Vai trò của quản lý chất thải rắn
Trong những thập kỷ gần đây, lĩnh vực quản lý chất thải đã có rất nhiều bước đáng kể và áp dụng thành công các công nghệ tiên tiến trong công tác thu gom, xử lý, tái chế và tái tạo chất thải. Quá trình này nhằm cải thiện sức khoẻ cộng đồng và giảm thiểu các tác động tới môi trường. Hơn nữa, quản lý chất thải rắn cùng với các công nghệ xử lý hiện đại cũng góp phần cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các lựa chọn trong quản lý chất thải rắn cần xem xét điều kiện cụ thể của từng địa phương. Vì thế các cấp ra quyết định, chính sách từ Trung ương tới địa phương cần phải có các lựa chọn mà trong đó quản lý chất thải rắn được xem xét là một yếu tố trong khung chương trình hành động giảm thiểu khí nhà kính nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung.
Ngoài ra, thực tiễn của công tác quản lý chất thải rắn cũng cho thấy “chất thải là một nguồn tài nguyên”. Thông qua quá trình tái tạo nguyên liệu và năng lượng, chất thải được xem xét là một nguồn tài nguyên có thể được khai thác. Cách tiếp cận và những hành động này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cắt giảm lượng khí nhà kính phát sinh.
Theo Hiệp hội chất thải rắn quốc tế (ISWA), ba yếu tố cơ bản để xây dựng một chiến lược quản lý chất thải rắn toàn diện nhằm giảm lượng khí nhà kính phát sinh là:
- Thiết lập hệ thống quản lý chất thải tổng hợp tập trung vào giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, tái chế nhằm giảm tiêu hao về nguyên liệu và năng lượng tiêu thụ.
- Sử dụng các công nghệ xử lý với đặc điểm tiêu hao năng lượng ít và tái sử dụng các vật liệu còn dư thừa của quá trình xử lý.
- Tái tạo năng lượng từ quá trình xử lý chất thải, thu gom khí thải từ quá trình chôn lấp để sử dụng cho các mục đích như sản xuất điện hoặc phục vụ các hệ thống tạo nhiệt hay làm mát. Đây sẽ là một nguồn thay thế cho việc sử dụng năng lượng hoá thạch.
Do đó, nhằm cắt giảm lượng khí nhà kính phát sinh của quá trình quản lý chất thải một cách hiệu quả và hợp lý cần xem xét các vấn đề quan trọng như công nghệ xử lý, cơ chế sản xuất sạch hơn, cơ chế chính sách, kiểm toán khí nhà kính.
Quá trình và công nghệ xử lý chất thải rắn
Thu gom và vận chuyển chất thải rắn: công tác thu gom chất thải rắn cần có các phương tiên thu gom và tiêu thụ nhiên liệu cùng với đó là sự đa dạng của các loại nhiên liệu sử dụng và mức độ tiêu thụ. Vì vậy, lượng nhiên liệu tiêu thụ cho mỗi tấn chất thải thu gom có thể khác nhau do hệ thống thu gom khác nhau. Các nguồn phát thải khí nhà kính từ hoạt động thu gom là khí CO2 phát sinh do sử dụng nhiên liệu và tiêu thụ điện năng của hệ thống thu gom. Vì thế các phương pháp nhằm giảm thiểu khí nhà kính từ hoạt động này cần được xem xét là:
- Hợp lý hoá quá trình vận hành thu gom và sử dụng nhiên liệu hiệu quả.
- Sử dụng các nhiên liệu thay thế như năng lượng sinh học, khí sinh học…
- Sử dụng phương tiện vận chuyển thay thế như đường sắt, đường thuỷ (vận chuyển khối lượng lớn hơn)
- Tối thiểu khoảng cách vận chuyển
Tái chế: có rất nhiều công nghệ tái chế chất thải rắn dựa trên thành phần chất thải có thể tái chế như kim loại, giấy, nhựa, thủy tinh… Tái chế cũng góp phần đáng kể cắt giảm khí thải nhà kính bởi lượng chất thải rắn sẽ giảm đi, đồng thời tạo ra các vật liệu thay thế cho nguyên liệu thô của quá trình sản xuất. Thêm vào đó, công tác tái chế sẽ giảm lượng chất thải cần phải vận chuyển tới khu xử lý cũng như khối lượng nguyên liệu thô cần vận chuyển tới nơi sản xuất. Nguồn phát thải khí nhà kính từ hoạt động tái chế là khí CO2 phát sinh do sử dụng nhiên liệu và tiêu thụ điện năng. Vì vậy, giải pháp là nâng cao tỷ lệ tái chế.
Chế biến phân compost và chế phẩm sinh học: khoảng 30- 70% chất thải sinh hoạt có thành phần là chất thải hữu cơ. Đây chính là nguồn nguyên liệu tốt để chế biến phân compost và chế phẩm sinh học khác. Việc sử dụng phân compost và chế phẩm sinh học một mặt sẽ cải thiện chất lượng đất nông nghiệp, mặt khác cũng giảm thiểu khí nhà kính phát sinh. Điều này được thể hiện bởi quá trình lưu giữ carbon trong đất và thay thế các loại phân bón hoá học (giảm thiểu phát thải từ quá trình sản xuất, vận chuyển phân bón hoá học tới nơi tiêu thụ). Tuy nhiên, trong quá trình chế biến phân compost và chế phẩm sinh học cũng phát thải khí nhà kính như CH4, N20. Nhằm cắt giảm khí thải phát sinh cần phải lựa chọn công nghệ xử lý hiệu quả với mức phát thải khí nhà kính thấp. Ngoài ra, có thể chuyển đổi khí NH4 thành năng lượng.
Xử lý bằng công nghệ đốt: đây là một phương pháp hiệu quả nhằm chuyển hoá chất thải thành năng lượng đồng thời giảm khối lượng chất thải rắn tới bãi chôn lấp. Phương pháp này vừa đạt hiệu quả năng lượng (sản xuất điện bằng nhiệt lượng thông qua quá trình đốt cháy chất thải) cùng với giảm thiểu khí nhà kính do cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch để sản xuất điện năng.
Chôn lấp hợp vệ sinh: Có thể nói rằng nguồn phát thải khí nhà kính cơ bản từ các bãi chôn lấp là CO2, CH4, N20 do quá trình phân huỷ chất thải rắn. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh với hệ thống thu gom nước rỉ rác và khí rác tạo ra đầu vào cho quá trình sản xuất điện năng bằng phương pháp đốt khí biogas thay thế cho các nguyên liệu hoá thạch. Nhưng so sánh với các phương pháp khác thì tỷ lệ phục hồi năng lượng của phương pháp này là thấp.
Như vậy, cần phải có một thang phân cấp trong quản lý chất thải rắn mà ở dây cụ thể là phân cấp cho quá trình hay công nghệ xử lý. Tại các nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, họ đang sử dụng hệ thống phân cấp dựa trên tiêu chí hành động ưu tiên nhằm hỗ trợ phát triển chiến lược quản lý chất thải rắn với mục đích tối thiểu hoá tiêu thụ tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng thời giảm thiểu lượng khí nhà kính phát sinh.
Cơ chế sản xuất sạch hơn (CDM)
Sản xuất sạch hơn là một trong các đề án của hiệp định thư Kyoto dựa trên cơ chế linh hoạt nhằm thu hút đầu tư bởi yếu tố cắt giảm khí nhà kính của các dự án. Cơ chế này cho phép các quốc gia ký kết hiệp định thư Kyoto có thể đầu tư vào các dự án giảm khí thải nhà kính tại các nước đang phát triển và khối lượng giảm thiểu của các dự án đầu tư này được đưa vào tính cho mục tiêu cắt giảm khí nhà kính (phần trăm hay khối lượng) ở các quốc gia đầu tư.
Phần lớn các bãi chôn lấp ở các nước đang phát triển là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc không được kiểm soát. Điều này gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường và sức khoẻ người dân. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ xử lý nahừm giảm các tác động tiêu cực và giảm thiểu khí nhà kính phát sinh từ các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh là yêu cầu cấp thiết tại những quốc gia này. Tuy nhiên, lại có những rào cản về tài chính, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại về quản lý chất thải rắn. Chính vì thế mà cơ chế sản xuất sạch hơn có thể áp dụng cho hoạt động quản lý chất thải rắn ở các nước đang phát triển thông qua trao đổi giá trị định mức khí thải.
Các dự án về chất thải rắn với cơ chế sản xuất sạch hơn hiện nay trên thế giới đang trên lộ trình đến năm 2010 sẽ đạt được 209 tỷ đơn vị định mức cácbon ( 1 đơn vị định mức tương đương 1 tấn CO2). Như vậy, càng có nhiều dự án về chất thải rắn hay các quốc gia mở rộng áp dụng cơ chế sản xuất sạch hơn thì lượng khí thải nhà kính sẽ càng được cắt giảm.
Cơ chế chính sách
Các chính sách và quy định liên quan tới quản lý chất thải rắn nhằm đạt được các mục tiêu trước mắt và dài hạn của lĩnh vực này, đồng thời đây cũng là yếu tố tác động tới lượng phát thải khí nhà kính. Mỗi quốc gia, địa phương với các đặc điểm riêng biệt, đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đòi hỏi cơ chế chính sách, các quy định phù hợp. Các chính sách và quy định đa và đang thay đổi tiếp cận xem xét chất thải rắn là nguồn nguyên liệu thứ cấp và nguồn năng lượng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong quản lý chất thải rắn và đóng vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo hệ thống quản lý chất thải rắn hoạt động một cách hiệu quả cũng như góp phần giảm lượng khí thải nhà kính phát sinh.
Kiểm toán khí thải
Có thể nói rằng công tác kiểm toán khí thải phát sinh trong hoạt động quản lý chất thải rắn là một điều thách thức và khó khăn. Bởi vì hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn thường phát sinh các loại khí tạo ra hiệu ứng nhà kính chủ yếu như CO2, CH4, N20 và các loại khí khác. Hơn nữa, định lượng khí nhà kính cũng không chắc chắn do:
- Có rất nhiều phương pháp xử lý chất thải với các quá trình đan xen hỗn hợp (tiêu biểu là xử lý sinh học) làm cho công tác định lượng chính xác khí nhà kính trở nên rất khó khăn.
- Thành phần chất thải được xử lý thường không đồng nhất, không giống nhau dẫn tới khó thống kê.
Tuy nhiên,cũng có rất nhiều phương pháp và công cụ được phát triển để giải quyết các khó khăn trong công tác định lượng khí thải như các báo cáo thường niên về phát sinh khí nhà kính, đánh giá vòng đời phục vụ công tác ra quyết định và lập kế hoạch, quy hoạch…
Công tác đánh giá và tính toán lượng khí nhà kính phát sinh và giảm thiểu đóng vai trò gián tiếp cũng như trực tiếp nhằm cắt giảm khí nhà kính và cần phải xem xét tới các bên liên quan như cấp quản lý, điều hành quốc gia, các nhà quy hoạch, những người ra quyết định, các nhà phát triển công nghệ… Như vậy, trong thời gian tới công tác kiểm toán khí thải nhà kính cần phải được hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt là trong việc xây dnựg các công cụ, phương pháp định lượng khí nhà kính.
Tóm lại, biến đổi khí hậu có quan hệ mật thiết với lượng phát sinh khí nhà kính từ các hoạt động của con người trong đó lĩnh vực quản lý chất thải rắn cũng có một vai trò khá quan trọng. Thông qua công nghệ xử lý, thu gom cùng các chính sách, các quy định, cơ chế sản xuất sạch hơn và kiểm toán khí thải trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, chúng ta thấy rằng nếu có một khung hành động hợp lý và hiệu quả trong quản lý chất thải rắn, thì lượng khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ được cắt giảm đáng kể. Đồng thời, có thể nói rằng, một nền kinh tế phát triển với tương phát thải khí nhà kính thấp chính là sự đổi mới, tiến bộ trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 44/2010).