Phân tích đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chi phí tới suất vốn đầu tư xây dựng công trình theo các tiêu chí công trình xanh

Thứ tư, 17/02/2021 16:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tóm tắt:

Công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước và vật liệu, giảm thiểu và hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua: sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người sử dụng, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng công trình xanh được coi là một phần quan trọng, tích cực và hiệu quả trong các hoạt động có ý thức của toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng. Do đó, cần thiết phải tìm hiểu thực trạng về xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh qua đó phân tích đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chi phí tới suất vốn đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh để làm cơ sở cho việc xác định tổng mức đầu tư, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án công trình xanh tại Việt Nam.

1. Thực trạng xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh

1.1. Tại một số nước trên thế giới

Hiện nay rào cản về kinh tế, đặc biệt là sự hoài nghi về chi phí đầu tư ban đầu cho công trình xanh đã khiến cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư ngần ngại khi đứng trước lựa chọn đầu tư vào loại công trình thân thiện môi trường này. Tại Mỹ, những năm 2009 cũng có những quan niệm cho rằng công trình xanh luôn đi kèm với chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu dần chỉ ra rằng chi phí đầu tư ban đầu cho công trình xanh chỉ cao hơn công trình thông thường khoảng 2-8% tùy thuộc vào thiết kế, công nghệ sử dụng, và mức chứng chỉ công trình xanh mà công trình hướng tới. Chi phí tăng thêm cho 33 công trình đạt chứng chỉ công trình xanh Mỹ (LEED) tại California trong nghiên cứu của Kats (2003) được chỉ ra cụ thể như bảng 1.

Mức chứng chỉ

Chi phí tăng thêm trung bình (%)

Mức 1 – Đạt (Certified)

0,66

Mức 2 – Bạc (Silver)

2,11

Mức 3 – Vàng (Gold)

1,82

Mức 4 – bạch kim (Platinum)

6,5

Trung bình

1,84

(Bảng 1: mức chứng chỉ và chi phí tawg thêm tương ứng)

Số liệu nghiên cứu năm 2009 tại Trung Quốc cho thấy chi phí đầu tư xây dựng công trình cao hơn chủ yếu là do áp dụng các công nghệ tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, ví dụ: sử dụng năng lượng tái tạo (ảnh hưởng tới 48,20%), giảm năng lượng của lớp kết cấu bao che (23,20%), thiết kế tòa nhà thông minh (16,10%), điều khiển vi khí hậu trong tòa nhà (7,5%), tận dụng nước và thu gom nước mưa (2,60%) (được trích dẫn trong nghiên cứu của Liu, Gue, & Hu. Một nghiên cứu khác cũng tại Trung Quốc hiện so sánh sâu về chi phí trên 03 dự án công trình xanh cho thấy phương pháp thiết kế thụ động - passive design (như cách nhiệt, thông gió, bình nước năng lượng mặt trởi) tương đối rẻ hơn so với thiết kế chủ động - active design (như pin năng lượng mặt trời hoặc thiết bị điều hòa không khí)

Một nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu Đài Loan năm 2019 kết luận về hệ thống đánh giá công trình xanh LEED của Mỹ trong giai đoạn thiết kế để xác nhận các mục tiêu của thiết kế bền vững và tổng mức đầu tư xây dựng một tòa nhà được chứng nhận xanh (thuộc loại hình công trình thư viện, phòng thí nghiệm và các dự án lớp học) không nhất thiết phải tăng tổng mức đầu tư . Ngoài ra, theo một nghiên cứu tài liệu ở Anh, các chuyên gia tư vấn thường nghĩ rằng các tòa nhà thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn có chi phí thêm khoảng 5% đến 15%; tuy nhiên, miễn là thiết kế phù hợp, chi phí tăng thêm của các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường thậm chí có thể không quá 1% khi so sánh với một công trình thông thường. Do đó, quan niệm sai lầm rằng các công trình xanh tốn nhiều chi phí vốn hơn nên bắt đầu bị xua tan. Tổng kết về việc tăng thêm chi phí công trình xanh của một số nước trên thế giới đươc nhóm nghiên cứu Đài Loan chỉ ra ở bảng 2.

STT

Quốc gia

Loại hình công trình

Chi phí xây dựng tăng thêm

1

Vương Quốc Anh

Nhà ở, Thương mại, Công nghiệp

5-15% hoặc có thể dưới 1%

2

Trung Quốc

Khách sạn, chung cư, văn phòng làm việc

Khách sạn: 8,5%, Chung cư: 10,3%, Văn phòng làm việc: 13,9%

3

Mỹ

Chung cư, nhà ở

10,77%

Văn phòng làm việc, trường học

0,66-6,5%

Thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học

<0,5%

Ngân hàng

2-3%

4

New Zealand

Văn phòng làm việc

<0,5%

5

Israel

Văn phòng làm việc

4,33-11,6%

(Bảng 2: Kết quả nghiên cứu liên quan về việc tăng thêm chi phí xây dựng của các công trình được chứng nhận công trình xanh)

Trong khi đó tại Singapore, thông qua kết quả khảo sát năm 2017 của 121 dự án công trình xanh đạt chứng nhận Green Mark của 3 loại hình chung cư, trung tâm thương mại, trụ sở làm việc cho thấy chi phí để thực hiện xây dựng theeo tiêu chí công trình xanh chiếm tỷ lệ so với tổng mức đầu tư của dự án như bảng 3.

Số lượng công trình

57

10

54

Quy mô dự án

Tỉ lệ trung bình chi phí xanh trong TMĐT dự án công trình xanh

Công trình thương mại

Công trình văn phòng làm việc

Công trình nhà chung cư

Quy mô nhỏ: dưới 5 triệu $

7%

4,2%

11,5%

Quy mô vừa: từ 5 triệu đến 50 triệu $

7,7%

7,5%

12,5%

Quy mô lớn: từ 50 triệu $ trở lên

3,8%

 

2,5%

4,3%

(Bảng 3: Tỉ lệ trung bình chi phí thực hiện xanh trong tổng mức đầu tư các dự án ở Singapore theo quy mô dự án)

Một kết quả khác từ nghiên cứu về chi phí tăng thêm các công trình xanh tại Hồng Kông năm 2017 theo tiêu chí đánh giá của chứng nhận BEAM Plus (hệ thống chứng nhận theo thang điểm tương tự như LEED hay LOTUS) bằng phương pháp xây dựng một mô hình giả định theo “nguyên tắc thiết kế bền vững” (The Sustainable Building Design Guidelines cho thấy như bảng 4:

Xếp hạng CTX

Chi phí xây dựng tăng thêm

Chi phí tư vấn tăng thêm

Không xếp hạng

1%

-

Đồng (Bronze)

1-3%

2-4%

Bạc (Silver)

1-3%

2-4%

Vàng (Gold)

5-10%

5-8%

Bạch Kim (Platinum)

5-10%

5-8%

(Bảng 4: Chi phí tăng thêm theo cấp chứng nhận CTX tại Hồng Kông)

Ghi chú:

Kết quả của bảng trên dựa trên mô hình cơ sở có tổng mức đầu tư 300 triệu HK$

Công trình không xếp hạng ở bảng trên là công trình đạt được điều kiện tiên quyết của chứng nhận BEAM Plus (cũng đạt diện tích sàn tối thiểu) nhưng chưa đạt tới cấp độ nào của chứng nhận.

Các chi phí tăng thêm ở trên chưa tính đến chi phí cấp chứng nhận công trình xanh tại Hồng Kông. Mức chi phí này được xác định dựa trên quy mô tổng diện tích sàn của công trình theo bảng 5:

Quy mô công trình

Tổng diện tích sàn xây dựng (m2)

Phí đăng ký (HK$)

Phí thẩm định (HK$)

Rất nhỏ

<2.500

55.000

104.000

Nhỏ

2.500-24.999

110.000

197.400

Vừa

25.000-49.999

150.000

275.800

Lớn

50.000-99.999

220.000

577.500

Khá lớn

100.000-199.999

300.000

841.000

Rất lớn

200.000-400.000

400.000

1.237.300

Quy mô lớn hơn quy định trên

600.000

Tùy thuộc quy mô

(Bảng 5: Chi phí cấp chứng nhận công trình xanh tại Hồng Kông)

Từ kết quả nghiên cứu của một số nước trên thế giới, chúng ta có thể thấy rằng do sự khác biệt về yêu cầu, cơ chế chính sách của ngành xây dựng và năng lực hoạt động xây dựng của các nước nên cách thức tiến hành cho mỗi trường hợp xây dựng để đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh là khác nhau dẫn tới việc ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng cũng rất khác nhau. Mặc dù đa số trường hợp để đạt được chứng nhận công trình xanh cần phải có chi phí cao hơn nhưng vẫn có trường hợp theo điều kiện xây dựng, các yêu cầu về chứng nhận công trình xanh có thể vẫn được đạt được với chi phí xây dựng thấp hoặc không thay đổi. Tại Hoa Kỳ, từ những năm 2010 đã có những nghiên cứu phát triển một thuật toán tối ưu háo để đạt dược điểm tối thiểu cho mức chứng nhận công trình xanh mong muốn với chi phí thấp thông quan phân tích, lập kế hoạch và thiết kế, có nhiều chiến lược và cách để xây dựng công trình để đạt được tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh.

1.2. Tại Việt Nam

Công trình xanh là công trình được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải ô nhiễm, cải thiện tiện nghi cho người sử dụng, đối phó hiểm họa khí hậu, hòa nhập cộng đồng…vì vậy các công trình xanh cũng phải sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào phù hợp và đáp ứng tiêu chí công trình xanh. Chính vì vậy các công trình xanh ở Việt Nam thường có chi phí đầu tư cao hơn so với các dự án đầu tư thông thường. Đây là một trong những trở ngại chính khiến cho các chủ đầu tư cũng như các bên liên quan chưa thực sự hiểu rõ lợi ích đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xanh.

Chi phí phụ trội trong xây dựng công trình xanh thường được tính dựa trên chi phí phát sinh để công trình đạt Chứng nhận công trình xanh so với tổng mức đầu tư xây dựng ban đầu đối với công trình thông thường ban đầu của chủ đầu tư. Như phân tích ở trên, các số liệu về chi phí công trình ít khi được chủ đầu tư công bố. Đa số các báo cáo phân tích cho đến nay thu nhập dữ liệu từ rất nhiều nguồn, bao gồm cả phỏng vấn với các thành viên dự án (thiết kế, tư vấn), trao đổi thông tin giữa hội đồng công trình xanh và chủ đầu tư…

Trong hầu hết trường hợp, mức chi phí tăng thêm phụ thuộc khá nhiều vào mức chứng nhận công trình xanh mà chủ đầu tư mong muốn đạt được. Theo tổng hợp của hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) mức chi phí tăng thêm cho các mức chứng nhận công trình xanh LOTUS đối với các công trình nhà ở, văn phòng phổ biến như bảng 6 (số liệu mang tính chất tham khảo)

Mức chứng nhận

Chi phí đầu tư tăng thêm

Đạt chứng nhận (Certified)

1,2-2%

Bạc (Silver)

1,2-2%

Vàng (Gold)

1,8-5%

Bạch kim (Platinum)

5-10%

(Bảng 6: Chi phí tăng thêm khi đầu tư xây dựng công trình xanh ở Việt Nam)

Kinh nghiệm từ các dự án công trình xanh thực tế và các chuyên gia của VGBC cho rằng một dự án có thể đạt chứng nhận công trình xanh LOTUS đến hạng Bạc mà chi phí tăng thêm không quá 1-2% nếu làm được những việc sau:

- Bắt đầu sớm: Đặt mục tiêu đạt chứng nhận Công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu tiên của dự án, khi thiết kế sơ bộ hoặc sớm hơn.

- Kinh nghiệm: làm việc với đội ngũ thiết kế và xây dựng dày dặn kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực công trình xanh.

- Áp dụng quy trình thiết kế tích hợp và thiết kế thụ động từ giai đoạn tiền thiết kế xuyên suốt đến khi nghiệm thu và vận hành dự án. Trong trường hợp lý tưởng, đội tư vấn – thiết kế cần có sự tham gia của các nhà thầu, quản lý vận hành, phân tích tài chính…

2. Phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng tới suất vốn đầu tư xây dựng công trình (phân tích, đánh giá tác động tới các khoản mức chi phí trong tổng mức đầu tư)

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh như: LEED của Hội đồng Công trình xanh của Mỹ, GBTool của Bộ Tài nguyên Canada, Green Star của Hội đồng công trình xanh Úc, BEAM Plus của Hội đồng công trình xanh Hồng Kông, BCA Green Mark của Cục Công trình và Xây dựng, Bộ Phát triển quốc gia Singapore, LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam, EDGE của tổ chức tài chính quốc tế IFC… Các hệ thống đánh giá này đều tập trung vào các nhóm tiêu chí chủ yếu là: Sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả, tương tác thân thiện môi trường và tác động nâng cao ý thức cộng đồng. Do đó khi phân tích, đánh giá tác động của các nhóm tiêu chí này tới các khoản mục chi phí trong chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh cần tập trung vào các yếu tố có thể lượng hóa được thành chi phí (như chi phí vật liệu, thiết bị, chi phí thiết kế, dịch vụ…) ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định và quản lý chi phí xây dựng các công trình trong đó bao gồm cả các công trình xanh vẫn được thực hiện căn cứ theo Nghị định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích, đánh giá tác động của các nhóm tiêu chí công trình xanh này tới các khoản mục chi phí xây dựng, thiết bị (bao gồm vật liệu, thiết bị, nhân công, máy thi công) và các khoản chi phí còn lại (chi phí quản lý, tư vấn, chi phí khác).

2.1. Chi phí vật liệu, thiết bị công trình

Chi phí cho thiết bị và vật liệu xanh: chi phí tăng thêm do mua thiết bị và vật liệu xanh thay vì mua thiết bị và vật liệu thông thường bắt đầu trở nên đáng kể nếu dự án đặt mục tiêu các mức chứng nhận cao, như Vàng hay Bạch kim.

Các thành phần kết cấu bao che mặt ngoài từ mái che, tường, kính…cho đến các loại vật liệu hoàn thiện khác như cửa, tấm ốp, sàn, tường, xi măng, sắt, thép, sơn và nội thất đều có sự đóng góp riêng vào hiệu quả đạt tiêu chí xanh của mỗi công trình. Thông thường, vật liệu và cấu kiện công trình xanh phải đạt được ít nhất 1 trong 5 tiêu chí sau đây:

- Có hiệu quả về sử dụng tài nguyên, vật liệu và cấu kiện từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là vật liệu và cấu kiện từ nguồn tài nguyên có thể tái sinh, tái tạo, giảm thiểu chất thải từ giai đoạn thi công xây dựng đến giai đoạn sửa chữa nâng cấp công trình, sử dụng tiết kiệm vật liệu xây dựng, nhất là đối với vật liệu không thể tái sinh; tái sử dụng, sử dụng vật liệu và cấu kiện được tái chế từ chất thải;

- Tạo ra chất lượng môi trường không khí trong nhà có lợi cho sức khỏe người sử dụng. Bản thân vật liệu không phát thải các hóa chất độc hại, như là các khí ô nhiêm VOC (Volatile Organic Compounds) trong quá trình sản xuất, thi công lắp ráp, cũng như khi cần làm sạch bề mặt chúng cũng không phát thải khí VOCs. Đồng thời chúng không tích ẩm ướt tạo ra môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi trùng gây hại sức khỏe sinh nở và phát triển;

- Có hiệu quả về sử dụng năng lượng: Các vật liệu và cấu kiện có khả năng giảm thiểu tiêu thụ năng lượng của công trình xây dựng, như là vật liệu nhẹ cách nhiệt, vật liệu phản xạ bức xạ mặt trời, các loại kính che râm ngăn bức xạ nhiệt xuyên qua cửa sổ vào nhà. Tối đa hóa việc sử dụng vật liệu địa phương để giảm thiểu chi phí năng lượng phục vụ cho vận chuyển và sản xuất chế tạo, vật liệu và cấu kiện mà khi chế tạo chúng tiêu thụ ít năng lượng nhất, ít hoặc không phát thải khí CO2, như là gạch không nung.

- Bảo tồn tài nguyên nước: Vật liệu và cấu kiện mà trong quá trình chế tạo, thi công xây dựng tiêu thụ nước ít nhất, đồng thời khi đưa vào công trình có tác dụng bảo tồn tài nguyên nước khu vực;

- Chi phí tài chính hợp lý: Vật liệu và cấu kiện công trình xanh với tỷ lệ kinh phí chi chi nó trong quá trình đầu tư, thi công xây dựng, cũng như cả vòng đời sử dụng công trình so với chi phí của toàn bộ công trình là hợp lý.

Có thể nói, việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và nâng cao giá trị của các công trình xanh. Thực tế hiện nay các loại vật liệu tiết kiệm năng lượng đều có xu hướng đắt hơn so với các loại vật liệu thông thường. Tuy nhiên, nếu lựa chọn đúng loại vật liệu phù hợp, các Chủ đầu tư vẫn có thể tiết kiệm chi phí vật liệu một cách đáng kể mà vẫn mang lại hiệu quả cao.

2.2. Chi phí nhân công, chi phí máy và thiết bị thi công

Hiện nay, việc thực hiện tính toán chi phí nhân công trong tổng mức đầu tư xây dựng vẫn được thực hiện theo Thông tư 05/2016/TT-BXD Hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các quy định của địa phương nơi có công trình xây dựng. Việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong công trình không ảnh hưởng nhiều đến việc phát sinh chi phí nhân công xây dựng so với các công trình thông thường.

Đối với giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng vẫn được xác định theo định mức 1134/QĐ-BXD ngày 8/10/2015 và quy định của từng địa phương trong việc xác định giá ca máy thi công. Hiện nay so với xây dựng các công trình thông thường thì việc xác định chi phí máy và thiết bị thi công cũng không có sự khác biệt.

Như vậy, so sánh với xây dựng các công trình xây dựng khác theo tiêu chí công trình xanh thì chi phí nhân công và máy thi công không ảnh hưởng nhiều. Sự khác biệt chủ yếu về khối lượng các công tác thi công xây dựng những bộ phận công trình, cấu kiện theo tiêu chí công trình xanh.

2.3. Các khoản mục chi phí còn lại trong tổng mức đầu tư dự án

Về chi phí quản lý dự án và các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: Tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì việc quản lý dự án và đầu tư xây dựng công trình đảm bảo theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cưa có đề cập đến trường hợp riêng cho các công việc khi triển khai đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh.

Thông thường ở các dự án công trình xanh đã triển khai, chi phí tăng thêm có thể bao gồm 4 loại chi phí sau:

a) Chi phí đánh giá (nộp cho đơn vị đánh giá và cấp chứng nhận): thường rất nhỏ so với mức đầu tư của dự án. Ví dụ chi phí đánh giá cho một sự án có tổng diện tích sàn (GFA) 25.000m2 theo LOTUS là 132 triệu đồng. Chi phí này bao gồm toàn bộ quá trình từ giai đoạn đánh giá thiết kế đến giai đoạn đánh giá hoàn công và cập nhật dữ liệu vận hành.

b) Chi phí cho việc thu nhập số liệu, hồ sơ, nộp hồ sơ cho đơn vị đánh giá: về nguyên tắc công việc này có thể do chủ đầu tư thực hiện nhưng thường được gộp vào trong một gói thầu dành cho một đơn vị chuyên tư vấn công trình xanh. Công việc này không khó, đặc biệt nếu đã có kinh nghiệm làm qua 1-2 dự án.

c) Chi phí cho hoàn thiện thiết kế: có thể gọi là khoản đầu tư cho “chất xám”. Khoản chi phí mềm này thường có 3 khoản:

- Chi phí cho đơn vị thiết kế để đầu tư thêm thời gian, chuyên gia vào phát triển các giải pháp như thiết kế thụ động nhằm đạt được tối ưu cả về thẩm mỹ và hiệu năng công trình. Công việc này đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên gia nên có làm tăng chi phí cỉa đơn vị thiết kế. Đơn vị thiết kế có thể lấy lí do đó để yêu cầu thêm phí, nhưng điều này khó xảy ra trên thực tế nên kết quả là rất ít tư vấn thiết kế chủ động khuyến nghị chủ đầu tư là,m công trình xanh. Đáp ứng thực tế này, thị trường đã xuất hiện một số đơn vị chuyên tư vấn cho thiết kế chính về thiết kế bền vững (thành một gói thầu riêng). Về lý thuyết, đơn vị tư vấn này sau khi căn chỉnh thiết kế có thể làm giảm đáng kể yêu cầu chiếu sáng và làm mát của công trình, có thể làm giảm đáng kể chi phí cho hệ thống điều hòa thông gió, ngay lập tức bù lại được chi phí của gói thầu. Nhưng hiện tại chỉ có một số chủ đầu tư giàu kinh nghiệm biết tận dụng điều này. Hầu hết chi phí thiết kế cho các gói cơ điện được tính theo % của chi phí xây dựng, nên các đơn vị tư vấn thiết kế cơ điện không hào hứng lắm với việc tối ưu hóa hệ thống điều hòa thông gió, mà thuờng áp dụng những kinh nghiệm sẵn có và đặt mua các hệ thống điều hòa thông gió thừa công suất, gây lãng phí lớn.

- Chi phí mô phỏng năng lượng: việc mô phỏng năng lượng công trình giúp cho đội tư vấn kiểm nghiệm trước các phương án thiết kế và các hệ thống, đánh giá hiệu quả về mặt năng lượng so với chi phí đầu tư. Việc lựa chọn ra phương án thiết kế thụ động và các hệ thống phần cứng tối ưu có thể giúp chủ đầu tư giảm chi phí phần cứng. Nhưng hiện tại còn ít chủ đầu tư sử dụng dịch vụ này và thường chỉ thực hiện do yêu cầu của LEED hay LOTUS.

- Chi phí kiểm tra và nghiệm thu: cũng là một dịch vụ nên có của mọi công trình xây dựng mới nhưng thực tế chỉ được thực hiện khi dự án theo LEED hay LOTUS.

Do đó, khi đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh đối với các công việc cần thiết phải thực hiện như: tư vấn phân tích năng lượng công trình, tư vấn chứng chỉ công trình xanh, tư vấn quản lý dự án theo chứng chỉ công trình xanh… cần phải được lập dự toán riêng và đưa vào tổng mức đầu tư để phê duyệt.

Kết luận:

Qua việc nghiên cứu ở trên có thể rút ra được việc xác định chi phí đầu tư xay dựng công trình xanh hiện nay cần lưu ý tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất là chi phí đầu tư ban đầu của dự án đầu tư xây dựng công trình xanh có thể cao hơn so với dự án đầu tư công trình thông thường không đạt các tiêu chí công trình xanh. Ngoài việc phải được sử dụng các nguyên vật liệu đảm bảo tiêu chí công trình xanh, một lí do khác dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư ban đầu là do ở nước ta hiện nay số lượng các dự án công trình xanh còn hạn chế, kinh nghiệm thi công và quản lý dự án chưa nhiều, vẫn phải thuê các tổ chức tư vấn nước ngoài hoặc nếu có sử dụng các đơn vị tư vấn trong nước thì chi phí vẫn cao hơn so với các dự án thông thường.

Thứ hai khi đã thiết kế công trình xanh người sử dụng sẽ được lợi ích là tiết kiệm chi phí về lâu dài, cải thiện sức khỏe, nâng cao năng suất lao động, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn của công trình cũng đồng nghĩa với việc tăng lượng người thuê, mua công trình hay tăng lượng người đến công trình, giúp nhân viên yêu mến không gian, môi trường làm việc, tạo điều kiện quản lý tốt, bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững.

Thứ ba là việc xác định chi phí đầu tư xây dựng (tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình) dự án đầu tư xây dựng công trình xanh về cơ bản cũng giống như các dự án thông thường, chỉ có một số khoản chi phí phụ trội là có sự khác biệt.

Tóm lại, suất vốn đầu tư xây dựng công trình xanh chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến các tiêu chí công trình xanh mà công trình hướng tới như chi phí vật liệu, thiết bị, chi phí tư vấn, chi phí chứng nhận công trình xanh. Tùy thuộc vào cấp độ chứng chỉ công trình xanh khác nhau mà các yếu tố này có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Do đó đối với mỗi công trình xanh cụ thể cần phân tích và đánh giá; các khía cạnh thể hiện các tiêu chí xanh của công trình để từ đó tính toán mức chi phí tăng thêm làm cơ sở xác định được suất vốn đầu tư xây dựng đối với các djw án được đầu tư xây dựng theo tiêu chí công trình xanh.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Xây dựng, Số 3/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)