Soát xét, bổ sung, chỉnh sửa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01:2008)

Thứ hai, 09/12/2019 11:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành thì Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng, trong đó quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng là tài liệu qua trọng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành (QCXDVN 01:2008) được ban hành từ năm 2008, sau khi QCXDVN 01:2008 được ban hành hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đều đã có sự sửa đổi hoặc ban hành mới, bên cạnh đó trong quá trình áp dụng, trên thực tiễn nhiều vấn đề đã xuất hiện bao gồm các nguyên lý quy hoạch xây dựng mới, các vấn đề mới trong quản lý theo quy hoạch xây dựng và những tồn tại chưa được giải quyết trong QCXDVN 01:2008. Chính vì vậy, việc soát xét, bổ sung, chỉnh sửa QCXDVN 01:2008 cần phải được thực hiện và công việc này phải được tiến hành định kỳ.

1. Đánh giá về các vấn đề tồn tại của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng hiện hành (QCXDVN 01:2008)

QCXDVN 01:2008 được ban hành trước khi có Luật Quy hoạch (2017), Luật sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch (2018), Luật Xây dựng sửa đổi (2014) và Luật Quy hoạch đô thị (2009) nên trong nội dung có nhiều điều khoản chưa thống nhất hoặc các quy định mang tính hưỡng dẫn mà sau này đã được chỉnh sửa để đưa vào trong hệ thống thông tư, nghị định của hệ thống Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng sửa đổi. QCXDVN 01:2008 cũng được xây dựng và ban hành trước khi có các hướng dẫn về hình thức, quy cách trình bày và nội dung Quy chuẩn Việt Nam theo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. QCXDVN 01:2008 còn có sự chồng chéo, không thống nhất với các quy chuẩn khác như QCVN 07:2015/BXD; QCVN 01:2013/BTC…với các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của các bộ ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường…)

Hơn nữa, sau khi triển khai QCXDVN 01:2008, thực tế đã xuất hiện một số vướng mắc trong việc áp dụng như thiếu công cụ kiểm soát ngưỡng phát triển đô thị (do QCXDVN 01:2008 đã bỏ đi chỉ tiêu đất dân dụng), thiếu quy định kiểm soát cho các công trình cao trên 46m (do thời điểm ban hành QCXDVN 01:2008 chưa xuất hiện nhiều công trình trên 46m)… Một số nội dung (đặc biệt là về đất đai trong đô thị) trước đã được quy định trong bộ Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam ban hành năm 1997, đã bị loại bỏ trong QCXDVN 01:2008 dẫn đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển đô thị một cách lãng phí, hoặc không đảm bảo môi trường sống tiện nghi cho đô thị, cần phải được quy định lại để phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, các quan điểm phát triển mới (phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, đô thị xanh, hạ tầng xanh…) các khái niệm, đối tượng mới phát sinh trong công tác quản lý quy hoạch (đất hỗn hợp, công trình siêu cao tầng, condotel, officetel, shophouse…) và các vấn đề mang tính toàn cầu ảnh hưởng đến sự phát triển đô thị (biến đổi khí hậu, đảo nhiệt đô thị, nước biển dâng…) cần được nghiên cứu bổ sung, lồng ghép vào các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

Các tiêu chuẩn thiết kế là một trong những công cụ cho công tác thiết kế quy hoạch chủ yếu được ban hành từ giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó nổi bật là Tiêu chuẩn về Quy hoạch xây dựng đô thị TCVN 4449:1987, tiêu chuẩn ban hành gần đây nhất là Tiêu chuẩn về Quy hoạch xây dựng nông thôn TCVN 4454:2012 cũng đã được ban hành từ năm 2012 trên cơ sở chuyển đổi TCVN 4454:1987 chứ không phải là soát xét, bổ sung, chỉnh sửa lại tiêu chuẩn cũ. Chính vì vậy, nhiều nội dung trong hệ thống các Tiêu chuẩn thiết kế về quy hoạch đã không còn phù hợp với hệ thống văn bản pháp quy hiện nay cũng như với bản thân Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, vì vậy trong quá trình thiết kế quy hoạch, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đôi khi được sử dụng như một tiêu chuẩn thiết kế là không phù hợp với mục đích ban đầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mà chỉ là các giới hạn bắt buộc phải tuân thủ. 

2. Định hướng chỉnh sửa, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia vè Quy hoạch xây dựng

Cần thay đổi cấu trúc Quy chuẩn cho phù hợp với các hướng dẫn về hình thức, quy cách trình bày và nội dung Quy chuẩn Việt Nam theo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ các nội dung mang tính hướng dẫn trong quy chuẩn vì đã được quy định trong hệ thống Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, điều chỉnh các khái niệm để phù hợp với hệ thống Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Phân chia nội dung giữa Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn có liên quan về công trình khác, theo đó Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng chỉ quy định những vấn đề nằm ngoài hàng rào công trình (đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy mô đất đai, ,khoảng cách ly…). Phân định các nội dung cần được quản lý thông qua quy chuẩn theo đúng quy định trong Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuyển dần các nội dung phục vụ cho công tác thiết kế sang hệ thống tiêu chuẩn.

Tăng cường hiệu quả của công tác dự báo với yêu cầu về việc sử dụng chuỗi số liệu hiện trạng, cũng như việc yêu cầu phải xem xét đến các biến đổi của tình hình kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt là các dự báo về hạ tầng kỹ thuật phải ưu tiên việc sử dụng chuỗi số liệu hiện trạng, trước khi tính đến các phương pháp khác, việc sử dụng tiêu chuẩn thiết kế để xác định các dự báo phải là phương pháp cuối cùng được tính đến. 

Phân định rõ ràng các khái niệm về đất đai dùng trong quy hoạch xây dựng (đặc biệt là đất đai trong đô thị) từ đó làm rõ các loại đất phải được khống chế, quản lý thông qua quy chuẩn như: đất dân dụng, đất đơn vị ở, đất công trình dịch vụ - công cộng, cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị… Chỉ tiêu đất dân dụng được bổ sung nhằm đảm bảo việc lựa chọn quỹ đất và quy mô phát triển đô thị quá lớn, gây lãng phí quỹ đất, trong đó cân nhắc về mật độ tối ưu cho phát triển đô thị. Đối với đất công trình dịch vụ - công cộng, quy chuẩn chỉ quy định cho các công trình dịch vụ - công cộng chính có tính thiết yếu với đô thị, các công trình khác sẽ do quy hoạch xác định dựa trên yêu cầu riêng của từng đô thị. Đối với đất cây xanh, quan tâm hơn đến hiệu quả sử dụng đất cho các nhu cầu dân dụng như vui chơi giải trí của người dân trong công viên. 

Kết hợp linh hoạt việc quản lý theo mật độ xây dựng và tầng cao với việc quản lý theo hệ số sử dụng đất (đặc biệt là cho các khu vực đô thị hiện hữu). Bổ sung các khống chế về hệ số sử dụng đất để quản lý tốt hơn việc chất tải hạ tầng trong đô thị (đặc biệt là với phân khúc công trình cao trên 46m, trong QCXDVN 01:2008 chưa được khống chế tốt). Trong điều kiện chưa có nghiên cứu cụ thể ứng với điều kiện hạ tầng của Việt Nam, chỉ tiêu hệ số sử dụng đất được lấy theo kinh nghiệm Nhật Bản (là không quá 13 lần). Điều này không có nghĩa là các công trình được phép xây dựng với hệ số sử dụng đất đến 13 lần, mà là đồ án quy hoạch xây dựng phải xác định hệ số sử dụng đất trong các khu vực đô thị cho phù hợp với khả năng đáp ứng về hạ tầng theo dự báo trong thời hạn quy hoạch nhưng phải đảm bảo không cho phép các công trình xây dựng với hệ số sử dụng đất quá 13 lần. Hệ số sử dụng đất tối đa được loại trừ đối với các công trình đặc biệt là điểm nhấn của đô thị (landmark) đã được xác định trong quy hoạch.

Bổ sung việc phân chia các khu hiện hữu thành các khu vực có cách áp dụng quy chuẩn khác nhau để phù hợp với thực tế quản lý hiện nay (khu vực bảo tồn áp dụng các quy định riêng, khu vực chỉnh trang không cần áp dụng quy chuẩn, khu vực tái thiết áp dụng các chỉ tiêu như khu mới và khu vực áp dụng các chỉ tiêu có điều chỉnh giảm). Cụ thể là: 

- Nhóm quy hoạch những khu vực dọc các tuyến đường mới mở (từ đường phân khu vực trở lên), khu vực tái thiết hoặc khu vực cải tạo làm tăng  thêm dân số, tầng cao có quy mô diện tích tương đương một lô đất được giới hạn các tuyến đường phân khu vực (theo lưới đường tiêu chuẩn) thì áp dụng các quy định như đối với các khu vực quy hoạch mới.

- Nhóm di sản đô thị (như khu phố cổ) phải có nghiên cứu riêng theo đặc thù đô thị và không cần sử dụng quy chuẩn để đối chiếu.

- Nhóm chỉ chỉnh trang chỉ làm mới cảnh quan, kiến trúc, bổ sung hạ tầng cho tiện nghi hơn không cần áp dụng quy chuẩn này.

- Nhóm các khu vực còn lại áp dụng các nội dung quy chuẩn quy định riêng cho khu vực hiện hữu.

- Tạo hành lang cho những sáng tạo về thiết kế quy hoạch và kiến trúc thông qua việc loại bỏ các quy định có tính cụ thể về hình dáng, cấu trúc, chi tiết công trình, chỉ đưa ra các nguyên tắc để đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và đáp ứng các nhu cầu tiện nghi tối thiểu. Tăng cường hiệu lực của quy hoạch, thiết kế đô thị trong việc xác lập các chỉ tiêu quản lý đô thị đảm bảo tính mềm dẻo của các giải pháp thiết kế và sự đa dạng của các hình thái, cấu trúc tổ chức không gian đô thị.

- Bổ sung các yêu cầu và các chỉ số tính toán có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến công tác quy hoạch, nhằm đưa yêu cầu về lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào đồ án quy hoạch. Bổ sung các quy định cho đối tượng là các khu đất, công trình có yếu tố ở (trong đó bao gồm: Condotel, officetel…) trong các đồ án quy hoạch (từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết) nhằm khống chế về chất tải hạ tầng (hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật) thông qua các thông số về dân số (bao gồm cả dân số tạm trú, vãng lai) và tổng diện tích sàn.

- Điều chỉnh khái niệm và một số quy định về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường để phù hợp với các văn bản pháp luật khác (phòng cháy chữa cháy, giao thông vận tải…) đồng thời vừa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường cho các khu vực dân dụng, các công trình trọng điểm của đô thị, tạo vùng đệm cách ly an toàn cho các khu vực, công trình là nguồn phát sinh ô nhiễm, vừa đảm bảo tính khả thi trong quá trình lựa chọn vị trí các công trình đầu mối hạ tầng. Cho phép sử dụng các công cụ về đánh giá tác động môi trường để xác định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường thông qua việc xác định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường thông qua việc xác định khoảng cách an toàn từ đối tượng, nguồn phát sinh ô nhiễm, không tính từ hàng rào khu đất để có điều kiện bố trị các dải cách ly một cách hiệu quả, đồng thời tiết kiệm quỹ đất.

3. Lời kết

Một số vấn đề chưa được điều chỉnh, bổ sung trong Quy chuẩn do chưa có cơ sở khoa học sẽ được tiếp tục bổ sung trong quá trình soát xét định kỳ hệ thống quy chuẩn khi đã có các nghiên cứu khoa học để bổ sung như các quy định đối với các khu chức năng đặc thù, các chỉ số điều chỉnh cụ thể đổi với các loại hình công trình mới trong đô thị như mạng lưới cấp khí đốt toàn đô thị. 

Cần định kỳ rà soát Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng để chỉnh sửa bổ sung kết hợp với kế hoạch xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện, bổ sung các vấn đề còn thiếu trong các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quôc gia về Quy hoạch xây dựng hoặc các vấn đề còn chưa có cơ sở khoa học rõ ràng.

Sớm triển khai rà roát, chỉnh sửa hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam về Quy hoạch xây dựng, trong đó tập trung vào lĩnh vực quy hoạch đô thị, nhằm tạo ra một hệ thống nhất giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn, đồng thời giải quyết yêu cầu bức xúc, cần có những hướng dẫn, định hướng trong công tác thiết kế quy hoạch đô thị hiện nay, loại bỏ gánh nặng của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (hiện nay vừa được dùng cho công tác quản lý vừa là căn cứ chính cho công tác thiết kế), giúp cho Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng có thể loại bỏ các nội dung mang tính hướng dẫn, các quy định có tính cứng nhắc, không tạo ra sự linh hoạt giúp đảm bảo tiêu chí của một Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là chỉ đưa ra các yêu cầu, quy định, chỉ tiêu mang tính khống chế để đảm bảo các yêu cầu tối đa, tối thiểu về môi trường, an toàn và điều kiện tiện nghi.
 

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 100/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)