Tăng cường thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2020 16:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018. Theo đó, mục tiêu của Đề án là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá  nhân,  người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể và giải pháp phát triển đô thị thông minh

Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển đô thị thông minh bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm. Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. Xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng mô hình phù hợp trong quản lý dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng tại các khu vực đô thị thực hiện thí điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia…

Để đạt được mục tiêu trên, cần rất nhiều giải pháp theo nhiều nhóm như:

Nhóm 1: Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững.

Nhóm 2: Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đô thị thông minh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đô thị thông minh bền vững.

Nhóm 3: Hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia.

Nhóm 4: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Nhóm 5: Phát triển hạ tầng đô thị thông minh.

Nhóm 6: Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị

Nhóm 7: Xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững.

Nhóm 8: Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước.

Nhóm 9: Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về phát triển đô thị thông minh bền vững.

Nhóm 10: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.

Với tham vọng đến năm 2030 Việt Nam xây dựng 30 đô thị thông minh, hiện đã có 30 địa phương được phê duyệt dự án phát triển này. Để tạo dựng được thành phố thông minh cần phải đảm bảo xây dựng chính quyền đô thị nhất thể hóa, quản lý từ trên xuống dưới. Đồng thời, phải có quy hoạch đủ tốt, có chương trình hành động cụ thể và phải có một hệ thống cơ chế chính sách huy động đủ lượng vốn để thực hiện nó.

Năm 2020 – Việt Nam là chủ tịch hội nghị thường niên mạng lưới đô thị thông minh ASEAN

Hội nghị thường niên Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN được tổ chức vào ngày 23/8/2019 tại Bangkok – Thái Lan dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Thái Lan. Đoàn công tác đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Hội nghị ASCN nhằm tăng cường hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của các đô thị thông minh và bền vững của các Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN. Hội nghị đã quy tụ Đại diện quốc gia và Trưởng đại diện Đô thị thông minh của 10 nước thành viên thuộc ASEAN.

Hội nghị đã thông qua Điều khoản tham chiếu Mạng lưới đô thị thông minh – ASCN, dự kiến sẽ đệ trình ký kết giữa lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 được tổ chức vào tháng 11/2019 tại Bangkok. Theo Điều khoản này, ASCN sẽ cung cấp đầu vào tư vấn và chiến lược cho các sáng kiến Đô thị thông minh của các Thành viên, nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự Đô thị thông minh trong ASEAN, theo đó quy định các công việc cụ thể để thực hiện mục tiêu này.

Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) được thành lập bởi các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tổ chức vào tháng 4/2018 tại Singapore, được tạo ra như một diễn đàn cho các đô thị ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong việc giải quyết các vấn đề đô thị hóa thông qua các cách tiếp cận đổi mới, bao gồm giải pháp công nghệ và phi công nghệ.

Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN, cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị ASCN. Thay mặt đoàn công tác của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh tiềm năng cũng như thách thức trong phát triển đô thị thông minh, đòi hỏi cần có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác. Thứ trưởng đã giửi lời mời trân trọng đến các quốc gia thành viên tham dự các hoạt động của ASCN năm 2020.

Điều khoản tham chiếu mạng lưới Đô thị thông minh ASCN quy định rõ, ASCN sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần, do Chủ tịch triệu tập. Nhiệm kỳ Chủ tịch ASCN sẽ theo nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN. Đại diện Quốc gia của Chủ tịch ASEAN sẽ là Chủ tịch ASCN.

Công bố chỉ số đô thị thông minh đến năm 2025

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký văn bản công bố Bộ chỉ số (KPI) đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025. Theo đó, bộ chỉ số (KPI) đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0) được xây dựng phù hợp định hướng và mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam có tham khảo các bộ chỉ số của các tổ chức chuẩn hóa quốc tế cũng như được đúc kết kinh nghiệm xây dựng, triển khai của một số nước trong khu vực có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Bộ chỉ số đã tham khảo dựa trên các bộ chỉ số đã được ban hành, sử dụng của một số địa phương, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và triển khai xây dựng đô thị thông minh ở Việt nam. Phiên bản 1.0 của bộ chỉ số gồm các chỉ số cơ bản nhất phù hợp với giai đoạn khởi đầu xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong các hoạt động của đô thị.

Với các đô thị mới bắt đầu nghiên cứu, xây dựng đô thị thông minh, bộ chỉ số này sẽ giúp chính quyền đô thị xác định điểm xuất phát ban đầu của đô thị, đích đến của việc phát triển đô thị thông minh, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch tổng thể hay dự án cụ thể. Ngoài ra, bộ chỉ số này cũng sẽ giúp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Với các đô thị đã và đang triển khai đô thị thông minh, bộ chỉ số này được chính quyền sử dụng để theo dõi, kiểm soát sự phát triển của đô thị theo những mục tiêu đã xác định của giai đoạn cũng như hướng đến nâng mức độ phát triển đô thị.

Bộ chỉ số cơ bản mang tính khung này áp dụng chung cho các đô thị Việt Nam. Trên cơ sở kiến trúc và cấu trúc của Bộ chỉ số này, các Bộ, ngành và địa phương có thể xây dựng các chỉ số đô thị thông minh theo mục tiêu quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và đặc thù được phân công quản lý.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bộ chỉ số đô thị thông minh theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, Singapore đã phát triển trở thành một thành phố hiện đại mang tầm quốc tế và hiện đang dẫn đầu cuộc đua xây dựng thành phố thông minh toàn cầu. Thành công của Singapore một phần là nhờ nỗ lực của chính phủ nước này. Họ không phải vật lộn với sự quan liêu của bộ máy chính quyền cấp nhà nước; mặt khác, qua việc triển khai dứt điểm và thành công nhiều sáng kiến, họ cũng đã xây dựng được lòng tin và sự uy tín. Cùng với mặt bằng trình độ công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vững chắc, thành phố này có thể tập trung toàn lực vào việc biến giấc mơ thành phố công  nghệ thành hiện thực.

Quay trở lại Việt Nam, hơn lúc nào hết, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp rà soát lại quy hoạch tổng thể để có các quyết sách trúng và đúng cho phát triển thành phố thông minh. Không thể chần chừ trong xây dựng chính quyền điện tử, đồng thời coi ứng dụng công nghệ số là hướng mở cho tư duy mới.


(Nguồn: Tạp chí Xây dựng và Đô thị, Số 66/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)