2. Đặc điểm tự nhiên vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)
2.1 Khái quát chung về vùng ĐBSH
Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng bao gồm 8 tỉnh (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình) và một phần của 3 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh; diện tích 14.806km2, dân số 17,7 triệu người (2006). Về mặt hành chính, có 2 thành phố trực thuộc TW là Hà Nội và Hải Phòng và 9 đô thị cấp tỉnh (đô thị loại 1, 2, 3), 85 huyện và 96 thị trấn. Như vậy, mật độ dân số vùng ĐBSH là 1225 người/ km2 (2006) cao gấp gần 2 lần so với đồng bằng sông Cửu Long và cao hơn mật độ bình quân trong toàn quốc trên 5 lần.
Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có hình tam giác với đỉnh là Hưng Yên, đáy là bờ biển kéo dài 130km từ trung tâm mỏ than và cảng thành phố Hạ Long ở phía Bắc, đến điểm cực nam của tỉnh Ninh Bình ở phía Nam.
2.2 Đặc điểm địa hình
Địa hình lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình có hướng dốc chung từ tây bắc xuống đông nam, địa hình phần lớn là đồi núi, chia cắt mạnh. ĐBSH và sông Thái Bình được tính từ Việt Trì đến cửa sông chiếm hơn 70% diện tích toàn lưu vực. Địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. Dọc theo các sông ở đồng bằng đều có đê chia cắt đồng bằng thành những ô tương đối độc lập. Vùng cửa sông giáp biển có nhiều cồn cát và bãi phù sa.
Vùng ĐBSH có cao độ mặt đất từ 0,4- 0,9 m, với 58,4 % diện tích ĐBSH ở mức thấp hơn 2m, ở cao trình này hoàn toàn ảnh hưởng bởi thuỷ triều nếu không có hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông. Hơn 72% diện tích ĐBSH ở cao trình thấp hơn 3m. Ở 4 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có trên 80% diện tích đất đai có cao trình thấp hơn 2m. Dọc theo các sông vùng ĐBSH đều có đê bảo vệ. Tuy nhiên khi mực nước dọc theo các triền sông mới ở mức báo động 1, tức là mực nước lũ gần như năm nào cũng xảy ra (p= 80- 90%) thì hầu như toàn vùng ĐBSH nằm dưới mực nước sông, trừ các đô thị và các làng mạc đã được tôn tạo hoặc các vùng ngoài đê đã được phù sa bồi đắp. Gặp những cơn lũ lớn xảy ra tràn hoặc vỡ đê thì khó tránh khỏi tổn thất lớn về người và của, thiệt hại tới nền kinh tế quốc dân.
2.3 Thuỷ văn
Lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình là một lưu vực lớn liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích đất tự nhiên vào khoảng 169.000 km2 và diện tích lưu vực của hai con sông này trong lãnh thổ Việt Nam 81.000km2, vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng có diện tích khoảng 17.000 km2.
Vùng ĐBSH thuộc lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình. Sông Hồng được hình thành từ 3 sông nhánh lớn liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000km2 và diện tích lưu vực của hai con sông này trong lãnh thổ Việt Nam 81.000 km2; vùng châu thổ ĐBSH có diện tích khoảng 17. 000 km2.
Vùng đồng bằng sông Hồng thuộc lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình. Sông Hồng được hình thành từ 3 nhánh sông lớn là sông Đà, sông Lô, sông Thao. Sông Thái Bình cũng được hình thành từ 3 nhánh sông lớn là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Hai hệ thống sông được nối thông với nhau bằng sông Đuống và sông Luộc tạo thành lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình. Vào mùa mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông dâng cao xảy ra tràn hoặc vỡ đê gây ngập úng.
2.4 Đặc điểm khí hậu
Vùng ĐBSH có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nhiệt độ không khí trung bình năm 22,5- 23,50c, lượng mưa trung bình năm 1400- 2000mm (thuộc loại mưa lớn trên thế giới). Lượng mưa biến đổi quan nhiều năm không lớn, năm mưa nhiều gấp 2- 3 lần năm mưa ít. Do đặc tính khí hậu nhiệt đới gió mùa nên chế độ mưa vùng ĐBSH biểu hiện tính mùa khá rõ rệt. Mùa mưa thừơng kéo dài 5 tháng từ thàng 6 đến tháng 10, nơi mưa nhiều cóo thể kéo dài từ 7- 8 tháng, lượng nước bốc hơi vùng ĐBSH đến hơn 1000 mm.
3. Thực trạng quản lý chất thải rắn đô thị vùng ĐBSH
Tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh toàn vùng ước tính khoảng 14.517 tấn/ngày đêm, trong đó lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị (tính đến đô thị loại 5) là 8425,6 tấn/ngày, đêm, chiếm tỷ lệ 58%; lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn ước tính 6092 tấn /ngày chiếm tỷ lệ 42%. Riêng thành phố Hà Nội, tổng lượng CTR sinh hoạt hiện nay ước khoảng 5000 tấn/ngày, đêm. Trong đó khoảng 3500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị và khoảng 15000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Việc xử lý CTR hiện tại chủ yếu vẫn dựa vào chôn lấp. Tuy nhiên chỉ có một số ít bãi chôn lấp trong vùng là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, ví dụ bãi chôn lấp Nam Sơn (Hà Nội), Lộc Hoà (Nam Định).
Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng, xử lý CTR đô thị chủ yếu vẫn là chôn lấp (80- 83%), thứ yếu là sản xuất phân hữu cơ (7%) và thu hồi, tái chế chất thải tại các cơ sở tái chế tư nhân (10- 12%).
Trong vùng đồng bằng Bắc bộ đã có các nhà máy xử lý chất thải tập trung với quy mô lớn để xử lý CTR cho thành phố như nhà máy xử lý chất thải Cầu Diễn (Hà Nội), Xuân Sơn (Sơn Tây), nhà máy xử lý chất thải Nam Sơn huyện Sóc Sơn, Hà Nội với công suất 2000 tấn/ngày cũng mới khởi công từ tháng 9/2010 với quy mô lớn để xử lý chất thải tập trung cho thành phố Hà Nội, nhà máy xử lý chất thải Lộc Hoà (Nam Định) …
Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, đặc biệt là các thị trấn, thị tứ cấp huyện, các xã, khu vực ven đô thuộc vùng ĐBSH vấn đề xử lý CTR đang trở thành vấn đề bức xúc.
Tại vùng ĐBSH do điều kiện địa hình tự nhiên thấp, vào mùa mưa thường gây ngập úng, đôi khi xảy ra lũ lụt. Vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải tại các đô thị và khu dân cư càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài cho thấy, ô nhiễm môi trường chủ yếu là do nước thải và chất thải rắn. Tại các đô thị và nông thôn vùng ĐBSH, chất thải rắn đô thị chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao (50- 60%), CTR còn tươi, nhiều loại còn đang trong giai đoạn phân huỷ. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm dễ phát sinh và thu hút côn trùng, nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng cao. Tại khu vực nông thôn, do công tác quản lý không tốt và ý thức kém của người dân, rác thải vẫn đổ lộ thiên tràn lan ra các khu đất trống, vệ đường, bờ mương, bờ kênh… gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu vực. Vào mùa mưa, các chất gây ô nhiễm dễ phát tán ra môi trường trên phạm vi rộng. Tại các vùng ngập úng, đôi khi ngập lụt, quản lý nước thải, rác thải là không thể kiểm soát nếu không có biện pháp quản lý phù hợp.
Lịch sử Việt Nam cho biết trong vòng 10 thế kỷ (từ thế kỷ X- XIX), Việt Nam có 188 cơn lũ làm vỡ đê sông Hồng. Riêng thế kỷ XIX đã có 26 năm đê bị vỡ gây lũ lụt, điển hình là các năm 1814, 1824, 1835, 1872, 1893. Trận lụt năm 1893, mức nước định lũ tại Hà Nội lên đến 13m. Sang thế kỷ XX, đã có 20 lần vỡ đê ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình…
Như trên đã phân tích, xử lý CTR đô thị hiện nay chủ yếu là chôn lấp (80- 83%). Việc chôn lấp CTR còn tươi, có thành phần hữu cơ cao, đang trong giai đoạn phân huỷ trong vùng ĐBSH thường xuyên bị ngập úng, đôi khi ngập lụt là không thể kiểm soát. Việc lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp hợp vệ sinh với tần suất ngập lụt là 1% là không khả thi, vì chỉ sau 40 năm (1971- 2008) trên vùng ĐBSH đã xảy ra 7 trận lụt trên quy mô rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc dân. Vấn đề quản lý nước thải và rác thải là không thể kiểm soát nếu không có giải pháp phù hợp.
4. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn vùng ĐBSH
Theo kết quả điều tra phân tích và đánh giá của Cục quản lý tài nguyên nước ở nước ta có 5/16 lưu vực sông bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: lưu vực ĐBSCL, lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Vu Gia- Thu Bồn và lưu vực sông Cả. Vùng ĐBSH, lưu vực sông Cầu và lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy là bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất mà nguyên nhân chủ yếu là do nước thải và chất thải rắn…
5. Đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn vùng ĐBSH
5.1 Giải pháp quy hoạch
Thông tư 13/2007/TT- BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định 59/2007/NĐ- CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn chủ yếu hướng dẫn quy hoạch quản lý CTR nguy hại, quản lý CTR liên vùng, liên đô thị. Trong khi khu vực nông thôn vùng ĐBSH chủ yếu là quản lý CTR theo xã, thị trấn, thậm chí theo cụm dân cư, thôn, xóm, gia đình. Do vậy. song song với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển không gian các điểm dân cư nông thôn, cần sớm quy hoạch các điểm tập kết rác thải, khu xử lý rác thải quy mô nhỏ để người dân có chỗ đổ rác và xử lý rác.
5.2 Giải pháp công nghệ
Đối với vùng thường xuyên bị ngập úng, đôi khi ngập lụt, chất thải rắn đô thị cần được xử lý- ủ, ổn định hiếu khí chất thải trứơc khi chôn lấp hoặc tiến hành các bước xử lý tiếp theo. Trong giai đoạn này, khu tiếp nhận xử lý chất thải phải có mái che, nền khu xử lý phải cao hơn cốt ngập lụt (P= 1%). Khi đó CTR đã được xử lý ổn định, nếu đem chôn lấp không gây ô nhiễm môi trường kể cả mùa mưa.
5.3 Cơ chế chính sách và sự tham gia của cộng đồng
Để khắc phục ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông ĐBSH, cần tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người về các chủ trương, chính sách và pháp luật về quản lý CTR, bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thuỷ sinh; xây dựng cơ chế thích hợp trong quản lý CTR cho vùng ĐBSH, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoặc hỗ trợ đắc lực cho việc bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh; đưa nội dung giáo dục bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh vào giảng dạy trọng hệ thống giáo dục quốc dân.
Vùng ĐBSH có địa hình thấp, thường xuyên bị ngập úng, đôi khi ngập lụt. Để quản lý chất thải đô thị vùng ĐBSH đạt hiệu quả cần tiến hành đồng bộ các giải pháp: quy hoạch, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách và sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh việc quy hoạch các khu xử lý CTR vùng tỉnh và liên vùng tỉnh, cần quy hoạch các điểm đổ rác, khu xử lý CTR quy mô nhỏ cho các điểm dân cư nông thôn, các thị trấn, thị tứ cấp huyện, các xã và liên xã. Cần có cơ chế chính sách, lựa chọn công nghệ phù hợp với vùng ĐBSH thường xuyên bị ngập úng, đôi khi ngập lụt.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 7/2011