Trong các công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với triều cường luôn được chính quyền thành phố quan tâm đặc biệt. Việc xác định rõ các nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp, là những công việc hàng đầu góp phần bảo vệ môi trường tại TP. HCM. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.008 km sông, kênh rạch, riêng khu vực nội thành có hơn 100km kênh rạch làm trục thoát nước chính. Việc thoát nước của thành phố chủ yếu dựa vào nguồn kênh rạch tự nhiên này, do đó không tránh khỏi tác động của hiện tượng thuỷ triều. Trong những năm gần đây, thành phố phải đối mặt với hiện tượng triều cường, cụ thể là đợt triều cường vào tháng 11/2008, với đỉnh triều lịch sử 1,54m, cao nhất trong vòng 49 năm qua, kể từ năm 1960. Tối ngày 4/11/2009 vừa qua, triều cường cũng đã dâng lên 1,53m. Đây là một trong các nguyên nhân gây ngập lụt tại hơn 120 điểm trên địa bàn thành phố ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân thành phố và thiệt hại rất lớn đến việc phát triển KT- XH.
Có nhiều nguyên nhân làm cho hiện tượng triều cường của thành phố trở nên bất thường và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng:
- Thứ nhất: TP. HCM nằm trong vùng dải đất đồng bằng Nam bộ thuộc các vùng đất thấp, có các khu vực với cao độ địa hình trên + 2m chỉ chiếm khoảng 45% diện tích, phần còn lại là những khu vực thấp, bằng phẳng và chịu ảnh hưởng nặng của thuỷ triều. Ngoài ra, do nằm ở hạ lưu các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, thành phố còn chịu ảnh hưởng nặng nề khi hệ thống các hồ thuỷ lợi xả tràn và kết hợp những đợt mưa có vũ lượng lớn đúng vào thời điểm triều cường xuất hiện.
- Thứ hai: hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố hiện đang quá tải. Bên cạnh đó, việc thi công các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đang được triển khai trên diện rộng, nên chưa phát huy hết tác dụng; một số trường hợp hệ thống thoát nước trục chính đã hoàn thành nhưng hệ thống nhánh chưa được kết nối đồng bộ, trong quá trình thi công thiếu biện pháp dẫn dòng, bít dòng chảy, cửa xả. Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn khoảng 200km bờ bao chưa kiên cố, thường gặp sự cố khi triều cường.
- Thứ ba: ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn thấp, vẫn còn tồn tại tình trạng san lấp ao hồ làm mất dần các hồ điều tiết tự nhiên; lấn chiếm, xả chất thải làm tắc nghẽn dòng chảy của hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố.
Để giải quyết vấn đề ngập lụt chung của thành phố, không chỉ riêng cho hiện tượng triều cường, Thành uỷ, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 57/2001/QĐ- UB ngày 5/7/2001, về Chương trình chống ngập trong mùa mưa và xử lý môi trường thành phố, đồng thời thành lập Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước tại quyết định số 1121/QQĐ- UBND ngày 14/3/2008. Trung tâm này đã triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu xoá giảm ngập trên địa bàn thành phố gia đoạn 2011- 2015. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã có chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với các nước tiên tiến có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề chống ngập lụt như Hà Lan; tranh thủ tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ ODA từ các nước, cũng như từ các tổ chức quốc tế nưh ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), UBND thành phố đã rất khẩn trương thúc đẩy việc thi công xây dựng các dự án trọng điểm như: dự án đại lộ Đông – Tây, cải thiện môi trường nước, dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc- Thị Nghè…với tổng mức kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo quy hoạch thuỷ lợi chống ngập khu vực TP. HCM, bao gồm các dự án xây dựng cống kiểm soát triều ven sông Sài Gòn, đê bao kết hợp kè, nạo vét các kênh trục chính, xây dựng các hồ điều tiết. Dự kiến tổng mức đầu tư lên tới trên 12.000 tỷ đồng. Với sự chỉ đạo quyết liệt đó, trong năm 2009, thành phố đã giảm được 38,1% các điểm ngập so với năm 2008.
Từ đặc điểm về điều kiện tự nhiên, KT- XH của thành phố và kinh nghiệm thực tiễn trong việc chống ngập, thành phố đã đề ra các giải pháp ứng phó với triều cường và góp phần bảo vệ môi trường như sau:
- Lập Quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, hoàn tất quy hoạch thoát nước chi tiết 5 vùng Bắc, Tây Nam, Đông Nam, Đông Bắc và lập Chiến lược tổng thể tiêu thoát nước, xoá, giảm ngập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011- 2015. Trong đó có các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời xây dựng và ban hành các quy định về cốt khống chế xây dựng, về hồ điều hoà, về hệ số mặt phủ tại các khu đô thị mới nhằm đảm bảo các yêu cầu thoát nước, ngăn chặn phát sinh điểm ngập mới, được lồng ghép chặt chẽ trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị. Một ví dụ cụ thể, trong Quy hoạch của khu đô thị mới Thủ thiêm, cao độ nền được điều chỉnh là +2,5, nâng lên 0,5 so với quy hoạch tổng thể thoát nước đô thị để dự phòng triều cường.
- Xây dựng kế hoạch và bố trí đủ vốn ngân sách hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình chống ngập, đồng thời xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc huy động vốn từ các nguồn lực xã hội và các nguồn ODA.
- Triển khai chương trình duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trong mùa khô nhằm khai thác tối đa khả nanưg tiêu thoát của hệ thống thoát nước hiện hữu trong khi chờ các dự án thoát nước lớn hoàn thành và phát huy tác dụng.
- Phối hợp Trung tâm khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, tăng cường công tác cảnh báo triều cường; công bố vùng ngập nước, thông tin đến các địa phương để chủ động phòng chống triều cường; phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa nước Dầu Tiếng, sông Bé, sông Đồng Nai…để tránh xả lũ cùng thời điểm với triều cường.
- Phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai các biện pháp tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án thoát nước trọng điểm và các dự án cục bộ để xây dựng bổ sung hệ thống cấp 2, cấp 3, nhằm xoá và giảm ngập do triều cường cho nhiều khu vực; xây dựng hệ thống kiểm soát triều bao gồm đê bao, cửa xả, cống đập kiểm soát triều cường và hệ thống các hồ điều tiết.
- Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan trong việc tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ hệ thống bờ bao tại các địa bàn trọng yếu; tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp san lấp, lấn chiếm trái phép kênh rạch thoát nước; bảo vệ hệ thống thoát nứơc trên địa bàn thi công các dự án giao thông, thoát nước, nhằm phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp thu hẹp tiết diện dòng chảy, chặn bít cửa xả, gây ngập trong quá trình thi công.
- Tổ chức cải tạo nền các khu dân cư ven sông rạch và vùng đất thấp, xác định ranh giới sông rạch, di dời dân. Xác định độ cao nền thực tế các khu xây dựng cũ, áp dụng hệ thống ly tâm cục bộ, xây dựng hồ chứa, cải tạo hệ thống thoát nước bên trong.
- Tổ chức trồng rừng phòng hộ và xây hồ trên các vùng đất cao, xây các hồ thuỷ lợi lớn ở các vùng đất thấp Đông Nam, Nam, Tây Nam thành phố nhằm điều tiết triều và lũ với tần suất 10 năm.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, học tập các kinh nghiệm của quốc tế trong thiết kế quy hoạch và quản lý đô thị, nhằm xoá các điểm ngập hiện hữu và ngănn không để phát sinh các điểm ngập mới do triều cường và mưa trong quá trình đô thị hoá.
- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ hệ thống thoát nước, hệ thống đê bao, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tập kết cừ tràm, phên tre, bao tải đất…sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống bất lợi xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động phòng tránh ứng phó, khắc phục kịp thời có hiệu quả.
Ngoài ra, để có thêm kinh nghiệm, TP. HCM đã tham gia các chương trình do quốc tế tổ chức về việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thành phố dự kiến đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế vào tháng 10/2010.
Các giải pháp xoá, giảm ngập nêu trên là một trong những biện pháp hiệu quả để ứng phó với triều cường và bảo vệ môi trường được rút ra từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình phát triển và quản lý đô thị tại TP. HCM thời gian vừa qua. Công tác này sẽ tiếp tục được thành phố thực hiện năng động trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 42/2009