Đổi mới chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng theo hướng hội nhập quốc tế

Thứ tư, 14/04/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Mở đầuTrong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, Giáo dục đào tạo luôn là một lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm bởi nó tạo ra nguồn lực lao động có chất lượng cao phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có Giáo dục Đại học.

Thách thức lớn nhất đối với Giáo dục Đại học ở nước ta hiện nay chính là yêu cầu đổi mới để phát triển đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực xã hội phù hợp với cơ cấu ngành nghề của nền kinh tế hiện đại.

Trong khi đó, hiện trạng Đào tạo Đại học nói chung trong đó có đào tạo Kỹ sư chuyên ngành xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (XDDD & CN) nói riêng ở nước ta hiện nay khá lạc hậu, chương trình đào tạo khá cổ điển, nặng nề và cứng nhắc không có khả năng thích ứng cao, quản lý đào tạo trên đơn vị học trình chưa hợp lý dẫn đến tình trạng học tập thụ động, sinh viên không thể tìm được cách thức học tập thích hợp nhất với bản thân mình, từ đó kết quả đào tạo rất hạn chế, sinh viên sau khi ra trường không thể thích nghi và đáp ứng ngay được nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, thường phải đào tạo lại trong một thời gian tại các đơn vị sản xuất.

Thông qua sự phân tích tình hình giáo dục đại học ở nước ta trong bối cảnh của thế giới với những đặc thù của chuyên  ngành đào tạo, việc đầu tư nghiên cứu nhằm thay đổi chương trình và hệ thống tổ chức đào tạo cho chuyên ngành XDDD & CN là hết sức cấp thiết.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đang thực hiện Dự án Sự nghiệp Kinh tế và đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ: “Điều tra khảo sát, đánh giá và nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp theo hướng tiên tiến và hội nhập quốc tế”.

II. Mục tiêu – nhiệm vụ

1. Mục tiêu tổng quất

Xây dựng nội dung Chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên ngành XDDD & CN theo hướng tiên tiến và hội nhập quốc tế.

2. Nhiệm vụ cụ thể

- Nghiên cứu, khảo sát phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên ngành XDDD & CN ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.

- Đối chứng và so sánh các phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo trong nước và quốc tế. Xác định những nguyên nhân của những điểm yếu trong phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên ngành XDDD & CN tại Việt Nam. Đề xuất những giải pháp để khắc phục những điểm yếu kém đó.

- Xây dựng tiêu chí cho chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên ngành XDDD & CN theo hướng tiên tiến và hội nhập quốc tế. Xây dựng nội dung chương trình và đề cương chi tiết các môn học.

III. Nội dung nghiên cứu

1. Khảo sát Chương trình đào tạo Kỹ sư XD ở các trường Đại học

Về tình hình đào tạo Kỹ sư XD của các trường Đại học trong nước

Hiện nay Việt Nam có 160 trường Đại học công lập và ngoài công lập, trong đó có 39 trường có chuyên ngành đào tạo Kỹ sư XDDD & CN với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm gần 5000 sinh viên. Ngoài ra, còn có hàng chục trường Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp đào tạo chuyên ngành Xây dựng.

Một số trường đã có liên kết đào tạo với các trường đại học quốc tế và mở các lớp kỹ sư tài năng thuộc chuyên ngành Xây dựng như: Trường Đại học Xây dựng có lớp Kỹ sư tài năng đào tạo bằng tiếng Pháp; Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng liên kết với Đại học Nagaoka (Nhật Bản); Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh liên kết với Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) đào tạo kỹ sư xây dựng.

Ngoài các yếu tố về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất thì chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy cũng góp phần quan trọng đến quá trình đào tạo và chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Dự án tập trung khảo sát chương trình đào tạo Kỹ sư xây dựng XDDD & CN tại 4 trường đại học trong nước có số lượng sinh viên theo học chuyên ngành khá lớn là: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Cần Thơ và Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Khảo sát về Chương trình đào tạo Kỹ sư xây dựng ở một số trường Đại học nước ngoài.

Dự án khảo sát tổng số 12 trường Đại học nước ngoài, phân chia theo các khu vực gồm: 8 trường của châu Âu (Anh, Pháp, Nga), 2 trường của châu Mỹ (Hoa Kỳ, Cu Ba), 2 trường của châu Á (Trung Quốc).

2. Nhận xét chương trình đào tạo Kỹ sư XDDD & CN ở các trường Đại học Việt Nam

- Thời gian đào tạo dài: 4,5 – 5,0 năm;

Hướng cải tiến: Nghiên cứu rút ngắn thời gian đào tạo một cách hợp lý, cắt bỏ các môn học không cần thiết đối với chuyên ngành đào tạo, tinh giản nội dung các môn học, lược bỏ các chương, mục không cần thiết hoặc đã được giới thiệu ở các học phần khác.

- Quá nhiều môn học và khối lượng học tập nhiều, trình tự sắp xếp các môn học chưa hợp lý, các môn kỹ thuật học quá muộn;

Hướng cải tiến: Nghiên cứu thống nhất các môn học để giảm số môn, phù hợp với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ của các nước tiên tiến trên thế giới. Bố trí các môn học kỹ thuật sớm hơn để sinh viên sớm có khái niệm và các kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành.

- Nhiều môn học bắt buộc, ít môn học tự chọn;

Hướng cải tiến nghiên cứu giảm bớt các môn học bắt buộc, tăng số lượng các môn tự chọn với tỷ lệ đạt từ 15 – 20%

- Khối lượng kiến thức chủ yếu thuộc lĩnh vực xây dựng nhà cửa, ít các môn học liên quan đến các lĩnh vực xây dựng dân dụng khác như giao thông, thuỷ lợi, kỹ thuật hạ tầng, môi trường. Còn có những môn học ít liên quan đến ngành nghề gây lãng phí. Chưa có các môn học dạy kỹ năng tư duy ở cấp độ cao hơn (phê bình, phân tích, tổng hợp, đánh giá, ứng dụng);

Hướng cải tiến: Nghiên cứu bổ sung các môn học cung cấp một số kiến thức cơ bản thuộc lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, kỹ thuật hạ tầng, môi trường. Các môn học dạy các kỹ năng tư duy ở cấp độ cao, kỹ năng làm việc theo nhóm.

- Nội dung các môn học chưa cập nhật kiến thức hiện đại;

Hướng cải tiến: thường xuyên cập nhật các kiến thức hiện đại, các vấn đề nảy sinh trong thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới vào bài giảng. Thường xuyên lấy ý kiến của người học, của người sử dụng lao động, các hội nghề nghiệp về các kiến thức đã học trong nhà trường

- Các môn học còn nặng về lý thuyết, sách vở, ít thực hành trong phòng thí nghiệm hoặc trong thực tế nên khi ra trường sinh viên chưa tiếp cận ngay với công việc, thường phải đào tạo lại một thời gian;

Hướng cải tiến: nghiên cứu cải tiến nội dung và kết cấu các môn học giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận, tham quan. Tỷ lệ thời gian các phần công việc trong một môn học cần qui định cụ thể trong đề cương chi tiết của môn học.

- Chương trình ít tính liên thông:

- Liên thông theo chiều dọc: các cấp học từ Cao đẳng lên Đại học rồi lên Cao học;

- Liên thông theo chiều ngang: khối lượng kiến thức liên thông giữa các ngành còn ít, ngay cả trong cùng một trường Đại học.

Hướng cải tiến: nghiên cứu xây dựng chương trình đảm bảo sự liên thông theo chiều dọc và chiều ngang. Các môn học phải có tính kế thừa liên tục từ đầu đến cuối khoá học, tránh trùng lặp kiến thức. Các môn học có thể sử dụng cho nhiều chuyên ngành đào tạo.

- Phương pháp giảng dạy kém hiệu quả: chủ yếu là thuyết minh, ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng, ít thực hành, ít có sự giao tiếp, phản hồi qua lại giữa sinh viên và giáo viên

Hướng cải tiến: Cải tiến phương pháp giảng dạy sử dụng nhiều tư liệu, hình ảnh, mô hình làm cho bài giảng tiếp cận thực tế hơn. Bố trí nhiều thời gian cho các xêmina, các bài thực hành, thí nghiệm, các buổi trao đổi giữa giảng viên và sinh viên. Có các biện pháp thu thập ý kiến phản hồi của sinh viên về chương trình và phương pháp giảng dạy

SO SÁNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

 

Tên trường

Số môn học

Khối lượng kiến thức

Số năm đào tạo

Ghi chú

Tổng số

Bắt buộc

Tự chọn

Đại học kiến trúc Hà Nội

103

83

20

168 TC

5

Không liên thông Thạc sỹ

Đại học Xây dựng

89

64

25

298 TC

4,5/ 5

Không liên thông Thạc sỹ

Đại học Cần Thơ

58

48

10

168 TC

4

Không liên thông Thạc sỹ

Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh

76

67

9

151 TC

4,5

 Không liên thông Thạc sỹ

Đại học Miền Tây nước Anh

27

14

11

430 TC

3 / 4 / 5

Không liên thông Thạc sỹ

Đại học Nottingham

35

25

10

410 TC

3

 Liên thông Thạc sỹ 4 năm

Đại học Leeds

46

26

22

360 TC

3

Liên thông Thạc sỹ 4 năm

Đại học Southampton

37

27

10

360 TC

3

Liên thông Thạc sỹ 4 năm

Đại học Manchester

46

35

11

-

3

Liên thông Thạc sỹ 4 năm

Đại học Cardiff

37

31

6

-

3 / 4

Liên thông Thạc sỹ 4 năm

Viện Khoa học ứng dụng quốc gia CH Pháp

60

50

10

820 h/năm

5

Liên thông Thạc sỹ 5 năm

Đại học Rostov

57

57

0

7914 h

5

-

Học viện công nghệ Massachusetts

24

14

10

279 TC

3

-

Viện Đại học Bách khoa Jose Antonio Echeverria

53

53

0

-

4

-

Đại học Đồng Tế

148

90

58

142,5 HP

4

-

Đại học Giao thông

Bắc Kinh

80

58

22

180 HP

4

-

                                                                                   Ký hiệu: TC: tín chỉ        HP: học phần

 

- Trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu thốn.

Hướng cải tiến: tận dụng mọi nguồn lực: Ngân sách Nhà nước; Tài trợ từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhan; Vốn tự có của Nhà trường để từng bước tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học

- Các chương trình đào tạo ít được kiểm định, đánh giá từ sinh viên;

Hướng cải tiến: Thường xuyên rà soát chương trình và đề cương chi tiết của các môn học thông qua kết quả học tập của sinh viên.

- Chương trình chưa trang bị cho sinh viên trình độ Tiếng Anh đủ để giao tiếp, làm việc, nghiên cứu.

Hướng cải tiến: Nghiên cứu bố trí giờ học tiếng Anh thích hợp trong chương trình chính khoá, kết hợp với các giờ học ngoại khoá. Cải tiến phương pháp dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

3. Tiêu chí xây dựng Chương trình đào tạo kỹ sư XDDD & CN theo hướng tiên tiến, hội nhập quốc tế

- Chương trình phải xây dựng được chuẩn đầu ra và phải công bố cho người học biết. Chuẩn đầu ra phải đáp ứng được yêu cầu của thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người học;

- Chương trình phải có khối lượng các môn học hợp lý và cấu trúc một cách khoa học theo hình thức “cuốn chiếu” mà nên sắp xếp các môn học theo hình thức “xoáy trôn ốc”. Các môn kỹ thuật không nên sắp xếp quá muộn. Phải thống nhất các môn học để phù hợp với hệ thống đào tạo theo tín chỉ của các trường Đại học tiên tiến;

- Chương trình phải có tính linh hoạt và tính liên thông. Phải có nhiều môn tự chọn; có sự liên thông giữa các ngành học và cấp học để tránh lãng phí;

- Nội dụng các môn học phải có các kiến thức hiện đại, tăng khối lượng các giờ thực hành, thảo luận, thí nghiệm... kỹ năng làm việc theo nhóm, giao tiếp, phân tích, đánh giá, ra quyết định...;

- Tăng cường khả năng ngoại ngữ.

4. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo Kỹ sư XDDD&CN

Sinh viên tốt nghiệp Chương trình Đào tạo Ký sư XDDD&CN sẽ có được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp:

a. Kiến thức

- Có các kiến thức cơ bản về các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có các kiến thức cơ bản về nền quốc phòng toàn dân.

- Có các kiến thức về toán học, tin học, khoa học và kỹ thuật cơ sở để có thể áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề chuyên môn.

- Có các kiến thức cơ bản về các lĩnh vực của chuyên ngành như; vật liệu và cấu kiện xây dựng, đo đạc khảo sát phục vụ xây dựng công trình, cơ học công trình, kết cấu công trình, công nghệ và tổ chức xây dựng, kinh tế và quản lý dự án xây dựng, bảo vệ môi trường, vệ sinh và an toàn lao động, pháp luật xây dựng

- Có trình độ Tiếng Anh tương đương với TOELC 400.

 b. Kỹ năng

- Có khả năng điều tra khảo sát, tiến hành các thí nghiệm. Có khả năng hiểu biết và phân tích các số liệu trong lĩnh vực xây dựng như: kết cấu, vật liệu, địa kỹ thuật, trắc địa, môi trường...

- Có khả năng thiết kế, thi công kết cấu công trình xây dựng dân dụng & công nghiệp, có khả năng tham gia xây dựng và quản lý các dự án công trình xây dựng, các công trình kỹ thuật hạ tầng đơn giản đáp ứng nhu cầu thực tế, với đầy đủ các hiểu biết về các yếu tố tác động như kinh tế, môi trường, sức khoẻ, vệ sinh và an toàn lao động, tính khả thi và bền vững

- Có khả năng sử dụng các công cụ kỹ thuật hiện đại, các phần mềm Phân tích Kết cấu, tính toán Địa kỹ thuật, Quản lý dự án. Có các kỹ năng và phương pháp làm việc có hiệu quả

c. Thái độ

- Có các hiểu biết về các vấn đề đương đại, chủ trương, chính sách và pháp luật về Xây dựng. Có nhận thức rõ về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, về sự cần thiết và khả năng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn suốt đời.

- Có khả năng làm việc trong các nhóm liên ngành liên quan đến lĩnh vực Xây dựng bao gồm Kiến trúc, Kết cấu, Kỹ thuật điện, Cấp thoát nước, Trang thiết bị công trình, Điện lạnh, Thông tin, Phòng chống cháy nổ. Có khả năng giao tiếp với các đối tác có hiệu quả

d. Vị trí và khả năng làm việc

Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại:

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng như: Cơ quan Bộ Xây dựng, các Sở xây dựng, các phòng công thương ở quận, huyện. Các Ban quản lý dự án Xây dựng.

- Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng: Thi công xây lắp, sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng, tư vấn (thiết kế, thẩm tra thiết kế, quản lý dự án, giám sát thi công...)

- Các cơ sở đào tạo chuyên ngành xây dựng: trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Các cơ quan nghiên cứu.

đ. Khả năng học tập và nâng cao trình độ

Có thể tiếp tục học tập nâng cao trình độ dưới các hình thức:

- Học tập, nghiên cứu ở các lớp ngắn hạn nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức về một vấn đề chuyên môn cụ thể như: kết cấu công trình, công nghệ xây dựng, địa kỹ thuật...

- Học chương trình cao học để lấy bằng Thạc sỹ Kỹ thuật

- Học tập và nghiên cứu để lấy bằng Tiến sỹ Kỹ thuật

IV. Kết luận

Đổi mới chương trình đào tạo và cách thức tổ chức đào tạo theo hướng tiên tiến và hội nhập Quốc tế trong giáo dục Đại học ở Việt Nam trong đó có chuyên ngành XDDD & CN là một nhu cầu cấp thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần có sự đầu tư của Nhà nước, của các trường và cần có sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của thầy và trò, của người sử dụng lao động.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 2/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)