Con đường hiện tại của kiến trúc Đông Nam Á

Thứ sáu, 06/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mary Somers Heidhues, tác giả cuốn “Lịch sử phát triển Đông Nam Á” từng viết: “Thoạt nhìn, Đông Nam Á thể hiện sự đa dạng và phân hoá đáng kể. Nhìn kỹ hơn ta thấy những tương đồng tiềm ẩn và sự thống nhất cơ bản. Trong khi những yếu tố chính trị, lịch sử  và tôn giáo đã khiến các dân tộc và quốc gia Đông Nam Á hoàn toàn khác biệt nhau, thì về cơ bản khu vực này vẫn giữ sự thống nhất nhờ vị trí, khí hậu và nhiều đặc điểm văn hoá chung”.

Đông Nam Á từ xưa đã chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới, Đông Nam Á ngày nay càng chiếm vị trí quan trọng hơn. Người phương Tây, từ rất sớm đã nhìn ra vai trò đáng kính nể của Đông Nam Á, là giao lộ của các luồng giao thương buôn bán, là nơi có các thuỷ lộ thuận tiện, có những ngôi đền khả kính cũng như là nơi có các vựa lúa giàu có của một nền văn minh lúa nước lâu đời... nên họ đã đặt vấn đề xâm lược và chia xẻ Đông Nam Á từ mấy trăm năm trước đó.

Bản thân Đông Nam Á, trước khi phương Tây xâm lược, đã là một sự đại hội nhập của 3 nền văn hoá lớn: văn hoá bản địa, văn hoá đến từ Ấn Độ (nên nhiều nước Đông Nam Á được gọi là các nước thuộc thế giới Ấn Độ hoá) và văn hoá đến từ Trung Hoa. Các nền văn hoá này hoà nhập, mâu thuẫn, công sinh hay va đập, cuối cùng, chúng cùng tồn tại và dung hoà trên mảnh đất này.

Nền kiến trúc Đông Nam Á hiện tại đang đi trên mọt con đường lớn, cho dù tất cả đều có một mục tiêu tốt đẹp là hướng tới tương lai, nhưng mỗi nước đều có sự khác biệt, sự tiến bước không đồng đều. Rõ ràng là các nước được xem là “những con Rồng Châu Á” có những nền kiến trúc tiên tiến hơn, các nước nghèo đang phải tìm tòi khó khăn hơn.

Yếu tố văn hoá vẫn chi phối sự phát triển kiến trúc Đông Nam Á một cách mãnh liệt. Chẳng hạn Singapore, là một ngã ba đường của sự giao lưu kinh tế, văn hoá của thế giới và khu vực, nên chịu ảnh hưởng của văn hoá kiến trúc Nam Á rất nhiều. Trước đây, Thái Lan từng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, SriLanka, Khmer, nay âm hưởng đó vẫn còn mạnh, cộng thêm ảnh hưởng của phương Tây.

Vì vậy, kiến trúc của các nước Đông Nam Á tuy cùng đi trên một con đường lớn, nhưng mức độ nhanh chậm có khác nhau, bản thân mỗi nước lại có thể có các hướng đi song song bên nhau, như xu hướng hiện đại mới, chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa địa phương mới.

Nhiều học giả Đông Nam Á thừa nhận, kiến trúc Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng của một số bậc thầy kiến trúc phương Đông, như Hassan Fathy – kiến trúc sư Ai cập (1899 - 1891), Charles Correa (Ấn Độ) và Geoffrey Bawa (Sri Lanka). Đó là những tấm gương trong kiến trúc về sử dụng vật liệu địa phương và sáng tác những tác phẩm thích ứng với điều kiện khí hậu bản địa.

Ở Singapore, William Lim là kiến trúc hiện đại, ông là nhà thiết ké, nhà lý luận, nhà qui hoạch, lúc đầu theo trào lưu hiện đại, sau này theo chủ nghĩa địa phương mới. Từ rất sớm, ông đã thấy được sự nguy hiểm của ảnh hưởng do kiến trúc hậu hiện đại phương Tây mang lại và chủ trương xây dựng một nền qui hoạch đô thị theo đạo lý Châu Á, William Lim nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường và lịch sử trong sáng tác kiến trúc.

William Lim, từ 1974, trong khuôn khổ hãng tư vấn kiến trúc Design Parnership đã hoàn thành tác phẩm Golden Mile Complex trên đại lộ Beach Road, đó là một tác phẩm hiện đại kiểu mới, có những khối nhà dài nhấn mạnh những góc vuông kết hợp với những khối dốc nghiêng tầng bậc có cây xanh, theo quan niệm thành phố tuyến của Le Corbusier cũng như của Sorya Y Mata.

William Lim hoàn thành trung tâm cộng đồng Tampines North vào năm 1989, theo thời gian, số danh mục tác phẩm của ông còn dài nữa, nhưng tác phẩm đỉnh cao, quan trọng phải kể đến của ông là Trung tâm cộng đồng Marine Parade, hoàn thành vào năm 2000. Công trình được xem là “một bộ phận không thể tách rời của đời sống Singapore”. Toà nhà trung tâm cộng đồng này kết hợp trong nó nhà hát, thư viện, tiệm Cà phê và một số chức năng khác, có thể được xem là một tác phẩm kiến trúc, một tác phẩm điêu khắc hay một tác phẩm design đều được. Các mảng tường ngoài được chia thành các mảng có độ khắc sâu khác nhau, có màu sắc và độ sáng tối khác nhau, mái được lợp bằng các tấm lợp hình chiếc lá, nối kết bằng các mảng kính để lọt ánh sáng tự nhiên xuống nội thất, là những cách xử lý kiến trúc rất khéo léo.

Singapore có những quần thể kiến trúc dành cho cơ quan nhà nước, cho những công ty, doanh nghiệp lớn mang tính chất quốc gia, tiêu biểu cho bộ mặt của đất nước, Singapore lại có những tác phẩm kiến trúc dành cho dân sinh, quần chúng để ở, để sinh hoạt... giàu tính lãng mạn hơn. Đó là hai xu hướng khác nhau, một bên là chủ nghĩa địa phương. Nhưng cũng có những tác phẩm là hợp thể của cả hai xu hướng này.

Năm tháng bản lề của chính trị và kiến trúc phải kể đến như là thời điểm Singapore bắt đầu được gọi là “Thành phố toàn cầu”, đó là năm 1990-1991. Nói một cách khác, trước 1990, Singapore ở vào giai đoạn đương đại, còn từ 1995 trở đi, một “thế hệ mới” các kiến trúc sư chèo lái nền kiến trúc Singapore. Năm 1990 chính là năm Lý Quang Diệu chuyển giao quyền lực cho Goh Choc Tony và “thế hệ lãnh đạo thứ hai”.

Thật ra, những cái mà Lý Quang Diệu đã để lại nền kiến trúc đã vĩ đại rồi, chẳng hạn các quần thể Raffles City (1984 - 19850) của kiến trúc sư Leoh Ming Pei, The Colonade (1985) của kiến trúc sư Paul Rudolph, Jurong Town Hall (1970) của kiến trúc sư Architects Team 3, OCBC Town (1975) của kiến trúc sư Leoh Ming Pei, Singapore Power Building (1971 - 1977) của kiến trúc sư Goup 2 Architects, Pandan Valley Condominium (1973 - 1979) của kiến trúc sư Archubant Architects Planners.

Từ sau những năm 1990-1991, ngoài William Lim ra, còn nhiều gương mặt lớn khác như Tay Kheng Soon và Tang Guan Bee. Bệnh viện Kadang Kerban Hospital (1998-1997) do Tay Kheng Soon thiết kế là một công trình kiến trúc ra đời bởi sự kết hợp của “tuyến, góc, mạng và bóng đổ”, rất phù hợp với kiến trúc nhiệt đới.

 Tác phẩm Windson Park House (1997) do Tang Guan Bee thiết kế lại chứa đựng nhiều quan niệm mới của văn hoá thế giới đương đại.

Các quần thể kiến trúc lớn, đề cao sức mạnh kinh tế của đất nước, có UOB Plaza (1993-1995, KTS Kenjo Tange), để tượng trưng cho hạnh phúc dân sinh, có Tampines New Town (1994, KTS: Tập đoàn Housing and Development Board).

Các kiến trúc sư nước ngoài đến lập nghiệp và góp phần vào sự phát triển của Singapore rất nhiều. Từ sau 1995, các “kiến trúc sư toàn cầu”, các kiến trúc sư lớn trên thế giới vẫn tiếp tục sáng tạo ở Singapore những tác phẩm lớn, đó là Camden Medical Center (2000) của Richard Meier, Expo MRT Station (2001) của Norman Foster và Nhà hát Esplanade của Michael Wilford (2002).

Tại Expo MRT Station, Norman Foster đã thiết kế mái titan ba chiều hoành tráng vượt một khẩu độ 70 mét, đặt trên hai cặp cột hình chữ V.

Còn Nhà hát Esplanade do Michael Wilford đặt ở vịnh Marina lại là một trung tâm văn hoá lớn, gồm một nhà hát chính có sức chứa 2000 chỗ, một phòng hoà nhạc 1600 chỗ, các Studio, thư viện, trung tâm biểu diễn cuối tuần, bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại, khách sạn và trung tâm hội nghị quốc tế... nhân dân Singapore đã thân mật gọi tác phẩm này là “Quả sầu riêng” do hình thức mái của nó giống như loại quả này.

Ta không nên quên tất cả các công trình do người nước ngoài thiết kế, theo qui định Singapore, đều có các văn phòng thiết kế Singapore tham gia, nhờ đó nền kiến trúc địa phương phát triển rất nhanh.

Các kiến trúc sư Singapore nổi tiếng hiện nay có Lee Choon - Peng (có các tác phẩm chủ yếu đặt ở Singaopre), Mok Weiwei (với các tác phẩm Trung tâm công cộng Tampines North 1986, nhà thờ Our Saviour, 1986), Tay Kay-Ngee (với các tác phẩm Cheek’s House, 1994; Design Centre Bookshop, Singapore 1995; Henderson Building, Singapore, 1991).

 Các kiến trúc sư thuần tuý Singapore đã kết hợp khéo léo bản sắc địa phương với tinh thần hiện đại. Đại diện cho các kiến trúc sư trẻ Singapore hiện nay là nhóm HYLA Architects với hai khuôn mặt Han Loke Kwang và Vicent Lee.

Một con Rồng Châu Á khác là Malaysia, là một đất nước có nền kiến trúc mới mà chúng ta cần nói đến, cùng vị trí địa lý với Singapore, cùng khí hậu nhiệt đới như Singapore, nhưng đất đai rộng hơn nhiều, điều đó cũng là một thuận lợi của Malaysia.

Nền kiến trúc hiện đại và đương đại Malaysia có biên niên sử được đánh dấu từ 1981 đến nay và được chia ra các thời kỳ sau đây:

 - 1981 - 1990 những năm lớn mạnh

 - 1991 - đến nay, những năm nhìn xa trông rộng

Thập niên tam mươi thế kỷ XX, trong khi thế giới rơi vào sự lũng đoạn của kiến trúc Hậu - hiện đại, thì Malaysia đã xuất hiện một nền kiến trúc đô thị mới tôn trọng tính truyền thống, tính bản địa và mang các mô típ của Đạo Hồi, nhằm khẳng định bản sắc Malaysia.

  Các tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này bao gồm:

 • Quần thể bảo tàng Bang Sabah, Kota Kinabalu, 1985, KTS Lim Jit Pang, một kiến trúc giàu tính biểu tượng với những thành tố hình thức mang nghĩa, mái công trình đồ sộ nhưng mô phỏng kiến trúc của những chiếc lều truyền thống vùng Sabah, hẹ sườn mái tượng trưng cho hình ảnh người dân địa phương đang nhảy múa.

 • Toà nhà IBM Plaza, Kuala Lumpur, 1985, KTS.TR Hamzah Yeang, một trong những cao ốc đầu tiên hướng tới khái niệm sinh thái và sự thích hợp với khí hậu nhiệt đới.

 • Toà nhà Ta bung Haji Building, Kuala Lumpur, 1986, KTS. Hijjas Katsturi Associates, một toà cao ốc dựa trên 5 trụ lớn tượng trưng cho 5 đức tin của Đạo Hồi.

Từ 1991 trở đi, một tầm nhìn mới đã được khẳng định trong quá trình phát triển kiến trúc Malaysia. các dự án của tư nhân hay nhà nước đều nhằm nâng cao vị thế của nhà nước, nhiều xu hướng khác nhau đã được khẳng định. Toà nhà Petronas Towers, Kuala Lumpur, 1998, KTS. Cejar Pelli, trong nhiều năm giữ kỷ lục cao nhất thế giới, là một tác phẩm làm từ thép và kính, một biểu tượng của Malaysia, nhưng vẫn là một ví dụ về một tiêu chuẩn mới về chống nóng và chống nắng.

Ken Yeang là một tài năng lớn của Malaysia và còn là một kiến trúc sư toàn cầu (Global Architects), được đào tạo từ Anh quốc về, đã phát huy những tư tưởng mới về kiến trúc sinh thái với những “cột mốc” (landmark) lớn vào thời kỳ này. Menara Messiniaga, Subang Jaya, 1992, Guthric, Shah Alam, 1998, đều là những tác phẩm nổi tiếng của Yeang hợp tác với Hamzah.

Hiện đại nhưng không kém phần lãng mạn, giàu bản sắc địa phương, còn là xu hướng mà những nhóm hay các kiến trúc sư riêng lẻ theo đuổi, với các tác phẩm của Group Design Parnership, Jimmy C.S.Lim, Laurence Loh Kwong Yu, Newformation Network, ZLG Design.

Thái Lan và Indonesia cũng có nhưng giai đoạn phát triển tiên phong trong khu vực. Ta nên lưu ý ở nhiều nước Đông Nam Á, có một sự chuyển hoá và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nền kiến trúc. Có nghĩa là công trình kiến trúc của các nước này có thể do kiến trúc sư của nước kia thiết kế, chưa kể đến các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đặt ở Đông Nam Á một số tác phẩm đáng trân trọng.

 Kiến trúc đương đại Thai Lan có các kiến trúc sư tiêu biểu sau đây:

  • Nhóm Architects 49, với các kiến trúc Nichada House ở Bangkok (1994), cao ốc văn phòng Lake Rachada Office, Bangkok (1989), Rimtai Saitam House, Chiangmai (1993).

  • Kiến trúc sư Vira Inpuntung với Shop/House Petchburi (1986), Chan Krung House, Bangkok (1991).

 • Kiến trúc sư Sumit Jumsai với Robot House, Bangkok (1986) và Nation Building, Bangkok (1991).

 • Nhóm Plan Architural Design Goup đã thiết kế các tác phẩm Melia Hua Hin Hotel ở Hua Hin (1993) và Plan House I, Bangkok (1994).

 • Kiến trúc sư Chirakorn Prasongkit với toà nhà In-Chan House, Bangkok (1993).

 • Kiến trúc sư Mathew Bunnag đã xây ở Myanmar khách sạn Bayoke- Kandawgyi (1996).

  Kiến trúc đương đại Indonesia có các tác phẩm, tác giả tiêu biểu sau đây:

 • Nhóm Rekmatra Konsultan với toà nhà Town House ở Bundung, Tây Java (1989).

 • Kiến trúc sư Johan Silas với khu nhà ở cho người thu nhập thấp, Surabaya, Đông Java.

 • Kiến trúc sư Robi Sularto, toà nhà văn phòng chính phủ ở Flores (1972).

 • Kiến trúc sư Sonny Sutanto với Tường Ngân hàng STEKPI ở Jakarta (1988).

Kiến trúc đương đại Philipines được đánh dấu bằng các tác phẩm nhà ở tại Manila của bác sỹ N. Tiongson (1992) của kiến trúc sư Rosario Encarnacion-Tan và toà nhà ở Headfort (1992) của KTS. Emmanuel A. Mirana, đều được xây dựng ở Manila, (trên đây là những tìm tòi mang tính chất địa phương chủ nghĩa, không kể đến các trung tâm của chính quyền hay doanh nghiệp lớn).

Nói đến kiến trúc mới của Campuchia, không thể không đề cập đến vai trò của kiến trúc sư Vann Molyvann với các tác phẩm Khách sạn Campodiana, Pnom Penh (1992) và quần thể ở Sihanouk City Housing, cũng ở Pnom Penh.

Kiến trúc đương đại Myanmar là nói đến một số cái mới bên cạnh những cái cũ, và chỉ 15 năm gần đây Myanmar mới tiếp xúc với bên ngoài, làm nảy sinh xu hướng hiện đại hoá thiết kế, sử dụng vật liệu mới và kỹ thuật mới.

Kiến trúc đương đại Myanmar, dù là kiến trúc bản địa mới hay kiến trúc tôn giáo mới vẫn rất giàu chi tiết, một số vẫn sao chép hình thức cổ điển và rất chú ý đến cây xanh cũng như mặt nước. Bên cạnh các ngôi nhà tiện nghi mới, việc bảo quản, trùng tu các kiến trúc giá trị ở Myanmar bắt đầu được chú ý.

Kiến trúc hiện đại và đương đại Đông Nam Á đã có sự chuyển mình lớn, dù các nền kinh tế và sự giàu có không đồng đều ở các nước, nhưng các hướng đi đã được vạch rõ, các thành tựu mới đã được khẳng định, dù vẫn đang tìm tòi nhưng một con đường lớn giàu triển vọng, giàu tiềm năng đã được mở ra.

 
Nguồn: TC Xây dựng, số 9/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)