Một số cảm nhận về tư vấn trong và ngoài nước trong lĩnh vực quy hoạch đô thị

Thứ sáu, 09/04/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, đô thị hoá ở nước ta phát triển rất nhanh theo hướng hội nhập. Trong bối cảnh đó ngành quy hoạch đã có sự tham gia nhiều hơn, đa dạng hơn từ các trường đại học, các công ty tư vấn quy hoạch – kiến trúc ngoài nước, đặc biệt tư vấn tới từ các nước phát triển (CNPT). Trong lĩnh vực quy hoạch, nhiều đồ án quy hoạch đã được tổ chức thi tuyển mang tính quốc tế; Nhiều công ty bất động sản thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, khu du lịch.... Ngày càng có nhiều địa phương quyết định thuê tư vấn ngoài nước lập các đồ án quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (Ninh Thuận, Đắc Lắc, Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...). Có thể nói, quy hoạch đô thị đang hội nhập nhanh và đã mang lại các kết quả nhất định trong việc tạo ra các không gian đô thị hiện đại nhiều bản sắc (Khu Phú Mỹ Hưng, TP. HCM là một ví dụ).

Đã có một số bàn luận về vai trò của tư vấn nước ngoài (TVNN). Có những ý kiến chưa hài lòng ở những góc độ khác nhau nhưng nhìn chung nhiều người đánh giá cao về trình độ, năng lực, tư duy, lập luận, ý tưởng, phát hiện và giải quyết vấn đề, cách thể hiện đẹp, dễ hiểu... của TVNN (chỉ các tư vấn lớn, có tiếng trên thế giới). Tại các cuộc thi quốc tế lớn về quy hoạch, nơi có các tư vấn, nhiều cá nhân, hội đồng thi người Việt đều đánh giá cao các đồ án của TVNN do họ đã nhìn thấy tính vượt trội về tư duy quy hoạch, công nghệ và cách thể hiện.

Tại sao TVNN lại có trình độ cao hơn tư vấn trong nước (TVTN), trong khi đó cũng có không ít chuyên gia quy hoạch Việt Nam cũng được đào tạo tại nhiều trường khác nhau ở nước ngoài? Có lẽ đây là vấn đề lớn bắt nguồn từ nhiều góc độ khác nhau được thể hiện qua một số sức mạnh của TVNN sau đây:

- Chiều sâu về khoa học

 Các chuyên gia TVNN tới Việt Nam phần lớn đến từ CNPT nơi đã sản sinh ra các lý luận về quy hoạch đô thị mà các trường đại học kiến trúc – xây dựng đang giảng dạy (đô thị độc lập, phân bố các trung tâm đô thị, cực tăng trưởng, thành phố tuyến, thành phố dải, thành phố công nghiệp, thành phố vườn, đô thị vệ tinh, phân khu chức năng đô thị, tiểu khu, khu nhà ở...). Đó là chưa nói tới các trường phái quy hoạch đô thị đã hình thành và phát triển tại các nước trên cũng đã đóng góp rất lớn trong các lý luận về quy hoạch như phái không tưởng, cố điển, tân cổ điển, hiện đại, nhân văn, sinh thái.... Được vũ trang các lý luận và trường phái quy hoạch nên TVNN luôn có phương pháp luận khoa học đúng đắn, dễ thuyết phục.

 - Bề dày kinh nghiệm.

Các chuyên gia TVNN đã thừa hưởng các kinh nghiệm hàng trăm năm mà cha, anh của họ đã để lại trong việc quy hoạch đô thị. Nếu tính cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu từ khi J. Watts tu chỉnh máy hơi nước vào 1769 thì các nước phát triển trải qua quá trình đô thị hoá tập trung theo hướng công nghiệp đã trên 300 năm. Trên 300 năm đó, các cha anh của họ đã giải quyết nhiều vấn đề mà hiện tại nước ta mới bắt đầu: di dân từ nông thôn vào các đô thị, các đô thị tập trung với quy mô dân số lớn (năm 1900, London đã đạt 6,6 triệu người; năm 1930 London 8,2. New York 10,3, Pari 5,6, Berlin 4,5 triệu; Năm1980 London 10,3, Pari 8,7 triệu, New York 15,3, Tokyo 17,7), giải quyết vấn đề nhà ở, phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, chống tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường... Với bề dày kinh nghiệm, TVNN có khả năng phát hiện rất nhanh các vấn đề của đô thị nước ta (dù họ không ở lâu) và lựa chọn các giải pháp quy hoạch thích hợp.

- Trung tâm của toàn cầu hoá.

Nếu tính TVNN làm việc cho các nhà thầu xây dựng trong thời kỳ thuộc địa thì họ đã có mặt tại các nước đang phát triển (ĐPT) gần 200 năm. Tại Việt Nam phần lớn các đô thị tỉnh lỵ – kể cả Hà Nội và Sài Gòn, các khu du lịch  nghỉ bên cạnh các nhà thầu Pháp quy hoạch và xây dựng từ trên 100 năm. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, quá trình toàn cầu hoá về công nghiệp đã kéo theo quá trình toàn cầu hoá của ngành dịch vụ trong đó có tư vấn quy hoạch. Quá trình này (dường như) đưa các nước phát triển trở thành “trung tâm” và các nước ĐPT trở thành “ngoại vi”. Đi theo các dự án ODA, các dự án đầu tư, TVNN đã có mặt hầu khắp các nước ĐPT trong đó có Việt Nam. Do làm việc tại nhiều nước khác nhau TVNN được bổ sung các quan hệ, các kiến thức về kinh tế – chính trị, văn hoác – xã hội và thực trạng đô thị của các nước ĐPT. Bên cạnh đó, toàn cầu hoá cũng đã giúp các TVNN có được thông tin cũng như các giải pháp quy hoạch đa dạng cho các đô thị tại các nước ĐPT. Với yếu tố này, TVNN có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các quan chức cũng như thực hiện bất cứ quy hoạch đô thị nào tại các nước ĐPT kể cả ở nước ta.

- Thông tin.

Nhiều nước ĐPT trước là thuộc địa của CNPT. Nhiều tài liệu cơ bản về điều kiện tự nhiên và con người cũng như các tài liệu cũ về đô thị của các nước ĐPT hiện được lưu giữ rất nhiều tại Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... và sau này là Hoa Kỳ, Nhật Bản. Thực tế nhiều tài liệu cũ của các đô thị Việt Nam hiện đang lưu trữ nhiều tại các thư viện Pháp (tư vấn nội rất khó tiếp cận). Nhiều thông tin chính thức của Việt Nam được đưa lên mạng, đưa vào niên giám thống kê hàng năm (có cả tiếng Anh)... Google Earth có khả năng cho các hình ảnh khá hiện thực về thay đổi không gian của từng vùng, từng đô thị hay từng đường phố. Công nghệ thông tin đã đưa thế giới lại gần mỗi người, mỗi căn nhà hay đường phố, trong đó TVNN đang sở hữu toàn bộ. Với điều kiện này khó có thể cho rằng “TVNN ít am hiểu về thực tế hay chưa thể cập nhật đầy đủ thông tin, chưa có đủ thời gian để cảm nhận...”.

So với TVNN, TVTN còn nhiều hạn chế. Các hạn chế này bắt nguồn từ :

- Di sản cha, anh để lại quá ít về quy hoạch đô thị. Nếu tính người Việt Nam tiếp cận với quy hoạch đô thị hiện đại một cách tự chủ thì có thể tính từ sau năm 1954. Tuy nhiên, do vừa làm  khoa học trong cơ chế bao cấp nên nhiều chuyên gia tư vấn bị ảnh hưởng về tư duy.

- Khoa học về quy hoạch đô thị chưa được quan tâm phát triển. Nhiều viện quy hoạch được thành lập từ trung ương tới địa phương nhưng công việc chủ yếu của các viện này là tư vấn quy hoạch. Có quá ít đề tài nghiên cứu khoa học về đô thị của Việt Nam được triển khai nhằm định hướng cho quy hoạch phát triển đô thị (nếu có các đề tài nghiên cứu có chất lượng, chắc đô thị Việt Nam có thể bỏ qua được giai đoạn “đô thị chia lô” tràn lan đã diễn ra trong những năm gần đây). Các câu trả lời đâu là bản sắc đô thị Việt Nam, của Thủ đô, của đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh hay bản sắc đô thị của các vùng, miền (đồng bằng, trung du, miền núi, ven biển, sông nước... vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng). Vì thiếu các cơ sở lý luận nên chúng ta sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm mà TVNN đưa ra mặc dầu chúng nhiều khi trái ngược nhau (cũng là thủ đô với các cơ sở vật chất được xây dựng cả ngàn năm văn hiến nhưng đơn vị TVNN vào những năm  60 của thế kỷ trước đã quy hoạch Hà Nội phát triển về phía Bắc – Xuân Hoà; Sau đó 1 chục năm, một đơn vị TVNN khác điều chỉnh lại phát triển theo hướng Tây - Nam - Xuân Mai; Cách đây mấy năm, tư vấn nước ngoài thứ 3 lại đề xuất phát triển hai bên bờ sông Hồng và hiện nay tư vấn nước ngoài thứ 4 khác lại đề xuất phát triển về phía Tây). Bên cạnh đó khoa học về quy hoạch hiện thiếu các chuyên gia đánh giá tổng quan kinh nghiệm về quy hoạch của các nước, thiếu các biên dịch các tài liệu quý của nước ngoài về quy hoạch đô thị, thiếu các diễn đàn quy hoạch đô thị trên các tạp chí xuất bản kể cả internet bằng tiếng Việt (có nhưng quá nghèo).

- Nhà tư vấn quy hoạch chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Quy hoạch đô thị là bộ môn mới được hình thành và đào tạo tại vài trường đại học trong nước. Do nhiều nguyên nhân nên nhà quy hoạch tương lai thường thiếu kiến thức về kinh tế – xã hội, môi trường, luật pháp.... Một số lượng đáng kể kiến trúc sư được đào tạo vẽ nhà, nội thất là chính, nay thị trường quy hoạch thiếu các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức liên quan tới ngành quy hoạch.... Bên cạnh đó các phương pháp quy hoạch lại nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Do có nhiều hạn chế như vậy nên sản phẩm của TVTN dễ bị các ngành phản biện, góp ý kiến phải thay đổi để cuối cùng là một tập hợp phức tạp.

Với những gì đã đề cập, có thể nói sự có mặt của TVNN tại Việt Nam theo tinh thần của Quyết định số 131/2007/QĐ - TTg, ngày 9/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam là hợp pháp và rất cần thiết. Việc có mặt của các TVNN tạo ra sự cạnh tranh cao, đồng thời góp phần giúp tư vấn trong nước (TVTN) cập nhật thông tin, học hỏi về phương pháp luận, tư duy quy hoạch, công nghệ và kỹ thuật thể hiện các bản vẽ và quản lý các đồ án quy hoạch một cách tiên tiến, hiện đại.

Hiện tại đang diễn ra 3 mô hình liên doanh liên kết giữa TVNN và TVTN về quy hoạch đô thị:

+ Mô hình 1: Chủ đầu tư thuê TVNN lập quy hoạch, TVTN là thầu phụ chịu một số trách nhiệm về tài liệu số liệu và lo thủ tục hành chính (quy hoạch thủ đô Hà Nội và một số đô thị khác đang thực hiện). Mô hình này cần kinh phí rất lớn, tuy nhiên TVTN ít học hỏi được kinh nghiệm do chỉ dừng lại ở cung cấp tài liệu, số liệu (kinh nghiệm cho thấy một số đơn vị TVTN được cử làm thầu phụ cho nhiều đồ án nhưng kết quả thu lượm về kiến thức và tổ chức thực hiện không cao).

+ Mô hình 2: TVTN chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, tuy nhiên thuê TVNN làm có vấn (trường hợp quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh). Mô hình này cần kinh phí ít hơn, TVTN có điều kiện tiếp xúc, bàn luận và học hỏi được nhiều hơn. Tuy nhiên mô hình này dễ gặp phải trường hợp TVNN cử chuyên gia không giỏi.

+ Tổ chức thi tuyển, sau đó TVNN sẽ mời 1 đơn vị TVTN thể hiện lại. Mô hình 3 chủ yếu là được việc. TVTN học hỏi chỉ qua việc thể hiện lại.

Để vươn lên trở thành các tư vấn giỏi đáp ứng được yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị trong nước và trong tương lai gần có thể mở rộng thị trường sang Lào, Campuchia tiến xa hơn là các nước xung quanh các yêu cầu đặt ra là:

* Đối với Nhà nước: (1) Phát triển các ngành khoa học về đô thị trong đó có quy hoạch đô thị. (2) Tạo sân chơi bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp của tư vấn (không thể có nhiều giá trong quy hoạch, không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tư vấn ngoài quốc doanh, làm rõ chức năng của “Viện” để nghiên cứu khoa học, tách chức năng tư vấn của Viện để lập doanh nghiệp tư vấn có cùng sân chơi với TVNN và TVTN).

* Đối với các nhà TVTN cần học tập TVNN để chuyên nghiệp hơn, có tâm, có ý thức liên kết, cộng tác trong nghề nghiệp, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng qua từng đồ án quy hoạch...

 

     Nguồn: TC Xây dựng, số 1/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)