1. Giới thiệu chung
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, mã số QCVN 06:2010/BXD, được Bộ Xây dựng ban hành lần đầu tiên vào tháng 7/2010 và chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2010. Nội dung quy chuẩn đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) (PCCC và CNCH) phối hợp biên soạn. Sau khi chính thức có hiệu lực, quy chuẩn đã phục vụ tốt công tác đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình xây dựng; đã có những tác động tích cực đến các hoạt động xây dựng nói chung, đến công tác thiết kế, thẩm định, phê duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế các công trình nhà nói riêng, đặc biệt là đối với các công trình nhà cao tầng.
QCVN 06:2010/BXD đưa ra những yêu cầu chung về an toàn cháy cho các gian phòng, nhà và các công trình dạng nhà. Các quy định của quy chuẩn áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng của nhà. Bên cạnh đó, nội dung quy chuẩn cũng đưa ra quy định phân loại ky xthuaatj về cháy cho các nhà, bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cấu kiện xây dựng, vật liệu và sản phẩm xây dựng. Nội dung chính gồm 5 phần: Quy định chung; Phân loại kỹ thuật về cháy; An toàn thoát nạn cho người; Ngăn chặn cháy lan; Chữa cháy và cứu nạn. Các phụ lục từ A đến H đề cập đến các vấn đề: Thuật ngữ định nghĩa; Phân loại vật liệu theo các đặc trưng cháy; Phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà và các gian phòng; Quy định bảo vệ chống khói cho nhà; Quy định về khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà; Giới hạn chịu lửa dang định của một số cấu kiện kết cấu; Quy định về khoảng cách đến các lối ra thoát nạn và chiều rộng của lối ra thoát nạn; Quy didnhjj về số tầng giới hạn và diện tích khoang cháy.
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng quy chuẩn hiện hành cũng như sự phát triển của nền kinh tế, cùng với việc tuân thủ các quy định của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thực hiện việc soát xét nội dung QCVN 06:2010/BXD nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng đúng các quy định của quy chuẩn vào thực tế, đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh mạng cho người sử dụng công trình, đồng thời phù hợp với các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội hiện nay cũng như trong thời gian tới của Việt Nam.
Việc soát xét nội dung của QCVN 06:2010/BXD được thực hiện bởi Viện Khoa học công nghệ Xây dựng dưới sự chỉ đạo của Vụ Khoa học công nghệ và Nôi trường (Bộ Xây dựng) và có sự phối hợp chặt chẽ của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an). Vào cuối năm 2018, nội dung dự thảo QCVN 06/BXD sau khi hoàn thành soát xét lần đầu đã được gửi đến gần 300 địa chỉ, gồm các cơ quan quản lý cũng như đơn vị tư vấn để xin ý kiến rộng rãi. Với gần 350 ý kiến đóng góp, dự thảo đã được tiếp thu chỉnh sửa và báo cáo trước lãnh đạo Bộ Xây dựng vào tháng 9/2019. Bài viết này sẽ giới thiệu một số điểm mới được đề xuất trong nội dung dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Nội dung bài viết được thực hiện trên cơ sở người đọc đã nắm được nội dung cơ bản của QCVN 06:2010/BXD.
2. Những điểm mới được đề xuất trong dự thảo QCVN 06/BXD.
2.1. Cấu trúc
Cấu trúc của dự thảo QCVN 06/BXD về cơ bản vẫn bám sát như QCVN 06:2010/BXD, ngoài một số thay đổi do bổ sung thêm nội dung kỹ thuật và đáp ứng quy định về cấu trúc nội dung quy chuẩn. Cụ thể, dự thảo QCVN 06/BXD có nội dung chính (gồm 7 phần), 9 phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo. Về tổng thể, nội dung chính có bổ sung phần 5 và phần 7, phụ lục có thay đổi nội dung Phụ lục A và bổ sung thêm Phụ lục I.
Về nội dung chính, các phần 1, 2, 3 và 4 vẫn giữ nguyên như QCVN 06:2010/BXD, lần lượt là: Quy định chung; Phân loại kỹ thuật về cháy; Đảm bảo an toàn cho người; và Ngăn chặn cháy lan. Phần 5 được biên soạn mới và bổ sung vào nội dung chính của quy chuẩn với các quy định về cấp nước chữa cháy trong nhà và cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Các quy định về chữa cháy và cứu nạn trong phần 5 của QCVN 06:2010/BXD được chuyển vào phần 6. Phần 7 được bổ sung thêm theo quy định về cấu trúc chung của quy chuẩn để nêu những vấn đề liên quan đến tổ chức thực hiện.
Về phụ lục: Các thuật ngữ, định nghĩa trong Phụ lục A của QCVN 06:2010/BXD được chuyển thành một điều trong phần 1; nội dung Phụ lục AQ (trong dự thảo quy chuẩn) đề cập đến quy định bổ sung về an toàn cháy cho một số nhóm nhà cụ thể, gồm: Nhà công nghiệp, nhà chung cư và nhà hỗn hợp có chiều cao đến 150m. Ngoài ra, dự thảo QCVN 06/BXD cũng đã bổ sung thêm Phụ lục I (tham khảo) để trình bày một số hình vẽ, sơ đồ mang tính chất minh họa, giải thích cho các quy định được diễn đạt bằng lời văn trong nội dung quy chuẩn.
2.2. Nội dung quy định kỹ thuật
a) Phần 1 – Quy định chung
Phần này có bổ sung một số nội dung để làm rõ phạm vi điều chỉnh được mở rộng thêm của quy chuẩn, cụ thể gồm: Quy định cấp nước chữa cháy; quy định đối với nhà chung cư cao tầng từ 75m đến 150m, nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác cao từ 50m đến 150m; và các nhà có hai hoặc ba tầng hầm. Giải thích từ ngữ cũng là một nội dung được bổ sung thêm trong phần 1, trong đó đề cập trên 30 thuật ngữ được tổ chức lại từ quy chuẩn hiện hành và có bổ sung mới một số thuật ngữ theo ý kiến phản hồi từ thực tế và do có bổ sung về quy định kỹ thuật.
b) Phần 2 – Phân loại kỹ thuật về cháy
Phần này có hai điều chỉnh lớn sau:
- Giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với một số bộ phận chịu lực theo bậc chịu lửa của nhà được điều chỉnh để phù hợp với hệ thống phân loại chung về giới hạn chịu lửa của quốc tế. Cụ thể trong Bảng 4, với các nhà có bậc chịu lửa là R120, R90, R45 và R15, còn đối với tường trong của buồng thang bộ thì giới hạn chịu lửa yêu cầu tương ứng là: REI120, REI90, REI60 và REI45. Các cửa và van ngăn cháy được lắp đặt trên những bộ phận ngăn cháy (tường, vách ngăn, sàn) cũng được điều chỉnh tương ứng, ví dụ cửa ngăn cháy loại 1 yêu cầu giới hạn chịu lửa là EI60 và loại 2 là EI30. Giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với các cấu kiện chịu lực trong các tầng hầm cũng đã được bổ sung trong nội dung Bảng 4.
- Giải pháp được chaaspnhaajn thay thế cho buồng thang bộ không nhiễm khói N1. Theo đó, phải sử dụng một buồng thang bộ có bố trí kết hợp các hệ thống buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2 và N3, với việc cấp khí vào khoang đệm và vào buồng thang là độc lập với nhau.
c) Phần 3 – Bảo đảm an toàn cho người
Bên cạnh các quy định bảo đảm an toàn thoát nạn cho các khu vực tầng hầm 2 hoặc 3, nội dung phần này có điều chỉnh, bổ sung một số điểm cơ bản như sau:
- Quy định nguyên tắc bố trí những vị trí cửa trên lối ra thoát nạn của tầng cho phép do chuyển từ buồng thang bộ thoát nạn ngược trở lại không gian bên trong nhà và các quy định để đảm bảo nhận biết được các vị trí cửa này trong quá trình thoát nạn;
- Quy định các trường hợp được phép bố trí cầu thang cong trên đường thoát nạn và kích thước hình lọc của các bộ phận thuộc cầu thang cong được phép bố trí trên đường thoát nạn;
- Làm rõ một số giải pháp được coi là đảm bảo thông gió tự nhiên cho khoảng đệm dẫn đến buồng thangbooj thoát nạn không nhiễm khói loại N1 (có các hình vẽ minh họa cho từng giải pháp). Theo đó, các khoảng đệm này có thể để hở thông trực tiếp với không khí bên ngoài; hoặc là một hành lang bên được chiếu sáng và thông gió qua các lỗ thông tiếp xúc với không gian mở (đường phố, giếng đứng có diện tích không nhỏ hơn 93m2 bao bọc bởi các tường đặc); hoặc là một sảnh ngăn khói diện tích không nhỏ hơn 6m2, kích thước mỗi chiều không nhỏ hơn 2m và được thông gió tự nhiên qua giếng đứng được bảo vệ chống khói hoặc hành lang thông gió ngang.
- Quy định về loại buồng thang, cầu thang bộ thoát nạn và phương tiện báo cháy, chữa cháy bổ sung đối với nhà chung cư có diện tích sàn mỗi tầng không quá 500m2 để được phép chỉ bố trí một buồng thang bộ thoát nạn.
d) Phần 4 – Ngăn chặn cháy lan
Phần này có bổ sung thêm một quy định cơ bản nhất là các ống đổ rác trong nhà chung cư (nhóm F1.3) và nhà hỗn hợp phải được làm bằng vật liệu không cháy.
e) Phần 5 – Cấp nước chữa cháy
Toàn bộ phần này được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nghiên cứu biên soạn và bổ sung mới. Nội dung chính gồm:
- Cấp nước chữa cháy ngoài nhà, đề cập các quy định đối với nguồn cấp nước, lưu lượng cấp, nguyên tắc tính toán cấp nước, nguyên tắc bố trí cấu tạo hệ thống ống dẫn và bồn, bể chứa nước;
- Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, nêu các quy định về số lượng, vị trí và lưu lượng nước của các lăng phun nước chữa cháy cũng như các quy định về bố trí, cấu tạo và áp suất của mạng đường ống và họng nước chữa cháy trong nhà.
Với nội dung bổ sung này, quy chuẩn sau khi được ban hành có thể thay thế cho TCVN 2622:1995 đang áp dụng song song hiện nay.
f) Phần 6 – Chữa cháy và cứu nạn
Có hai quy định mới được bổ sung trong nội dung phần này:
- Quy định đối với bố trí và lắp đặt thang máy chữa cháy đề cập các khía cạnh như tính toán số lượng, nguyên tắc bố trí, các đặc điểm vận hành trong trường hợp có cháy, nguyên tắc đảm bảo an toàn cho thang cũng như việc tiếp cận và sử dụng thang của lực lượng chữa cháy.
- Trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp hai chiều giữa phòng trực điều khiển chống cháy tới một số khu vực trong nhà có hai hoặc 3 tầng hầm.
2.3. Các phụ lục
a) Phụ lục A – Quy định bổ sung đối với một số nhóm nhà cụ thể
Phụ lục này có ba phần chính đưa ra các quy định bổ sung đối với ba nhóm nhà, lần lượt gồm:
- Nhà công nghiệp (các nhà xưởng, nhà kho) thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn, đưa ra các nguyên tắc xác định quy mô của nhà để áp dụng các quy định về đảm bảo an toàn cháy, nguyên tắc bố trí các khu vực cho nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau trong cùng một khối nhà và nguyên tắc bố trí đối với các gian kho trong nhà sản xuất.
- Nhà chung cư có chiều cao từ 75m đến 150m, đề cập một số quy định cơ bản như sau: Ngăn chia thành khoang cháy theo chiều cao không quá 50m; yêu cầu nâng cao đối với giới hạn chịu lửa của một bộ phận nhà; Các vật liệu hoàn thiện trong nhà hoặc vật tư của các hệ thống kỹ thuật điện, cấp thoát nước, điều hòa không khí đòi hỏi phải đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy an toàn hơn; Đặc biệt đối với các nhà có chiều cao từ 100m trở lên phải bố trí các tầng lánh nạn không cách nhau quá 20 tầng, trên các tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn với diện tích được tính toán và phải được đảm bảo an toàn theo quy định.
- Nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao từ 50m đến 150m, bên cạnh quy định về phân khoang theo chiều đứng và bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn tương tự như đối với nhà chung cư, các quy định khác cũng được đưa ra đối với nhóm nhà này và ngưỡng yêu cầu có xu hướng cao hơn. Ví dụ như việc xác định các yêu cầu về đảm bảo thoát nạn cho toàn bộ nhà phải đáp ứng cho nhóm chức năng sử dụng có yêu cầu khắt khe nhất hoặc phải đảm bảo riêng biệt cho từng khu vực, hay các quy định riêng đối với cấp nước chữa cháy, hệ thống điện hoặc hệ thống thông gió và bảo vệ chống khói. Quy định về giới hạn tầng được phép bố trí các gian phòng có chức năng công cộng (hội họp, phục vụ ăn uống…) có tập trung đông người cũng được đưa ra trong phần này.
b) Phụ lục H
Bảng H.5 có bổ sung nội dung nhằm làm rõ thêm về nguyên tắc bố trí các gian phòng, khu vực có chức năng công cộng trong các nhà hỗn hợp.
c) Phụ lục I
Phụ lục này có tính chất tham khảo, được biên soạn bổ sung mới, bao gồm các hình vẽ minh họa và làm rõ thêm các quy định được diễn đạt bằng lời trong nội dung chính của quy chuẩn. Cụ thể gồm 3 phần chính sau:
- Phần 1: Gồm các hình minh họa cho quy định ngăn cách lối ra thoát nạn từ các tầng hầm lên với lối ra thoát nạn từ các tầng trên xuống trong các nhà có tầng hầm.
- Phần 2: Gồm các hình trình bày nguyên tắc đảm bảo độ phân tán của các lối ra thoát nạn trong gian phòng hoặc trong một tầng nhà.
- Phần 3: gồm các hình minh họa cho các loại cầu thang và buồng thang bộ trong nhà nói chung, các loại buồng thang bộ không nhiễm khói nói riêng. Các hình minh họa cũng làm rõ thêm về những giải pháp được chấp nhận áp dụng để bố trí khoảng đệm khoongg nhiễm khói cho thang bộ không nhiễm khói loại N1.
3. Kết luận và kiến nghị
Việc soát xét quy chuẩn đã được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu các điềuu kiện thực tế khi áp dụng trong nước và tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế trong vấn đề đảm bảo an toàn cháy, đặc biệt là đối với công trình cao tầng. về cơ bản, dự thảo quy chuẩn sau khi soát xét đã đề xuất được các nội dung nhằm giải quyết những vướng mắc đang tồn tại trên nguyên tắc ưu tiên giải pháp phòng cháy và các điều kiện đảm bảo an toàn sinh mạng của người sử dụng, đồng thời cũng hạn chế tối đa các yếu tố có thể gây lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Để việc áp dụng quy chuẩn vào thực tế được thuận lợi, sau khi chính thức ban hành, rất cần biên soạn thêm các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tài liệu hướng dẫn, minh họa chi tiết hơn đối với nội dung quy chuẩn hoặc tổ chức các lớp tập huấn phổ biến nội dung quy chuẩn đến các cá nhân, tổ chức có liên quan.
(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 100/2019)