Thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam, đặc biệt tại các khu công nghiệp (KCN) và các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đang là mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng. Phần lớn các nhà máy, xí nghiệp chưa có hệ thống xử lý ô nhiễm không khí hoặc có nhưng hoạt động không thật hiệu quả và đôi khi mang tính chất đối phó. Bên cạnh đó, với đặc điểm của một nền công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang tính chất sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu... đã thải vào môi trường sống một khối lượng lớn bụi, hơi khí độc... gây ảnh hưởng không chỉ cho các công nhân trực tiếp sản xuất mà cho cả dân cư khu vực lân cận. Quá trình phát triển kinh tế cùng với mức độ gia tăng đáng kể các khu đô thị, khu dân cư, KCN thiếu sự quy hoạch đồng bộ, tổng thể lại càng gây phức tạp thêm cho công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải. Các phương tiện giao thông công cộng ngày càng gia tăng cùng với hiện trạng quy hoạch về mạng lưới các tuyến đường không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đã góp phần rất lớn gây ô nhiễm môi trường không khí ở các khu đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp và xây dựng là những nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở các đô thị, trong đó do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ 70%.
Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường mới được các cơ quan chức năng thực hiện trong những năm đầu của thập niên 90 thông qua các trạm quan trắc quốc gia, các mạng lưới kiểm soát và giám sát ô nhiễm môi trường của các tỉnh, các KCN, vì vậy, chưa có đủ số liệu để đánh giá một cách đầy đủ tình trạng ô nhiễm không khí của nước ta. Mặt khác, nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên diện mạo các KCN và đô thị thay đổi rất nhanh. Trong vòng 10 năm qua, đã hình thành nhiều KCN mới, đặc biệt là các khu chế xuất. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2009, cả nước đã có 219 KCN được thành lập, trong đó, 118 KCN đã đi vào hoạt động.
Các ngành công nghiệp được đầu tư mạnh hiện nay là xi măng, thực phẩm, lắp ráp ôtô, xe máy, dầu khí, nhiệt điện, điện tử, hóa chất, giấy, nhựa, công nghiệp khai thác khoáng sản... Chỉ riêng Nhà máy điện Hiệp Phước (Nhà Bè) đã tiêu thụ lượng dầu diesel nhiều hơn tổng số phương tiện giao thông của TP Hồ Chí Minh cộng lại, nhưng vì ống khói nhà máy này cao đến 140 m nên không gây ô nhiễm tại chỗ mà bị thổi dạt sang tận các tỉnh Đồng Nai, Long An.
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí
Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người
Ô nhiễm không khí có những ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, đặc biệt đối với đường hô hấp. Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, sức khoẻ con người bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể diễn ra nhanh; các chức năng của cơ quan hô hấp suy giảm, gây ra các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, tim mạch... và làm giảm tuổi thọ của con người. Các nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi, người đang mang bệnh, người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời... Mức độ ảnh hưởng của từng người tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, nồng độ, loại chất và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, trên toàn quốc, tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp là cao nhất. Thực tế cho thấy, nhiều bệnh đường hô hấp có nguyên nhân trực tiếp bởi môi trường không khí bị ô nhiễm do bụi, SO2, NOx, CO, chì... Các tác nhân này gây ra các bệnh: Viêm nhiễm đường hô hấp, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản mạn tính, ung thư.
Gây thiệt hại kinh tế
Thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng đến sức khoẻ, bao gồm các khoản chi phí: Khám, chữa bệnh, thiệt hại cho sản xuất và nền kinh tế. Dự án “Điều tra, thống kê, đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ cộng đồng” do Cục Bảo vệ môi trường (2007) tiến hành tại hai tỉnh Phú Thọ và Nam Định cho kết quả ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khoẻ trên đầu người mỗi năm trung bình là 295.000 đồng. Giả thiết, tổn thất về kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khoẻ đối với người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tương tự như người dân ở Phú Thọ và Nam Định thì Hà Nội với 6,5 triệu dân, mỗi ngày thiệt hại 5,3 tỷ đồng và TP Hồ Chí Minh với 7 triệu dân, mỗi ngày thiệt hại 5,7 tỷ đồng. Thực tế, môi trường không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng bị ô nhiễm cao hơn so với các tỉnh Phú Thọ và Nam Định, nên thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí thực tế còn cao hơn con số nêu trên.
Ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu
Ô nhiễm không khí cũng đang ảnh hưởng tới điều kiện sinh sống của con người, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Ảnh hưởng tổng hợp nhất là đối với sự biến đổi khí hậu. Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra và trái đất đang nóng lên là do các hoạt động của con người chứ không phải thuần tuý do biến đổi khí hậu tự nhiên. Do các hoạt động của con người, đặc biệt là việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, gas) trong công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp... lượng phát thải các loại khí nhà kính, đặc biệt là CO2 không ngừng tăng nhanh và tích lũy trong thời gian dài, gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một số giải pháp quản lý môi trường không khí
Ô nhiễm không khí là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, hoạt động của đô thị: Xây dựng, sử dụng đất, giao thông, hoạt động dân sinh, công nghiệp, năng lượng… Do vậy, việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị phải dựa trên một loạt các giải pháp đồng bộ, sử dụng đồng thời các công cụ về chính sách, kinh tế và khoa học, công nghệ với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ/ngành và địa phương. Vai trò của chính quyền các địa phương là vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm không khí. Các giải pháp sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của chính quyền các địa phương, mà cụ thể là chính quyền các đô thị và cộng đồng. Sau đây là các giải pháp cụ thể:
Một là, hoàn thiện tổ chức cơ quan quản lý môi trường không khí đô thị: Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của hệ thống các cơ quan quản lý môi trường không khí từ cấp trung ương đến địa phương theo hướng phân định rõ chức năng của các cơ quan, đơn vị và đầu mối về quản lý môi trường không khí trong hệ thống các cơ quan quản lý môi trường.
Hai là, xác lập cơ chế thông tin về môi trường không khí đô thị: Xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin về môi trường không khí đô thị giữa các bộ/ngành và các thành phố phục vụ nghiên cứu, theo dõi, đánh giá, dự báo về tình hình chất lượng môi trường không khí đô thị trên cả nước. Hình thành Mạng lưới không khí sạch đô thị.
Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp: Tăng cường pháp chế về bảo vệ môi trường không khí, bao gồm nội dung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí theo hướng “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; tiến tới xây dựng Luật Không khí sạch; rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về môi trường không khí.
Bốn là, lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường không khí vào các quy hoạch: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thực sự lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường không khí vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, đặc biệt là các quy hoạch phát triển đô thị và khu công nghiệp. Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí quốc gia và tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh.
Năm là, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí: Tăng tỷ lệ chi cho bảo vệ môi trường không khí từ các nguồn ngân sách, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức. Huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế và các nước cho các hoạt động quản lý và bảo vệ chất lượng không khí đô thị.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường không khí đô thị: Đẩy nhanh việc xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại cho mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại các thành phố lớn, khu công nghiệp để giám sát, phát hiện các vấn đề ô nhiễm không khí, hoặc các nguồn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Bảy là, tăng cường áp dụng một số biện pháp nhằm kiểm soát, giảm phát thải chất ô nhiễm vào môi trường không khí đô thị: Tăng cường phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích phát triển của các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như cồn nhiên liệu, biodiesel và điện. Ứng dụng các giải pháp giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm như sản xuất sạch hơn; lắp đặt các thiết bị xử lý khí thải tại nguồn phát thải; cải tiến quy trình đốt nhiên liệu trong sản xuất, thay thế nhiên liệu ít gây ô nhiễm. Tăng mật độ cây xanh trong các đô thị.
Tám là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo về môi trường không khí: Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường không khí. Tăng cường lồng ghép các nội dung đào tạo về môi trường vào trong các chương trình đào tạo các chuyên ngành.
Chín là, nâng cao nhận thức của cộng đồng đô thị: Tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho cộng đồng. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng môi trường không khí xung quanh đối với sức khoẻ của cộng đồng.
Trên đây là tổng hợp các giải pháp nhằm giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam. Các giải pháp này phải được tiến hành quyết liệt và đồng thời với sự tham gia, phối hợp, thực hiện của các bộ/ngành, địa phương và cộng đồng.
Theo Tạp chí hđkh tháng 2-2010.