự báo và đưa ra các quyết định phản ứng hiệu quả với các tình huống xảy ra.

Sáu là, về phát triển đô thị bền vững: Dịch bệnh Covid-19 nói riêng và dịch bệnh trong tương lai nói chung đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải phát triển các đô thị theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường.

Bảy là, về kinh tế khu vực đô thị, đại dịch đã làm suy giảm nguồn thu của rất nhiều đô thị, làm giảm khả năng thực hiện các kế hoạch phát triển đô thị. Đại dịch còn làm bộc lộ ra tính dễ bị tổn thương của các đô thị trên toàn cầu. Các đô thị có nền kinh tế chủ đạo dựa vào phát triển công nghiệp hay du lịch, các đô thị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm đều gánh chịu thiệt hại nặng nề. Điều này đặt ra yêu cầu về việc chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo cơ cấu kinh tế đa dạng hơn và khả năng tự cung tự cấp của các đô thị phải tốt hơn.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với các đô thị Việt Nam

Bên cạnh Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu đối với các đô thị Việt Nam đã và đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Nằm trong top 10 quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, các ngành kinh tế của Việt Nam tập trung nhiều ở tỉnh thành, đô thị ven biển nơi hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Việt Nam đứng thứ 7 trong số những nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, dễ bị tổn thương bởi hạn hán, bão, lũ lụt; những thảm họa thiên nhiên này đã cướp đi mạng sống của 13.000 người và gây thiệt hại về tài sản trị giá 6,4 tỷ đô la tương đương 1,5% GDP trong hai thập kỷ qua. Thiên tai gây ra thiệt hại lớn cho các ngành kinh tế và dịch vụ công trọng điểm. Mỗi năm, khoảng 852 triệu đô la Mỹ (0,5% GDP của Việt Nam) và 316.000 việc làm trong các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp phải hứng chịu rủi ro do lũ lụt trực tiếp gây ra. Du lịch ven biển chủ yếu dựa vào bãi biển và các hệ sinh thái nguyên sinh, nhưng ước tính có khoảng 42%  số khách sạn ven biển nằm gần những bãi biển đang bị xói lở. Trên toàn quốc, khoảng một nửa số cơ sở y tế nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt cao. Ở một số tỉnh, tỷ lệ này thậm chí còn lên đến gần 100%. Hơn một phần ba mạng truyền tải và phân phối điện của Việt Nam nằm trên đất rừng, dễ bị cây đổ vào khi có bão. Mất điện làm gián đoạn sản xuất và giảm tỷ lệ vận hành thiết bị. Lũ lụt cũng là yếu tố nguy cơ cao do Việt Nam có đường bờ biển dài 3200km, trong khi 70% dân số tập trung ở các vùng đồng bằng thấp - chủ yếu là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này đặt ra thách thức về nguy cơ thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Cụ thể, khi mực nước biển dâng 1m thì có 11% dân số sẽ bị ảnh hưởng. Báo cáo Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển cũng đánh giá nếu trì hoãn thực hiện các hành động này 10 năm sẽ  làm cho những cú sốc tự nhiên có thể ảnh hưởng lên khoảng 4,3 tỷ đô la Mỹ giá trị phát triển kinh tế.

Bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị Miền núi và Tây Nguyên với 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất lớn. Báo cáo nghiên cứu của World Bank về những tác động của biến đổi khí hậu, và nước biển dâng có thể dâng cao thêm 30cm vào năm 2050 theo kịch bản cực đoan nhất. Cũng theo kịch bản cực đoan này, có thể có khoảng 4,5 triệu người thuộc các tỉnh thành ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng có thể đẩy 1,2 triệu người Việt Nam vào cảnh đói nghèo và gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng đường bộ trong giai đoạn 2010-2050 tối đa khoảng 55 tỷ đô la Mỹ. Nước biển dâng và hạn hán cũng có thể làm trầm trọng thêm mức độ xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và các ngành công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đồng thời khiến chi phí thích ứng cao do phải đầu tư máy bơm và các thiết bị khác để duy trì lượng nước và độ mặn thích hợp trong các ao hồ hay ở vùng đất trũng.

Ngập úng đô thị là vấn đề ngày càng phổ biến tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân; làm hư hại các công trình xây dựng, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường… Ngập úng đã, đang diễn ra từ các đô thị vùng đồng bằng, duyên hải ven biển đến các đô thị vùng trung du miền núi và cao nguyên.

Cần đặc biệt tăng cường tính liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị.

Trong bối cảnh Covid-19 và biến đổi khí hậu đã, đang và tiếp tục là những thách thức lớn đối với mô hình và sự phát triển của các đô thị trên thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm bất bình đẳng xã hội, tái tổ chức không gian đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế khu vực đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bền vững và bao trùm và đặc biệt tăng cường tính liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị trong mạng lưới đô thị vùng và đô thị quốc gia.

Trong thời gian qua, Ban kinh tế Trung ương đã chủ trì phối hợp cùng Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tham vấn các tổ chức quốc tế, chuyên gia hoàn thành nghiên cứu Đề án trình Bộ chính trị về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hi vọng trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết để lãnh đạo về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam.

Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 79/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)