Quản lý xây dựng và phát triển TP.HCM gắn với các giải pháp ứng phó triều cường và bảo vệ môi trường

Thứ ba, 25/05/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với diện tích tự nhiên khoảng 2095 km2, dân số khoảng 8 triệu người, TP.HCM là một trong những đô thị lớn nhất của cả nước, là trung tâm về kinh tế, công nghiệp, thương mại, tài chính, khoa học kỹ thuật công nghệ, văn hoá xã hội,... của quốc gia và khu vực.

Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, chiếm 6% diện tích tự nhiên, khoảng 7% dân số,  đóng góp 20% GDP của cả nước; 30% giá trị sản xuất công nghiệp; 40% kim ngạch xuất khẩu; tông thu ngân sách đạt 91.305 tỷ đồng, gần 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, GDP xấp xỉ 2500 USD/người/năm, gấp gần 3 lần mức bình quân cả nước.

Giai đoạn 1999 - 2009, tổng diện tích đất xây dựng đô thị của thành phố tăng  khoảng 17.000 ha (bình quân mỗi năm tăng 5%), đến nay đã đạt khoảng 48.000 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất tự nhiên, hình thành được 19 quận và 5 huyện so với 17 quận và 05 huyện năm 1999.

Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành hoặc đang được triển khai thực hiện, nổi bật là các khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi,...

Đặc biệt, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khu A) được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị  kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Đây là các mô hình đô thị mới hiện đại, được thiết kế quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà ở... nhiều chương trình, dự án nâng cấp đô thị hiện hữu triển khai như dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè, Đại lộ Đông Tây, dự án nâng cấp đô thị thành phố trong khuôn khổ Chương trình nâng cao đô thị Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ,... từng bước nâng cao đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nhà ở và hình thành một đô thị văn minh hiện đại.

Thực hiện chương trình nhà ở của thành phố, trong đó chú trọng các loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà ở cho sinh viên, nhà tái định cư,... từ năm 1999 đến nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người được nâng lên từ 7,1 m2/người lên 13,5 m2/người.

Đến năm 2009, thành phố hình thành 15 Khu chế xuất – khu công nghiệp, diện tích khoảng 3600 ha, thu hút 245.300 lao động. Mạng lưới cơ sở thương mại với gần 80 siêu thị và 20 trung tâm thương mại được hình thành với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ, thu hút trên 2500 lao động làm việc với trên 200.000 m2 diện tích mặt bằng kinh doanh. Hệ thống công trình dịch vụ như cao ốc văn phòng, khách sạn, trong đó có những công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Thành phố đã có những nỗ lực rất lớn trong việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống giao thông bao gồm cả hệ thống bến bãi đỗ xe, ga hàng không, ga đường sắt và hệ thống cảng biển được phát triển tương đối hoàn chỉnh và đa dạng. Dự án xây dựng hệ thống đường sắt nội đô gồm 06 tuyến tàu điện ngầm, giao thông công cộng cũng đang được nghiên cứu, triển khai.

Hệ thống cấp nước đáp ứng được 80% nhu cầu sử dụng nước của người dân, lưới điện đáp ứng 94% nhu cầu dùng điện. 03 dự án lắp đặt cải tạo mở rộng các tuyến cống thoát nước mưa, nước thải, nạo vét kênh rạch và dự án vệ sinh môi trường các dự án đang đầu tư, gồm:

- Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè;

- Dự án cải thiện môi trường nước;

- Dự án nâng cấp đô thị.

Về y tế văn hoá giáo dục, với vai trò là trung tâm của cả khu vực, thành phố đã phát triển khoảng trên 1.400 trường học với trên 1,2 triệu học sinh, sinh viên các ngành học, bậc học. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển với tổng số 398 cơ sở y tế. Số giường bệnh trên 10.000 dân ở các bệnh viện công lập đã tăng từ 30 lên 35 giường.

Lĩnh vực TDTT, văn hoá cũng đã có những bước tiến đáng kể. Các cơ sở TDTT lớn được sửa chữa, nâng cấp xây dựng mới như: SVĐ Thống Nhất, SVĐ Quân khu 7, Nhà thi đấu Phú Thọ, Trung tâm TDTT Thành Long,... đã triển khai các dự án nâng cấp, xây dựng mới hệ thống các rạp chiếu bóng, thư viện, bảo tàng, nhà truyền thống, nhà văn hoá. Nhiều di tích lịch sử, đình, chùa, miếu, nhà thờ,... đã được trùng tu, cải tạo.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, dân số tăng nhanh, trung bình khoảng 200.000 người mỗi năm, cùng với tốc độ đô thị hoá, các vấn đề xã hội và môi trường đang gặp khó khăn, thách thức. Ô nhiễm nước thải, khí thải, chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải nguy hại và ngập nước đang trở thành những vấn đề nghiêm trọng, cấp bách cần được quan tâm sâu sát, cần có chiến lược, kế hoạch quản lý và xử lý lâu dài.

Để đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển, chính quyền và nhân dân thành phố đã đầu tư rất nhiều nhân lực, tài lực để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng Chiến lược quản lý và bảo vệ môi trường cho giai đoạn từ năm 2001 – 2010; bao gồm các chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí, quản lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải sinh hoạt, mảng xanh đô thị, chương trình bảo vệ đa dạng sinh học và rừng ngập mặn Cần Giờ, chương trình nâng cao ý thức cộng đồng và hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường và ứng dụng công nghệ môi trường, trong đó đã đề ra các giải pháp khả thi, hiệu quả để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trong các công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với triều cường luôn được đặc biệt quan tâm. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát tình hình triều cường, nêu lên các nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp ứng phó với triều cường, góp phần bảo vệ môi trường tại TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.008 km sông, kênh rạch, riêng khu vực nội thành có hơn 100 km kênh rạch làm trục thoát nước chính. Việc thoát nước chủ yếu dựa vào nguồn kênh rạch tự nhiên này, do đó không tránh khỏi tác động của hiện tượng thuỷ triều, cụ thể là đợt triều cường vào tháng 11/2008 là đỉnh triều lịch sử 1,54 m, cao nhất trong vòng 49 năm qua, kể từ năm 1960. Tối ngày 4/11/2009, triều cường cũng đã dâng lên 1,53m.

Đây là một trong các nguyên nhân gây ngập lụt tại hơn 120 điểm trên địa bàn (có những nơi ngập sâu 0,6 m) ảnh hưởng rất lớn đến đời sông sinh hoạt của người dân và thiệt hại rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội.

Có nhiều nguyên nhân làm cho hiện tượng triều cường trở nên bất thường và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:

Thứ nhất, TP.HCM nằm trong dải đất Đồng bằng Nam bộ thuộc các vùng đất thấp, có các khu vực với cao độ địa hình trên  +2m chỉ chiếm khoảng 45% diện tích, phần còn lại là nhưng khu vực thấp, bằng phẳng và chịu ảnh hưởng nặng của thuỷ triều. Ngoài ra, do nằm ở hạ lưu các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, nên còn chịu ảnh hưởng nặng nề khi hệ thống các hồ thuỷ lợi (ví dụ như hồ Dầu Tiếng) xả tràn và kết hợp những đợt mưa có vũ lượng lớn đúng vào thời điểm triều cường xuất hiện.

Thứ hai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đang quá tải, toàn thành phố chỉ có khoảng 50% các tuyến đường có hệ thống cống thoát nước. Bên cạnh đó, việc thi công các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đang triển khai trên diện rộng, nên chưa phát huy hết tác dụng; một số trường hợp hệ thống thoát nước trục chính đã hoàn thành nhưng hệ thống nhành chưa được kết nối đồng bộ, trong quá trình thi công thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả. Ngoài ra, còn khoảng 200 km bờ bao chưa kiên cố, thường gặp sự cố khi triều cường.

Thứ ba, tình hình gia tăng dân số cùng với ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn thấp, vẫn còn tình trạng san lấp ao hồ làm mất dần các hồ điều tiết tự nhiên; lấn chiếm, xả chất thải làm tắc nghẽn dòng chảy của hệ thống kênh rạch.

Để giải quyết vấn đề ngập lụt chung, không chỉ riêng cho hiện tượng triều cường, Thành Uỷ, UBND thành phố ban hành Quyết định số 57/2001/QĐ - UB ngày 05/07/2001 về Chương trình chống ngập trong mùa mưa và xử lý môi trường và các chỉ đạo có liên quan khác, đã thành lập Trung tâm điều hành chương trình Chống ngập nước tại quyết định số 1121/QĐ - UBND ngày 14/3/2008; Trung tâm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu xoá giảm ngập trên địa bàn thành phố giai đọan 2011 - 2015. Ngoài ra, UBND thành phố có các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật với các nước tiên tiến có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề chống ngập lụt như Hà Lan; tranh thủ tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ ODA từ các nước, cũng như từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).

UBND thành phố đã khẩn trương thúc đẩy việc thi công xây dựng các dự án trọng điểm như dự án Đại lộ Đông Tây – Cải thiện Môi trường nước TP. Dự án Vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè), Dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực kênh Bến Nghé Tàu Hũ, Kênh Đôi, Kênh Tẻ GĐ1), Dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hoá Lò Gốm, tiểu dự án rạch Hàng Bàng với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng.

Các dự án theo Quy hoạch Thuỷ lợi chống ngập theo quyết định số 1547/QĐ - TTg ngày 28/10/2008 về phê duyệt quy hoạch Thuỷ lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các dự án xây dựng cống kiểm soát triều ven sông Sài Gòn, đê bao kết hợp kè, nạo vét các kênh trục chính, xây dựng các hồ điều tiết,... dự kiến tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng cũng đang chuẩn bị được đầu trư.

Ngoài ra, UBND thành phố triển khai kế hoạch chống ngập cấp bách, tập trung thực hiện cho khu vực nội ngoại thành, như lắp đặt và vận hành trạm bơm tại các khu vực bị ngập nặng và lắp đặt các van kiểm soát triều trong khu vực nội thành; gia cố các tuyến đê bao tại khu vực ngoại thành...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành uỷ và UBND thành phố, cùng sự nỗ lực của các sở ngành, địa phương; trong năm 2009 đã giảm được 38,10% các điểm ngập so với năm 2008.

Từ đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn trong việc chống ngập, các giải pháp ứng phó với triều cường và góp phần bảo vệ môi trường được đề ra như sau:

- Lập Qui hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, hoàn tất quy hoạch thoát nước chi tiết 5 vùng Bắc, Tây, Nam, Đông Nam, Đông Bắc, và lập Chiến lược tổng thể tiêu thoát nước, xoá, giảm ngập giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, xây dựng và ban hành các qui định về cốt khống chế xây dựng, về hồ điều tiết, về hệ số mặt phủ tại các khu đô thị mới... nhằm đảm bảo các yêu cầu thoát nước, ngăn chặn phát sinh điểm ngập mới, được lồng ghép chặt chẽ trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Một ví dụ cụ thể, trong quy hoạch  của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cao độ nền được điều chỉnh là  +2,5, nâng lên 0,5m so với quy hoạch tổng thể thoát nước đô thị để dự phòng triều cường.

- Xây dựng kế hoạch, bố trí đủ vốn ngân sách hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình chống ngập, đồng thời xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc huy động vốn từ các nguồn lực xã hội, các nguồn vốn ODA.

- Triển khai chương trình duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trong mùa khô nhằm khai thác tối đa khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước hiện hữu trong khi chờ các dự án thoát nước lớn hoàn thành và phát huy tác dụng.

- Phối hợp Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, tăng cường công tác cảnh báo triều cường; công bố vùng ngập nước, thông tin đến các địa phương để chủ động phòng chống triều cường; phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Sông Bé, Sông Đồng Nai,...) để tránh xả lũ cùng thời điểm với triều.

- Phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai các biện pháp tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước trọng điểm và các dự án cục bộ để xây dựng bổ sung hệ thống cống cấp 2, cấp 3 nhằm xoá và giảm ngập do triều cường cho nhiều khu vực; xây dựng hệ thống kiểm soát triều bao gồm đê bao, cửa xả, cống đập kiểm soát triều cường và hệ thống các hồ điều tiết.

- Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan trong việc tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ hệ thống bờ bao tại các địa bàn trọng yếu; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp san lấp, lấn chiếm trái phép kênh rạch thoát nước; bảo vệ hệ thống thoát nước trên địa bàn thi công các dự án giao thông, thoát nước nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp thu hẹp tiết diện dòng chảy, chặn bít cửa xả, gây ngập trong quá trình thi công;

- Tổ chức cải tạo nền các khu dân cư ven sông rạch và vùng đất thấp, xác định ranh giới sông rạch, di dời dân. Xác định cao độ nền thực tế các khu xây dựng cũ, áp dụng hệ thống thoát nước ly tâm cục bộ, xây dựng hồ chứa, cải tạo hệ thống thoát nước bên trong.

- Tổ chức trồng rừng phòng hộ và xây hồ trên các vùng đất cao (Củ Chi, Thủ Đức, quận 9, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh,...). Xây dựng các hồ thuỷ lợi lớn ở các vùng đất thấp Đông Nam, Nam, Tây Nam thành phố nhằm điều tiết triều và lũ với tần suất 10 năm.

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, học tập các kinh nghiệm của quốc tế trong thiết kế quy hoạch và quản lý đô thị nhằm xoá các điểm ngập hiện hữu và ngăn không để phát sinh các điểm ngập mới do triều cường và mưa trong quá trình đô thị hoá.

- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ hệ thống thoát nước, hệ thống đê bao; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tập kết cừ tràm, phên tre, bao tải đất... sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống bất lợi xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư – phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; “ba sẵn sàng” : chủ động phòng tránh ứng phó kịp thời, khắc phục kịp thời có hiệu quả.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đã tham gia các chương trình do quốc tế tổ chức để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, sẽ phối hợp với Hội đồng Vành đai Châu Á - Thái Bình Dương về Phát triển đô thị (PRCUD) tổ chức Diễn đàn Bàn tròn “Quy hoạch xây dựng đô thị – ứng phó và thích nghi với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế vào tháng 7/2010.

 

     Nguồn: SÀI GÒN ĐẦU TƯ & XÂY DỰNG, số 4/2010

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)