Ngập lụt đô thị - Nỗi lo không của riêng ai

Thứ hai, 30/12/2019 10:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh đời vua Hùng thứ XVIII đã phát ra nhiều thông điệp trong đó có nội dung gián tiếp cảnh báo những người xây dựng là “Phải xây dựng sao để chống được ngập lụt, không xây dựng ở vùng trũng, vùng thấp…”.

Chiếu rời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Thăng Long) của vua Lý Thái Tổ có đoạn viết: “Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Ta lưu ý đoạn “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm”. Như vậy là nhà vua đã chọn nơi thế đất cao, không tìm nơi đất trũng để xây dựng kinh đô.

Thời cận đại, thực dân Pháp cũng rất quan tâm khi xây dựng. Tìm lục văn bản của “Thời Ta” thì không thấy nhưng lại tìm thấy văn bản quy định của “thời Tây”: ngày 11 tháng 7 năm 1908, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Sắc lệnh về việc cải tổ và mở mang thị xã Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng. Từ năm 1908 đến năm 1931, thị trưởng Sài Gòn đã ban hành nhiều Nghị định để triển khai Sắc lệnh trên, trong đó phải kể đến Nghị định ngày 22/7/1931 của thị trưởng Sài Gòn. Bản nghị định này gồm 96 điều, trong đó quy định rất nhiều vấn đề từ chiều cao tối thiểu của tầng nhà, kích thước tối thiểu của phòng ngủ, độ nhô ra của ban công, diện tích cửa sổ…trong đó đặc biệt lưu ý đến một quy định nói rõ: “Khi Sở Kiều lộ (Sở Giao thông Công chính hiện nay – chú thích của tác giả) chưa có mốc lộ giới và chưa có cốt san nền thì không một ngôi nhà nào được phép xây dựng”.

Lại có một quy định nữa là “Cốt nền nhà tối thiểu phải cao hơn sân vườn 16cm”

Thực sự, việc quản lý cốt san nền là một vấn đề quan trọng, quan trọng không kém hơn việc quản lý kiến trúc mặt ngoài cũng như độ cao của ngôi nhà. Đó là nội dung của quản lý xây dựng mà lâu nay chúng ta không quan tâm đúng mức. Để quản lý được cốt san nền, nhất là cung cấp cho dân mức cốt san nền trước khi họ xây nhà là một việc làm cần thiết, đòi hỏi phải có định hướng, phải khảo sát đo đạc, lập được sơ đồ tổng thể thoát nước và đặc biệt là phải lập được bản vẽ chi tiết thoát nước cho từng khu vực nhỏ.

Những dẫn chứng nêu trên không phải đi đến kết luận “Trũng không xây”. Điều đó còn phụ thuộc vào địa hình của từng vùng, từng địa phương, thậm chí từng quốc gia. Nếu kết luận như vậy thì đất nước Hà Lan, có 2/3 diện tích là trũng thấp, hơn 1/3 là thấp hơn mặt nước biển, Hà Lan được biết đến là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển. Vùng trũng nhất ở dưới mực nước biển tới 6,74m là một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Rotterdam. Nếu trũng không xây thì dân Hà Lan sẽ sống ở đâu?

Hiện nay, ở nước ta quá trình đô thị hóa rất nhanh, cũng là quy luật phát triển không thể cưỡng lại được. Vậy đô thị mới nên phát triển ở vùng miền nào? Những đô thị cũ mở rộng ra thì chống ngập bằng biện pháp nào? Đây là mối lo không của riêng ai. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo ở quy mô quốc gia, thậm chí quy mô quốc tế để bàn thảo nội dung này.

1. Hội thảo “Thoát nước đô thị, xử lý nước thải và góp ý cho dự thảo Nghị định về thoát nước đô thị và khu công nghiệp” được Hội Cấp thoát nước Việt nam và Bộ Xây dựng tổ chức trong 2 ngày, 22 và 23 tháng 9 năm 2006 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, vì đây là một vấn đề vừa là thời sự vừa mang tính lâu dài không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở mọi nước. Trong hội thảo người ta đã đề cập đến rất nhiều nội dung để trao đổi, liên quan đến thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải, có những nội dung sau:

…Tuy đô thị phát triển ngày càng nhanh như vậy nhưng cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải còn rất yếu kém, thậm chí có những đô thị hoặc một phần của đô thị đang ở số không. Tình trạng hệ thống kênh mương, cống bị xuống cấp nghiêm trọng, thiếu duy tu bảo dưỡng. Diện tích đất tự nhiên giảm, ao hồ điều hòa bị san lấp rất nhiều. nhiều nơi bị lấp hẳn để làm diện tích đất xây dựng; còn lại đa phần ao hồ, kênh mương bị lấn chiếm, thu hẹp, cản trở dòng chảy, giảm khối tích tích nước mỗi khi mưa to. Ao, hồ, sông nước bị ô nhiễm nặng . Các công trình thu gom, xử lý nước thải đều là hệ thống chung với nước mưa, chưa có công trình xử lý nước thải tập trung, nhiều cơ sở công nghiệp không có công trình xử lý nước thải cục bộ đảm bảo tiêu chuẩn nước khi xả vào hệ thống thoát nước chung hoặc ra môi trường. Tại các khu công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thường tìm cách trì hoãn đầu tư công trình xử lý nước thải vì lí do đầu tư vào loại công trình này tốn kém và không đem lại lợ nhuận.

Theo thống kê sơ bộ chỉ khoảng 4,26% lượng nước thải công nghiệp được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Nước rò rỉ từ bãi rác cũng là nguồn ô nhiễm nước mặt và nước ngầm nghiêm trọng. Hơn 1000 bệnh viện (từ cấp huyện trở lên) mỗi ngày thải ra hàng trăm ngàn m3 nước chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, đây là nguồn chứa nhiều thành phần nguy hiểm. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp với lượng hóa chất được sử dụng để bảo vệ thực vật khoảng 0,5-3,5kg/ha/vụ, dư lượng hóa chất và phân khoáng cũng gây ra nhiễm độc. Hoạt động của 1450 làng nghề trong cả nước đã tạo ra một lượng chất thải gây ô nhiễm nặng, đặc biệt là nghề làm giấy, dệt, nhuộm, tái chế chất thải, mổ gia súc…

Lĩnh vực thoát nước được đầu tư chậm. Mấy năm gần đây Chính phủ đã quan tâm và cho trên 20 đô thị được sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách để mở rộng, cải tạo hoặc xây mới hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, đồng thời cơ chế chính sách đang được đổi mới, do vậy đã đạt được một số kết quả: Xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên ở Hà Nội trong mùa mưa cũng như ở các đô thị loại I, II. Riêng TP.HCM thì vẫn chưa giải quyết được vì vẫn chưa có giải pháp ngăn dược triều cường. Ở các đô thij loại III, IV và V tình hình thoát nước mưa cũng được cải thiện một bước.

Tại các tỉnh, thành phố, thị xã (trực thuộc tỉnh) đều thành lập các đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về công tác thoát nước dưới sự chỉ đạo về quản lý nhà nước của các Sở Xây dựng, Giao thông công chính, Sở TN&MT. Cả nước có 75 đơn vị làm công tác thoát nước trong đó có 4 đơn vị chuyên trách về thoát nước (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu). Về mô hình tổ chức các doanh nghiệp thoát nước còn bộc lộ nhiều tồn tại: Thiếu tính thống nhất và định hướng chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp… công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thoát nước còn yếu và thiếu bền vững.

Hiện nay, vấn đề thoát nước và xử lý nước thải đang là vấn đề rất nan giải. Cũng như các nước đang phát triển, để xử lý triệt để thì phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa ra khỏi hệ thống thoát nước thải, giải pháp là “lý tưởng” đối với chúng ta khi tách riêng nước thải ra để xử lý đảm bảo chất lượng rồi cho vào dòng chảy chung. Kinh nghiệm cho thấy giá 1m3 xử lý nước thải đắt gấp 2 lần giá cung cấp 1m3 nước sạch (đó là chưa kể đến khấu hao cơ bản). Điều đó chứng minh rằng tại sao các nước nghèo thì môi trường lại càng bị ô nhiễm cao.

Có hàng loạt vấn đề được đề cập trong hội thảo trực diện và đề xuất trong các văn bản tham luận:

- Vấn đề thoát nước là không có ranh giới đô thị hay nông thôn; lại càng không có ranh giới theo địa giới hành chính vì đó là dòng chảy như dòng chảy của một con sông vì vậy trong mọi chính sách, biện pháp, KHCN, các hộ tiêu dùng…khi giải quyết vấn đề phải có quan điểm toàn diện và tổng hợp.

- Vấn đề lựa chọn công nghệ phải thích hợp theo điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện kinh tế của từng vùng. Có nơi cần công nghệ hiện đại, có nơi dùng công nghệ sinh học với hệ thống hồ ao, có nơi dùng công nghệ thẩm thấu. Trong điều kiện kinh tế của ta phải đặc biệt chú ý đến yếu tố giá thành.

- Vấn đề thoát nước là một vấn đề xã hội vì vậy không thể không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, về mặt thể chế cần có những mô hình riêng áp dụng cho các công ty thoát nước, có thể là hình thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

- Cần phải xã hội hóa dịch vụ thoát nước đô thị, miễn 3 loại thuế cho doanh nghiệp thoát nước (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường).

Trong hội thảo đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về “Thoát nước đô thị và khu công nghiệp”

Nhiều tồn tại phải được giải quyết trong Nghị định cũng như trong các văn bản pháp luật khác, ví như phải làm rõ khái niệm chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, cơ quan vận hành khai thác hệ thống xử lý nước thải.

- Vấn đề tài chính thu phí, lệ phí trong thoát nước, người dân gây ra ô nhiễm nguồn nước phải trả phí như thế nào?

- Cần phải có định hướng phát triển thoát nước cho các vùng có đặc điểm địa hình khác nhau.

- Tạo doanh thu để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ thoát nước (tất cả hoặc một phần), khuyến khích việc sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, đảm bảo mức chi phí phù hợp với chính sách xã hội của Chính phủ đặc biệt với người nghèo.

Khi xây dựng các văn bản pháp luật về vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng đã nêu những vấn đề cần cân nhắc:

+ Tránh sự chồng chéo về chức năng, phải xác định rõ các bên liên quan và định rõ chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của từng bên: chính quyền, người cung cấp dịch vụ (chủ sở hữu tài sản, người quản lý vận hành tài sản, người tiêu thụ, (hộ gia đình, thương mại và công nghiệp).

+ Đảm bảo được tính tự chủ của các đơn vị vận hành vì thế cần nhấn mạnh đến yếu tố quản lý theo định hướng hiệu quả hoạt động (tiêu chuẩn dịch vụ, vận hành, mức độ thỏa mãn của khách hàng), nguồn thu phải đảm bảo đủ (từ khách hàng và trợ cấp của Nhà nước), quyền tự chủ về tổ chức…

2. Hội thảo: Các giải pháp trong quy hoạch thoát nước, chống ngập đô thị tại TP.HCM

Ngày 15/12/2007, tại TP.HCM, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đã tổ chức hội thảo khoa học tìm giải pháp trong quy hoạch thoát nước, chống ngập tại các đô thị. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia đang làm việc tại Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM.

Hội thảo đã được nghe các nhà nghiên cứu báo các đề tài về giải pháp thoát nước, chống ngập tại các đô thị, đó là: Vai trò của quy hoạch trong việc giải quyết tình trạng chống ngập và thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP.HCM.

Hội thảo đã được nghe các nhà nghiên cứu báo cáo các đề tài về giải pháp thoát nước, chống ngập tại các đô thị, đó là: Vai trò của quy hoạch trong việc giải quyết tình trạng chống ngập và thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP.HCM; thực trạng thoát nước và phòng chống ngập đô thị tại TP.HCM; cao độ nền xây dựng và những thách thức từ quy hoạch đô thị đến quản lý xây dựng theo quy hoạch; quy hoạch đô thị chống ngập thích ứng với biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu đến hình thái thoát nước và kiến nghị công tác giải quyết ngập trong đô thị; quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị theo định hướng thoát nước bền vững; quy hoạch thủy lợi chống ngập tại TP.HCM; quản lý thoát nước trong các dự án phát triển bất động sản tại TP.HCM; quy hoạch phát triển đô thị mới vùng ven đô và vấn đề ngập đô thị, bài học từ khu vực An Khánh, An Hòa và Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ và thách thức đối với công tác quy hoạch xây dựng đô thị trong vùng ngập lụt…

Hội thảo xoay quanh nguyên nhân gây ra ngập lụt đô thị nên các nhà khoa học đều thống nhất ngập TP.HCM là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau: Thứ nhất, do ảnh hưởng của mưa lớn bất thường (gồm tần suất, lượng mưa…). Thứ hai, thủy triều xâm nhập qua hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến đỉnh triều cao hơn các mức tính toán cũ. Thứ ba, do hiện trạng cao độ nền thấp và vấn đề sụt lún nền đô thị dẫn đến cốt nền xây dựng đô thị thấp không đủ để tạo độ dốc phù hợp cho việc thoát nước và nhiều khu vực còn thấp hơn mức nước sông khi có triều cường nên không thể tiêu thoát tự nhiên ra ngoài. Thứ tư, do đô thị phát triển nhanh chóng dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó có kỹ thuật thoát nước và chống ngập không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, cùng với hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước. Thứ năm, việc duy trì bảo dưỡng hệ thống thoát nước chưa được thực hiện tốt. Thứ sáu, ý thức của người dân còn hạn chế và việc quản lý chưa được thực hiện tốt nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép, tình trạng xả rác ra kênh rạch, cửa xả vẫn còn phổ biến làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hố ga, cửa xả. Thứ bảy, thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp, hay các đô thị mới hình thành. Thứ tám, công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải. Thứ chín, tiến độ triển khai quy hoạch và các dự án thoát nước, chống ngập còn rất chậm nên chưa đáp ứng được vấn đề thoát nước và chống ngập đô thị.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị tại TP.HCM không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp các giải pháp mang tính liên vùng theo lưu vực sông, theo toàn đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị, từng khu vực đô thị, thậm chí từng công trình cụ thể, từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình, như: bơm, đê, cốt nền, hồ điều tiết đến các giải pháp mềm như bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân…và cả các giải pháp triệt thoái đô thị tại các khuu vực chịu ảnh hưởng quá lớn của ngập úng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Như vậy, muốn giải quyết tốt tình trạng ngập thì tầm nhìn của nhà quản lý, cần nguồn vốn lớn và các giải pháp xây dựng quy hoạch đồng bộ, tổng thể hệ thống thoát nước liên vùng kết hợp với xây dựng quy hoạch thủy lợi chống ngập cho vùng TP.HCM thì mới giải quyết triệt để vấn đề ngập tại các đô thị nói chung và TP.HCM nói riêng.

3. Hội thảo “Quản lý nước mưa và chống ngập đô thị” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11 năm 2018 do Bộ Xây dựng và tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức cũng đã chỉ rõ: Hiện nay, tại các đô thị của Việt Nam hạ tầng thoát nước chủ yếu được xây dựng tại các vùng lõi, trung tâm đô thịc ủa cả 63 tỉnh, TP. Đặc biệt, hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống cống dùng chung cho việc thoát nước thải và nước mưa, đa phần hệ thống tiêu thoát nước vẫn đang hoạt động theo hình thức tự chảy, nên thường xuyên xảy ra ngập khi có mưa lớn. Hệ thống tiêu thoát có hiện tượng tắc nghẽn và chảy ngược khi xảy ra trường hợp nước biển kết hợp triều cường làm cho mực nước sông dâng cao.

Số liệu thống kê từ Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay TP.HCM là địa bàn có nhiều điểm ngập nhất cả nước với khoảng 220 điểm, TP Hà Nội gần 190 điểm, TP Cần Thơ 107 điểm, TP Đà Nẵng 50 điểm. Một số TP chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường như Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng… một số TP ở khu vực cao cũng bị hiện tượng ngập do mưa lớn như Đà Lạt, Biên Hòa.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập khi mưa lớn do hạ tầng thoát nước đã trở nên cũ kỹ, quá tải, thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ, tại Hà Nội tỷ lệ đường cống là 0,46m/người so với trung bình của thế giới là 2m/người.

Bên cạnh đó, ở các vùng đệm, hồ điều tiết do quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm. Ngoài ra, vấn đề về quy hoạch và ý thức cộng đồng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng thoát nước công cộng. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh, TP của Việt Nam đã triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải quy mô lớn đi vào vận hành và trên 50 dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Trước thực trạng ngập do mưa lớn, về phía các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kinh nghiệm thoát nước và chống ngập đô thị tại TP Yokohama, Osaka…trong đó tập trung vào việc phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức tư nhân, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong công tác đầu tư hạ tầng và quản lý hệ thống thoát nước thải.

Trong đề tài nghiên cứu của mình, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề này bằng giải pháp thu hút các nguồn đầu tư, huy động các nguồn vốn từ ODA, PPP…để đẩy nhanh triển khai các dự án đang được lập kế hoạch. Cùng với đó là vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về vấn đề thoát nước đô thị.

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, người dân cũng phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính người dân phải trực tiếp tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, như không vứt rác, không xây dựng lấn chiếm kênh rạch…

Sắp tới Tổng hội XDVN sẽ chủ trì một cuộc hội thảo cũng ở tầm cỡ quốc gia về chủ đề này, nhân dịp này đề xuất một vài giải pháp để chống ngập đô thị:

Chống ngập đô thị ta cần phân ra làm 2 loại đô thị: Đô thị mới, đô thị hiện hữu. Mỗi một vùng miền, tùy giải pháp khác nhau, không thể rập khuôn theo một mẫu hình nào, nhiều khi phải sử dụng các biện pháp tổng hợp.

- Đô thị mới: Công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch là quan trọng nhất. Phải lấy tiêu chí hàng đầu. Bởi nếu đô thị thường xuyên bị ngập thì đô thị đó không thể phát triển bền vững được, chi phí vận hành đô thị sẽ rất cao, thu nhập của người dân sẽ bị giảm sút. Bởi vậy, trước khi làm quy hoạch phải đặc biệt quan tâm đến công tác khảo sát đo đạc địa hình, vạch ra địa chất cũng phải làm chi tiết, chỗ nào xây dựng cao tầng, chỗ nào xây nhà thấp tầng để tiết kiệm chi phí xây dựng nền móng công trình. Trong quy hoạch cần coi trọng biện pháp “phi công trình”. Chỗ nào cao mới xây, chỗ nào quá thấp sẽ làm cho nó thấp thêm, đào hồ, làm hồ rộng hồ sâu để nước chảy chỗ trũng. Vì thế mỗi đô thị mới phải là đô thị tự thoát nước, tự ngấm nước, tự tiêu nước tại chỗ, tại chính đô thị đó. Mỗi đô thị mới phải xây dựng một cơ sở (nhà máy) xử lý nước thải sinh hoạt. Sau khi xử lý xong mới cho nhập vào hệ thống thoát nước chung với nước mưa.

- Đối với đô thị hiện hữu: ngoài những biện pháp mà trong các cuộc hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất, cần hết sức hạn chế xây mới, nhất là xây các nhà cao tầng đan xen. Với loại đô thị này, phải kiểm soát được sự phát triển, chỉ nên đi vào nâng cao, hoàn thiện, chỉnh trang, tu bổ, tránh biến thành siêu đô thị, đô thị đầu to…Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị.


Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 9&10/2019 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)