“Nhà ở xã hội” là một khái niệm mới trong thực tiễn cũng như trong các văn bản pháp luật. Gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó ghi rõ: đây là loại nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cho người thu nhập thấp. “Nhà ở bền vững” cũng là một khái niệm phức tạp, phụ thuộc bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường của từng đô thị, từng khu vực địa lý, quốc gia. Bản thân khái niệm bền vững đối với nhà ở đô thị cũng có vi phạm rất rộng, bao gồm bền vững về mặt kinh tế, văn hoá xã hội, công nghệ môi trường. Các khái niệm hẹp hơn, như nhà ở xanh, nhà ở sinh thái có phạm vi ảnh hưởng thấp hơn so với nhà ở thông thường. Để cụ thể hoá các khái niệm, đánh giá và ứng dụng nhà ở bền vững, nhà ở xanh hay sinh thái, tại các nước trên thế giới đã có một số công cụ như: hệ thống đánh giá công trình xanh cho nhà ở LEED- Mỹ, LEED- Ấn Độ, Casbee- Nhật, Greebuilding Index- Malaysia…bao gồm các tiêu chí rất cụ thể về sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và tài nguyên tự nhiên nhằm giảm thiểu tác động môi trường, tăng cường chất lượng ở, nâng cao khả năng ứng phó với các thảm hoạ, biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững, lồng ghép phát triển bền vững và nhà ở… Nhờ các công cụ đánh giá này, các tiêu chí bền vững hoàn toàn có thể định lượng được dưới các dạng thông số cụ thể và khoa học, làm cơ sở nhận định một công trình nhà ở có bền vững hay không và bền vững ở mức độ nào.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới kết luận: về mặt kỹ thuật, công nghệ môi trường và xây dựng hoàn toàn có thể thực hiện việc thiết kế và xây dựng nhà ở bền vững cho người thu nhập thấp, khó khăn lớn nhất xuất phát từ khía cạnh kinh tế xã hội hơn là kỹ thuật. Một trong những mục tiêu chủ yếu của thiết kế nhà ở bền vững cho người thu nhập thấp là hiệu quả kinh tế. Tổng chi phí từ giai đoạn xây dựng, vận hành sau đó là phá huỷ của nhà ở theo các tiêu chí thiết kế bền vững luôn thấp hơn trong khi các điều kiện về chất lượng, tiện nghi môi trường công trình được đảm bảo, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lại có thể cao hơn thiết kế thông thường. Có nghĩa là giá thành nhà ở bền vững sẽ cao hơn. Trong khi ở Việt Nam giá thành nhà ở xã hội vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của những người có thu nhập thấp, thì việc ứng dụng thiết kế bền vững cho nhà ở xã hội dường như không mấy khả thi.
Thực tế không hẳn như vậy, có rất nhiều tiêu chí bền vững hoàn toàn có thể đạt được mà không làm tăng chi phí đầu tư ban đầu, ví dụ như tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này đối với hai tiêu chí quan trọng: hiệu quả năng lượng và vật liệu “xanh”. Giải pháp thiết kế thụ động, dựa trên nền tảng kiến trúc truyền thống: tận dụng và chế ngự điều kiện khí hậu tự nhiên, giúp đảm bảo điều kiện vi khí hậu trong và ngoài nhà mà không phải tốn thêm chi phí cho các thiết bị cải thiện môi trường sống. Ý nghĩa quan trọng của giải pháp này là hiệu quả kinh tế, đồng thời điều chỉnh mối quan hệ hài hoà giữa hiệu quả năng lượng và chất lượng cuộc sống. Khu nhà ở xã hội Honeycom ở Slovenia là một ví dụ thực tiễn: khu nhà được che nắng và thông gió, sưởi ấm tự nhiên quanh năm bằng hình thức ban công đặc biệt có cấu trúc tổ ong. Thiết kế sáng tạo này đã giảm đáng kể chi phí cho các thiết bị làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, lựa chọn vật liệu sẵn có ở địa phương, giá thành thấp, sử dụng hiệu quả năng lượng và thân thiện môi trường cũng là giải pháp quan trọng liên quan đến hiệu quả kinh tế nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng tiêu chí vật liệu “xanh”. Ví dụ, trong một số dự án nhà ở xã hội trên thế giới, vật liệu tre (dự án nhà ở bằng tre ở Ecuador), bao tải cát (nhà ở tường bao tải cát ở Nam Phi), vật liệu phế thải như thảm cũ, gỗ thùng chứa hàng… đã được sử dụng như vật liệu xây dựng, đáp ứng tiêu chí bền vững mà không làm tăng thêm chi phí xây dựng công trình ban đầu.
Ngoài ra, thiết kế bền vững nhà ở cho người có thu nhập thấp cũng tính đến hiệu quả sử dụng lâu dài, thiết kế ban đầu có quy mô nhỏ để đảm bảo chi phí thấp, sau đó có thể mở rộng một cách linh hoạt và dễ dàng mà không ảnh hưởng đến các thành phần chức năng của công trình. Ví dụ như khu nhà ở xã hội ở Quita Monroy ở Chi Lê, riêng giá thành đất xây dựng cao gấp 3 lần so với khả năng tài chính của người thu nhập thấp. Vì vậy, nên khu nhà được thiết kế một cách rất sáng tạo với một nửa căn hộ được xây dựng trước, phù hợp với khả năng tài chính của người nghèo, khi có điều kiện họ có thể xây tiếp phần còn lại. Đây cũng là một kinh nghiệm rất thiết thực cho Việt Nam.
Gần đây, Viện quy hoạch và xã hội của Đức đã áp dụng các tiêu chuẩn bền vững để đánh giá 475 nhà ở điển hình tại Hà Nội. Hệ thống đánh giá rất sát với điều kiện Việt Nam khi hầu hết các tiêu chí bền vững có liên quan đến khía cạnh kinh tế- xã hội. Khảo sát cũng nhận định: một số khu nhà ở mới được xây dựng từ năm 2000- 2002, đáp ứng tiêu chuẩn mới nhất của Bộ Xây dựng nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế bền vững. Qua đó, có thể thấy rằng việc xây dựng tiêu chuẩn bền vững cho nhà ở trong đó bao gồm nhà ở xã hội cho Việt Nam là rất cần thiết. Chúng ta có lợi thế là các tiêu chuẩn hay công cụ đánh giá nhà ở bền vững đã được nhiều nước đi tiên phong, việc học hỏi và ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn này với điều kiện Việt Nam là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cần phải hiểu được vấn đề cốt lõi của thiết kế bần vững cho nhà ở xã hội là sự cân bằng giữa lựa chọn thiết kế bền vững và hiệu quả kinh tế. Nhà ở bền vững phù hợp với khả năng của người có thu nhập thấp ở mức độ nào cần phải có những nghiên cứu và áp dụng thực tiễn từ quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành công trình. Yếu tố sáng tạo với mục tiêu giảm lệ thuộc vào thiết bị và công nghệ cũng góp phần quan trọng cho sự thành công trong thiết kế nhà ở xã hội. Ngoài ra, để tính khả thi cao hơn cũng cần có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức kinh tế khác, có thể lồng ghép hiệu quả các tiêu chuẩn bền vững đối với những dự án nhà ở xã hôi.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 2/2011.