Nhà thông minh "SMART HOME" đôi điều suy nghĩ!

Thứ ba, 05/11/2019 15:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1.Về bản chất, kiến trúc cũng là môi trường, hay nói cách khác kiến trúc là mối liên hệ tổng hòa giữa con người và thế giới quan. Điều này được thể hiện trên hai góc nhìn:Thứ nhất, dưới góc nhìn phi vật thể, hệ tư tưởng hay các hình thái siêu hình: Kiến trúc là mối liên hệ giữa “trời” với “môi trường” thiêng liêng: ví dụ như công trình Sata Maria de Oya (ở Galice), Đức phật Thiên Tân (ở Bắc Kinh), Parthenon (ở Hy Lạp) hay nhà thờ hồi giáo lớn Tombouctou…

Dưới góc nhìn hiện thực và thực hành, kiến trúc là mối quan liên hệ giữa con người với thiên nhiên với các yếu tố trong môi trường như: Khí hậu, địa hình, địa vật lý…

Chính vì vậy, khi thiết kế, các KTS luôn nghiên cứu các tác động cũng như ảnh hưởng giữa tác phẩm của mình với môi trường thiên nhiên. Dưới đây là một số tiêu chí mà các KTS thường vận dụng trong thiết kế của mình để có được những công trình thích ứng với điều kiện môi trường xung quanh, cụ thể:

-Thiết kế các công trình kiến trúc theo tiêu chí thích ứng với điều kiện khí hậu, tiết kiệm năng lượng và hài hòa trong sử dụng sẽ tạo ra các hiệu quả như: Sưởi ấm công trình miễn phí,, làm mát công trình miễn phí, thông gió tự nhiên, sử dụng năng lượng tự sinh và sử dụng nước miễn phí;

- Thiết kế kiến trúc và xây dựng công trình sử dụng vật liệu bền vững và có thể tái tạo được:

Quản lý môi trường đang là yêu cầu cấp bách với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhiệt độ trái đất đang nóng lên từng ngày, và hậu quả đã được thấy rõ bởi những vụ động đất, bão lũ…vì vậy tất cả mọi người, mọi ngành đều phải hành động. Trong đó lĩnh vực xây dựng đóng vai trò to lớn. Xây dựng bản chất không phải là một hoạt động thân thiện với môi trường sinh thái. Đơn cử như hoạt động sản xuất ra xi măng, đá, cát…đến quá trình phá dỡ công trình cũ tạo ra lượng khí nhà kính lớn, phá hỏng bầu khí quyển.

Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia: Làm sao để ngành xây dựng vẫn phát triển mạnh mà ảnh hưởng ít nhất đến môi trường? Đã có rất nhiều phương án được đưa ra, nhưng trong đó một phương pháp được cho là hiệu quả nhất đó là sử dụng vật liệu xây dựng tái chế. Tác dụng của việc sử dụng vật liệu tái chế: Làm giảm nhu cầu vật liệu mới. Cắt giảm chi phí vận tải và sản xuất, giảm chi phí cho việc chôn lấp, xử lý chất thải.

- Thiết kế kiến trúc “xanh”: Thiết kế kiến trúc xanh là một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng Việc này nhằm hướng tới các yếu tố về bảo tồn sinh thái, môi trường, hiệu quả sử dụng không gian, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng cùng các tiện ích tiện nghi cuộc sống.

Thiết kế kiến trúc xanh nhằm đảm bảo các yếu tố: Giảm năng lượng sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường; giảm năng lượng và tiêu hao tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tổn hại sức khỏe con người. Bởi vậy, kiến trúc xanh đòi hỏi phải giảm áp lực lên môi trường, giảm và xử lý chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Hay nói cách khác, kiến trúc phải thân thiện với môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của môi trường sống trên trái đất.

- Thiết kế công trình sử dụng những khoa học công nghệ mới: Những khoa học công nghệ này cho phép công trình tự sinh ra năng lượng, tự nuôi sống vản thân và giảm thiểu tối đa các tác động xấu đến môi trường. Phải kể đến các công nghệ kỹ thuật sử dụng điện bằng pin mặt trời, bằng sức gió, công nghệ xử lý tuần hoàn nước, xử lý rác thải…

2. Các nghiên cứu về kiến trúc xanh, kiến trúc than thiện với môi trường đang là vấn đề rất cần thiết và cấp bách trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Hơn nữa việc ứng dụng các giải pháp xanh này không chỉ đem lại điều kiện tốt hơn cho môi trường sống của chúng ta, mà còn có rất nhiều lợi thế trong việc đầu tư xây dựng công trình.

Chính vì vậy, tại các đô thị lớn trên thế giới, các thành phố có dân số đông, thì việc xây dựng các công trình cao tầng và siêu cao tầng vẫn là những giải pháp được lựa chọn và xu hướng áp dụng các giải pháp xanh được khuyến khích rất nhiều, tại một số thành phố của các nước phát triển việc ứng dụng này còn được đưa vào các tiêu chuẩn quy phạm trong việc thiết kế và xây dựng.

Chúng ta rất dễ nhầm lẫn kiến trúc xanh là kiến trúc có màu xanh, cứ nhiều cây thì được gọi là xanh…Nhưng thực chất không phải chỉ như vậy, kiến trúc xanh phải đảm bảo rất nhiều yếu tố mà đã được nhắc khá kỹ ở phần trên. Công trình kiến trúc đó phải thỏa mãn các yếu tố như hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với địa hình, hợp lý về hướng nắng, hướng gió. Công trình kiến trúc đó phải được nghiên cứu thích nghi với điều kiện khí hậu, điều kiện tự nhiên tại vị trí nó được xây dựng. Các giải pháp thiết kế thông minh nhằm tạo cho công trình có thể thông gió, chiếu sáng tự nhiên. Ngoài ra vật liệu sử dụng phải thân thiện với môi trường, có thể tái tạo được… hơn nữa còn phải kể đến các giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật để có thể làm cho công trình tự sinh ra năng lượng, tiết kiện nước…

Gần đây, các tổ chức đánh giá công trình xanh đã xuất hiện ở Việt Nam, phải kể đến là Hội KTS Việt Nam với các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Hay chúng ta vẫn nghe đến chứng chỉ Lotus, chứng chỉ LEED của Mỹ hay HQE của Pháp…

Điều đó cho thấy, việc ứng dụng các thiết kế công trình xanh tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn bắt đầu manh nha, các nhà quản lý, nhà đầu tư, người dân cũng dần nhận ra được tầm quan trọng của hiệu quả đem lại khi ứng dụng các tiêu chí của kiến trúc xanh. Diện tích đất thì không thể sinh ra mà dân số thì ngày một tăng, chính vì vậy các giải pháp lựa chọn xây dựng công trình nhà ở cao tầng và siêu cao tầng vẫn là giải pháp cần phải cân nhắc nhất trong điều kiện thực tế. lợi thế của công trình cao tầng và siêu cao tầng là diện tích chiếm đất xây dựng tỷ lệ nhỏ nhưng đem lại tổng diện tích sàn xây dựng lớn, tuy nhiên về mặt không gian ba chiều thì những công trình này lại chiếm dụng các không gian thiên nhiên với một thể tích lớn. Chính vì vậy, nếu chúng ta không vận dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn của công trình xanh, thì hệ quả của việc xây dựng các công trình cao tầng cũng là vấn đề rất nguy hiểm.

Ở hai thành phố lớn, Hà Nội và TP.HCM những năm gần đây, việc xây dựng các công trình cao tầng phát triển khá ồ ạt, đặc biệt là các công trình nhà ở cao tầng hay chúng ta gọi là Chung cư cao tầng. Dường như việc xây dựng này vẫn chưa thực sự được kiểm soát tốt về cả mặt thiết kế, xây dựng và vận hành. Có nhiều dự án do chủ đầu tư đặt mục tiêu lợi ích trước mắt mà quên đi những hệ lụy có thể xảy ra. Tuy nhiên, về mặt tích cực, cũng có một số dự án đã ý thức được việc cần phải bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hành động của Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam…đã làm cho người dân và các chủ đầu tư nhận thức rõ hơn về các vấn đề đó.

3. Căn hộ thông minh hoặc nhà thông minh là kiểu nhà được lắp đặt các thiết bị điện, điện tử có thể được điều khiển hoặc tự động hóa hoặc bán tự động, thay thế con người trong thực hiện một hoặc một số thao tác quản lý điều khiển. hệ thống điện tử này giao tiếp với người dùng thông qua bảng điện tử đặt trong nhà, ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng hoặc một giao diện web.

Trong căn nhà thông minh, đồ dùng trong nhà từ phòng ngủ, phòng khách đến phòng vệ sinh đều gắn các bộ điều khiển điện tử có thể kết nối với Internet và điện thoại di động, cho phép chủ nhân điều khiển vật dụng từ xa hoặc lập trình cho thiết bị ở nhà hoạt động theo lịch. Thêm vào đso, các đồ gia dụng có thể hiểu được ngôn ngữ của nhau và có khả năng tương tác với nhau.

Căn hộ thông minh còn khá mới lạ trong điều kiện xây dựng và phát triển ngành nghề xây dựng tại Việt Nam hiện nay, tuy nhiên với các nước phát triển đặc biệt là các nước có nền công nghiệp vượt trội như Mỹ, Đức, Nhật, Pháp…thì việc ứng dụng khoa học công nghệ để biến các công trình bình thường thành các căn hộ thông minh đã tồn tại hơn 10 năm trở lại đây.

Thời gian gần đây, khái niệm “nhà thông minh” : “căn hộ thông minh”, thậm chí là thành phố thông minh được nhắc đến rất nhiều, tạo thành một trào lưu trong mảng đầu tư xây dựng. Rất nhiều chủ đầu tư đã lạm dụng khái niệm này nhằm quản bá đánh bóng hình ảnh sản phẩm của mình để thu hút việc bán hàng.

Tuy nhiên việc ứng dụng các khoa học máy tính, phần mềm chỉ là điều kiện đủ để chúng ta có được một công trình thông minh. Nhưng nếu điều kiện đủ đó mà chưa có điều kiện cần thì ngôi nhà thông minh của chúng ta đôi khi còn xảy ra các hậu quả ngược lại. Để có được một công trình thông minh đúng nghĩa thì việc đầu tiên công trình đó vẫn phải thỏa mãn các vấn đề cơ bản như:

+ Thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu, giải quyết tốt các vấn đề địa hình, cao độ, tác động ít nhất đến điều kiện tự nhiên nơi công trình được xây dựng;

+ Áp dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng nhằm tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng, sử dụng các vật liệu tái chế, có thể tái tạo được, thậm chí có thể tự sản sinh ra năng lượng cho công trình;

+ Thỏa mãn các điều kiện của nhiệm vụ thiết kế nhưng không quên tạo ra các điều kiện tiện nghi nhất cho người sử dụng;

+ Cuối cùng là vận dụng các phần mềm để trở thành một công trình thông minh.

Để làm được những điều đó đòi hỏi các nhà thiết kế, các KTS phải dày công nghiên cứu,, vận dụng các kiến thức khoa học vào trong các bản thiết kế của mình. Không những thế các nhà đầu tư cũng phải thực sự có tâm, không vì một số lợi ích trước mắt mà đánh đổi các giá trị bền vững thì chúng ta mới có thể có được những sản phẩm thực sự thông minh.


(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 293/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)