Thực trạng tổ chức không gian và quản lý hè đường đô thị thành phố Hà Nội

Thứ tư, 18/12/2019 11:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2017, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện công tác lập lại trật tự hè đường đô thị, trong đó có các hoạt động quản lý, tổ chức không gian. Nhiều tuyến hè phố đã được giành lại cho người đi bộ, chỉnh trang và nâng cấp các tiện nghi đô thị nhằm tạo lập không gian đô thị hiện đại. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, mặc dù đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên các giải pháp quản lý và tổ chức không gian còn nhiều bất cập cần đánh giá cụ thể hơn hiện trạng để tìm giải pháp phù hợp hơn với thực tiễn. Qua khảo sát thực tế tại 9 quận nội thành Hà Nội, bằng những thống kê và phân tích cụ thể, bài viết nhận diện những vấn đề thực trạng công tác tổ chức không gian và quản lý hè đường đô thị Hà Nội. 

Hà Nội với hơn 7,5 triệu dân là nơi hội tụ đủ các vấn đề thực tiễn, cơ chế, chính sách; nguồn lực con người, tài chính, khoa học công nghệ và văn hóa; khát vọng và mô hình phát triển của cả nước. tương tự như TP.HCM, Hà Nội là nơi tập trung các vấn đề nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa gắn với mở rộng quy mô đô thị và dân số đô thị. Từ năm 2010 đến nay toàn thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 130 danh mục dự án chỉnh trang, trong đó có 34 danh mục dự án hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi chìm kết hợp với chỉnh trang các tuyến phố.

Hà Nội đã thiết lập nhiều tuyến phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm), tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân) và đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống hè đường đô thị tạo diện mạo đô thị văn minh và hiện đại. Bên cạnh đó, đã có nhiều quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên trục đường được UBND thành phố phê duyệt như: Tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung; tuyến đường Tràng Tiền – Tràng Thi – Điện Biên Phủ, tuyến đường Phạm Hùng, tuyến đường Vành đai 2,5…Các đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị được phê duyệt là cơ sở quan trọng để lập dự án đầu tư và quản lý xây dựng hè đường đô thị Hà Nội.

Các tuyến hè đường thành phố Hà Nội đã được đầu tư, cải tạo trong giai đoạn phục vụ kỉ niệm 1.000 năm Thăng long – Hà Nội. Nhiều tuyến phố cải tạo chỉnh trang kết hợp với hạ ngầm các đường dây cáp đi nổi đã được lát bằng đá tự nhiên. Sau khi UBND Thành phố Hà Nội ban hành áp dụng “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố”, một số tuyến phố đã hoàn thành trong thời gian gần đây như tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, trong đó điển hình là đường lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi, Bà Triệu đã thực sự mang lại bộ mặt khang trang, đảm bảo trật tự văn minh đô thị, được cộng đồng dân cư và các tổ chức đồng tình, ủng hộ.

Bằng phương pháp thực địa chụp ảnh, vẽ ghi, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 9 quận nội thành của thành phố Hà Nội, bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông. Đối tượng khảo sát hè đường các tuyến đường đô thị gồm 3 cấp đường sau: Đường vành đai, đường trục chính đô thị và đường liên khu vực.

Trên cơ sở tổng hợp phân tích hiện trạng, nhóm nghiên cứu có nhận diện các vấn đề thực trạng tổ chức không gian và quản lý hè đường đô thị thành phố Hà Nội như sau:

1. Mật độ đường giao thông

Đường giao thông trong khu vực chiếm tỷ lệ 13% đất đô thị năm 2019 trong phạm vi khảo sát 9 quận nội thành của thành phố Hà Nội, bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, và Hà Đông.

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải đảm bảo tỷ lệ 20%-26% diện tích đất dành cho giao thông và 3%-4% dành cho giao thông tĩnh; vận tải khách công cộng phải đạt từ 50%-55%. Song, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt được khoảng 9,38%; đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%; tỷ lệ vận tải khách công cộng mới đạt 14%. Như vậy, tất cả các chỉ số phục vụ GTVT của Hà Nội đều thấp hơn rất nhiều so yêu cầu.

2. Thực trạng tổ chức không gian

Qua việc khảo sát phân tích hiện trạng, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức không gian chưa được thống nhất tổng thể toàn khu vực đô thị, chứa tạo được những bản sắc riêng cho vị thế của thủ đô. Tổ chức không gian hè đường tại các khu vực, các công trình hành chính, thương mại dịch vụ, y tế và giáo dục còn rất lộn xộn, thiếu diện tích cho người đi bộ, các hạng mục kiến trúc mới và cũ chắp vá ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đô thị. Cụ thể như sau:

i) Về hình thức không gian: Theo khảo sát, không gian hè đường Hà Nội rất đa dạng, bao gồm: Tuyến phố hiện đại, tuyến phố cũ, tuyến phố cổ. Không gian tuyến phố hiện đại chiếm 19% tập trung ở quận Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông. Không gian tuyến phố cũ chiếm 70%, tập trung ở quận Hoàng Mai, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. Không gian tuyến phố cổ 11%, tập trung ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Không gian hè đường đô thị có sự chuyển hóa từ phố cổ sang phố hiện đại từ quận trung tâm (Hoàn Kiếm) ra các quận mới. Tuy nhiên các không gian không có sự phân bố độc lập mà có sự biến đổi đan xen, giao thoa, bổ sung và xen cấy từ cổ, cũ, sang hiện đại. Các công trình kiến trúc mới dần chiếm tỉ trọng lớn hơn trong các tuyến phố khảo sát.

ii) Về nguyên tắc bố cục, tổ chức không gian:

Trong thời gian tổng thể: Theo quy hoạch chung Hà Nội, bố cục tổng thể Hà Nội theo hình phễu, lấy Hồ Gươm làm lõi trung tâm. Càng ra ngoài càng cao tầng. Tuy nhiên đến nay các công trìnhh mới không theo nguyên tắc này, mà xen cài vào trong đô thị. Các công trình có tầng cao lớn hơn 35 tầng (chấm màu đỏ) phân bố rải rác trong cấu trúc không gian.

Trong không gian tuyến phố: Chưa thống nhất chiều cao, hình thức…cho thấy tuyến đường càng rộng thì tỷ lệ không gian chưa tốt. Các tuyến phố khảo sát chưa có nguyên tắc bố cục tổ chức không gian hệ thống cho toàn tuyến phố về không gian đóng mở, không tạo được không gian liên kết, không gian có chiều sâu, các công trình điểm nhấn và trọng tâm chưa rõ ràng. Các loại hình công trình kiến trúc thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng bố cục rất lộn xộn và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị. Việc tổ chức không gian tuyến phố không theo thiết kế đô thị mà chủ yếu xác định theo từng dự án, ý tưởng và mong muốn của chủ đầu tư.

iii) Tỷ lệ và quy mô không gian: Tỷ lệ của không gian trung bình (chiều cao và chiều rộng đường) tại đường vành đai 1/3, đường trục chính chủ yếu ½, trục chính thứ yếu 1/1, đường liên khu vực 2/1. Không gian hẹp, thiếu khoảng trống, điểm dừng để tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với đô thị. Nhiều tuyến đường lớn còn không có vỉa hè do quá trình mở rộng lòng đường.

Các loại chiều rộng hè đường:

+ Các tuyến đường có vỉa hè nhỏ 1m: Láng, Đại La, Minh Khai, Trương Định, Đê La Thành, Hoàng Hoa Thám, Tam Trinh, Tràng Thi, Tràng Tiền.

+ Các tuyến đường từ 1-3m: Xã Đàn, Khâm Thiên, Huế, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Lạc Long Quân, Trần Hưng Đạo, Bưởi, Nguyễn Xiển, Trần Khát Chân, Đại Cổ Việt…

+ Các tuyến đường lớn hơn 3m: Khuất Duy Tiến, Đào Tấn…

Nguyên nhân do quá trình mở rộng đường (đường Trường Chinh), lấn chiếm của công trình ven biển (đường La Thành), xây dựng và bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiện nghi đô thị.

iv) Về chức năng không gian: Chức năng công trình không có sự đồng nhất trong khu vực và trên tuyến phố. Các công trình thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ chính, định hình toàn bộ chức năng của tuyến phố. Các loại công trình chủ yếu: Y tế, giáo dục, văn hóa, hành chính, thương mại – dịch vụ, hạ tầng.

Phân bố trong tổng thể: Công trình giáo dục phân bố chủ yếu ở quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa. Công trình hành chính phân bố chủ yếu ở quận Hoàn kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa. Công trình y tế phân bố lẻ tẻ ở các quận nhưng nhiều nhất ở quận Hai Bà trưng, quận Hoàn Kiếm. Công trình thương mại phân bố ở tất cả các quận.

Phân bố trên trục đường: Công trình giáo dục phân bố ở đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Đê La Thành, Tây Sơn. Công trình hành chính phân bố ở đường Nguyễn Chí Thanh, Trần hưng Đạo, Trường Chinh. Công trình y tế phân bố ở đường Giải Phóng, đường Trần Hưng Đạo. Công trình văn hóa phân bố ở đường Khâm Thiên, Trương Định, Tam Trinh.

Nguyên nhân: Hoạt động dịch vụ thương mại là hoạt động chính, chủ yếu của công trình bám theo trục đường. Đây cũng là công trình có tác động lớn nhất đến không gian hè đường đô thị.

v) Về cây xanh: Mật độ cây xanh ngày càng thấp về diện tích, số lượng và chất lượng. Nhiều trục đường lớn đã chặt bỏ, di chuyển cây xanh đi để lấy quỹ đất mở rộng lòng đường. Các mảng cỏ nhằm tăng cường sự thẩm thấu bề mặt, hỗ trợ thoát nước mưa gần như không có.

Trên mỗi tuyến phố Hà Nội, số loài cây do Nhà nước và người dân trồng thường đan xen lẫn nhau với tính chất lấp chỗ trống và thậm chí trồng không đúng chủng loại cây theo quy định. Điều này tạo nên hình ảnh của tuyến phố không chỉ đa dạng về loại cây mà còn đa dạng về lứa tuổi, chiều cao và đặc điểm hình thái khác nhau, tạo nên sự hỗn loạn của cảnh quan đường phố.

Cây xanh bóng mát trên đường phố thuộc 9 quận nội thành Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loài; có số lượng khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật; trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như: Xà cừ, Sữa, Sấu, Muồng…

+ Tỷ lệ diện tích cây xanh trên diện tích đường: Tỷ lệ diện tích cây xanh trên đường là 65%, một số tuyến cây xanh bị chặt để cải tạo hè đường. Các loại cây xanh chủ yếu bao gồm: bằng lăng, xà cừ, phượng vĩ, sấu… Quận có số lượng cây nhiều nhất là quận Hai Bà Trưng (8.489 cây). Tuy nhiên, quận Ba Đình lại là quận đã có hệ thống cây bóng mát với số lượng lớn và phát triển ổn định nhất. Cây lớn tập trung ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Những quận mới thành lập và xây dựng sau này số lượng cây nhỡ và nhỏ chiếm đại bộ phận. Giữa các khu phố cổ, phố cũ và phố mới cũng có sự khác biệt. Phố cũ rất ít cây và thường là rất nhỏ. Ở một vài phố còn sót lại một số cây to như xà cừ, nhồi được trồng từ thời Pháp thuộc. Phố cũ tập trung nhiều cây nhất với những cây lớn hình thành những hàng cây đẹp với các loài cây như: sấu, xà cừ, sữa… Những loài cây này phát huy tốt giá trị cây xanh của chúng ở đô thị hiện nay. Phố mới với những con đường mới mở rộng, có dải phân cách và đang bắt đầu hình thành những hàng cây bóng mát.

+ Phân bố trên trục đường: Cây xanh phân bố rải rác trên các tuyến phố không theo quy củ. Nguyên nhân: Mở rộng đường (ảnh minh họa đường Trường Chinh, Phạm văn Đồng, hoặc đường Láng), do tác động của mưa bão, do người dân xây dựng, đổ phế thải làm hư hại, chất cây.

vi) Về các tiện nghi công cộng đô thị: Ngày càng được cải tạo nâng cấp, tuy nhiên do thiếu quy hoạch công với thiếu diện tích xây dựng, dẫn đến các công trình này làm cản trở giao thông đi bộ, tiêu cực đến cảnh quan đô thị. Các loại tiện nghi đô thị: Điểm bắt xe buýt, thùng rác công cộng, họng cứu hỏa, tủ điện, trạm biến áp, đèn đường, điểm rút tiền tự động, thoát nước, cầu bộ hành, hầm đi bộ, barie, vệ sinh công cộng…

Các tiện nghi đô thị phân bố hầu khắp trên các tuyến phố Hà Nội nhưng tuy nhiên có một số tuyến đường các tiện nghi đô thị vẫn còn thiếu hoặc đã xuống cấp gây nguy hiểm hay mất mỹ quan đô thị.

3. Thực trạng quản lý không gian hè đường đô thị

Mô hình hoạt động quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố: UBND quận được cấp phép sử dụng vỉa hè để trông giữ xe máy, được thu và hưởng 100% kinh phí từ việc sửa chữa thường xuyên vỉa hè, hệ thống thoát nước, nâng cấp vỉa hè. Bên cạnh đó, quận có trách nhiệm giữ gìn trật tự hè phố và xử lý vi phạm. Sở Giao thông công chính được giao chịu trách nhiệm thỏa thuận về quy mô, kết cấu trong các hồ sơ sửa chữa vỉa hè để UBND quận phê duyệt, nhằm thống nhất quản lý toàn thành phố về cao độ, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình.

Hình thức quản lý không gian hè đường: Kẻ vạch sơn phân khu vực để xe máy, khu vực. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các hè đường có nhỏ hơn 3,5m sẽ không được phép bố trí đỗ phương tiện. Đường có hè đường từ 3,5m trở lên được sử dụng hè đường làm chỗ đỗ xe nhưng “phải đảm bảo phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m và các quy định nêu trên”. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tuyến phố không còn đủ phần đường cho người đi bộ, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Bất cập trong công tác cấp phép và quản lý: Sử dụng hè phố hiện do ngành giao thông đảm trách, song việc quản lý sau cấp phép lại do các quận, huyện. Việc khập khiễng này gây khó khăn cho công tác quản lý của các quận, huyện cũng như cho người dân khi phải đến nhiều cơ quan xin phép sử dụng vỉa hè khi cần kinh doanh.

Thực trạng đang diễn ra:

+ Lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe: Hầu hết các tuyến phố cũ chưa có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước thì hoạt động lấn chiếm vỉa hè thường xuyên xảy ra khoảng 70% các tuyến hè đường TP Hà Nội. Đường Láng, Đại La, Minh Khai, Trương Định, Tam Trinh, Trường Chính, Trần Khát Chân, Đê La Thành, Đại Cổ Việt, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Giải Phóng, Bưởi, Lạc Long Quân, Nguyễn Trãi, Thái Hà, Khâm Thiên.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu:

+ Các tuyến phố lấn chiếm trên 70% vỉa hè bao gồm: Đường Trương Định, đường Đê La Thành, đường Trần Khát Chân, đường Đại Cổ Việt, Tam Trinh, đường Láng đường Tây Sơn, đường Khâm Thiên.

+ Các tuyến phố lấn chiếm từ 35-70% vỉa hè gồm: Đường Đại La, Minh Khai, Thái Hà, Tràng Thi, Tràng Tiền, Huế, Giải Phóng, Trường Chinh, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Lương Bằng.

+ Các tuyến phố lấn chiếm 1-35% vỉa hè gồm: Đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Nguyễn Khoái, Trần Hưng Đạo, Xã Đàn, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Mã, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng.

+ Các tuyến không bị lấn chiếm vỉa hè bao gồm: Đường Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn.

Nguyên nhân: Thiếu phối hợp và quản lý chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng cũng như các lực lượng quản lý khu vực khác nhau.

4. Kết luận

Bên cạnh những thành công đã đạt được, việc tổ chức không gian và quản lý hè đường đô thị thành phố Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập: chưa có sự thống nhất tổ chức không gian toàn bộ đô thị trung tâm; chức năng không phù hợp với tính chất và quy mô các loại đường, tiện nghi đô thị xen cấy bừa bãi, việc quản lý chồng chéo. Khó khăn của thành phố Hà Nội cũng là khó khăn chung của các đô thị việt Nam hiện nay. Nhận diện được thực trạng hè đường đô thị Hà Nội, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức không gian và quản lý phù hợp. Từ những thành công Hà Nội là tiền đồ, bài học kinh nghiệm quý để nhân rộng ra các đô thị khác của Việt Nam.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 100/2019

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)