Đô thị xanh và một số phương pháp tiếp cận

Thứ tư, 15/01/2020 11:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương, phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là thách thức rất lớn đối với công tác quy hoạch phát triển đô thị. Nhất là dối với việc quy hoạch một đô thị trở thành một đô thị xanh bền vững. Trước tiên cần phải hiểu được đô thị xanh là một đô thị như thế nào hay chỉ là một đô thị được trồng nhiều cây xanh. Bài viết muốn mang đến thêm một hướng tiếp cận cho những người làm công tác quy hoạch và đặc biệt cho những sinh viên học quy hoạch nhằm trang bị những kiến thức hữu ích phù hợp với xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới.

Mở đầu

Hơn một nửa dân số thế giới đang tập trung ở các thành phố với hi vọng cải thiện được tình trạng kinh tế - xã hội, các thành phố bền vững sẽ mở đường cho một sự cân bằng giữa nhu cầu ngày càng tăng và sự cung cấp cạn kiệt các nguồn tài nguyên

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đáng kể cách xây dựng và quản lý không gian đô thị. Cuộc sống đô thị bền vững là một trong 17 mục tiêu toàn cầu trong Chương trình nghị sự 2030. Hơn nữa, sự biến đổi khí hậu và một vài mô hình đô thị hóa có thể dẫn tới tăng mức độ dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển. Việc thiếu quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng đang mở ra cơ hội để lồng  ghép tăng trưởng xanh vào quá trình lập quy hoạch và hoạch định chính sách.

Tiếp cận để tạo dựng đô thị xanh hcisnh là các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy chu trình kinh tế và cải thiện môi trường vì phục lợi của người dân. Các đô thị này cũng quan tâm đến đẩy mạnh phát triển kinh tế và triển khai một loạt các chương trình tạo việc làm xanh, bền vững ở địa phương. 

Đô thị xanh

Một khu đô thị đúng nghĩa là nơi mọi người không chỉ tận hưởng cuộc sống với những tiện nghi hiện đại, mà còn được tận hưởng thiên nhiên trong lành ngay trong khu phố nhà mình. Tích hợp nhiều tiện ích nâng tầm chất lượng sống, gắn kết cộng đồng trong nội khu cũng được đặc biệt chú trọng. 

Phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển đặc biệt thích hợp với các đô thị có lợi thế về khí hậu và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng. Điều này đang phụ thuộc về các đô thị trung bình và đô thị nhỏ với lợi thế dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch, đô thị truyền thống làng nghề, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng các quỹ đất dành cho xây dựng, dẫn đến bê tông hóa bề mặt đô thị. Phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Một số khu đô thị ở Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể gọi là đô thị xanh.

Đô thị xanh trong các mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam

Mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2020: Hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng lien tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các đô thị lớn, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Hình thành cơ chế đối thoại chính sách định kỳ với các doanh nghiệp, các đối tác phát triển về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các chính sách phát triển đô thị; Phấn đấu thực hiện thí điểm xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại ít nhất bình quân 1 đô thị trên mỗi vùng kinh tế - xã hội.

Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020-2030: Hoàn thành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt trước năm 2015 và các quy hoạch chung đô thị được phê duyệt mới; Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, quy định quy phạm pháp luật về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Các tiêu chí đô thị xanh áp dụng tại EU

- Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm.

- Công trình xanh: Xanh hóa công trình, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường.

- Giao thông xanh: nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2, sử dụng khí thải chế cho GTCC.

- Công nghiệp xanh: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ô nhiễm.

- Chất lượng môi trường đô thị xanh: Môi trường không khí sạch, giảm rác thải, khói, bụi, độ ồn trong đô thị.

- Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên.

- Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Phương pháp tiếp cận của các đô thị trung bình và đô thị nhỏ ở Việt Nam theo hướng phát triển đô thị xanh

Trong thời gian tới, các đô thị trung bình và nhỏ của Việt Nam nhất thiết phải được chuyển hướng từ QHXD “đô thị xanh” phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân trong đô thị. Quy mô của đô thị trung bình và nhỏ thường chỉ khoảng dưới 1 triệu dân, việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quỹ đất dành cho phát triển ít phức tạp hơn các đô thị lớn. Mô hình đô thị trung bình và nhỏ khi được định hướng cho một hình ảnh không gian đô thị xanh sẽ thuận lợi hơn khi vấn đề môi trường còn chưa quá nghiêm trọng và các tiêu chí hướng tới đô thị xanh quan tâm chủ yếu đến việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài  nguyên, hạn chế ô nhiễm và đặc biệt quan tâm sâu sắc đến đời sống tinh thần, văn hóa xã hội của con người là các ưu thế đang có tại các đô thị này.

Đối với các đô thị trung bình và nhỏ, cây xanh trong đô thị được tổ chức thành nhiều cấu trúc khác nhau như hành lang bảo vệ sông suối, đồi cây, công viên, vườn hoa, tuyến cây trục phố, vườn cây gia đình. Trong đô thị xanh nên liên tục có khoảng vườn cây xanh nvowis khoảng cách 200m, với diện tích tối thiểu là 0,1ha sẽ có tác dụng tốt làm mát không khí vào tạo điều kiện thông gió tự nhiên của khu vực. 

Tiếp cận các vành đai xanh

Thứ nhất, việc xác định vành đai xanh là rất quan trọng, không những được thiết lập nhằm hạn chế phát triển đô thị tràn lan mà còn khẳng định bản sắc đô thị. Do đó, rất cần khung pháp lý để đưa công việc này vào cuộc sống.

Thứ hai, vành đai xanh là giao diện giữa đô thị và nông thôn, có mục đích kết nối trung chuyển giữa hai phần do đó phải được cân nhắc, xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng hiện trạng, chứ không phải ranh giới hành chính hay chính trị.

Thứ ba, cần có giải pháp nâng cao ý thức về môi trường, năng lượng, công nghệ cũng như kết nối xã hội trong toàn vùng để hiện rõ xu hướng đánh giá chất lượng môi trường trong tương lai.

Đề xuất giải pháp vành đai xanh được luật hóa và áp dụng cho các đô thị, thì các đô thị Việt Nam sẽ xây dựng phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Tiếp cận đô thị nén kết hợp không gian mở

Giải pháp đô thị nén là một lựa chọn quan trọng của đô thị xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bao hàm sự hợp lý về mối liên hệ giữa các thành tố của đô thị có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng tiện nghi đô thị và môi trường sống mà vẫn tiết kiệm được nguồn đầu tư và năng lượng cung cấp cho mạng lưới hạ tầng kỹ thuật vận hành phục vụ đô thị. Lựa chọn mô hình phát triển theo hướng tập trung để tiết kiệm đất đai. Lựa chọn khu vực mật độ xây dựng cao để dành quỹ đất tạo không gian mở dành lại các quỹ đât hợp lý cho cây xanh và công trình công cộng.

Các đô thị trung bình và nhỏ hiện có mật độ thấp do xây dựng thấp tầng, phân bổ dàn trải cần được cải thiện lại cấu trúc, tăng các khu dân cư mật độ cao hoặc trung bình, có quy mô giới hạn bởi các không gian xanh, có thể lựa chọn cơ cấu đơn hoặc đa trung tâm để tổ chức trung tâm, đảm bảo giao thông nối kết nối từ trung tâm đến trung tâm phụ và các khu vực đô thị. Sự tập trung theo hướng tăng mật độ đô thị cần được cân bằng lại bằng giải pháp đan xen bổ sung vào các khu vực xây dựng đô thị các yếu tố mở để cân bằng lại các tiện nghi khí hậu cần thiết.

Nguyên tắc giữ lại tối đa và sử dụng hiệu quả những vùng tự nhiên trong khu vực phát triển đô thị xanh là yêu cầu đối với mọi lựa chọn về hình thái tổ chức không gian đô thị trung bình và nhỏ. Các đô thị này có các đặc trưng riêng bằng cách tổ chức hệ thống sông suối, kênh rạch, đầm hồ, đồi núi, rừng và các thảm thực vật. Khuyến khích cải tạo đô thị tại khu vực trung tâm, tái phục hồi các khu vực tự nhiên như bờ sông, hồ, sông nhỏ, suối qua đô thị đã bị che phủ. Sử dụng một số khu đất nông nghiệp đặc biệt trong phạm vi phát triển đô thị như các khu vườn ươm, vườn cây trái hoặc thảm thực vật nông nghiệp giá trị đặc biệt. Tổ chức không gian xanh trong đô thị thường mang lại hiệu quả cải thiện điều kiện vi khí hậu cho đô thị.

Tiếp cận về hạ tầng và dịch vụ

Sử dụng các yếu tố xanh tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị kết hợp cải thiện vi khí hậu và có thể làm giảm khối lượng thoát nước mặt, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Các hồ đào (khai thác quỹ đất để san nền và xây dựng hồ điều hòa), thảm thực vật vườn ươm…bố trí tại đầu hướng gió chủ đạo, khu vực cửa ngõ đô thị…Không gian xanh của khu ở còn được tính tới các khoảng trống giữa các khối xây dựng, không gian đó tạo được hướng nắng và hướng gió tốt, xử lý cây xanh trong khuôn viên khu ở sẽ tham gia che mát trực tiếp cho công trình…đặc biệt giảm nhu cầu năng lượng làm mát và chiếu sáng cho các khu vực cao tầng, mật độ cao.

Việc đánh giá xem xét hiện trạng các cơ sở hạ tầng trọng điểm của đô thị để nhận định những thiếu hụt và vướng mắc trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, tạo ra được những hạ tầng và dịch vụ tốt nhất đảm bảo tiêu chí đô thị xanh, bao gồm:

+ Phạm vi cung cấp nước, tính khả dụng, chi phí và khả năng tiếp cận

+ Phạm vi quản lý nước thải

+ Quản lý chất thải rắn

+ Đường xá và giao thông vận tải

+ Nhà ở

+ Mạng lưới điện và cung cấp năng lượng

+ Nhu cầu năng lượng và mức tiêu thụ

+ Thành phần sử dụng đất

Tiếp cận về chính sách

Để phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa và bền vững, đầu tiên cần phải tính toán từ khâu quy hoạch, kế hoạch. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chấ lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái…Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, thân thiện môi trường thuận lợi cho phát trieerngiao thông công cộng. Đặc biệt, các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.

Để ứng phó hiệu quả với sự phức tạp của đô thị hóa và đạt được tiến trình tăng trưởng xanh ở các đô thị, các quốc gia đưa ra hướng dẫn về các yếu tố cơ bản, trụ cột và nhân tố hấp dẫn của phát triển đô thị xanh:

+ Yếu tố cơ bản: quản trị tốt, quy hoạch đô thị tốt và chính sách bảo vệ môi trường và xã hội tốt.

+ Trụ cột (các phân ngành của đô thị hóa): xây dựng, năng lượng, giao thông đô thị, sản xuất và phân phối nước, vệ sinh và quản lý chất thải.

+ Nhân tố hấp dẫn: phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, và chất lượng cuộc sống. hơn nữa, lộ trình cũng cung cấp một công cụ để đo lường hiệu quả của các hành động đã thực hiện: đó là quá trình giám sát và đánh giá.

Từ lộ trình quốc gia, một chiến lược đầu tư và chương trình nâng cao năng lực sẽ được xây dựng để giúp triển khai các hành động được đề xuất. Điều này sẽ giúp tăng cường, thu hút và đẩy nhanh tiến độ đầu tư và tri thức chuyên ngành một cách bền vững.

Tiếp cận công nghệ sản phẩm xanh

Các giải pháp di động được thiết kế bằng hệ thống công nghệ mới giúp xây dựng xanh hơn, những hoạt động đổi mới giúp tiết kiệm năng lượng và chi phí. Các hệ truyền động có độ ma sát thấp, tái sinh, và không có vật liệu nguy hiểm giữ cho tác động của sản phẩm đến môi trường ở mức thấp.

Khoảng 80% tổng ảnh hưởng đến môi trường của một tòa nhà được sinh ra trong các giờ hoạt động hết công suất, để giảm mức này bằng công việc bảo dưỡng thường xuyên. Điều này đảm bảo giải pháp di động được sạch sẽ, tiết kiệm năng lượng, sử dụng kỹ thuật định tuyến thông minh để giảm khí thải CO2.

Tiếp cận điều kiện môi trường xanh

Việc đánh giá tập trung vào các nguồn tài nguyên môi trường của đô thị và xác định liệu chúng đang được bảo tồn hay đang dần bị cạn kiệt, đồng thời nghiên cứu sâu những tác động từ biến đổi khí hậu những tác động và xác định mức độ cấp bách của những tác động  này. Dữ liệu chính bao gồm:

+ Các đặc điểm sinh thái hoặc tự nhiên

+ Ô nhiễm không khí, đất và nước

+ Mức phát thải khí nhà kính hiện tại và dự kiến

+ Tác động của biến đổi khí hậu

+ Tần suất và cường độ thảm họa thiên nhiên

+ Các tình huống khẩn cấp và kế hoạch sơ tán

Đưa công cộng tiếp cận với các khái niệm xanh

Quản lý tri thức hiệu quả được lồng ghép vào nội dung và phương pháp tiếp cận trong khi xây dựng Hướng dẫn phát triển đô thị xanh

+ Thứ nhất, xây dựng hướng dẫn với sự tham vấn nhiều nước, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và xây dựng thực tiễn phát triển đô thị xanh cho toàn cộng đồng.

+ Thứ hai, hướng dẫn phát triển đô thị xanh không phải là một tập hợp các quy trình cứng nhắc, mà lầ một tài liệu được chọn lọc và hoàn thiện liên tục trong suốt thời gian dựa trên việc trao đổi  kiến thức giữa các nước. Điều này có thể được thực hiện thông qua các bài thuyết trình hay hội thảo tham vấn với sự tham gia của các chuyên gia và chuyên viên từ các nước có quan tâm.

+ Theo đó, việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường cũng như có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh sẽ quyết định thành bại của con đường phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa.

Kết luận

Các phương pháp tiếp cận đến đô thị xanh là một lựa chọn quan trọng của đô thị phát triển hướng tới mực tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp hạ tầng kỹ thuật và giao thông theo hướng hạ tầng xanh, phát triển giao thông công cộng hạn chế khí thải CO2. Với mạng lưới giao thông hợp lý, đô thị phát triển tập trung hơn sẽ tạo cho các dịch vụ cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho đô thị hoạt động hiệu quả và giảm được chi phí năng lượng để vận hành. Cấu trúc của hệ thống giao thông đô thị sẽ quyết định tới khả năng khia thác và sử dụng đất, đồng thời cơ cấu sử dụng đất sẽ quyết định tới nhu cầu đi lại. Đặc biệt, để phát triển một đô thị xnah, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân, việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sống cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển đô thị xanh.


(Nguồn: Tạp chí Vật liệu xây dựng, Số 10/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)