Rác thải, nước thải, vấn nạn của các nước đang phát triển
Dù trong những năm gần đây, dịch vụ cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, bộ mặt đô thị đã có nhiều khởi sắc, sạch hơn, đẹp hơn; nhưng vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn ở các đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Ở đa số khu đô thị và khu công nghiệp, nhiều loại nước thải độc hại chưa qua xử lý vẫn còn xả trực tiếp xuống sông, hồ, gây ô nhiễm ở mức độ đáng báo động. Bãi chôn lấp rác chưa hợp chuẩn không thiệt hại kinh tế do thiếu kế hoạch quản lý nước thải và chất thải hợp lý đã chiếm tới 1,3 – 1,5% thu nhập quốc dân tại các nước châu Á. Khi kinh tế đang ở thời kỳ suy thoái, mức thiệt hại này còn cao hơn nữa do nhiều doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí đầu ra bằng cách giảm đầu tư cho môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu là chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, thiếu sự phối hợp chung trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội trong việc xử lý nước thải và chất thải. Bên cạnh đó là sức ép của quá trình đô thị hoá, gia tăng dân số, di dân tập trung cao tại các đô thị lớn đã gây tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật. Một trở ngại nữa là trong khi nhiều nước đã có những luật lệ, qui tắc khá đầy đủ về quản lý môi trường đô thị, quản lý chất thải rắn; cải cách, thúc đẩy ngành thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị phát triển bền vững, thì việc triển khai đưa vào cuộc sống lại gặp nhiều khó khăn và không suôn sẻ như mong đợi vì nhiều lý do. Những vi phạm vẫn diễn ra, công khai hoặc lén lút. Rác vẫn được đổ và xả bừa bãi ra đường phố, sông, suối, đồng ruộng hoặc lén chôn vào đất. Đủ loại khí thải độc hại được toả lên không trung, gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu.
Mô hình quản lý chất thải phù hợp
Trong khi chính phủ nhiều nước đang phát triển không đủ lực và kinh phí để đối phó với rác thải và nước thải, thì các nhà đầu tư tư nhân hầu như chưa tham gia vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải, vì đầu tư thì lớn nhưng lợi nhuận mang lại thấp. Điều này trái với các nước đang phát triển khi đa phần hoạt động xử lý rác, nước thải được chính phủ và người dân cùng làm. Đổi mới cơ chế luật lệ để khuyến khích đầu tư tư nhân là việc làm cấp bách tại những nước đang phát triển. Các nhà đầu tư tư nhân có thể đề xuất phương án hợp tác trên nguyên tắc phải bảo đảm sự hài hoà giữa lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng. Một vấn đề nữa đối với các nước nghèo là năng lực của nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực xử lý rác thải còn yếu, trong khi xử lý rác là lĩnh vực không hề đơn giản. Kinh nghiệm của Cộng hoà Liên bang Đức là cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Môi trường và Bộ Khoa học Công nghệ để giải quyết đồng bộ bài toán rác thải, nước thải. “Vấn đề nước thải, rác thải và việc đưa ra chính sách liên quan đến cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải là vấn đề chung của mọi người. Nước là nguồn tài nguyên của cả cộng đồng, nên khi làm việc với nó chúng ta không được xem lợi nhuận là mục tiêu số một. Để những con sông bị ô nhiễm đến nỗi giết chết mọi thể sống hồi sinh được cũng cần những nỗ lực hết sức to lớn và thời gian” – một quan chức trong ngành môi trường đô thị của Đức nói. Theo các chuyên gia xử lý rác thải, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đồng bộ và phù hợp với quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, cần xây dựng chiến lược ngành, phát triển khung pháp lý, cần tiến hành đánh giá và điều chỉnh mức phí nước thải cho phù hợp, tăng cường các dự án Biogas.
Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất là điều cần quan tâm.Kết hợp nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có và tích hợp những hệ thống quản lý chất thải mới cho các khu đô thị phải được làm song song với việc tìm ra mô hình thu gom và xử lý chất thải bán tập trung tốt nhất cho các đô thị, trong đó chú ý giảm thiểu chi phí xử lý; tái sử dụng nước, chất dinh dưỡng và năng lượng sinh học. Quản lý chất thải an toàn, hợp vệ sinh thông qua việc xử lý kết hợp nước thải, bùn cặn và rác hữu cơ.
Phân loại rác thải
Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm, trong khu vực đô thị (từ loại 4 trở lên) là 6,9 triệu tấn/năm (chiếm 54%). Lượng chất thải rắn còn lại tập trung tại các huyện lỵ, thị xã, thị trấn. Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2010 sẽ vượt 12 triệu tấn/năm và đến năm 2020 khoảng gần 22 triệu tấn/năm. Như vậy, với lượng gia tăng chất thải rắn sinh hoạt như trên thì nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khoẻ cộng đồng do chất thải rắn gây ra đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách của công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề thu gom và xử lý.
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày của con người tại các đô thị và từ các nguồn sau:
- Chất thải sinh hoạt gồm thực phẩm dư thừa: nilon, giấy, carton, nhựa, vải, rác vườn, gỗ, thuỷ tinh, lon đồ hộp, tro và các chất nguy hại khác.
- Chất thải từ các chợ, tụ điểm buôn bán, nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí – văn hoá gồm: thực phẩm dư thừa, giấy, carton, nhựa, gỗ, thuỷ tinh, kim loại và các chất thải độc hại khác.
- Chất thải rắn từ các viện nghiên cứu, cơ quan, trường học như: giấy, bao bì các loại, thực phẩm dư thừa.
- Chất thải từ sinh hoạt của công nhân trong các công trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp.
- Chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật, Mỹ do ý thức người dân cao nên việc phân loại rác tại nguồn được làm rất tốt, cộng với khả năng công nghệ cao nên biện pháp xử lý cũng thích hợp cho từng loại rác thải. Ví dụ rác hữu cơ dễ phân huỷ thì dùng ủ gas, ủ phân compost; các chất thải như nhựa, thuỷ tinh thì tái chế, chất thải nguy hại thì đốt, đóng gói thật kỹ rồi chôn lấp. Còn tại các nước nghèo đang phát triển, do nhiều lý do nên hầu như tất cả rác thải đều được chôn lấp tại các bãi rác. Ở nông thôn hiện nay do diện tích đất trồng còn nhiều chưa phát triển mạnh khu công nghiệp, mật độ dân số thưa nên người dân vẫn còn xem nhẹ ô nhiễm không khí và môi trường. Rác thải ở thành thị luôn được coi trọng hơn nông thôn, vì mật độ dân số đông, rác thải lại nhiều và đa dạng kể cả rác thải độc hại từ các nhà máy, bệnh viện; mặt đường, phố phải sạch sẽ để thể hiện sự văn minh, văn hoá và bộ mặt của địa phương. Nhưng với nhịp độ thành thị hoá nông thôn như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa rác thải cũng trở thành vấn đề lớn của nông thôn, nhất là nhưng nơi có những ngành nghề sản xuất độc hại, như tẩy da heo da bò, nhà máy phân bón chẳng hạn.
Công nghệ xử lý rác thải
Công đoạn thu gom rác thải được thực hiện bắt đầu từ điểm phát sinh, gồm chứa rác tạm thời tại nguồn (hộ dân cư, cơ quan, trường học, chợ, cửa hàng) bằng bao nhựa, thùng nhựa hoặc sắt, container. Việc thu gom được tiến hành thủ công tại khu dân cư và cơ giới tại điểm tập kết, nhà máy, bệnh viện. Những nơi môi trường nóng ẩm, rác hữu cơ phân huỷ nhanh gây mùi khó chịu cần được thu gom nhanh và thường xuyên hơn những nơi khi hậu lạnh. Sau khi thu gom, rác có thể được chuyển trực tiếp từ nơi chứa tạm thời đến điểm xử lý hay phân loại. Rác có thể được tái chế, đốt, chôn lấp, làm phân. Chôn không đúng phương pháp sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước gần bãi rác.
Từ thực trạng rác thải đô thị, những công nghệ mới dùng phân loại, xử lý rác thải, nước thải cũng được nghiên cứu và phát triển. Có ý kiến nên phân loại rác thải ngay từ nguồn, gồm giáo dục ý thức người dân, hướng dẫn họ cách phân biệt rác hữu cơ, vô cơ. Rác hữu cơ được tái chế để sản xuất phân vi sinh, rác vô cơ được chôn lấp. Chất thải rắn đô thị hỗn hợp có thể được xử lý sơ bộ thành nhựa thô để tái chế thành hạt nhựa nguyên liệu. Nước rửa nhựa được xử lý tuần hoàn khép kín, không có nước thải. Chất thải hữu cơ được ủ compost và sản xuất các loại phân bón. Chất thải vô cơ được đốt thu hồi nhiệt và sản xuất nhiên liệu bằng lò quay công nghiệp. Khí thải, nước xử lý khí thải, tro đáy và tro bay được xử lý triệt để, trong đó tro được hoá rắn để sản xuất vật liệu xây dựng.
Cũng có thể xử lý rác thải đô thị bằng phương pháp ướt, trong đó rác được phân thành ba loại chính: rác nổi chủ yếu là xenlulo và polyme được băm làm chất độn sản xuất gỗ, chế biến làm phân bón, làm keo polyme ép gỗ và chế biến nhựa tái sinh; rác lơ lửng là huyền phù (các hạt rắn lơ lửng trong môi trường phân tán lỏng), nhũ tương (chất không hoà tan) được sử dụng sản xuất phân bón; rác chìm được tách cát phục vụ xây dựng, tách kim loại tái chế; cát sỏi, gạch vỡ... được tách, nghiền nhỏ và đóng khuôn làm gạch. Giải pháp xử lý rác bằng phương pháp ướt đã mang lại hiệu quả cao mà giá thành lại thấp, nhưng chỉ phù hợp với các thị trấn, thị tứ, nơi có lượng rác thải nhỏ.
Nguồn: Đô thị Việt Nam số 17 (1/2010).